Sáng 14/8, Sân bay Quốc tế Hồng Kông đã hoạt động bình thường trở lại sau hai ngày căng thẳng khiến sân bay bị gián đoạn hoạt động.

phan doi luat dan do
Tại lối ra của hành khách và lối đi của sảnh sân bay, các sinh viên xếp hàng ngang để phát các tờ rơi, giơ áp phích, để nói cho du khách đến Hồng Kông biết nơi đây đang xảy ra việc gì. (Ảnh Epoch Times)

Sau cuộc đụng độ căng thẳng giữa cảnh sát và người biểu tình tối 13/8 tại Sân bay Quốc tế Hồng Kông, đến sáng 14/8, hầu hết người biểu tình và cảnh sát đã rời đi, chỉ còn lại một số ít người biểu tình còn nán lại sân bay.

Bảng thông tin của sân bay cho thấy hàng chục chuyến bay cất cánh từ đêm, hàng trăm chuyến bay dự kiến khởi hành trong suốt ngày hôm nay. Hàng trăm hành khách đã làm xong thủ tục và tới sảnh chờ.

Trước đó, tối 13/8, cảnh sát Hồng Kông đã dùng hơi cay trấn áp mở đường cho đội cứu thương vào sân bay đưa một người đi cấp cứu. 

Cảnh sát Hồng Kông đã bắt 5 người sau vụ đụng độ, những người này bị cáo buộc “giam giữ, quấy rối, tấn công một hành khách và một nhà báo, gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho họ”. Hai người này được những người biểu tình cho là một đặc vụ đến từ Đại lục và một phóng viên của cơ quan truyền thông của ĐCSTQ.

Hai cảnh sát cũng bị thương trong vụ đụng độ với người biểu tình.

>> Người Hồng Kông tập trung tại sân bay, nói sự thật với du khách quốc tế

Hoạt động của Sân bay Quốc tế Hồng Kông bị gián đoạn nhiều lần từ hôm 12/8 khi hàng nghìn người biểu tình tràn vào sân bay. Sân bay đã tuyên bố đóng cửa nhiều lần, hàng trăm chuyến bay bị huỷ. 

Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông bùng phát ngày 9/6 để phản đối dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm tới những nơi đặc khu chưa ký hiệp ước, trong đó có Trung Quốc đại lục. Người biểu tình còn yêu cầu Trưởng Đặc khu Carrie Lam phải từ chức.

Bà Carrie Lam trong buổi họp báo sáng 13/8 đã cảnh báo bạo lực trong các cuộc biểu tình đang làm tổn hại nền kinh tế và đẩy xã hội Hong Kong vào tình trạng nguy hiểm. Bà kêu gọi các bên bỏ qua bất đồng và bình tĩnh lại.

Trong buổi họp báo, nhiều nhà báo lên án cách Trưởng Đặc khu phản ứng với tình trạng bất ổn tại Hồng Kông. Một phóng viên nói với AFP: “Bà đổ lỗi sự đánh giá chính trị sai lầm của chính bà cho người khác, và bà đã từ chối thừa nhận sai lầm của mình.”

Bà Lam cũng tránh một câu hỏi về việc liệu bà có quyền tự chủ để rút lại hoàn toàn dự luật dẫn độ hay không.

Trong khi đó, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc kêu gọi chính quyền Hồng Kông kiềm chế trong hoạt động trấn áp người biểu tình và điều tra cáo buộc dùng vũ lực quá mức. 

Bảo Minh

Xem thêm: