Trong vài tháng qua, số lượng công dân Trung Quốc mạo hiểm lặn lội từ Trung và Nam Mỹ đến biên giới Mỹ – Mexico đã tăng mạnh. Trung Quốc hiện tại là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, điều gì khiến nhiều người liều mạng vượt biên như vậy?

p3330921a100891057
Cả nhà Trương Tuần (hóa danh) rời Texas đi tìm cuộc sống mới tại Mỹ (Ảnh: VOA)

Theo thống kê của Hải quan Mỹ, kể từ tháng 10 năm ngoái, số lượng người Trung Quốc vượt biên lậu đã vượt quá 6.500 người, tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao nhất trong lịch sử. Ngoài việc trả tiền cho những kẻ đứng đầu tổ chức vượt biên và chiến đấu với bọn cướp, những người vượt biên này còn phải đi bộ một quãng đường dài trong khu rừng nguy hiểm. Điều này gợi nhớ đến những làn sóng chạy trốn do các phong trào chính trị và sự nghèo đói về kinh tế trong lịch sử Trung Quốc. 

Trong gần 1 tuần phỏng vấn tại 4 thành phố ở biên giới Mỹ – Mexico, phóng viên VOA đã gặp hơn 50 người Trung Quốc vượt biên. Vào ngày cuối cùng của cuộc phỏng vấn, phóng viên đã gặp người Trung Quốc vừa mới đến thành phố biên giới Mexico.

Trong số họ có người đi một mình, có người đi cả gia đình. Họ đến từ các nơi khác nhau ở Trung Quốc, người lớn nhất ở độ tuổi 50, 60, nhỏ nhất là trẻ sơ sinh vài tháng tuổi, nhiều người trong số họ là những người sinh sau năm 1980, 1990.

Trong số họ, có người đang chờ đợi ở các thành phố biên giới của Mexico để có cơ hội vào Mỹ; có người đã bơi qua sông biên giới để đến Mỹ; có người sau khi vượt biên trái phép đã bị cơ quan thực thi nhập cư biên giới Mỹ bắt giữ, sau đó được thả, tức là được đưa đến các thành phố khác của Mỹ để chờ thẩm phán di trú ra phán quyết về trường hợp của họ.

Hầu hết trong số họ biết về vượt biên từ phương tiện truyền thông xã hội và Internet, lợi dụng chính sách miễn thị thực của Ecuador, sau đó đi qua khu rừng nhiệt đới Darien Gap của Panama, đi qua Châu Mỹ Latinh để lên phía Bắc, và đến biên giới Mỹ – Mexico.

Họ ít nhiều đã trải qua cảnh tống tiền, cướp bóc và cảnh sát dỏm, cũng như những đau khổ về thể xác khi đi xuyên rừng nhiệt đới. Cũng có những người bị bắt cóc, để lại những vết sẹo hằn vào xương thịt trên cổ tay, trở thành nỗi đau mà họ không bao giờ muốn nhắc đến.

Một số người trong số họ có nhận thức rõ ràng và lên kế hoạch cho cuộc sống sau khi đến Mỹ, trong khi những người khác thì lại đi đến đâu hay đến đó, mà không biết những vấn đề hoặc rủi ro mà họ có thể gặp phải sau này.

Họ sẽ mất ít nhất một tháng để đi hết con đường và mỗi người sẽ tiêu từ 50.000 đến 60.000 nhân dân tệ (khoảng  7.692 –  9.230 USD), người nhiều thậm chí mất tới hơn 200.000 nhân dân tệ (khoảng 30.769 USD).

Tại sao họ lại rời xa đất nước và quê nhà, dấn thân vào con đường vượt biên nguy hiểm trùng trùng và tốn kém? Phóng viên của VOA đã phỏng vấn 6 – 7 người Trung Quốc vượt biên ở biên giới Mỹ – Mexico và câu chuyện của họ có thể cung cấp một phần đáp án cho câu hỏi này.

Để bảo vệ những người được phỏng vấn, tên các nhân vật được sử dụng là hóa danh (tên giả) hoặc chữ viết tắt.

Tiểu Trương: Sinh sau năm 1990, đến từ miền trung Trung Quốc, nghề nghiệp không được tiết lộ, vượt biên một mình

“Tôi đã tiếp xúc rất nhiều người, thực tế họ là những người trẻ tuổi như tôi, là những người dám phản kháng. Nhưng chính phủ quá mạnh và có nhiều cách để đối phó với chúng tôi. … Tôi nghĩ nếu có một cuộc Cách mạng Văn hóa trong tương lai, người đầu tiên mà họ (ĐCSTQ) không bỏ qua chính là tôi.”

“Cả chặng đường [vượt biên] này quá nguy hiểm. Nếu có một cách khác, thì tôi sẽ không chọn phương pháp này.”

Trương Tuần: Sinh sau năm 1980, đến từ miền đông Trung Quốc, nhân viên công ty nước ngoài, cả gia đình 3 người cùng vượt biên

“Chính phủ Trung Quốc quá mạnh, khả năng kiểm soát của họ quá mạnh. Ngay cả khi bạn ở một số thành phố phát triển, ngay cả khi bạn có tiền, bạn cũng có thể bị hạn chế đến chết, phải không? Ví dụ như ở khu vực Thượng Hải của chúng tôi, điện thoại di động của bạn về cơ bản phải cài đặt ứng dụng chống lừa đảo, nếu không họ sẽ dùng nhiều phương pháp khác nhau để ép buộc bạn.”

“Con đường này chính là như vậy, chỉ cần ra được khỏi Trung Quốc là được rồi.”

“Tôi có sự chuẩn bị tâm lý này, đó là mọi tích lũy trước đó ở trong nước đều không có giá trị. Khi tôi đến Mỹ, tôi sẽ tìm kiếm một số công việc cấp thấp, đó là những công việc mà người Mỹ không sẵn sàng làm, thì chúng tôi sẽ làm, chính là như vậy, tôi đã có sự chuẩn bị tinh thần.”

“Thế hệ của tôi đã vất vả, thế hệ tiếp theo của tôi sẽ hạnh phúc hơn, đúng vậy không?”

Ông Vương: Sinh sau năm 1980, đến từ Tây Nam Trung Quốc, nghề nghiệp không được tiết lộ, vượt biên một mình

“Hơn 10 năm trước tôi đã muốn ra khỏi Trung Quốc.”

“Lý do quan trọng nhất là tôi không có bất kỳ hy vọng nào về tương lai ở đó (Trung Quốc), chính là ở đó sẽ ngày càng tồi tệ hơn, giống như quay trở lại tình trạng của Cách mạng Văn hóa, điều tồi tệ nhất có thể là vài năm nữa, nói không chừng còn không có thực phẩm để ăn.”

“Sống ở chỗ chúng tôi, mọi người đều cho rằng tôi khác biệt, không hòa nhập được. Thỉnh thoảng tôi có đi ăn cùng bạn bè. Bây giờ kinh tế không tốt, ít người hẹn nhau cùng ăn uống. Cơ bản là mỗi ngày đều ở nhà chơi game, hiện giờ còn không cho tôi chơi. Tôi cảm thấy ở trong nước thực sự là không có ý nghĩa gì. Game thực sự là cọng rơm cuối cùng của tôi.”

Tiểu Kim: Sinh sau năm 1985, đến từ miền trung Trung Quốc, công nhân công trường, một mình vượt biên

“Bởi vì rất khó để tồn tại ở trong nước. Tôi làm việc trong một công trường xây dựng và không thể kiếm được tiền. Họ (chủ thầu) giữ tiền lương và không trả lương. Có người làm việc hai năm mà không nhận được một xu, và sau đó còn bị đánh đập. Tôi cảm thấy trong nước không thể sống tiếp được nữa, nên mới ra đi.”

“Tôi không có nhiều kỳ vọng (sau khi đến Mỹ), dù sao thì làm công việc cấp thấp cũng được, ít nhất là có thể kiếm được tiền.”

Tiểu Vương: Sinh sau năm 1980, đến từ miền bắc Trung Quốc, làm kinh doanh nhỏ, một mình vượt biên

“Áp lực trong nước quá lớn, kiếm tiền cũng không dễ. Tôi làm kinh doanh nhỏ. Sau khi dịch bệnh bùng phát, 3 ngày tôi phải đóng cửa 2 lần. Sau khi đóng cửa, lương của công nhân vẫn phải trả, không thể nói dừng liền dừng ngay. Phải trả tiền lương, chi phí sinh hoạt riêng, v.v.”

“Chúng tôi muốn đến đây thông qua các thủ tục chính thức. Một là bên Mỹ không thể làm được, mà ở Trung Quốc cũng không thể làm được, cũng không còn cách nào khác. Trong nước không kiếm được tiền, áp lực trả nợ quá lớn, sinh hoạt trong nhà đều trở thành vấn đề phải lo. Chúng tôi cũng không muốn ra đi, nhưng đúng là môi trường trong nước hiện nay quá tệ.”

Tiểu Minh: Sinh sau năm 1995, đến từ miền trung Trung Quốc, làm trong ngành khách sạn, cả gia đình 3 người vượt biên

“Đối với người bình thường mà nói thì cuộc sống ở trong nước quá khó khăn. Chúng tôi ra đi chủ yếu vì con nhỏ… Tôi cũng không thể nói được trẻ con sống dưới hoàn cảnh này rồi sẽ thế nào.”

“Tôi muốn đi từ tháng 9 năm ngoái. Bởi vì tôi cảm thấy thật khó có thể tưởng tượng được về những gì đã xảy ra ở Trung Quốc, tôi cảm thấy rằng những điều này không nên xảy ra…. Làm việc vì một người và vì một tổ chức, những gì chúng tôi bỏ ra không tỷ lệ thuận với những gì chúng tôi kiếm được.”

“Nếu tôi có thể xin được thị thực Mỹ, tôi sẽ không đi theo con đường này.”

Tiểu Hùng: Sinh sau năm 2000, đến từ miền trung Trung Quốc, một sinh viên, một mình vượt biên

“Ở Trung Quốc, tôi mắc chứng trầm cảm tương đối nghiêm trọng, trong nước không bao dung đối với người trầm cảm như tôi, cho nên trong vài năm qua, chứng trầm cảm của tôi ngày càng trở nên nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do mẹ tôi, từ nhỏ đã bạo lực gia đình rất nghiêm trọng đối với tôi, lớn lên vẫn thường xuyên bạo hành tôi… Lúc đó, tôi cảm thấy nếu tiếp tục ở nhà, tôi có thể sẽ có ý định tự tử. Vì vậy, tôi quyết định ra đi.”

Dữ liệu mới nhất từ ​​Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) cho thấy, từ tháng 10/2022 đến tháng 4/2023, số người vượt biên trái phép từ Trung Quốc bị giam giữ tại biên giới Tây Nam nước Mỹ lên đến 9.854 người, chỉ trong tháng Tư đã có 3.210 người, nhiều hơn 1.000 người so với cả năm 2022.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã đáp lại yêu cầu bình luận của VOA về vấn đề, nói rằng Chính phủ Trung Quốc luôn phản đối di dân bất hợp pháp, áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn xuất cảnh bất hợp pháp, đồng thời truy quét tội phạm tham gia vào các hoạt động di dân bất hợp pháp.

Ông Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu), phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, cho biết trong một email: “Chính phủ Trung Quốc tuân thủ nguyên tắc ‘xác minh trước và sau đó cho hồi hương’ những người di dân bất hợp pháp. Chúng tôi sẽ chấp nhận việc hồi hương của công dân Trung Quốc, những người đã được xác minh là đến từ Trung Quốc. Di dân bất hợp pháp là một vấn đề quốc tế, cần có sự hợp tác của các quốc gia liên quan.”

Về việc một số người Trung Quốc chọn vượt biên để trốn khỏi Trung Quốc vì lý do áp bức chính trị hoặc kinh tế, vị phát ngôn viên này không đưa ra bình luận gì.

Theo VOA