Ngày 19/9 vừa qua, tạp chí nhân quyền Bitter Winter có trụ sở tại Ý đã đăng tải câu chuyện của một nhân chứng là phụ nữ Duy Ngô Nhĩ tới từ Tân Cương. Theo lời kể của cô Qelbinur, người hiện đã trốn tới châu Âu xin tị nạn, chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Tân Cương không chỉ dừng ở việc đưa người Duy Ngô Nhĩ vào trại tập trung, hay triệt sản họ, mà còn sử dụng các cán bộ người Hán để quấy rối tình dục, cưỡng ép kết hôn, cưỡng hiếp đối với phụ nữ Duy Ngô Nhĩ trên diện rộng. Mặc dù thông tin này đã được biết tới từ nhiều tháng trước, nhưng qua câu chuyện của một người trong cuộc như cô Qelbinur, thủ đoạn này mới được phơi bày một cách đầy đủ.

Tân Cương: Cán bộ người Hán cưỡng hiếp, quấy rối tình dục phụ nữ
Cô Qelbinur Sidik, giấu mặt vì vấn đề an toàn. (Ảnh: Bitter Winter)

Cô Qelbinur Sidik là một trong số ít những người Duy Ngô Nhĩ đào thoát khỏi Tân Cương từng tận mắt chứng kiến tính bạo lực, sự tàn bạo và tàn ác ở những nơi gọi là trại “chuyển hóa thông qua giáo dục cải tạo”, và nền chính trị độc tài đã không chỉ thực hiện những điều đó mà còn thực thi một số chính sách lố bịch khác để khuất phục những người dân sống ở vùng Đông Bắc Trung Quốc này.

Một trong những chính sách lố bịch này là “ghép đôi và trở thành gia đình”. Nó bắt buộc 1 triệu cán bộ phải ăn uống, nấu nướng, học tập, sinh sống và ngủ chung với người Duy Ngô Nhĩ trong nhà của họ. Đây là một chính sách đã và đang gây kinh khiếp cho mọi phụ nữ và bé gái, vốn là nạn nhân trực tiếp của chính sách tàn bạo này. Trong tâm trí của một số người thì đây không khác gì việc cưỡng hiếp và lạm dụng tình dục được “thể chế hóa”.

Sau khi trốn sang châu Âu được vài tháng trong tình trạng tan nát về thể chất lẫn tinh thần, cô Qelbibur đã lấy hết can đảm để kể lại những điều mắt thấy tai nghe. Để đánh đổi lấy tự do này, cô đã đồng ý trở thành quản giáo trong trại cải tạo (*), và sống với gánh nặng rằng mình sẽ công khai sự thật với thế giới.

(*) Đây là hình thức “chuyển hóa” trong trại cải tạo kiểu ĐCSTQ, trong đó tù nhân đồng ý trở thành quản giáo, phản bội lại những tù nhân khác cùng hoàn cảnh, để đổi lấy các quyền lợi và khả năng được thả tự do.

Bằng một phép màu nào đó, Qelbibur đã thoát khỏi cơn ác mộng vào tháng 12 năm 2019. Đối mặt với mọi khó khăn, cô đã lấy lại hộ chiếu để có thể ra nước ngoài điều trị y tế, với điều kiện chồng cô phải ở lại và cô hứa sẽ quay trở lại ngay sau khi điều trị.

Nhưng Qelbibur đã không thể quay lại vì những tổn thương sâu sắc mà cô trải qua. Cô tới châu Âu trong trạng thái sốc, buồn khổ và không thể quên nỗi đau về những gì mình đã phải chịu đựng. Bị ảnh hưởng bởi những gì đã xảy ra trong suốt 3 năm trước, cô đã không thể nói chuyện với ai trong những tháng đầu tự do của mình ở ngoại quốc. Nhưng không quên gánh nặng công khai sự thật, Qelbibur đã bắt đầu nói chuyện. Một người thân đã nói với cô rằng cô được Chúa giao nhiệm vụ nói lên câu chuyện này, nhưng cô không biết nói gì và bắt đầu từ đâu, và liệu rằng người ta có tin lời cô nói hay không?

Rất ít người đến từ Tân Cương kể về câu chuyện của họ. Trong khi đó, khi các học và và nhà nghiên cứu cung cấp bằng chứng hay phỏng đoán kết tội chế độ ĐCSTQ, chính quyền này thường “dập tắt” họ với luận điệu rằng họ chưa bao giờ sống ở Tân Cương, và rằng họ không tận mắt chứng kiến những điều này.

Nhưng Qelbinur đã tận mắt chứng kiến mọi việc. Kể từ khi Trần Toàn Quốc (Bí thư khu ủy Khu tự trị Tân Cương, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ) được chuyển đến từ Tây Tạng để dùng “nắm đấm sắt” bóp nghẹt cuộc sống của người dân Tân Cương vào năm 2016, họ đã bị khủng bố nhằm buộc phải tuân thủ các quy định. Văn hóa và ngôn ngữ của người dân tộc tại đây bị giảm xuống chỉ đủ cho việc “phục vụ” khách du lịch người Hán muốn đến hưởng kỳ nghỉ lễ ở một vùng đông bắc “kỳ lạ”. Tôn giáo của người dân cũng bị biến thành “độc dược” khiến họ lâm nguy.

Qelbinur đã ngập ngừng nói chuyện về những điều mình đã trải qua, bởi vì điều đó khiến cho những khổ nạn quá khứ sống động lại, như chỉ mới xảy ra từ hôm trước.

Một “vở diễn đa sắc thái” bắt đầu mở màn khi Trần Toàn Quốc tới và thắt chặt chiếc thòng lọng tại Tân Cương, mặc dù lúc đầu người dân chưa hề nhận ra sự thay đổi đó. Lúc đầu một vài người chỉ “đơn giản” là biến mất và 1 tuần sau lại xuất hiện trong cuộc họp hằng tuần để đọc một bản thú tội. Người ta sẽ đùa cợt rằng “Anh ta đi học tập rồi” đối với những trường hợp người thân kém nhiệt tình tham dự các buổi chào cờ. Nhưng mọi việc dần thường xuyên và ngấm ngầm hơn, việc “bị lưu lại” có thể kéo dài hơn, “khuyến cáo” khám sức khỏe miễn phí trở nên dày đặc hơn, hàng rào dây thép gai tăng lên, những căn nhà trống bị niêm phong và đóng kín ngày càng trở nên quen mắt. Những nhóm quan chức với bản kẹp hồ sơ và bảng tên đi đến khắp các khu nhà ở. Những đám đông tạp nhạp diễu hành qua các khu phố, tay cầm rìu, gậy bóng chày, những chiếc cọc dài có gai hoặc giáo thời Trung Cổ (*). Những người khác thì chực chờ ở các góc phố với cờ đỏ trên tay.

(*) Các “vũ khí” hỗ trợ trông giống thời Trung Cổ đã được sử dụng trong cái gọi là “giữ trật tự” tại Tân Cương.

Người dân được bảo chung chung rằng Tân Cương đang đứng ở ngưỡng cửa “thời chiến”, và họ phải cảnh giác.

Và đi cùng với sự thay đổi này, chương trình “Ghép đôi trở thành gia đình” diễn ra một cách độc ác và im lặng. Việc lắp hàng triệu camera giám sát, nhận diện khuôn mặt, giọng nói và dáng đi, kiểm tra an ninh sân bay và kiểm tra thẻ căn cước ở bất cứ nơi nào, một phần mềm di động giám sát bị bắt buộc cài trên điện thoại, vẫn là chưa đủ. Chế độ còn muốn giám sát người dân ở đây từ bên trong. Hãy thử tưởng tượng trong mỗi gia đình đột nhiên có một “họ hàng” người Hán đến và sống cùng, ngủ cùng, dạy dỗ bạn và theo dõi bạn nhất cử nhất động, thậm chí cả từng suy nghĩ của bạn.

Để thực hiện điều đó, một triệu cán bộ đã được huy động để lập nên “mặt trận thứ hai”. Chính sách “tiếp biến văn hóa” đã bước vào giai đoạn mới.

Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 được cải biên thành “Ngày đoàn kết các dân tộc quốc gia” ở Tân Cương và vào năm 2016, ngày lễ này đã diễn ra các hoạt động giữa các dân tộc với việc ăn uống, nhảy múa, và nấu nướng cùng nhau. Các nhân viên chính quyền bắt đầu được ghép đôi với người dân làng, để ngăn chặn “bệnh dịch và các hành vi phá hoại của ‘ba thế lực tà ác’ gồm chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố.”

Cũng trong tháng 5 năm 2017, các quan chức chính quyền đã công bố chương trình mới để “kỷ niệm” một tuần hoạt động giữa các sắc tộc, chương trình “năm chung”.

Qelbinur kể lại: “Chúng tôi được yêu cầu sống chung, nấu nướng chung, ăn chung, học chung, ngủ chung với các cán bộ người Hán do chính quyền địa phương phân công. Phụ nữ phải có ‘người thân’ là một cán bộ nam người Hán và đàn ông phải có ‘người thân’ là một cán bộ nữ người Hán.”

“Lúc đầu, họ nói với chúng tôi rằng chúng tôi nên sống cùng nhau 1 tuần sau mỗi 3 tháng. Nhưng rồi ngay sau đó lại tăng lên thành 1 tuần sau mỗi 1 tháng. Kế hoạch này khiến tôi bị sốc. Tôi có thể hiểu việc làm việc, học tập và ăn uống cùng nhau, nhưng tại sao phải sống cùng nhau và ngủ cùng nhau tại nhà của chúng tôi?”

Lúc đó Qelbibur bắt đầu nghi ngờ kế hoạch này. Cô cay đắng nói: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận các thỏa thuận, và không có quyền phản đối.”

Bắc Kinh đã xác nhận tính chất sâu rộng của những thay đổi vào tháng 12 năm 2017, với một thông báo gây bàng hoàng về “Tuần lễ thống nhất các sắc tộc” và mở rộng chương trình “họ hàng” để thực hiện việc cưỡng chế “ghép đôi” và đưa một triệu cán bộ đến gia đình mới của họ, những người từ đó sẽ là được coi như “người thân” của gia đình đó.

Cứ 3 tháng một lần, người dân được lệnh không chỉ sống, ăn uống và học tập cùng nhau trong 1 tuần mà phải chào đón những vị khách người Hán vào nhà mà không được có ý kiến. Sự kháng cự là vô ích và bị coi là lật đổ. Rất nhanh chóng, việc này đã được sắp xếp trở thành 1 tuần mỗi tháng.

Lời kể của Qelbinur về việc ở chung của “người thân” này hoàn toàn trái ngược với lời kể của Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh. Thời báo này viết rằng các nhóm dân tộc khác nhau cảm nhận được “sự ấm áp của Đảng và chính quyền thông qua các hoạt động đoàn kết dân tộc”, và những người dân trong làng rất muốn tiếp đón những “vị khách” không mời và họ đã “dọn dẹp phòng và đặt bếp tại nhà” trước khi bốn “người thân” đến nhà họ. Một người dân thậm chí còn lắp đặt ổ cắm điện mới và chuẩn bị những cuộn khăn giấy mới bên ngoài nhà vệ sinh của mình cho bốn nhân viên chính phủ. “Nhiều người dân trong làng dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị chăn bông và nấu thức ăn sau khi nghe tin về chuyến thăm của người thân”, thậm chí một người còn “rơi nước mắt” và nói rằng họ không muốn nhân viên chính phủ rời khỏi nhà mình.

Nhưng những gì Qelbinur kể lại khác.

Ông chủ 56 tuổi của chồng Qelbinur và vợ ông đã trở thành “họ hàng” của họ. Ông chủ, người cha của một đứa trẻ, lúc đầu đến với vợ, nhưng với lý do họ không muốn làm gánh nặng cho Qelbinur, người vợ đã ngừng đến.

Mục đích của ông chủ, theo Qelbinur, là để có thể “leo lên giường của cô”. Ông ta nói những lời khiêu dâm và khêu gợi, và yêu cầu chồng Qelbinur phải để ông ta được “hôn vợ anh” và ngủ chung với vợ anh để được “giữ ấm”, khiến chồng cô cười cay đắng trong nỗi sợ bị mất việc, hoặc tệ hơn là kết thúc trong trại cải giáo. Qelbinur cố gắng từ chối một cách nhẹ nhàng những yêu cầu “cợt nhả” từ vị “người thân” này để ông ta không thấy khó chịu.

Cô cãi vã lớn với chồng bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ, vì anh đã không bênh vực cô và nói với anh rằng cô sẽ “giết người họ hàng” đó nếu bị buộc phải ngủ với ông ta. Lúc đó ông chủ người Hán đã cắt ngang cuộc cãi vã và hỏi xem việc gì đang diễn ra. Cô giải thích một chút và tiếp tục tươi cười cho phép ông ta làm bất cứ điều gì mà một “người họ hàng” có thể làm. Cô kể: “Vì anh ta là họ hàng nên được phép ôm tôi, hôn tôi, ngồi cạnh tôi một cách hợp pháp. Và chúng tôi không thể làm gì để chống lại.”

Thời gian đó trôi qua thật ngột ngạt. Ông ta vuốt ve mặt cô trước mặt chồng cô và nói rằng ông ta thích đồ ăn Duy Ngô Nhĩ và phụ nữ Duy Ngô Nhĩ. Ông ta khăng khăng muốn trò chuyện với cô vì chồng cô không nói sõi tiếng phổ thông, và giả vờ như muốn cô dạy cho cách nấu nướng, cách dùng dao và chảo, để hai người có thể ở riêng trong bếp. Qelbinur kể ông ta lợi dụng cơ hội không có chồng cô để ôm và nắm tay cô, rồi: “Ông ta cởi hết, chỉ còn quần đùi, và quấy rối tình dục lúc tôi đang nấu ăn.”

“Nếu tôi dám tỏ thái độ không thuận ý, ông ta sẽ buộc tội rằng tôi không thích ông ta. Ông ta đòi tôi nhảy hoặc nhảy cùng ông ta và đôi khi ông ta muốn tôi ngủ trong phòng của ông ta. Nếu chồng tôi không có ở nhà, ông ta sẽ thái quá và nổi loạn, nhưng tôi đã tìm cách khéo léo từ chối những yêu cầu của ông ta.”

Ông ta đào sâu một cách quỷ quyệt vào những suy nghĩ và tư tưởng của của gia đình Qelbinur về chính trị, tôn giáo và ĐCSTQ. “Ông ta không bao giờ hỏi thẳng rằng chúng tôi có phải là người đạo Hồi hay chúng tôi có cầu nguyện không. Ông ta như một con cáo vậy. Chúng tôi phải từ chối mọi thứ. Chúng tôi phải cảnh giác liên tục nếu không muốn bị lỡ lời.” Qelbinur rất sợ những câu hỏi về thịt lợn, và phải nhớ sẵn câu trả lời trong đầu. Nếu ông ta khăng khăng, Qelbinur sẽ phải mỉm cười ăn thịt lợn. Tuy nhiên cô đã thuyết phục được ông ta rằng hai loại thịt này có nhiều mỡ và khiến cô không thoải mái. “Nhưng ông ta rất tinh ranh và luôn cố hết sức để bắt bài chúng tôi.”

Dù vậy Qelbinur vẫn thấy hoàn cảnh của mình tốt hơn so với phía nam của vùng vì ở nơi đó hầu hết đàn ông đã bị giam giữ ở các trại cải giáo. Vợ và con gái của họ dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho những gã đàn ông xa vợ trong nhiều tháng hoặc thậm chí là nhiều năm.

Một trong những người bạn của cô trở về sau thời gian làm việc tại một ngôi làng hẻo lánh. Ở đó cô ấy đã phải ở chung với 8 đàn ông người Hán đến từ Đại lục, và trong một buổi ăn tối, cô đã thuật lại những cách đối xử bệnh hoạn và đánh đập của những người được gọi là tình nguyện viên đến dạy tiếng Trung khi họ dạy tiếng cho những đứa trẻ trong làng.

Nhưng điều này vẫn được coi là nhẹ nhàng so với những gì được kể tiếp theo. Đám cán bộ này thường xúm lại kể về những gì họ đã làm với những người phụ nữ và cô gái trong làng. Qelbinur kể: “Họ không bao giờ thực sự nói với bạn tôi rằng họ cưỡng hiếp các cô gái, nhưng họ đã so sánh các cô gái ở quê nhà với những ‘người đẹp biết tuân thủ’ tại đó. Điều ấy đã nói lên tất cả.” Người bạn của Qelbinur kể rằng những người đàn ông “họ hàng” đó vui vẻ kể về việc lần lượt đưa các cô con gái trong một gia đình lên lầu trong các buổi tối mà không vấp phải sự phản kháng nào. Cô ấy cay đắng nói: “Làm sao họ có thể phản kháng đây? Cha, anh trai, và mẹ của họ đều ở trong trại cải tạo. Họ bất lực trước những người đó và sợ chính họ cũng bị bắt đi.”

Kế hoạch ghép đôi này đã dẫn tới việc quấy rối tình dục và cưỡng hiếp trở thành phổ biến tại Urumqi. Việc này xảy ra đến nỗi, sau đó họ phải triển khai kế hoạch ghép nhóm 3 phụ nữ Duy Ngô Nhĩ và 1 người Hán. Nhưng theo Qelbinur được biết, kế hoạch này chưa bao giờ được triển khai ở phía nam. “Tôi cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến điều tiếp tục xảy ra với những người phụ nữ đó.”

Và về phần Qelbinur, mặc dù đã an toàn ở châu Âu, nhưng cô không hề “bị bỏ quên”. Mặc dù có thị thực 6 tháng, nhưng chỉ 1 tháng sau khi đến nơi, cô bắt đầu nhận được cuộc gọi từ cảnh sát Trung Quốc và từ trường học của mình. Họ lấp lửng rằng: “Khi nào bạn về? Bạn đã ở đó đủ lâu chưa?”. Đến tháng thứ hai, cô được thông báo rằng lương hưu của cô sẽ bị cắt nếu cô không trở lại trước ngày 1 tháng 3. Cô nhận được một cuộc gọi giận dữ từ chồng mình vào khoảng thời gian đó. Anh với cô rằng anh ta đã bị chính quyền truy hỏi đủ điều vì cô. Đến tháng thứ năm, chồng cô giận giữ gọi cho cô và nói với cô rằng anh ta đã ly hôn với cô theo luật Hồi giáo. “Cô không phải là vợ của tôi,” anh ta hét lên. Anh ta đang bị cảnh sát và đại diện kế hoạch hóa gia đình truy đuổi để biết về vòng tránh thai của cô. Anh đã chịu đựng quá đủ và muốn thoát khỏi cô.

Sau đó, chỉ vào tuần trước, đột nhiên, viên chức kế hoạch hóa gia đình này đã gọi cho cô và hỏi dồn dập về vòng tránh thai của cô. Nó đã được chèn vào đâu? Bệnh viện nào? Liệu cô đã có một bản sao của chứng chỉ đặt vòng? Nếu không, tại sao không? Nó ở đâu? Bây giờ cô có còn đặt vòng tránh thai không? Nếu không thì nó đã được gỡ bỏ khi nào và ở đâu? Bệnh viện nào và quan trọng hơn là bác sĩ nào dám tự ý cắt bỏ?

Cô biết câu trả lời trung thực cho những câu hỏi này có thể khiến nhiều người bị buộc tội và khiến các bác sĩ tháo vòng tránh thai bị đưa đến trại cải tạo. Cô lừa họ xong đặt máy xuống và buồn bã nói: “Tôi không bao giờ thoát khỏi họ.”

Qelbinur vẫn sống, cũng như hàng triệu phụ nữ Duy Ngô Nhĩ khác, với những vết sẹo suốt đời do những phương pháp ngừa thai dã man này gây ra từ ngày đầu tiên. Những đêm mất ngủ và những ngày dài đau khổ của cô đầy ắp những dòng hồi tưởng mà thời gian đến nay vẫn không thể xóa nhòa. Cô đang viết một cuốn sách. Cô nói rằng cô sẽ không bao giờ ngừng lên tiếng, để thế giới biết được những bí mật mà ĐCSTQ quyết tâm giữ chặt, và để giảm bớt gánh nặng của những ký ức đeo bám mà cô không thể chịu đựng nổi.

Theo BitterWinter
Tác giả: Ruth Ingram
Minh Nhật biên dịch

Xem thêm: