Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cho biết, nhiều sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học Úc đã tạo ra một môi trường tự kiểm duyệt bằng cách giữ im lặng; trong khi những giảng viên cố gắng tránh việc chỉ trích Bắc Kinh.

Embed from Getty Images

Một số phụ huynh tại Trung Quốc đại lục đã bị cảnh sát Trung Quốc thẩm vấn về những hoạt động của con cái họ tại Úc. Cảnh sát Hồng Kông cũng đã thẩm vấn một du học sinh về nước về những hoạt động ủng hộ dân chủ của người này tại nước ngoài, Human Rights Watch cho biết trong một báo cáo công bố hôm 30/6.

Việc tự kiểm duyệt đã trở nên tồi tệ hơn khi nhiều trường đại học áp dụng hình thức học trực tuyến trong thời gian đại dịch COVID, khiến các sinh viên Trung Quốc khi tham gia lớp học đã phải dè chừng trước sự kiểm soát của “Vạn lý Tường lửa”.

“Xu hướng này đã làm tổn hại đến tự do học thuật của tất cả các sinh viên trong lớp,” tác giả báo cáo – bà Sophie McNeill nói với Reuters. 

“Nó làm xói mòn tự do học thuật của Úc,” bà nói thêm.

Trong một ví dụ, một khoá học trực tuyến đã xoá các đường dẫn về vụ đàn áp đẫm máu ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, bà nói.

Phản hồi lại báo cáo, một số trường đại học Úc khẳng định họ đều cam kết tự do học thuật và thúc giục “nếu bất cứ sinh viên hay nhân viên nào bị ép buộc hoặc bị hăm doạ, hãy tới thẳng trường của họ.”

Bộ trưởng Giáo dục Úc Alan Tudge nói báo cáo đã đưa ra “những vấn đề được quan tâm sâu sắc,” và chính phủ sẽ tham khảo các tư vấn từ Uỷ ban quốc hội về tình báo và an ninh.

“Bất cứ sự xâm phạm nào của các thực thể nước ngoài vào khuôn viên trường chúng tôi đều không thể được dung thứ,” ông tuyên bố.

Phản ứng với báo cáo, đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra nói “Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã trở thành một công cụ chính trị cho phương Tây để tấn công và bôi nhọ các nước đang phát triển. Họ luôn thành kiến với Trung Quốc.”

Trước đại dịch COVID-19, 40% sinh viên quốc tế tại Úc là người Trung Quốc, chiếm 10% tổng số sinh viên đại học ở nước này. Gần như một phần ba thu nhập trong khu vực đại học là từ học phí của sinh viên quốc tế.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã phỏng vấn 24 sinh viên có quan điểm “ủng hộ dân chủ” đã theo học các trường đại học Úc, trong số đó 11 người đến từ Trung Quốc đại lục và 13 từ Hồng Kông. Họ cũng phỏng vấn 22 giáo sư đại học.

Nhóm nhân quyền đã xác minh ba trường hợp có gia đình ở Trung Quốc bị cảnh sát cảnh báo về hoạt động của con em họ ở Úc.

“Nếu bạn chống đối Đảng cộng sản Trung Quốc ở nước ngoài, họ sẽ tìm những người thân yêu của bạn để bắt bạn trả giá, ngay cả khi bạn ở Úc,” một sinh viên giấu tên nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

Người sinh viên nói anh đã đăng tài liệu “chống chính phủ” trên Twitter, cho biết cảnh sát Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo chính thức với cha mẹ anh hồi năm ngoái.

Một sinh viên từ Hồng Kông đã phải báo cho cảnh sát Úc sau khi bốn người đàn ông đeo khẩu trang và nói tiếng Hoa phổ thông xuất hiện bên ngoài khu nhà của anh và cầm gậy rượt đuổi anh sau khi anh phát biểu tại một cuộc tuần hành dân chủ. Sau vụ việc, sinh viên này đã phải ngủ trong xe sau đó chuyển nhà. Anh đang xin quy chế tị nạn tại Úc.

Báo cáo cho biết, các mối đe dọa từ những người bạn Trung Quốc “yêu nước” cùng lớp, bao gồm tiết lộ chi tiết địa chỉ trên mạng (được gọi là doxxing) và đe dọa báo cáo các sinh viên có quan điểm chống Trung Quốc cho đại sứ quán đang ngày càng phổ biến hơn.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết hơn một nửa số sinh viên từng bị đe dọa không báo cáo điều này cho trường học ở Úc của họ.

“Họ tin rằng trường học quan tâm nhiều hơn đến việc duy trì quan hệ với chính phủ Trung Quốc và không ghét bỏ các sinh viên ủng hộ ĐCSTQ,” bà McNeil nói.

Một nửa số giáo sư đại học được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn nói họ đã tự kiểm duyệt trong lớp học, báo cáo cho biết.

“Hết vị giáo sư này đến vị giáo sư khác đều tránh thảo luận về Trung Quốc trong lớp học,” bà McNeil nói.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết họ muốn chính phủ Úc báo cáo hàng năm về các vụ quấy rối và kiểm duyệt, còn các trường đại học sẽ phân loại các sinh viên bị bạn học hoặc nhân viên báo cáo về việc quấy rối để làm căn cứ thi hành kỷ luật.

Ngân Hà (theo Reuters)

Xem thêm: