Tối ngày 21/10, “Bắc Kinh Bình An”, trang Weibo chính thức của cảnh sát Bắc Kinh, thông báo trên Sina Weibo, rằng nghệ sĩ piano trẻ tuổi Lý Vân Địch (Li Yundi) bị tạm giữ vì nghi ngờ có hành vi mua dâm. Tin tức nóng hổi này ngay lập tức gây xôn xao dư luận.

(Bài viết của Trương Kiệt, thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.)

Lý Vân Dịch 1
“Hoàng tử piano” Lý Vân Địch (Nguồn: Chụp màn hình video)

Rõ ràng là giới truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nhận được thông báo của cảnh sát Bắc Kinh từ trước. Ngay sau khi Weibo của cảnh sát Triều Dương công bố không lâu, Weibo của tờ People.cn đã đăng một bài báo có tựa đề “Lý Vân Địch bị giam giữ vì tội mua dâm, phím đàn piano đen trắng không thể dung thứ cho ‘sắc vàng’ (tình dục).” Đảo Hiệp Khách, một tài khoản trên Wechat của Nhân Dân Nhật Báo bình luận: “Nếu chơi sai phím, bạn có thể bắt đầu lại, nhưng con đường nhân sinh phải phân rõ trắng đen.”

Đài truyền hình Trung Ương Trung Quốc (CCTV) cũng đăng một bình luận trực tuyến có tên “Lý Vân Địch rớt xuống đàn tế Thần hoàn toàn là tai họa do tự mình chuốc lấy.”

Bài báo của CCTV viết: “Giá trị của ngoại hình không phải là tấm lá chắn chống lại pháp luật. Tài năng không phải là lá bùa hộ mệnh cho những chuyện hồ đồ. Vụ bắt giữ ‘Hoàng tử Piano’ Lý Vân Địch mua dâm, một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho một số người nổi tiếng coi luật pháp quốc gia như hư không. Tuân thủ luật pháp là giới hạn khi làm người. Ai dám vượt qua lằn ranh đỏ, thách thức luật pháp quốc gia và đạo đức cộng đồng, chính là đang tự rước họa vào thân, tuyệt con đường sống của mình!”

Ngày 22/10, Hiệp hội Nhạc sĩ Trung Quốc ra thông báo, hủy bỏ tư cách thành viên của Lý Vân Địch. Cùng ngày, Hiệp hội Ngành biểu diễn Trung Quốc cũng tuyên bố yêu cầu các đơn vị thành viên tẩy chay Lý Vân Địch.

Lý Vân Địch năm nay 39 tuổi. Năm 18 tuổi, anh đã giành được huy chương vàng tại Cuộc thi Piano Quốc tế Chopin lần thứ 14. Anh trở thành nhà vô địch trẻ tuổi nhất của giải và là người Trung Quốc đầu tiên nhận được vinh dự này. Lý Vân Địch được biết đến với danh xưng “Hoàng tử piano”. Anh từng là giám khảo cuộc thi Piano quốc tế Chopin lần thứ 17 năm 2015, và trở thành giám khảo trẻ tuổi nhất trong lịch sử cuộc thi Piano quốc tế Chopin.

Nhưng nhiều cư dân mạng đã không theo bắt nhịp với các kênh truyền thông chính thống, mà bày tỏ những quan điểm khác nhau. Một số cư dân mạng cho rằng: “Không cần phải phủ nhận thành quả nghệ thuật của một người.” “Việc công khai rộng rãi những vi phạm nhỏ trong cuộc sống riêng tư của ngôi sao và phóng đại chúng, không chỉ là sự lạm dụng công quyền, mà còn là hành vi vi phạm thô bạo quyền riêng tư của công dân, cũng như chà đạp và tàn phá nhân phẩm của con người.”

“Một xã hội trưởng thành không nên làm ầm ĩ chuyện mua dâm. Nếu hậu thế được phép đánh giá một thời đại bị mất việc, bị đuổi học, thậm chí thân bại danh liệt vì mua dâm, thì nó cũng như 100 năm trước, người ta bị nhốt vào lồng heo và nhúng xuống sông vì tội ngoại tình.”

Trước đó, nam diễn viên điện ảnh và truyền hình Hoàng Hải Ba (Huang Haibo) và đạo diễn Vương Toàn An (Wang Quan’an) đều đã bị tạm giữ vì tội mua dâm.

Năm 2014, nam diễn viên Hoàng Hải Ba bị cảnh sát Bắc Kinh bắt vì mua dâm. Vương Toàn An, đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc, trong bộ phim “Bạch Lộc Nguyên” kiêm nhân vật hàng đầu của thế hệ đạo diễn điện ảnh thứ 6 tại Trung Quốc Đại Lục, cũng bị cảnh sát Bắc Kinh bắt giam vì tội mua dâm. Dù hành vi mua dâm của họ cũng trở thành điểm nóng của dư luận lúc bấy giờ, nhưng họ không vấp phải sự chỉ trích nặng nề như Lý Vân Địch ngày nay.

Thứ nhất, “chỉ quan chức mới được phóng hỏa, còn người dân không được phép thắp đèn”.

ĐCSTQ rất thú vị. Chuyện gian dâm của các quan chức trong ĐCSTQ vượt xa mọi thời đại. Tuy nhiên, ĐCSTQ vẫn luôn rao giảng đạo đức, yêu cầu các thành viên trong xã hội phải gìn giữ thiên lý và tiêu diệt dục vọng của con người.

Ông Lại Tiểu Dân, cựu chủ tịch của Công ty China Huarong Asset Management  (Hoa Dung) bị cho là có hơn 100 người tình. Ông Từ Kỳ Diệu, cựu giám đốc Sở Kiến trúc tỉnh Giang Tô, có 146 tình nhân và họ bị kiểm soát bởi mô hình quản lý MBA. Chuyện hoan lạc của ông Y Tuấn Khanh, giám đốc Cục Biên dịch và Dịch thuật Trung ương, bị Thường Diễm, người tình học trò của ông, viết thành một phóng sự dài 120.000 ký tự.

Hoàng Cương, cựu lãnh đạo của Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc, cùng lúc chiếm hữu hai mẹ con. Ông Kim Đạo Minh, cựu Phó chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân tỉnh Sơn Tây, đã có quan hệ tình cảm với một cặp chị em suốt một thời gian dài.

Sau khi bị điều tra về tội tham nhũng, ông Cố Quốc Minh, bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch chi nhánh Ngân hàng Công thương Trung Quốc Thượng Hải, đã bất ngờ tự thú có khoảng 32 nữ cấp dưới bị lạm dụng tình dục bởi quy tắc bất thành văn của mình. Chẳng phải năm xưa, trong thời gian làm việc ở tỉnh Phúc Kiến, ông Tập cũng từng có mối tình khắc cốt ghi tâm, keo sơn gắn bó với nữ MC Mộng Tuyết hay sao?

ĐCSTQ yêu cầu đạo đức rất cao đối với đảng viên và xã hội, nhưng chỉ là nói suông. Họ yêu cầu người khác, như thể bản thân trong sáng như pha lê. Nhưng trên thực tế lại là “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm.”

Trong xã hội phương Tây, yêu cầu đạo đức đối với người dân bình thường không cao, chỉ cần là một công dân hợp pháp, và được ước thúc bởi trật tự và quy chuẩn đạo đức do xã hội được đặt ra. Bất giác, tôi lại nhớ đến một câu thành ngữ rằng chỉ quan chức mới được phóng hoả, còn người dân không được phép thắp đèn. Ý rằng kẻ cai trị có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, nhưng lời nói và việc làm chính đáng của người dân lại phải chịu nhiều hạn chế khác nhau.

Thứ hai, ai sẽ bảo vệ quyền riêng tư của Lý Vân Địch?

Giáo sư Hàn Húc từ Trường Luật của Đại học Tứ Xuyên, đã viết một bài luận có tựa đề “Những người bị nghi ngờ mua dâm có nên bị thông báo hay không?” Bài báo viết: Báo cáo của cảnh sát Bắc Kinh về hành vi mua dâm của Lý Vân Địch là vô căn cứ, và bị nghi ngờ là hành vi vi phạm hành chính.

“Luật xử phạt công an” của Trung Quốc, không quy định cơ quan công an có quyền thông báo với xã hội khi xử phạt hành chính. Cách “thông báo” thông thường của cảnh sát dựa trên cơ sở pháp lý nào?

Nếu báo cho xã hội biết, thì người nhà của họ chắc chắn sẽ biết. Điều này có thể sẽ khiến gia đình tan vỡ hoặc bất hòa. Làm vậy liệu có thể đạt được mục đích “gia tăng sự hài hoà trong xã hội” hay không? Làm thế nào mới có thể đạt được mục đích lập pháp? Việc “công khai” này là nên công khai theo trình tự của pháp luật, chứ không phải công khai ra ngoài xã hội. Bởi việc này không liên quan gì đến quá trình điều tra và xử lý vụ án.

Giáo sư Hàn Húc chỉ ra: Mặc dù Lý Vân Địch bị trừng phạt vì cáo buộc vi phạm hành chính. Nhưng các quyền nhân cách của anh ấy với tư cách là một công dân không hề bị tước đoạt. Anh ấy vẫn được hưởng quyền phẩm giá cá nhân, như quyền riêng tư và quyền giữ gìn danh tiếng.

Nếu hành vi mua dâm của Lý Vân Địch có bằng chứng thuyết phục, thì đó chỉ là việc vi phạm hành chính. Tác hại của nó với xã hội cũng ít hơn nhiều so với tội hình sự. Theo “Luật xử phạt hành chính”, sau khi bị xử phạt, anh ấy cũng có quyền được xem xét lại về hành chính, hoặc quyền cứu trợ tố tụng hành chính. Điều này có nghĩa là quyết định xử phạt hành chính không phải là quyết định cuối cùng.

Một khi Lý Vân Địch khởi kiện tố tụng hành chính, thì hình phạt hành chính của cơ quan an ninh sẽ bị xét xử tư pháp và quyết định ban đầu hoàn toàn có thể bị lật lại. Việc thông báo công khai về một hình phạt mà chưa được xác định, không chỉ không phù hợp với “Nguyên tắc giả định về sự vô tội”, mà cũng không có lợi cho việc thiết lập quyền lập pháp và nâng cao uy tín tư pháp. Hơn nữa, tình trạng hành chính thống trị hiện nay cũng rất khó kiểm soát.

Không nghi ngờ gì nữa, quan điểm của Giáo sư Hàn Húc hoàn toàn đúng. Lý Vân Địch đã vi phạm pháp luật, nhưng quyền riêng tư và nhân phẩm của anh ấy cũng cần được bảo vệ.

Nhưng tại Trung Quốc ngày nay, có nơi nào còn coi trọng đạo lý? Cảnh sát Trung Quốc rất nhiệt tình với các vụ án mại dâm, nhưng lại làm ngơ trước sự hủ bại khổng lồ, và những giao dịch quyền lực và tình dục của các quan chức. Họ đã làm ngơ trước các luật sư nhân quyền và những người chưa bị xét xử, mà đã bị kết án, hay các vụ thú tội trên truyền hình. Ở một đất nước thực thi pháp luật nghiêm minh như thế này, vì sao việc bỏ tù oan lại có thể trở thành một vấn nạn?

Thứ ba, tại sao Lý Vân Địch bị chỉ trích?

Câu trả lời cho câu hỏi này không hề phức tạp. Các hoạt động thanh trừng của ĐCSTQ đối với nhóm người hâm mộ sớm đã bắt đầu nổi sóng. Một thời gian trước, vụ Ngô Diệc Phàm và Triệu Vy đã được đẩy lên thành tin tức trọng điểm.

Một số học giả chỉ ra rằng Chính phủ Trung Quốc muốn tấn công các nhóm người hâm mộ, chấn chỉnh lại ngành công nghiệp giải trí một cách toàn diện. “Quang Minh Nhật Báo”, kênh truyền thông của ĐCSTQ, muốn những người trẻ tìm về với các giá trị quan và thẩm mỹ quan trong thời đại cách mạng. Điều này nhằm chuẩn bị cho cuộc vận động sùng bái cá nhân tiếp theo.

Một nhà sản xuất đài truyền hình địa phương giấu tên cho biết, Ban Tuyên giáo Trung ương hiện ra lệnh cho các đài truyền hình địa phương không được gây dựng quá nhiều “ngôi sao lưu lượng Internet”. Chủ yếu là bởi việc này sẽ ảnh hưởng đến trẻ vị thành niên và dẫn đến một số xu thế chính trong xã hội. Ví như khiến tuyên truyền về “Tư tưởng Tập Cận Bình” bị lu mờ.

Một số học giả chỉ ra rằng: “Dẫu những người nổi tiếng thuận theo tư tưởng của nhà cầm quyền và trở thành chiếc loa phát thanh của giới chức, thì nhà cầm quyền vẫn không yên tâm với họ. Bởi ĐCSTQ sợ sức ảnh hưởng của họ. Vì vậy việc chấn chỉnh các “nhóm người hâm mộ” là để quét sạch hoàn toàn ánh hào quang của họ. Người duy nhất ở Trung Quốc được phép có hào quang trên người là ông Tập Cận Bình. Điều này tương đương với việc trải thảm cho bước tiếp theo trong phong trào sùng bái cá nhân (ông Tập).”

Bằng cách này, sự việc Lý Vân Địch đã được đẩy lên cao trào. Chuyện này cũng không khác gì sự tiếp nối của chiến dịch chấn chỉnh giới hâm mộ.

Nhà phê bình Nhật Bản Akio Yaita tin rằng cũng giống như Cách mạng Văn hóa, ĐCSTQ bắt đầu với Ngô Diệc Phàm. Trước tiên họ tấn công những người trong giới nghệ thuật, bởi những người này đều là thần tượng.

Chế độ độc tài chỉ cần một ngôi sao là ông Tập Cận Bình, và không có nhà lãnh đạo nào khác được phép tồn tại. Họ sẽ tập hợp tất cả các ngôi sao để mọi người nghe theo lời của đảng. Tôi nghĩ đó là một cách để tăng cường sự cầm tù về chính trị.

Ông Akio Yaita cho rằng việc dùng hình thức quan hệ nam nữ vô đạo đức để tấn công người nổi tiếng, bôi nhọ danh tiếng của họ là cách làm dễ dàng nhất.

Thứ nhất, ai cũng thích sự náo nhiệt và tin tức sẽ lan truyền rất nhanh.

Thứ hai, đó là một cú đánh lớn vào hình ảnh của họ. Ví như Tiết Man Tử, con nuôi của Tiết Tử Chính, cựu Phó trưởng Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, và ông Hứa Chương Nhuận, giáo sư Trường Luật Đại học Thanh Hoa, đều bị cáo buộc “mua dâm”, nhằm bêu xấu danh tiếng của họ.

Trong làng giải trí, biểu diễn nghệ thuật, nếu không cân nhắc đến chính trị, mọi thứ sẽ lập tức bị xóa bỏ. Dẫu bị bắt, thì vụ việc cũng rất dễ bị xóa bỏ, bởi đây chỉ là chuyện nhỏ. Mỗi ngày đồn cảnh sát ở Trung Quốc đều có thể bắt được vài ba vụ như vậy. Do đó, phía sau vụ việc của Lý Vân Địch chắc chắn có sự thao túng chính trị.

Tóm lại, Lý Vân Địch với tư cách là một nghệ sĩ lại mua dâm là việc trái với đạo đức. Nhưng việc cảnh sát Trung Quốc thông báo công khai lại vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư và nhân phẩm của anh ấy, đồng thời cũng phạm pháp nghiêm trọng. Giới truyền thông nhà nước Trung Quốc phóng đại sự thật, chỉ là vì họ coi Lý Vân Địch như một công cụ để thanh trừng giới nghệ thuật biểu diễn, với mục đích tạo đà cho sự sùng bái cá nhân của ông Tập Cận Bình.

Bởi một núi không thể có 2 hổ, một nước chẳng thể có 2 vua. Chỉ có ông Tập Cận Bình mới là vị thánh nên được tôn thờ. Các ngôi sao điện ảnh và nghệ sĩ dương cầm sao lại có thể đánh cắp vầng hào quang trên đầu vị thánh ấy được đây?

Tuy nhiên, ĐCSTQ, một chính đảng luôn nhấn mạnh đạo đức theo cách này, lại chính là đảng đồi bại và dâm loạn nhất trên thế giới. Bản thân quan chức của ĐCSTQ có số tình nhân nhiều không đếm xuể, nhưng đảng này lại không thể dung thứ cho Lý Vân Địch, một người “trả tiền bóc bánh”. Đây há chẳng phải một chuyện kỳ lạ hay sao?

Việc này cũng không hẳn là một điều tồi tệ đối với Lý Vân Địch. Sớm rời bỏ đất nước đen tối này, có lẽ sẽ mở ra đỉnh cao sự nghiệp mới cho anh ấy.

Trương Kiệt/ Mùa Xuân Bắc Kinh
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của cá nhân của tác giả.)

Xem thêm: