Mùa hè năm nay liên tiếp xảy ra thảm họa lũ lụt trên sông Trường Giang, đập Tam Hiệp một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý. Đập xả lũ đã dẫn đến mực nước của hàng ngàn cây số đê phòng lũ vượt mức báo động, tác dụng phòng ngừa lũ của con đập khổng lồ này cũng bị nghi ngờ. Sau 26 năm khởi công xây dựng và sau 11 năm hoàn công, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đột nhiên tuyên bố, công trình Tam Hiệp đã hoàn tất nghiệm thu chỉnh thể. Lễ nghiệm thu lặng lẽ không có lãnh đạo nào xuất hiện. 

Đập Tam Hiệp
Đập Tam Hiệp tại Trung Quốc. (Ảnh: isabel kendzior / Shutterstock).

Ngày 1/11, Bộ Thủy lợi ĐCSTQ, Ủy ban Phát triển và Cải cách tuyên bố công trình Tam Hiệp hoàn tất toàn bộ trình tự nghiệm thu chỉnh thể, đồng thời có được kết luận rằng công trình Tam Hiệp hoàn thành toàn diện, chất lượng công trình đáp ứng được yêu cầu quy trình quy phạm và thiết kế, tổng thể tốt, hiệu quả tổng hợp như chống lũ, phát điện, vận tải, sử dụng nguồn tài nguyên nước đều phát huy tác dụng toàn diện.

Tháng 12/1994, đập Tam Hiệp khởi công, trải qua 15 năm, công trình này hoàn công vào cuối năm 2009.

Sau 26 năm khởi công và sau 11 năm hoàn thành kiến thiết, công trình Tam Hiệp cuối cùng mới hoàn thành nghiệm thu chỉnh thể. 

Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) nghi ngờ, điều kỳ lạ là đầu mối thủy lợi Tam Hiệp Trường Giang quan trọng liên quan đến hồ chứa nước, trạm phát điện và nhiều hạng mục kiến thiết, vì sao đến nay – sau 26 năm khởi công, mới tuyên bố “nhiệm vụ xây dựng công trình Tam Hiệp đã hoàn thành toàn bộ”? 

Bản tin của RFI nói, mùa hè năm nay khi lũ trên sông Trường Giang tràn lan khắp nơi, thành phố Trùng Khánh ở thượng nguồn Trường Giang bị ngập nặng, thành phố Vũ Hán ở hạ nguồn bị nước nhấn chìm, chức năng xả lũ của khu vực hồ chứa Tam Hiệp và cả tính năng an toàn của con đập lại một lần nữa bị nghi ngờ. Năm xưa khởi công một cách rầm rộ, ngăn chặn dòng chảy một cách rầm rộ, đến nay “công trình thế kỷ” này lại lặng lẽ “vượt qua quan nghiệm thu” và không thấy bóng dáng của lãnh đạo.

Nhà bình luận nổi tiếng “Mắt lạnh tài chính” cho biết: “Năm 2006, con đập xây xong phần đỉnh và không thấy Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo. Sau 11 năm xây dựng xong, đơn vị nghiệm thu chỉ là Bộ Thủy lợi và Ủy ban Phát triển và Cải cách, không thấy lãnh đạo quốc gia như Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường tới tham dự! Ai cũng đều đang bận đẩy trách nhiệm!”

Mùa hè năm 2020, nhiều tỉnh của Trung Quốc liên tiếp xảy ra mưa lớn trong nhiều tháng, khiến cho lũ xuất hiện nhiều nơi, lưu vực Trường Giang liên tiếp đón 5 đỉnh lũ, ập xuống trung và hạ lưu. Từ giữa tháng 6, đập Tam Hiệp tiếp tục “xả siêu lũ”, làm tăng thêm tình hình nghiêm trong của lũ lụt ở hạ lưu. Hàng ngàn cây số đê phòng lũ có mực nước vượt báo động, tình hình phòng chống lũ vô cùng gay go. Nguy cơ “Đập Tam Hiệp vỡ” cũng một lần nữa trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi.

Ngày 12/7, truyền thông của ĐCSTQ công bố các bài viết như “Đập Tam Hiệp cố hết sức, xin đừng tiếp tục chỉ trích nó nữa”, “Xin lỗi, đập Tam Hiệp đã làm hết sức!” để tiến hành đẩy trách nhiệm. Ngoại giới cho rằng, điều này giống như phán tử hình cho đập Tam Hiệp.

Ngày 18/7, Tân Hoa Xã cũng thừa nhận đập Tam Hiệp xảy ra “dịch chuyển, rò rỉ, biến dạng”, nhưng không đưa ra dữ liệu cụ thể về vị trí dịch chuyển, rò rỉ và biến dạng.

Công trình Tam Hiệp từ khi khởi công đến nay, liên tiếp có nghi ngờ về vấn đề chất lượng. Năm 2003, trước khi hồ chứa nước Tam Hiệp bị trữ nước, Tổ nghiệm thu công trình Tam Hiệp thuộc Quốc vụ viện đã phát hiện trên bề mặt của đập có hơn 80 vết nứt. Năm 2008 – 2012, khu vực hồ chứa Tam Hiệp xảy ra 401 vụ nguy hiểm do thảm họa địa chất. 

Còn khu vực trung và hạ lưu Trường Giang, liên tiếp năm nào cũng xuất hiện thời tiết dị thường: địa chấn, khô hạn, nhiệt độ cao, thảm họa lũ, thảm họa Hồ Bà Dương gần như khô cạn liên tiếp lặp lại.

Tổng thiết kế sư của đập Tam Hiệp, bản thân viện sĩ lưỡng viện ĐCSTQ Phan Gia Tranh, cũng hiểu rất rõ ràng về tính nguy hại của công trình Tam Hiệp. Ông từng liệt kê ra “20 tội trạng” của công trình Tam Hiệp, cho rằng không nên xây dựng nó: Lượng lớn đất đai, rừng cây sẽ bị ngập; di dời nơi cư trú xâm phạm nhân quyền; gây ra địa chấn; nhấn chìm văn vật cổ; làm chất lượng nước xấu đi, ảnh hưởng tàu thuyền lưu thông; rủi ro vỡ đập, v.v.

Sau khi tham gia kiến thiết công trình, đích thân trải qua tình trạng di dân, ông đã viết lại: “Nơi đó giống như đối mặt với đại ôn dịch hoặc trước đại chiến dịch, sự lộn xộn khắp nơi, một vùng hỗn loạn và thê lương”. Ông từng hối hận rằng: “Chúng tôi thực sự xin lỗi di dân”.

Nhưng, ông Phan Gia Tranh vẫn viết trong báo cáo đánh giá công trình Tam Hiệp năm xưa rằng, công trình Tam Hiệp là “Vạn lý Trường Thành bằng sắt thép, chất lượng vô cùng tốt, vạn năm không sụp đổ”. 

Ông Phan Gia Tranh qua đời vào ngày 13/7/2012. Ông từng kể lại ác mộng của mình trong “Mộng Tam Hiệp”: Mơ thấy bản thân bị thẩm vấn trước “Tòa án môi trường sinh thái quốc tế”, ông bị phán “khai trừ nhân tịch, vĩnh viễn đọa vào ma đạo, bị đưa đến âm ti địa ngục để chịu khổ lăng trì”.

Ông Lý Nhuệ và ông Hoàng Vạn Lý là hai đại nguyên lão trong ĐCSTQ thuộc phe phản đối công trình Tam Hiệp. Cuối cùng họ đều ý thức được một cách sâu sắc rằng: Vấn đề Tam Hiệp thực chất không phải là vấn đề kỹ thuật, dân sinh và kinh tế, mà là vấn đề của tự thân ĐCSTQ. 

Ông Lý Nhuệ nói: “[Trong thể chế ĐCSTQ] ý kiến chính xác bị phủ định, ý kiến sai lầm được ưa thích; đối với việc sử dụng nhân tài là tốt thì đào thải, xấu thì được dùng”.

Hồi tháng 8 năm nay, bà Lý Nam Anh – con gái của ông Lý Nhuệ, đã trả lời phỏng vấn của RFI và chỉ ra, “Đập Tam Hiệp không những chức năng phòng lũ bằng 0, mà còn là giá trị âm”. 

Bà Lý Nam Anh nói, ban đầu công trình Tam Hiệp chỉ là xây dựng để “phòng lũ”, về sau lại biến thành công trình tổng hợp phát điện, phòng lũ, vận tải. Khi đó, cha của bà cân nhắc đến việc Thế chiến thứ II mới vừa kết thúc, nên đã thuyết phục Mao Trạch Đông bỏ suy nghĩ xây dựng đập Tam Hiệp. Mặc dù về sau nhiều lần nhắc tới, nhưng do nhân tố kinh tế, năng lực của công trình nên đã gác lại. 

Đến năm 1989, sau cuộc đàn áp đẫm máu phong trào sinh viên Lục Tứ, vì ổn định lòng dân và tuyên bố cái gọi là quốc uy, nên Giang Trạch Dân đã hạ lệnh xây dựng đập Tam Hiệp. Bà Lý Nam Anh nhấn mạnh, mới đầu khi thiết kế đập Tam Hiệp, không có luận chứng về tính tổng hợp và thống nhất của công trình, Tam Hiệp không những không phòng lũ mà cần xả lũ, dẫn đến hạ nguồn bị ngập nặng hơn nữa.

Bà nói, tình trạng lũ lụt thê thảm trên sông Trường Giang năm nay, hoàn toàn thể hiện sự thực rằng đập Tam Hiệp không có chút chức năng chống lũ nào, bởi vì đập xả lũ ngược lại còn gây ra đại họa cho hạ nguồn, không có phương pháp nào ‘mất bò mới lo làm chuồng’, trừ phi cho nó “nổ tung”.

Khi đập Tam Hiệp mới được xây dựng, chuyên gia công trình thủy lợi Trung Quốc, giáo sư Khoa Thủy lợi của Đại học Thanh Hoa là ông Hoàng Vạn Lý từng nhiều lần gửi thư cho ông Giang Trạch Dân để phản đối xây dựng công trình Tam Hiệp.

Ông Hoàng Vạn Lý đã nói về nguy hại của công trình Tam Hiệp từ nhiều phương diện như địa chất, môi trường, sinh thái, quân sự. Ông cảnh báo sau khi hồ chứa Tam Hiệp trữ nước, đá cuội sẽ chặn lũ Trùng Khánh, Tứ Xuyên, phải bỏ ra chi phí khổng lồ cho công trình, và ắt sẽ tạo thành họa hại cho tái định cư, đồng thời dự báo nếu xây dựng công trình Tam Hiệp, cuối cùng nó sẽ bị nổ tung.

Cựu chuyên gia thủy lợi Trung Quốc Vương Duy Lạc cũng nói, chất lượng thi công sơ bộ công trình Tam Hiệp rất kém, từ năm 2003 bắt đầu thử vận hành đến nay đều vẫn chưa từng nghiệm thu, không có ai dám đảm bảo chất lượng của nó. Ông dự đoán, đập Tạ Hiệp cuối cùng sẽ bị nổ tung. 

Cố Thủ tướng ĐCSTQ Lý Bằng hồi năm 2003 xuất bản cuốn Nhật ký Tam Hiệp, trong đó có nói: Sau năm 1989, tất cả các quyết sách liên quan đến công trình Tam Hiệp, đều là do Giang Trạch Dân chủ trì và đưa ra. 

Kết quả, ngày 20/5/2006, tại lễ hợp long toàn bộ công trình Tam Hiệp vào ngày 20/5/2006, hơn 300 phóng viên của gần 100 kênh truyền thông Trung Quốc như Đài truyền hình Trung ương CCTV, Tân Hoa Xã, Quang Minh Nhật báo, v.v, đến để đưa tin. Tuy nhiên, Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết, hoạt động chúc mừng này không có lãnh đạo trung ương tham gia, người tham gia hoạt động này chủ yếu là những nhà kiến thiết công trình Tam Hiệp. Tờ Tân Kinh báo tại Trung Quốc đưa tin, hoạt động chúc mừng được tổ chức chỉ có 8 phút, và chi phí vài trăm tệ. 

Trong nhiệm kỳ của Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo, tại lễ hoàn công toàn bộ công trình Tam Hiệp vào năm 2009, không có một lãnh đạo ĐCSTQ nào đến hiện trường chúc mừng, đây là điều cực kỳ hiếm gặp.

Tờ Asia Times tại Hồng Kông khi đó đưa tin, hai người Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo vẫn luôn biểu hiện một cách lạnh nhạt đối với công trình Tam Hiệp. Sau khi ông Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền, chưa từng một lần đến công trường thi công công trình Tam Hiệp. Đầu tháng 3/2003, ông Ôn Gia Bảo làm Thủ tướng ĐCSTQ, theo lý cũng cần đồng thời tiếp nhậm chức Chủ nhiệm Ủy ban xây dựng Tam Hiệp, nhưng sau đó hai tháng mới nhậm chức vụ này. Trong hơn 3 năm sau đó, ông Ôn Gia bảo chỉ có 2 lần đến khu vực hồ chứa Tam Hiệp, mỗi lần đều chỉ là chú ý đến vấn đề di dân ở khu vực Tam Hiệp, không hề có hứng thú lớn đối với bản thân công trình này. 

Bài viết phân tích, ông Hồ Cẩm Đào học đại học ngành công trình thủy lợi và ông Ông Gia Bảo học ngành địa chất, nên tự nhiên có suy nghĩ đối với vấn đề đập Tam Hiệp. Hơn nữa họ đi đến quá gần với công trình Tam Hiệp, dù công trình Tam Hiệp không xảy ra rối loạn, công lao chỉ tính cho ông Lý Bằng, họ chúc mừng rầm rộ chẳng qua cũng chỉ là thêu hoa trên gấm, không hề có lợi ích thực tế nào; chẳng may biến thành một đống đổ nát, món nợ này ngược lại sẽ tính lên đầu họ! Qua đánh giá rủi ro công trình Tam Hiệp, ông Hồ Cẩm Đào và ông Ôn Gia Bảo tình nguyện im lặng hơn, đây là điều hoàn toàn có thể hiểu được. 

Lâm Trung Vũ

Xem thêm:

Ông Trần Nhật Quân: Giáo hoàng bị kiểm soát, Vatican cúi đầu trước ĐCSTQ

Trường Đảng Trung ương: Ngôi trường có tỷ lệ sinh viên phạm tội cao nhất tại Trung Quốc