Gần đây, việc 500 nghiên cứu sinh khoa học kỹ thuật Trung Quốc bị Mỹ từ chối visa có thể nói là đã gây sóng gió lớn tại Trung Quốc. Mới đây, truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết, 500 người này đang chuẩn bị khởi kiện Chính phủ Mỹ để duy hộ “quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân”, đồng thời nói rằng đã sẵn sàng “chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài”

shutterstock 3010653321
Người Trung Quốc xếp hàng trước Lãnh sự quán Mỹ tại Quảng Châu chờ xin visa (Nguồn: Freer/ Shutterstock)

Ngày 12/7, truyền thông của ĐCSTQ là tờ Thời báo Hoàn Cầu nói rằng tháng 5/2020, chính quyền của đương nhiệm Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã ký lệnh hành pháp tổng thống số hiệu 10043, lấy lý do “phòng ngừa gián điệp” và “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”, để tiến hành hạn chế nghiêm ngặt sinh viên và học giả nhóm ngành khoa học công nghệ đến Mỹ học tập, giao lưu. Một năm sau, chính quyền Mỹ đương nhiệm (chính quyền Biden) vẫn tiếp tục việc này, khiến cho visa đi Mỹ của sinh viên Trung Quốc liên quan đến ngành học hoặc bối cảnh giáo dục vẫn bị “từ chối vô lý”. 

Vì để bảo vệ “quyền và lợi ích hợp pháp” của bản thân, gần đây nhóm sinh viên Trung Quốc chuẩn bị khởi kiện tập thể Chính phủ Mỹ, đồng thời đã sẵn sàng chuẩn bị “cuộc chiến lâu dài”. Theo báo cáo, nhóm du học sinh Trung Quốc chuẩn bị khởi kiện tập thể này đến từ 8 trường học khoa học công nghệ hàng đầu Trung Quốc, trong đó có các trường được gọi là “Quốc phòng thất tử” (7 trường đại học liên quan đến quốc phòng) như: Đại học Giao thông vận tải Thượng Hải, Đại học Công nghiệp Cáp Nhĩ Tân, Học viện Công nghệ Bắc Kinh, Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh, Đại học Hàng không Vũ trụ Nam Kinh, Đại học Khoa học kỹ thuật điện tử, Đại học Công nghiệp Tây Bắc, Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh. 

Báo cáo cho biết, hiện tại một số du học sinh Trung Quốc bị từ chối cấp visa đã tự lập trang web, đồng thời lên kế hoạch mời luật sư dân quyền và di dân Mỹ Ira J. Kurzban làm luật sư đại diện để thúc đẩy vụ tố tụng lần này, số sinh viên tham gia vụ kiện tập thể này hiện đã có khoảng 1.100 người.

Thông tin về việc du học sinh Trung Quốc muốn kiện tập thể đối với Chính phủ Mỹ được lan truyền nóng trên mạng xã hội Twitter bên ngoài Trung Quốc. 

Người dùng Twitter có tên “Lãnh Sơn bình luận thời sự” đăng bài cho biết: “Nhóm du học sinh Trung Quốc bị từ chối cấp visa chuẩn bị kiện Chính phủ Mỹ, du học sinh kể về trải nghiệm bị từ chối một cách thảm.” Và dùng một số câu hỏi vặn để châm biếm, “Đây không phải là công việc nội bộ của Mỹ ư? Chẳng phải Mỹ là nơi dầu sôi lửa bỏng sao? Trung Quốc chẳng phải là nơi an toàn nhất ư? Chẳng phải là tách khỏi du học sinh Trung Quốc thì các trường giáo dục bậc cao của Mỹ đều sẽ phá sản ư? Vì sao cứ mặt dày muốn đến Mỹ?”. 

Ngày 6/7, truyền thông chính thức tại Trung Quốc là tờ Nhật báo Trung Quốc cho biết, có hơn 500 nghiên cứu sinh khoa học kỹ thuật Trung Quốc bị Mỹ từ chối cấp visa khi xin visa đến Mỹ. 

Được biết, 500 sinh viên này chuẩn bị đến Mỹ học thạc sĩ, thậm chí cả tiến sĩ, phần lớn là học chuyên ngành khoa học và kỹ thuật như kỹ thuật điện và điện tử, máy tính, cơ khí, hóa học, khoa học vật liệu, y sinh học, v.v. Các trường mà sinh viên này dự kiến đến học đều là các trường đại học, học viện đứng nhất nhì trên toàn nước Mỹ. Bao gồm Đại học Harvard, Đại học Yale, Đại học California phân hiệu Berkeley, Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Johns Hopkins, v.v.

Ngày 6/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã nhanh chóng đưa ra hồi đáp về việc này, mạnh mẽ kháng nghị cách làm của Mỹ, nói phía Trung Quốc biểu thị quan ngại nghiêm trọng về việc này, và đã đưa ra “can thiệp nghiêm khắc” với phía Mỹ, yêu cầu Mỹ “sửa chữa sai lầm”, chấm dứt lợi dụng các loại lý do “để hạn chế và chèn ép vô cớ” du học sinh Trung Quốc. Đồng thời còn nói rằng sẽ bảo vệ “quyền và lợi ích hợp pháp” của du học sinh Trung Quốc, v.v.

Ngày 8/7, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc đã đưa ra hồi đáp về việc Mỹ từ chối cấp visa rằng hạn chế visa đối với một bộ phận du học sinh Trung Quốc chỉ ảnh hưởng đến rất ít sinh viên Trung Quốc, nhưng lại là điều cần thiết để ngăn chặn ĐCSTQ lợi dụng công nghệ của Mỹ để nhằm đạt được mục đích của bản thân họ. Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ cho biết, phía Mỹ vẫn chào đón sinh viên Trung Quốc không liên quan đến chuyên ngành công nghệ kỹ thuật quân sự đến Mỹ học tập. 

Mấy năm qua, truyền thông liên tiếp đưa tin du học sinh và học giả Trung Quốc bị cuốn vào các vụ án tiết lộ quyền sở hữu trí tuệ và thành quả nghiên cứu của Mỹ ra ngoài. 

Tháng 1/2020, Cục Điều tra Liên bang Mỹ đã bắt giữ chủ nhiệm Khoa Hóa học Đại học Harvard và 2 nghiên cứu viên quốc tịch Trung Quốc. Trong đó có một nghiên cứu viên tên Diệp Yến Thanh, cấp bậc Trung úy trong quân đội Giải phóng quân của ĐCSTQ. Người này bị cáo buộc che giấu bối cảnh quân đội khi xin cấp visa, đồng thời trong thời gian học tập tại Đại học Boston đã thu thập thông tin của hai nhà khoa học trong lĩnh vực robot và máy tính trong trường học quân sự tại Mỹ, sau đó gửi các tài liệu và thông tin về Trung Quốc. Một nghiên cứu viên khác là Zheng Zaosong (Trịnh Tảo Tùng) năm 2018 đã cố gắng vận chuyển 20 lọ chứa mẫu sinh vật về Trung Quốc, cuối cùng đã bị bắt tại Sân bay quốc tế Boston. 

Để phòng ngừa công nghệ kỹ thuật nhạy cảm bị đánh cắp, Mỹ đã liên tục tăng cường kiểm tra visa đối với du học sinh Trung Quốc. 

Tháng 5/2020, đương nhiệm Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó đã ký “Thông cáo tổng thống số hiệu 10043”, mục đích là cấm du học sinh Trung Quốc có liên hệ với quân đội Trung Quốc có được visa F hoặc visa J để nhập cảnh vào Mỹ học tập hoặc bất cứ công dân Trung Quốc nào thuộc diện phi di dân nhập cảnh vào Mỹ tiến hành nghiên cứu. Tháng Sáu cùng năm, Mỹ dựa vào thông cáo này để từ chối visa của hàng ngàn du học sinh Trung Quốc, mục tiêu nhắm tới là sinh viên Trung Quốc hiện tại hoặc đã từng có mối liên hệ với phía quân đội ĐCSTQ, nhất là nghiên cứu sinh và nghiên cứu viên sau tiến sĩ. 

Tháng Sáu năm ngoái, tại cuộc họp báo ngắn, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ không khoan nhượng việc Trung Quốc (ĐCSTQ) cố gắng có được công nghệ Mỹ và quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ từ những cơ quan học thuật và cơ quan nghiên cứu của Mỹ, và cuối cùng dùng nó cho các dự án quân sự của Trung Quốc (ĐCSTQ). Nhưng điều cần nhấn mạnh là đây không phải có ý rằng Mỹ muốn ngăn chặn tất cả sinh viên và học giả Trung Quốc đến Mỹ.

Văn Lệ, Vision Times

Xem thêm: