Linkedln là một trong số ít các công ty mạng xã hội Hoa Kỳ xâm nhập được vào thị trường Trung Quốc béo bở. Trang mạng này tự hào có khoảng 41 triệu người dùng tại Đại lục. Tuy nhiên, những người dùng này có một điều kiện ràng buộc đi kèm: kiểm duyệt.

Embed from Getty Images

Linkedln Trung Quốc đã hứng chịu sự chỉ trích hồi đầu năm sau khi trang mạng dành riêng cho cộng đồng doanh nghiệp này chặn hồ sơ của một nhà hoạt động nổi tiếng, khiến nó không thể xem được từ Trung Quốc.

Ông Zhou Fengsuo, một nhà hoạt động người Trung Quốc ở New York, đồng thời là cựu lãnh đạo sinh viên trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 1989, đã bị LinkedIn chặn hồ sơ với lý do cần tuân thủ các yêu cầu của Bắc Kinh.

“Mặc dù chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ tự do ngôn luận, nhưng chúng tôi cũng cần phải tuân thủ các yêu cầu của chính phủ Trung Quốc để hoạt động tại đây,” Linkedln nói trong một thông điệp gửi cho ông Zhou.

Tuy nhiên, sau khi truyền thông đưa tin về vụ việc, hồ sơ của ông Zhou được khôi phục trở lại cho người xem tại Trung Quốc.

Nữ phát ngôn viên của Linkedln Nicole Leverich nói với SCMP rằng hồ sơ của ông Zhou bị chặn là do “lỗi.” Bà từ chối cho biết “lỗi” này xảy ra như thế nào.

Chính phủ Trung Quốc chặn hầu hết các trang mạng xã hội quốc tế như Facebook và Twitter. Nhưng Linkedln thuộc sở hữu của Microsoft lại phát triển mạnh tại Trung Quốc do đồng ý chơi theo luật của Bắc Kinh.

Để xâm nhập thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp này đã thành lập một công ty liên doanh với các đối tác địa phương là  China Broadband Capital và Sequoia China. Họ đã ra mắt một trang web tiếng Trung với tên Lingying hay “những người ưu tú dẫn đầu.”

Trang này thường xuyên loại bỏ các bài viết hoặc hồ sơ mà Bắc Kinh xem là nhạy cảm chính trị ra khỏi trang mạng tiếng Trung của họ.

Sự phục tùng này đã khiến số lượng người dùng Linkedln tại Trung Quốc tăng từ 4 triệu vào năm 2014 lên hơn 41 triệu, theo kết quả công bố chính thức trên Weibo vào tháng 5 năm 2018. Để so sánh, Linkedln có 154 triệu người dùng tại Mỹ, theo cơ quan tiếp thị Omnicore.

Mạng xã hội này rất thông dụng với các công nhân cổ trắng Trung Quốc, đặc biệt là những người có kinh nghiệm ở nước ngoài muốn tìm kiếm việc làm và kết nối với các đối tác kinh doanh.

Trong nhiều năm qua, Linkedln cũng hợp tác với chính quyền thành phố Bắc Kinh để giúp kết nối các tài năng về thủ đô Trung Quốc làm việc; đồng thời LinkedIn còn liên kết với Đoàn Thanh niên Cộng sản để khảo sát các mối quan tâm nghề nghiệp của sinh viên đại học.

Giám đốc điều hành Linkedln Jeff Weiner cho biết vào năm 2014 rằng, bằng cách đồng ý với các yêu cầu kiểm duyệt của Bắc Kinh, công ty này sẽ giúp các cá nhân Trung Quốc nhận ra “các cơ hội kinh tế, ước mơ và các quyền quan trọng nhất đối với họ.”

Nhưng điều này không thuyết phục được nhiều người Mỹ.

“Tôi cảm thấy giận dữ và phẫn nộ,” ông Zhou, người điều hành một tổ chức nhân quyền ủng hộ các tù nhân chính trị tại Trung Quốc cho biết trước khi Linkedln phục hồi lại trang hồ sơ của ông.

“Đó không phải là điều mà bạn trông đợi từ Thung lũng Silicon, nơi luôn tuyên bố sự quan tâm của họ đối với các quyền tự do, và cụ thể là tự do ngôn luận.”

Nhiều công ty công nghệ Hoa Kỳ đã phải đối mặt với áp lực từ công chúng khi muốn thoả hiệp để hợp tác với chính phủ độc tài Trung Quốc.

Goodle đã dừng kế hoạch phát triển một công cụ tìm kiếm kiểm duyệt dành cho Trung Quốc do những phản đối mạnh mẽ của cộng đồng công nghệ Hoa Kỳ, bao gồm chính các nhân viên của họ.

Facebook cũng phải đã hứng chịu một làn sóng chế giễu vào năm 2016 khi Mark Zuckerberg đăng bức ảnh mình đang chạy bộ qua Quảng trường Thiên An Môn vào một ngày sương mù mà không đeo khẩu trang.

Gia Huy (theo Inkstone)

Xem thêm: