Đầu tháng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khích lệ thanh niên Trung Quốc cần có “lý tưởng cao cả”, đưa mục tiêu sống của cá nhân hòa vào “bức tranh lớn” của đất nước. Vậy nhưng trên các diễn đàn mạng Internet Trung Quốc, nhiều người trẻ thường than thở về lý tưởng cuộc sống không thể thực hiện được, từ phổ biến được dùng là “đến đâu thì đến” (bài lạn, 摆烂) để nói về viễn cảnh cuộc đời.

shutterstock 662022781
(Nguồn: Shutterstock)

Hàm ý từ “đến đâu thì đến” mà người trẻ Trung Quốc dùng có nghĩa là tự nguyện từ bỏ việc theo đuổi một mục tiêu nào đó của họ, vì nhận ra rằng không thể đạt được. 

Trên Weibo, chủ đề liên quan “đến đâu thì đến” kể từ tháng Ba đã thu hút hàng trăm triệu lượt xem và thảo luận. Có cư dân mạng cho biết: “Kể từ khi tôi để cho ‘đến đâu thì đến’ thì tôi như trút được gánh nặng lớn. Khi mới học ra trường tôi đã nghĩ rằng mình phải nỗ lực để kiếm được nhiều tiền, đồng thời nên nắm bắt những cơ hội kinh doanh phụ, nhưng rồi tôi thấy rằng dù mình có làm việc chăm chỉ thì chênh lệch lương cũng không lớn lắm, và kinh doanh phụ cũng không được tốt và rất mệt mỏi về tương lai. Sau đó tôi thấy rằng làm việc thế nào cũng không thể có được cuộc sống sung túc, chỉ dựa vào tiền lương không thể mua được nhà và xe…”.

Một cư dân mạng khác cho rằng: “Quá khó khăn để người trẻ vươn lên, đấu tranh giành giật để mệt mỏi mà kết quả vẫn mù mịt thì có đáng không?”

Trước đó một từ khác đã trở nên phổ biến để người Trung Quốc diễn tả về cuộc sống là “nằm ngửa”, do cạnh tranh khốc liệt và kỳ vọng xã hội cao khiến nhiều người trẻ Trung Quốc từ bỏ nỗ lực mà họ vẫn hướng tới vì cảm thấy quá sức mệt mỏi.

“Dân nằm ngửa” làm việc tự do và các công việc được trả lương theo ngày. Điều này đã hình thành nên một mô hình xã hội mới. Tác giả bài viết “Nằm ngửa là chính nghĩa” nói rằng anh ấy không có việc làm ổn định trong 2 năm qua, và phải duy trì trạng thái “tự do” bằng cách làm những công việc lặt vặt và giảm chi phí sinh hoạt. Điều này đã khơi dậy sự cộng hưởng và đồng tình của nhiều bạn trẻ. Sau đó, họ đưa ra thuyết “Nằm ngửa học” để ám chỉ những người trẻ tuổi không mua nhà, hay xe hơi, không kết hôn, không sinh con, không chi tiêu và chỉ duy trì mức sống tối thiểu.

Theo Tiến sĩ Tạ Điền, giảng sư tại Trường Kinh doanh Aiken, Đại học Nam Carolina, “nằm ngửa” tại Trung Quốc là khi người ta thấy mình vẫn không thể thay đổi cuộc sống sau khi đã chăm chỉ làm việc và vắt kiệt sức. Tâm lực kiệt quệ đến mức họ dứt khoát không nỗ lực nữa, mà chỉ duy trì một cuộc sống với những mong muốn thấp nhất. Trên thực tế, đây là một lời buộc tội về sự phân cực giữa người giàu và người nghèo dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và là sự châm biếm về việc tuyên truyền thoát nghèo của Đảng này. Vậy nên, phong trào “nằm ngửa” của người Trung Quốc kỳ thực là một sự phản kháng nhằm chống lại ĐCSTQ một cách bất bạo động.

Nói về phong trào ‘đến đâu thì đến’, The Guardian của Anh chỉ ra, có một khía cạnh đáng lo ngại hơn đối với cách người trẻ Trung Quốc sử dụng từ này, đó là chủ động đón nhận tình hình đang xấu đi thay vì cố gắng cải thiện.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chú ý đến xu hướng này. Có những bài đặt câu hỏi: “Tại sao những người trẻ Trung Quốc hiện đại lại thích để ‘đến đâu thì đến’?  “Thực sự đây là ám thị tiêu cực, tự nhủ bản thân không làm được… khiến người ta có thái độ ‘đến đâu thì đến’...”

The Guardian dẫn lời một chuyên gia trong ngành công nghiệp sáng tạo ở Bắc Kinh có tên Sal Hang (29 tuổi), cho biết đối với thanh niên Trung Quốc cùng thế hệ với mình, thái độ ‘đến đâu thì đến’ này có thể là do gia tăng bất ổn xã hội ở Trung Quốc ngày nay.

“Không giống như thế hệ cha mẹ tôi, những người trẻ Trung Quốc ngày nay có nhiều kỳ vọng hơn, nhưng cũng có nhiều bất ổn hơn. Ví dụ: chúng tôi không còn có thể lập bất kỳ kế hoạch dài hạn nào cho cuộc sống của mình bởi vì chúng tôi thậm chí không biết điều gì sẽ xảy ra với mình trong 5 năm tới”, Sal Hang nói.

Sau khi theo đuổi nghề kỹ sư ở Tây Nam Trung Quốc, 3 năm trước Sal Hang chuyển đến Bắc Kinh để theo đuổi đam mê âm nhạc. Nhưng thực tế nơi làm việc đã thay đổi tham vọng ban đầu của anh.

Anh chia sẻ: “Sếp của tôi thường đặt ra những mục tiêu không thực tế cho tôi. Nhưng dù tôi có cố gắng đạt được các chỉ số hiệu suất chính (KPI) của ông ấy đến đâu thì tôi vẫn luôn thất bại. Vì vậy cuối cùng tôi mất động lực và chỉ làm công việc cơ bản nhất của mình”.

Bài viết của The Guardian dẫn lời Giáo sư Mary Gallagher là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Michigan Mỹ nói rằng, giống như năm ngoái xu thế “nằm ngửa” phổ biến trong xã hội Trung Quốc, hiện nay “đến đâu thì đến” cũng là một cách chối bỏ tính siêu cạnh tranh trong xã hội Trung Quốc.

Ông cho biết ở Trung Quốc ngày nay, cơ hội kinh tế giảm đi càng làm trầm trọng thêm cảm giác vô vọng của những người trẻ tuổi. Trong vài tháng qua, hàng trăm triệu người Trung Quốc đã bị giam giữ trong nhà do chính sách ‘Zero COVID’ của nhà cầm quyền, tác động rất xấu đến nền kinh tế Trung Quốc.

Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc từ 16 đến 24 tuổi đã vượt quá 18% trong tháng Tư, mức cao kỷ lục mới.

Năm nay ra trường khó kiếm việc làm? Không sao, tôi sẽ để ‘đến đâu thì đến’: ở nhà và xem TV cả ngày”, một cư dân mạng chật vật tìm việc viết.

The Guardian dẫn lời Kecheng Fang, một nhà nghiên cứu truyền thông tại Đại học Trung văn Hồng Kông, nói rằng giới trẻ Trung Quốc sử dụng cách nói “đến đâu thì đến” hoặc “nằm ngửa” để cho thấy họ không tán đồng quan điểm của nhà cầm quyền.

Ông nói: “Tất cả những cụm từ phổ biến này phản ánh tâm lý xã hội. Khi mọi người sử dụng chúng, họ không chỉ thể hiện bản thân mà họ đang tìm kiếm sự kết nối với những người có cùng cảm nhận”; “Mặc dù có những tuyên bố hoành tráng do các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra, nhưng cuộc sống thực tất cả chúng ta đều ở trong hoàn cảnh giống nhau”.

Mùa hè năm nay, Trung Quốc sẽ chào đón hàng chục triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, do chính sách ‘Zero COVID’ của nhà cầm quyền gần đây làm nhiều thành phố lớn đã lần lượt bị phong tỏa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc khiến nhiều sinh viên tốt nghiệp trong tình cảnh vô vọng tìm được việc làm. Công ty khảo sát Zhaopin Trung Quốc gần đây đã công bố “Báo cáo khảo sát việc làm của sinh viên đại học năm 2022”, cho thấy tính đến tháng Năm tỷ lệ ký kết hợp đồng việc làm của sinh viên nam tốt nghiệp là khoảng 23%, trong khi đối với nữ chỉ có 10%, đều thấp hơn năm ngoái. Trong một danh sách tuyển dụng công chức gần đây tại Trung Quốc cho thấy thậm chí có cả một tiến sĩ từ Đại học Bắc Kinh tuyển vào làm quản lý đô thị cấp cơ sở. 

Mộc Vệ (t/h)