Đứa trẻ bị mắc kẹt dưới đất kêu cứu mạng, những tiếng động viên nhau, đến buổi chiều ngày hôm sau chúng tôi nghe được tiếng hát ở… dưới đất… Đây là những cảnh mà tôi sẽ không bao giờ quên… Sau đó không còn tiếng động nào, cảnh tượng quá khủng khiếp…”, một người thân nạn nhân trận động đất nhớ lại.

động đất tứ xuyên
Hình ảnh người may mắn sống sót tại Miên Dương trong thảm họa động đất Tứ Xuyên ngày 12/5/2008 đi tưởng niệm người thân sau một năm thảm họa (Ảnh: Getty Images)

Ông Giang Phúc Hải, 48 tuổi, người Miên Trúc, con trai ông tên Giang Nhậm Hiên là học sinh trung học 17 tuổi đã chết trong trận động đất ngày 12/5. Trong trả lời phỏng vấn tờ Epoch Times vào ngày 7/9/2010, ông nhớ lại những chi tiết trên và không nén được cảm xúc đau đớn.

Ông cho biết đến ngày thứ bảy, sau khi dọn dẹp xong ngôi trường trung học mới tìm thấy thi thể của con trai mình, trong số 43 xác chết chỉ có vài cơ thể có chút chấn thương, những người khác toàn bị chết ngạt, khuôn mặt họ màu tím. “Chúng tôi ở ven thung lũng, giao thông thuận tiện, nhưng không có nhân viên cứu hộ đến. Đến ngày thứ tư thì quân đội mới đến.”

“Một số nhóm cứu hỏa đến trường học trước, trong số họ có một vài người tích cực (cứu giúp), nhưng một số người ngồi không làm gì, trong khi các phụ huynh học sinh không được phép vào. Một số phụ huynh đòi vào bằng được, nhưng có vào cũng vô dụng, chỉ thấy một đống đổ nát,” ông nói, “Đội cứu hộ cũng không thể làm gì được, vì không có máy móc cỡ lớn.”

Ông Giang Phúc Hải nhớ lại, lớp con tôi có 43 học sinh, nhưng may mắn còn 11 em sống sót, trong đó có 2 em may mắn còn nguyên vẹn tay chân, còn lại đều sống trong tình trạng tàn phế. “Chúng tôi ở lại trường học trong bốn ngày đêm, các thi thể đặt la liệt ở ngoài sân thể thao, từng thi thể đều có ảnh chụp, đánh số tổng cộng 326 thi thể, trong khi thông báo thực tế là 240. Danh sách này không bao giờ công khai… Giáo viên chủ nhiệm lớp không dám nói vì sợ mất việc.”; “Ban tiểu học Hán văn bên cạnh có hơn 200 trẻ thiệt mạng. Khi đó phải kéo các thi thể ra bằng xe ba bánh…”

Số người thiệt mạng vẫn là một dấu hỏi

Ngày 12/5/2008, tại huyện Vấn Xuyên, châu tự trị Ngawa, tỉnh Tứ Xuyên xảy ra trận động đất 7,8 độ Richter, dư chấn ảnh hưởng nhiều tỉnh như Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Cam Túc. Đây là trận động đất thê thảm nhất chỉ sau trận động đất ở Đường Sơn vào tháng 7/1976.

Có bao nhiêu người đã chết trong trận động đất? Vấn đề này luôn là một bí ẩn. Theo Báo cáo của Bộ Dân chính Trung Quốc cho biết, trận động đất Vấn Xuyên làm 69.227 người gặp nạn, 374.643 người bị thương và 17.824 người mất tích. Về số lượng học sinh gặp nạn, con số cuối cùng do chính quyền đưa ra là: 5.335 trường hợp học sinh tiểu học và trung học thiệt mạng. Nhưng công chúng không tin số liệu này.

Sau trận động đất, hai nhà hoạt động môi trường và nhân quyền ở Tứ Xuyên là Đàm Tác Nhân (Tan Zuoren) và Tạ Di Hùy (Xie Yihui) đã thực hiện một cuộc điều tra độc lập. Họ bôn ba hàng ngàn cây số tìm đến từng gia đình có con bị nạn, thu thập chứng cứ các trường học bị sập sau trận động đất Tứ Xuyên, liệt kê một danh sách dài các học sinh đã thiệt mạng. Ngày 09/2/2010, họ bị Toà án nhân dân Thành Đô buộc tội “kích động lật đổ chính quyền nhà nước” và bị kết án tù 5 năm, tước quyền tham gia chính trị trong 3 năm.

động đất tứ xuyên
Hình ảnh người may mắn sống sót tại Miên Dương trong thảm họa động đất Tứ Xuyên ngày 12/5/2008 đi tế người thân gặp nạn vào ngày 11/5/2009 (Ảnh: Getty Images)
động đất tứ xuyên
Hình ảnh người may mắn sống sót tại Miên Dương trong thảm họa động đất Tứ Xuyên ngày 12/5/2008 đi tế người thân gặp nạn vào ngày 11/5/2009  (Ảnh: Getty Images)

Không ai chịu trách nhiệm về “dự án bã đậu”

“Vào 14:28 ngày 12/5/2008, còn cách giờ lên lớp chưa đầy hai phút, các giáo viên trường tiểu học Phúc Tân 2 vẫn chưa ra khỏi phòng giáo viên, hầu hết các học sinh vừa nghỉ trưa thức dậy. Bất ngờ tòa nhà trường học ba tầng rung khẽ rung động và lập tức đổ sụp chôn vùi gần 200 học sinh”.

Sau đó giới truyền thông đưa tin, trong trận động đất tòa nhà của trường này lắc chưa đến 10 giây đã sụp đổ, trong khi một trường mầm non công lập và một số ngôi nhà cũ bên cạnh lại không bị đổ.

Hai tòa nhà phòng học của một trường trung học tên Tụ Nguyên (Juyuan) cũng đổ sụp ngay sau khi dư chấn làm 278 giáo viên và học sinh bị thiệt mạng, 11 người mất tích. Tuy nhiên, vì các tòa nhà xung quanh vẫn đứng vững nguyên vẹn khiến các phụ huynh học sinh khó có thể chấp nhận được thực trạng.

Khảo sát cho thấy, trong số 216.000 tòa nhà bị sụp đổ trong thảm họa động đất Tứ Xuyên có 6898 tòa nhà là trường học. Mô tả lại cảnh những tòa nhà trường học sụp đổ, giới truyền thông nhà nước cho biết: “Hiện trường tan hoang, những mảng xi măng giòn tan, có thể dễ dàng bẻ ra như cái bánh quy. Phần cốt thép cũng tương tự. Có những tấm xi măng chỉ có ba thanh sắt nhỏ, chỉ cần dùng sức một chút là bẻ gãy dễ dàng.”

Tuy nhiên, những “miếng đậu hũ” này vẫn còn tồn tại đó sau một thập kỷ, còn các quan chức địa phương bòn rút gần hết tiền cứu trợ nạn nhân động đất, nhưng mọi người đi khiếu kiện thế nào cũng không có chút chuyển biến. Kể từ khi trận động đất xảy ra đến nay, không có quan chức nào lên tiếng xin lỗi, thậm chí không có quan chức nào bị truy cứu trách nhiệm về chất lượng của các công trình mà qua trận động đất khiến chúng bị sụp đổ đã cho thấy rõ chúng vô cùng tồi tệ.

động đất tứ xuyên
Hơn 5.000 trường học đã sụp đổ trong thảm họa động đất Tứ Xuyên Trung Quốc vào ngày 12/5/2008 (Ảnh: AFP)

Embed from Getty Images

Cảnh thảm họa động đất tại Vấn Xuyên tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc vào ngày 12/5/2008  (Getty Images).

Embed from Getty Images

Đống đổ nát sau thảm họa động đất tại huyện Vấn Xuyên tỉnh Tứ Xuyên (Getty Images).

Gian nan con đường đi tìm công lý

Vào đêm trước ngày 12/5/2018, phụ huynh nhiều nạn nhân học sinh trong trận động đất lại một lần nữa yêu cầu chính phủ trung ương giữ lời hứa, thực hiện cam kết của họ, nhưng nhiều người đã bị hạn chế quyền tự do đi lại.

Trên trang thông tin Epoch Times, một phụ huynh nạn nhân học sinh chia sẻ, cứ gần đến ngày 12/5 họ lại lên Bắc Kinh kháng nghị, nhưng họ thường bị chặn lại ở ga phía nam Bắc Kinh và bị bắt lên một chiếc xe chở đi nơi khác.

Người phụ nữ trả lời phỏng vấn này cho biết, năm 2012 chị đi kiện quan chức tham nhũng, nhưng hơn 20 người của chính quyền địa phương ra bao vây, bao gồm cả Bí thư Ban Chính pháp, Trưởng Ban Tiếp nhận Thư phản ánh, Bí thư thôn và cả giới xã hội đen, chị đã bị đánh đập sau khi bị ép lên xe. Vào năm 2015, trong khi đi khiếu kiện chị đã bị một chiếc xe cố ý đâm vào làm bị thương. Vì đi khiếu kiện mà chị đã bị tịch thu gần chục chiếc điện thoại di động. Chị cho biết một số nạn nhân còn bị bắt giam vì đi khiếu kiện, nhiều nạn nhân vẫn đang bị giam giữ.

Ngày 26/4/2018, trên Đài Á Châu Tự Do (RFA), anh Tang Quân (Sang Jun), cha một học sinh tiểu học trường Phúc Tân 2 bị thiệt mạng trong thảm họa động đất chia sẻ, các phụ huynh học sinh đã cố gắng đến Bắc Kinh để khiếu nại, nhưng họ luôn bị chặn lại. “Hai ngày qua luôn có người theo dõi tôi. Vì mấy ngày trước, tôi và và một số phụ huynh có con gặp nạn đã đến Bắc Kinh, nhưng các quan chức chính phủ thuyết phục chúng tôi trở về, một số người đại diện cho các gia đình của các nạn nhân bị bắt giam”.

Một phụ huynh tên Lý Diệm (Li Yan) cho biết, cảnh sát đã cảnh báo họ không nên đi đến Bắc Kinh: “Vài ngày trước họ gọi chúng tôi lên trụ sở chính quyền và nói không được trả lời phỏng vấn truyền thông nước ngoài, bây giờ chúng tôi yêu cầu chính phủ có lời giải thích thỏa đáng cho chúng tôi về thực trạng chất lượng tệ hại của các công trình trường học. Ngoài ra phải có cam kết trách nhiệm nhà trường cho chúng tôi.”

động đất tứ xuyên
Sau một năm xảy ra thảm họa động đất Vấn Xuyên – Tứ Xuyên, nỗi đau của các gia đình có người bị nạn vẫn còn đó (Ảnh: Getty Images)

“Ngày thảm họa” trở thành “Ngày tạ ơn”?

Ngày 11/5/2018, trang thông tin Trung tâm Chính sách công Liễu Vọng (Lwinst) của nhà nước Trung Quốc đã đăng tải bài  viết cho biết, “Nhanh chóng tái thiết Vấn Xuyên, hoàn thành nhiệm vụ trong khoảng ba năm, để làm sao tất cả các gia đình có chỗ ở, mọi người có công ăn việc làm, cuộc sống được bảo đảm…”.

Trả lời phỏng vấn tờ Epoch Times, ông Tằng Thiên Bích (Zeng Tianbi) cho biết, các cơ quan truyền thông nói thì nghe thật hay, trên thực tế mọi người không nhận được hưởng các khoản trợ cấp mà nhà nước cung cấp cho các nạn nhân. “Hiện nay quan tham ngày càng ngông cuồng. Địa phương không chấp hành chính sách của trung ương. Chính phủ trung ương cho biết trợ cấp sửa chữa nhà là 5000 – 8000 nhân dân tệ, nhưng thực tế địa phương chỉ chi cho 1500 nhân dân tệ. Theo chính quyền trung ương, nhà nào phải xây dựng lại mới thì hỗ trợ 24.000 nhân dân tệ, nhưng thực tế địa phương chỉ hỗ trợ cho hơn 10.000 nhân dân tệ”.

Mười năm sau trận động đất Vấn Xuyên, những bậc cha mẹ của những đứa trẻ đã thiệt mạng vẫn không nhận được lời xin lỗi và bồi thường hợp lý. Thảm họa khủng khiếp này, đáng lẽ ngày 12/5 nên là “ngày thảm họa” hay “ngày nạn nhân động đất”, nhưng ngay trước thời điểm tròn 10 năm ngày xảy ra trận động đất, chính quyền Trung Quốc lại gọi ngày xảy ra thảm họa động đất này là “ngày tạ ơn”, gây phẫn nộ trong cộng đồng.

Trên trang Epoch Times, nhà văn Internet nổi tiếng Kinh Sở (Jing Chu) cũng là chuyên gia nghiên cứu lịch sử dân gian cho biết, xưa nay Ban Tuyên truyền Trung ương Trung Quốc luôn lấy việc tang thương làm việc vui. Vốn dĩ chính phủ đã không làm tốt chức năng cứu trợ thiên tai, gây ra thảm họa. Ban Tuyên truyền Trung ương lại tự hào rằng họ là “vĩ đại – quang vinh – chính nghĩa”. Đây là phát ngôn thường thấy của chính quyền cộng sản Trung Quốc.

“Chính quyền Trung Quốc thường cố gắng né tránh mâu thuẫn, chỉ cho phép những lời ca ngợi công trạng, những ai chỉ trích hoặc nghi ngờ bị xem là thế lực thù địch, cho bắt giam họ, xử án bỏ tù”. Ông nói: “Không cho phép truy cứu trách nhiệm, xảy ra một thảm họa lớn như vậy, lộ ra những dự án tệ hại làm cả thế giới cảm thấy sốc, vậy mà không đưa ra một lời giải thích nào cho người dân trên khắp đất nước, thản nhiên khoe khoang mà không biết xấu hổ, đây chính là sự vô liêm sỉ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Nhà văn Kinh Sở cho rằng, hiện nay hệ tư tưởng cộng sản tại Trung Quốc đã hoàn toàn bị phá sản, “thí nghiệm chủ nghĩa cộng sản đã qua trăm năm, ‘giá trị’ vĩ đại nhất của nó đối với loài người là vô số xương trắng, máu và nước mắt.” Ông cho rằng, tuyên truyền dối trá của chính quyền cộng sản Trung Quốc đã không thể lừa dối được người dân trong nước, ngày tồn tại của nó sẽ không còn dài.

Huệ Anh

Xem thêm: