Người mà trẻ em Trung Quốc tôn kính nhất không phải là cha mẹ.

Tại sao trẻ em Trung Quốc không coi cha mẹ là người đáng tôn kính nhất? (Ảnh: Pixabay)

Khoảng 10 năm trước đây, từng có một tổ chức nghiên cứu tiến hành khảo sát và đặt ra câu hỏi “Người cháu tôn trọng nhất là ai” dành cho trẻ em đến từ các quốc gia ở Mỹ, Nhật và Trung Quốc.

Trẻ em Mỹ tôn kính nhất là bố, thứ hai là Jordan (một cầu thủ bóng rổ nổi tiếng tại quốc gia này), và thứ ba là mẹ. Trẻ em Nhật thì tôn kính nhất chính là bố, thứ hai là mẹ, thứ ba là Ryoma Sakamoto (một anh hùng thời Minh Trị Duy Tân). Còn trong tâm những trẻ em ở Trung Quốc tham gia khảo sát, người mà chúng tôn kính nhất căn bản không phải là cha mẹ, người cha xếp cuối cùng trong danh sách, đứng thứ 10, còn người mẹ càng thảm hơn, xếp thứ 11. Trẻ em vốn không nói dối, trong tâm nghĩ thế nào thì sẽ đánh giá như vậy.

Khi đó hãng thông tấn EFE của Tây Ban Nha đã đăng một bài viết có đoạn: “Không ít bậc cha mẹ Trung Quốc cho rằng gia đình mình có giáo dục tốt nhất thế giới, nhưng địa vị của họ trong tâm của những đứa trẻ thì không ngừng hạ xuống, và họ không có cách nào ngăn được điều này.”

Có người nói rằng, đây chính là do hiện trạng con một trong xã hội Trung Quốc đã tạo nên hệ lụy đáng buồn này.

Trung tâm John King Fairbank của Đại học Harvard từng có học giả nghiên cứu chủ đề “Tương lai của Trung Quốc sẽ ra sao?” Vị học giả người Mỹ này nói: “Sau 30 năm nữa, lịch sử nhân loại sẽ có một quốc gia mà người dân đều là con một, quốc gia này lại không phải nước nhỏ mà là nước lớn, họ sẽ làm thế nào để hòa nhập với thế giới? Đây là phúc âm hay là tai họa?”

Những bậc cha mẹ như thế nào thì rất mực được con trẻ tôn trọng?

Đương nhiên, kết quả của nghiên cứu này cũng chỉ giới hạn trong số những trẻ em được tham gia khảo sát, không phải là toàn bộ trẻ em Trung Quốc trong tâm đều không coi bố mẹ là người mình tôn kính nhất. Thiết nghĩ, để xảy ra kết quả này không thể hoàn toàn đổ lỗi cho trẻ nhỏ, bởi giáo dục của cha mẹ là hết sức quan trọng, không phải cha mẹ cứ dốc lòng hết sức vì con mà đã được trẻ nhỏ tôn trọng. Có một số tình huống như sau:

  1. Thường xuyên phàn nàn trẻ nhỏ không nghe lời cha mẹ sẽ không được chúng tôn trọng; vấn đề nào của trẻ nhỏ cũng đều muốn quản chặt chẽ, cũng sẽ không được chúng tôn trọng (ví dụ muốn trẻ nhỏ học đàn theo ý mình, muốn đọc trộm nhật ký của trẻ để biết chúng nghĩ gì, muốn trẻ nhỏ phải giành được vị trí số một, thành tích hạng nhất..)
  2. Nhất định biến lý tưởng của mình thành lý tưởng của trẻ nhỏ, càng không được chúng tôn trọng. Muốn trẻ nhỏ phải làm rạng danh tổ tông rồi gây áp lực cho chúng chính là khuyết điểm lớn của các bậc cha mẹ Trung Quốc.
  3. Những người cha mẹ giàu có nhất cũng không nhất định sẽ được trẻ nhỏ tôn trọng (sự tôn trọng chỉ là coi trọng tiền bạc chứ không hề tôn kính cha mẹ), trẻ khi ra ngoài xã hội gặp chuyện nào đó, cho dù là đúng sai thì cũng muốn để cho những người cha mẹ có tiền hoặc có tiền đứng ra giải quyết lo liệu.

Con cái hiếu kính cha mẹ chính là luân thường đạo lý, là mỹ đức của những nền văn minh cổ đại, thế nhưng phải tôn trọng cha mẹ thì mới có thể hiếu thuận được. Nếu trong số những người mà mình tôn kính nhất, cha mẹ chỉ xếp thứ 10, 11 thì sao có thể nói chuyện hiếu thảo?

Tôi rất yêu thương con tôi, nhưng nó có yêu tôi không?

Giáo sư xã hội học nổi tiếng người Hoa, ông Long Kiến Cương từng có một bài viết về vấn đề sinh con một ở Trung Quốc, bài viết ngay sau đó đã được chính các bậc cha mẹ truyền bá rộng rãi. Sau khi đọc xong bài viết đó, một phụ nữ sống tại Mỹ đã viết cho ông một bức thư, nội dung đại khái như sau:

“Tôi là một người mẹ đơn thân, nhớ lại năm đó 38 tuổi nuôi dưỡng một cô con gái 8 tuổi, tôi không muốn kể lể rằng mình đã vất vả bao nhiêu, nhưng đã phải trải qua rất nhiều nỗi buồn khổ mà nhiều bà mẹ khác chưa từng phải trải qua. Vì để cho đứa trẻ không bị ảnh hưởng vì không có bố như các bạn khác, tôi đã dùng tất cả tình yêu của một người mẹ để chăm sóc bao bọc cho con lớn khôn từng ngày.

Con gái tôi từ nhỏ đến lớn học ở Phật Sơn, thành tích học tập hết sức ưu tú, được xếp vào hàng xuất sắc, sau này nằm trong danh sách top 5 trong kỳ thi vào khoa Vật lý hạt nhân Đại học Thanh Hoa. Tốt nghiệp đại học xong, con gái tôi lại được nhận vào Đại học Chicago ở Mỹ, sau khi bảo vệ tiến sĩ thì ở lại Mỹ làm công tác nghiên cứu. Con rể tôi cũng từng là một sinh viên xuất sắc ở Thượng Hải, chưa đầy vài năm đã trở thành Giáo sư tại Đại học Chicago. Họ có một đứa con nhỏ 4 tuổi, ông bà nội đã phải chuyển từ Thượng Hải sang Mỹ 2 năm để trông cháu, đến tháng 6 năm nay mới quay lại Thượng Hải. Một nguyên nhân chủ yếu là con cái thường xuyên lời qua tiếng lại với bố mẹ. Bố chồng cháu từng đảm nhận vị trí cán bộ ở Thượng Hải, khi tức giận đã đưa cả vợ về, còn nói sẽ không sang Mỹ để chịu đựng thêm nữa.

Trong lúc tuyệt vọng, con gái con rể đã gọi điện thoại cho tôi nhiều lần, đề nghị tôi đến Chicago để giúp đỡ trông cháu. Sau khi nghỉ hưu ở đơn vị, thu nhập không tệ, và tâm tình cũng rất tốt. Tôi suy nghĩ đến tình cảnh của con gái, sau cùng thì quyết tâm đến Mỹ. Nhưng tại đây mỗi ngày sống tại đây tôi đều rất buồn, cuộc sống nơi xứ người xa lạ là một lẽ, nhưng chủ yếu là con gái, con rể dường như rất ít nói chuyện với tôi. Con gái con rể đi sớm về muộn, về đến nhà chỉ muốn ngủ, cuối tuần cũng chỉ ở nhà ngủ, tôi là người duy nhất bận rộn mọi việc trong nhà. Dường như chúng chỉ cần tôi đến đó để làm những việc mà tôi cần làm. Khi đến kỳ nghỉ, con gái con rể lại đưa đứa trẻ đi chơi, để tôi ở nhà một mình. Tôi thật sự không biết chúng nghĩ gì? Rốt cuộc là tại nước Mỹ đã làm chúng thay đổi, hay tại đây là do tính cách của những đứa trẻ con một?

Con gái con rể tôi thu nhập cũng khá, thường xuyên quyên tặng tiền cho người nghèo ở châu Phi. Tôi nhiều lần nhắc chúng rằng, chú, dì con tại vùng nông thôn Hồ Nam cuộc sống cũng rất nghèo khó, các con quyên góp tiền cho người châu Phi không ít, vậy có thể xem xét tài trợ chút ít cho người thân không? Con gái con rể đáp lại khiến tôi bị sốc: Người nghèo ở châu Phi cần giúp đỡ. Giúp người thân thích của mình thì không phải làm từ thiện, không có ý nghĩa gì cả…

Tôi thực sự không hiểu tại sao con gái mình lại trở nên như vậy: vô tình vô nghĩa, máu lạnh đến không lý giải nổi! Có phải tại cách giáo dục của gia đình tôi đã thất bại chăng? Nếu như nói rằng tôi không có trình độ văn hóa cao, không thể giáo dục con gái, thì bố mẹ chồng của con gái tôi, một người là quan chức chính phủ, một người là giáo sư đại học, cớ sao con trai của họ cũng hành xử không khác gì con gái tôi? Ngày Quốc Khánh đó, người thân của tôi trong điện thoại đã nói: Chị cực khổ rồi, chúng ta đều bị cái chính sách một con hại rồi. Hãy để cho chúng tự tìm bảo mẫu, rồi chị quay lại với cuộc sống thường nhật của mình đi thôi, không sống với con chị nữa

Lời người thân nói rất có đạo lý, nhưng tôi lại không nỡ nhẫn tâm.

Kỳ tuyển sinh đại học năm đó, tôi lặng lẽ chờ đợi ở bên ngoài khuôn viên trường Phật Sơn, trong tâm chỉ cầu mong con gái có thể làm bài thi thuận lợi. Vào buổi tối nhận được thông báo trúng tuyển của Đại học Thanh Hoa, con gái đã ôm lấy tôi trong nước mắt và nói: Mẹ ơi, những ngày qua mẹ vất vả quá! Con sau này lớn lên có điều kiện, có khả năng nhất định sẽ đền đáp công lao của mẹ…

Lúc đó tôi mới vui vẻ hạnh phúc làm sao, cảm thấy những phó xuất của mình thật là xứng đáng. Những lời của con gái khiến tôi cảm thấy thế giới này tràn ngập ánh sáng, không còn đêm đen… Thế nhưng, khi đến hôm nay con gái tôi đã trưởng thành, thành đạt, trái tim tôi lại phải chịu đựng một nỗi bi thương chưa từng có. Con gái tôi liệu có còn nhớ đến những lời mà nó đã từng nói? Hay là đã quên hết những gì tôi đã làm vì nó?

Tôi thực sự rất yêu thương con gái mình, nhưng nó có yêu tôi không?”

Không phải là cô con cái không hiểu tình thân, nhưng căn bản là vẫn mang tâm lý của trẻ chưa “cai sữa”

Giáo sư Long đọc bức thư của người phụ nữ này, cảm khái một hồi, sau đó ông nói: “Ai cũng quen với cách làm của các bậc cha mẹ trong nước, tôi có thẻ chia sẻ một chút về cách xử lý của người Mỹ mà tôi quan sát thấy.”

Trước cửa nhà tôi có một gia đình mà vợ là người Bắc Kinh, chồng là người Do Thái. Bà nói rằng mẹ chồng bà không thể làm được bất cứ việc gì trong nhà, tất nhiên cũng không hy vọng bà giúp đỡ gì, chỉ đôi khi trường học được nghỉ thì ông bà đến và ở lại vài ngày chơi với cháu nhỏ. Thông thường ông bà cũng hay đến chơi, nhưng ít khi ngủ lại qua đêm. Mà hai người bố mẹ chồng này khi đến nhà con trai cũng hết sức khách khí, không bao giờ có quan niệm kiểu như đến nhà con trai như nhà mình hay tài sản của con trai cũng là của mình.

Cạnh đó còn có một gia đình người Mỹ, ông bà ngoại đều sống gần đó, họ cũng thường đến giúp đỡ hoặc đưa cháu đi chơi hay đi học. Nhưng thường thì chúng ta sẽ thấy họ thuê bảo mẫu chăm sóc trẻ nhỏ. Vì vậy, ông bà nội ngoại đến đó chỉ thi thoảng giúp đỡ chứ không đóng vai trò chủ đạo.

Về việc quyên góp tiền ủng hộ người châu Phi mà không đưa cho người thân, đây là vấn đề bất đồng khái niệm, còn có vấn đề về thuế. Khoản tiền làm từ thiện có thể được miễn trừ thuế sau này. Cũng chính là nói, quyên góp tiền cho người nghèo châu Phi, thì không thể tặng cho người khác. Còn nếu cấp cho người thân ở Trung Quốc đều sẽ bị tính thuế thu nhập. Lại nói, tiền của hai vợ chồng trẻ đó là do họ vất vả đi làm kiếm được, đã phải học hành bao lâu và làm việc cực nhọc ra sao mới kiếm được?

Tôi nghĩ đôi vợ chồng trẻ này nên đưa người già ra ngoài. Người hàng xóm Bắc Kinh của tôi mỗi lần ra ngoài đều đưa mẹ đi cùng, trừ phi bà nói không muốn đi.

Còn về phía người mẹ, tôi cũng đồng tình với lời của người họ hàng, nên để họ tự tìm bảo mẫu, chứ không thể coi cha mẹ mình là bảo mẫu.

Kỳ thực, nhiều đứa trẻ con một đã bị bố mẹ nuôi dưỡng như là “bảo bối” của mẹ, do đó khi nó lớn lên và nhiều tuổi rồi, thì vẫn còn là “bảo bối” của mẹ, luôn cảm thấy cần được bố mẹ quan tâm chăm sóc. Không phải là cô con gái không biết tình thân, mà là vì bọn họ đã bị nuôi dưỡng thành “bảo bối” của mẹ, căn bản là vẫn mang tâm lý của đứa trẻ vẫn còn chưa “cai sữa”.

ABBAO

Xem thêm: