Dưới áp lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ngành bất động sản nước này đã “rơi tự do”. Thông tin mới cho thấy tổng tài sản của 3 nhà phát triển bất động sản hàng đầu là Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin), Dương Huệ Nghiên (Yang Huiyan) và Tôn Hồng Bân (Sun Hongbin) trong “Danh sách tỷ phú thế giới” do Forbes công bố vào tháng 4 năm ngoái thì nay đã giảm đến 30 tỷ USD.

Screen Shot 2021 11 06 at 11.38.56 AM
Thời của các ông trùm bất động sản thống trị bảng xếp hạng người giàu của Trung Quốc dường như đã kết thúc. Ảnh ông Hứa Gia Ấn, Chủ tịch Tập đoàn Evergrande (Nguồn: Chụp màn hình video)

Tài sản của 3 trùm bất động sản giảm mạnh

Tạp chí Forbes đã công bố một phân tích vào ngày 25/1 cho rằng sự sụt giảm tài sản của những ông trùm bất động sản Trung Quốc như Hứa Gia Ấn, Dương Huệ Nghiên và Tôn Hồng Bân cho thấy thời kỳ hoàng kim của bất động sản Trung Quốc đã kết thúc, sẽ khó có thể thấy mức tăng trưởng hai con số trong doanh số bán hàng và lợi nhuận, và gần như chắc chắn sẽ sụt giảm hơn nữa.

Hong Hao, CEO của BOCOM International tại Hồng Kông, cho biết: “Bất động sản có thể được chuyển đổi thành một dịch vụ công cộng như một tiện ích, biên lợi nhuận sẽ bị giới hạn nên không ai có thể kiếm được nhiều tiền”.

Tháng 8/2020, nhà phát triển bất động sản hàng đầu Evergrande tại Trung Quốc rơi vào khủng hoảng sau khi ĐCSTQ đưa ra hạn mức cho vay và ban hành chính sách “ba lằn ranh đỏ”. Khối tài sản 42,5 tỷ USD vào năm 2017 của ông chủ Evergrande là Hứa Gia Ấn đã giảm 80%.

Được thúc đẩy bởi niềm tin điên rồ rằng “giá nhà sẽ tiếp tục tăng” và “thu nhập sẽ luôn vượt quá chi phí”, Evergrande đã vay từ nhân viên, các nhà đầu tư bán lẻ và nhiều tổ chức tài chính để mua đất và xây dựng căn hộ. Nhưng sau khi quỹ cạn kiệt và giá nhà đất giảm mạnh, “mô hình Evergrande” đã phá sản.

Sụp đổ ngành bất động sản như quân cờ domino đã tác động đến nhiều tập đoàn khác như Kaisa, Shimao, China Aoyuan, Guangzhou R&F…

Tuần trước, sự hoảng loạn trên thị trường bất động sản đã lan sang cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của Country Garden khiến giá cổ phiếu của họ sụt giảm 8,1% chỉ trong một ngày. Điều này khiến chủ tịch Dương Huệ Nghiên (Yang Huiyan) của Country Garden, người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc, phải chứng kiến tài sản bản thân giảm trong một ngày hơn 1 tỷ USD.

Giá trị tài sản ròng của bà Dương đã mất 6,2 tỷ USD kể từ tháng 4 năm ngoái và giá cổ phiếu của công ty đã giảm hơn 1/3, làm giảm tài sản cá nhân của bà xuống còn 23,4 tỷ USD.

Một nhà phát triển bất động sản lớn khác là Sunac China của ông Tôn Hồng Bân gần đây đã bị Fitch và Standard & Poor’s hạ cấp từ “BB” xuống “BB-”, triển vọng là “tiêu cực”. Công ty xếp hạng cho rằng Sunac kém linh hoạt hơn về tài chính và đã phải sử dụng tiền mặt dự trữ để trả một lượng lớn nợ đáo hạn. Điều này khiến Sunac giảm 3,8% trong phiên giao dịch đầu ngày thứ Hai (24/1).

Nhiều nhà phát triển khác “rơi tự do”

Theo tờ Yicai (YiMagazine) của Trung Quốc đưa tin ngày 12/1, giá cổ phiếu của 5 công ty bất động sản hàng đầu Trung Quốc (niêm yết vào năm 2021) đều giảm mạnh, bao gồm: China Evergrande của ông Hứa Gia Ấn, Country Garden của bà Dương Huệ Nghiên, Sunac của ông Tôn Hồng Bân, Longhu của ông Ngô Nghiệp Quân, và Shimao của ông Hứa Vinh Mậu.

Theo số liệu, tính đến cuối năm 2021, giá trị thị trường của 5 công ty bất động sản niêm yết nêu trên đã giảm 38,5 tỷ USD so với đầu năm 2021. Trong đó giá trị thị trường của công ty do ông Hứa Gia Ấn kiểm soát gần bằng tổng giá trị của 4 công ty còn lại.

Ngoài 5 công ty bất động sản trên, giá trị thị trường của các công ty bất động sản khác như Shinsun, Kaisa, Yuzhou cũng giảm hơn 70%. Chỉ có 7 công ty bao gồm Resources, Overseas Properties và Binjiang tăng nhẹ.

Khối tài sản của các tỷ phú bất động sản Trung Quốc cũng bị thu hẹp đáng kể. Trên bảng xếp hạng Hurun công bố vào tháng 10/2021 cho thấy, các tỷ phú bất động sản đều rơi khỏi top 10. Trong đó thứ hạng của ông Hứa Gia Ấn giảm mạnh từ thứ 5 xuống thứ 70. Giá trị tài sản ròng của ông Vương Kiến Lâm cũng giảm gần một nửa kể từ khi trở thành người giàu nhất Trung Quốc, còn 105 tỷ USD.

Nhưng để tránh sự sụp đổ đột ngột của toàn bộ ngành bất động sản vốn được ước tính chiếm 25% GDP của Trung Quốc, ĐCSTQ đã tạo điều kiện tối đa trong phê duyệt cho vay thế chấp và nới lỏng tài chính cho một số vụ mua bán và sáp nhập, và lần đầu tiên sau gần hai năm đã cho cắt giảm lãi suất chính để giúp thúc đẩy nền kinh tế nói chung.

Theo Lâm Nghiên/ Epoch Times

Xem thêm: