Trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sắp khai màn Đại hội 20, Tân Cương đã bị nhà chức trách phong tỏa với lý do COVID-19 lây lan nghiêm trọng.

1 29 600x400 1
Hình ảnh người dân Tân Cương xếp hàng làm xét nghiệm axit nucleic, trong đêm đi siêu thị mua đồ ăn trước khi phong tỏa. (Ảnh: Cắt từ video)

CNN đưa tin vào ngày 6/10, Phó chủ tịch chính quyền khu tự trị Tân Cương, ông Lưu Tô Xã (Liu Sushe) cho biết vào ngày 4/10 rằng đợt bùng phát COVID-19 lần này ở Tân Cương bắt đầu từ cuối tháng Bảy, đã lan sang 37 quận và 15 địa bàn của 4 sư đoàn thuộc Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương. Đây là “trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng với tốc độ lây lan nhanh nhất” trong lịch sử của Tân Cương, phạm vi bao phủ rộng cùng số ca lây nhiễm lớn nhất, khó ngăn ngừa và kiểm soát. Để ngăn chặn dịch bệnh và tạo “môi trường tốt” cho Đại hội 20 của ĐCSTQ, chính quyền địa phương đã quyết định tạm dừng các chuyến tàu chở khách rời Tân Cương.

Theo dữ liệu của trang web điều tra chuyến bay Trung Quốc Variflight 5 vào ngày 5/10, 97% chuyến bay khởi hành và 95% chuyến bay đến tại sân bay Urumqi (thành phố lớn nhất Tân Cương) đã bị hủy. Tất cả chuyến bay khởi hành từ sân bay Kashgar (thành phố lớn thứ hai Tân Cương cũng đã bị hủy (trừ 1 chuyến bay đến Urumqi).

Theo nguồn tin, trong làn sóng COVID-19 đợt này kể từ ngày 30/7, đến nay số ca COVID-19 tích lũy ở Tân Cương ít nhất là 5.790 ca. Dù 2 tháng qua, nhiều thành phố địa phương đã thực hiện các biện pháp phong tỏa nhưng dịch vẫn đang gia tăng.

Một số cư dân địa phương bày tỏ sự không hài lòng, cho rằng kể từ tháng Tám nhiều nơi ở Tân Cương (như Korla, Yining, Shihezi…) đã bị cơ quan chức năng phong tỏa và kiểm soát lưu thông chặt chẽ. Người dân trong khu vực kiểm soát không được phép ra ngoài trong khi các điều kiện sống cơ bản như lương thực, thuốc men, vật dụng thiếu thốn trầm trọng.

Theo lời kể của anh Yang Fei (34 tuổi), trong những ngày Urumqi phong tỏa như vậy, anh đã ít nhất 2 lần ngất xỉu vì đói. Anh đã nhiều lần gọi điện đến đường dây nóng của thị trưởng hoặc gọi đến đồn cảnh sát để được giúp đỡ nhưng vô ích. “Tôi đã mất việc 2 tháng và không có thu nhập, hy vọng duy nhất của tôi là không bị đói”, anh nói.

Đài Á châu Tự do (RFA) tiết lộ rằng kể từ khi phong tỏa vào đầu tháng Tám, nhiều người dân ở Nghi Ninh (Tân Cương) thiệt mạng do đói hoặc thiếu thuốc men trị bệnh. Cơ quan chức năng Nghi Ninh cũng đã xác nhận do phong tỏa trong thời gian dài, ít nhất 22 người chết vì đói hoặc không được chăm sóc y tế, nhưng tin tức liên quan sau đó đã bị chặn.

Đông đảo người dân địa phương chịu áp lực quản chế mạnh tay của nhà cầm quyền chỉ có thể cố gắng cầu cứu trực tuyến.

Ông Abduweli Ayup là một học giả người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) từ nước ngoài đã có thời gian dài theo dõi tình hình ở Tân Cương. Từ đầu tháng Chín, ông bắt đầu tiết lộ thông qua Twitter những video về người Duy Ngô Nhĩ địa phương kêu gọi giúp đỡ. Những đoạn video cho thấy chính quyền địa phương nghiêm cấm người dân ra ngoài, thậm chí có những ngôi nhà còn bị niêm phong cửa. Một số video cũng cho thấy mọi người phải ném dây từ cửa sổ xuống tầng một để lấy đồ.

Trên TikTok cũng lan truyền một đoạn video cho thấy trong số những người thiệt mạng hôm 15/9 có 1 người là ông Halmutar Ömerjan – chủ tịch một ngôi làng ở Y Ning (Ghulja). Vợ ông nói: “Họ (chính quyền) đã giết chồng tôi… Không ai trả lời cuộc gọi của tôi”.

Bản tin của CNN dẫn lời cư dân địa phương cho biết người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác đã bị chính quyền đàn áp và giám sát nghiêm trọng trong nhiều năm. Việc phong tỏa ở Tân Cương nghiêm trọng hơn nhiều so với các khu vực khác của Trung Quốc. Nếu họ công khai trên mạng xã hội bày tỏ phản đối chính sách phòng chống dịch bệnh thì sẽ nhận được một cuộc điện thoại hoặc một “chuyến thăm” nhà từ công an địa phương, yêu cầu xóa các bài viết có liên quan.

Thực tế không chỉ chính sách phong tỏa Tân Cương gây bất mãn cho cư dân địa phương, có rất nhiều người tại các thành phố khác phải chịu cảnh tượng tự đã lên tiếng chỉ trích và phàn nàn trên Weibo: “Chúng tôi phải làm xét nghiệm PCR mỗi ngày”; “Tôi mệt mỏi quá, tôi khó có thể tiếp tục sống được”; “Hóa ra phong tỏa cũng chẳng có tác dụng gì”; “Nền kinh tế đang khốn đốn, chỉ có các công ty axit nucleic là làm ăn phát đạt”…

Theo tin tức vào ngày 6/9 của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Trung Quốc (CDC), vào ngày 5/9 Trung Quốc có thêm 229 trường hợp COVID-19 có triệu chứng được xác nhận và 1.108 trường hợp COVID-19 không triệu chứng.