Gần đây có kênh truyền thông Ý đã đưa ra phân tích cho rằng tình hình hiện tại của Tập Cận Bình dường như khá giống trường hợp Triệu Tử Dương trước sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Tuy nhiên, truyền thông Ý có chỉ ra điểm khác biệt là Tập Cận Bình đã thành công loại bỏ được mọi trở ngại.

Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Ngày 9/4, trang web của Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) dẫn phân tích từ tờ Settimana News của Ý so sánh sự tương đồng giữa hai nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ): Tập Cận Bình hiện nay và Triệu Tử Dương trước đây.

Theo phân tích, trước sự kiện ngày 04/6/1989, khi đó, Tổng Bí thư Triệu Tử Dương vì muốn thoát khỏi kìm kẹp của giới bô lão chính trị, muốn xử lý tình trạng hỗn loạn quyền lực giữa quân đội, Chính phủ và Đảng, ban bệ của Triệu Tử Dương đã đề ra lý thuyết “chủ nghĩa uy quyền mới”, mục đích là để chuyển giao tất cả quyền quyết sách vào tay Tổng Bí thư ĐCSTQ.

Bài viết chỉ ra ông Vương Hộ Ninh trong số 7 ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị hiện nay chính là một trong những người khởi xướng lý thuyết “chủ nghĩa uy quyền mới” khi đó.

Ngoài ra, sau Đại hội 13 năm 1987, ông Triệu Tử Dương cũng bất ngờ đưa ra biện pháp cải cách giá cả, giải quyết một loạt các vấn đề kinh tế phức tạp theo hệ thống giá kép, bao gồm vấn đề kinh tế chư hầu của địa phương, nhưng điều này đã gây ra lạm phát, mọi người tranh nhau mua hết hàng hóa tại các cửa hàng khiến nhiều nguyên lão trong Đảng nghi kỵ. Hai năm sau, đã nổ ra sự kiện Thiên An Môn gây chấn động.

Bài viết đã so sánh với tình hình hiện nay, ông Tập Cận Bình thành công loại bỏ tất cả các chướng ngại để tập trung toàn quyền lực chính trị trong tay, kiểm soát tuyệt đối quyền lực trong Đảng, Chính phủ và quân đội.

Theo tác giả, hệ thống chính trị tự do của  phương Tây ban đầu cũng bắt đầu từ sự phá bỏ gông cùm của quyền lực áp lực cao. Khởi đầu từ thế kỷ 17 và 18 với Oliver Cromwell ở Anh và Louis XIV của Pháp sau khi họ thực hiện nền chính trị tập trung quyền lực vào tay môt nhà lãnh đạo. Trước đó, sau sự sụp đổ của đế chế La Mã vào thế kỷ 5, về cơ bản quyền lực thuộc về một nhóm quan lại quý tộc chia sẻ cùng hoàng đế.

Cuối cùng, thay đổi ở Anh có thể xem là diễn ra trong hoà bình, vua Anh dần chuyển giao quyền lực, mặc dù trên danh nghĩa người Anh có một hoàng tộc; còn với nước Pháp thì chuyển biến diễn ra đẫm máu, năm 1789 một nhóm quý tộc mới nổi đã đứng lên lật đổ triều đình.

Nhưng Trung Quốc ngày nay thì sao? Phân tích chỉ ra rằng, sau Đại hội 19 đưa quyền lực của ĐCSTQ lên đỉnh cao mới bao trùm tất cả, điều này có thể gây ra hậu quả tích cực hoặc tiêu cực.

Bài viết nhìn lại sau Đại hội 13 ĐCSTQ năm 1987 quyền lực của hệ thống quân đội vươn lên đỉnh cao, nhưng nằm ngoài kiểm soát của Đảng. Sau đó Trung Quốc xuất hiện một cấu trúc Chính phủ kỳ lạ, tổng cộng có 5 Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị do Triệu Tử Dương đứng đầu, Triệu cũng là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, nhưng Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đặng Tiểu Bình và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương kiêm Chủ tịch nước Dương Thượng Côn lại không nằm trong nhóm 5 ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Triệu Tử Dương trong vai trò là Tổng Bí thư đáng lý phải có quyền trên Đặng Tiểu Bình và Dương Thượng Côn. Bởi vì Đại hội Đảng đã khẳng định người lãnh đạo của Đảng là cao nhất.

Phân tích chỉ ra hệ thống này còn có cơ chế kỳ lạ khác là trường hợp ông Đặng Tiểu Bình lãnh đạo một ủy ban mà các thành viên toàn các nguyên lão trong Đảng từ 80 tuổi trở lên, ủy ban này có quyền chỉ đạo nhưng không phụ trách ra quyết định, dù vậy một khi 5 Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị không đạt được đồng thuận, nhóm người cao tuổi này sẽ tổ chức một cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng và khi đó quyền lực của họ còn cao hơn 5 ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Theo nhận định, một cấu trúc thượng tầng thiếu nền tảng vững chắc như thế khác một trời vực với phân phối quyền lực kiểu phương Tây, tình trạng hỗn loạn theo đó phát sinh từ thực tế quyền lợi và nhu cầu không ổn định, hai năm sau đó dẫn đến vụ thảm sát Thiên An Môn, và có thể dẫn đến thực trạng chư hầu hóa của bộ máy quyền lực Trung Quốc ngày nay.

Mùa thu năm 1988, ông Triệu Tử Dương cùng các thân tín đưa ra lý luận tập trung quyền lực, chính là “chủ nghĩa quyền uy mới”, khi đó dù ông Vương Hộ Ninh vẫn còn trẻ nhưng đã là một trong những người khởi xướng. Chủ nghĩa quyền uy mới cho rằng tất cả quyền lực phải được tập trung trong tay một cá nhân là vị trí Tổng Bí thư của Đảng, sau đó sẽ tổ chức thực hiện những cải cách cơ cấu cần thiết, dần dần phân bổ quyền lực thông qua con đường dân chủ.

Nhưng lý luận này đã bị các học giả phái tự do vào thời đó lên án, đồng thời những nguyên lão của ĐCSTQ lo sợ họ sẽ bị mất quyền lực. Ví thế kế hoạch cải cách đã không bệnh mà chết.

Phân tích chỉ ra, nguồn gốc sự kiện Thiên An Môn có vấn đề kỳ quái sau đây: cuối cùng thì Đảng của Triệu Tử Dương hay quân đội của Đặng Tiểu Bình gây ra? Chính nghịch lý này lại dẫn đến cuộc đấu tranh quyền lực trong thời kỳ Giang Trạch Dân những năm 1990. Tại Đại hội ĐCSTQ năm 2002, Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đã được tăng lên 9 người. Ông Giang Trạch Dân lên làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị khi đó bao gồm cả thân tín của ông Giang là ông Chu Vĩnh Khang, nhân vật đã bị ông Tập Cận Bình thanh trừng.

>>Tài liệu Mỹ: Ông Giang Trạch Dân liên quan đến thảm sát Thiên An Môn

Bài viết nhấn mạnh, mỗi nhiệm kỳ của ĐCSTQ phải đi qua các hành lang quyền lực phức tạp và đàm phán mệt mỏi, năng lượng thúc đẩy duy nhất là chuyển giao lợi ích giữa các phe phái. Vì thế, sau cải cách doanh nghiệp nhà nước trong thời ông Giang Trạch Dân vào cuối năm 1990, quyền thao túng các doanh nghiệp nhà nước rơi vào tay trung ương, nguồn tài chính của các doanh nghiệp này bị biến thành nguồn vốn cho những tham vọng chính trị, đôi bên chia chác quyền lợi với nhau.

Tác giả dẫn chứng trường hợp Chu Vĩnh Khang là một ví dụ điển hình. Khi đó Chu nắm được nguồn tiền lớn nhất nhờ cầm quyền lực lĩnh vực dầu khí, cuối cùng leo lên vị trí đứng đầu ngành Chính pháp toàn quốc, một trung tâm quyền lực khi đó. Nhờ vào quyền lực này, Chu Vĩnh Khang đã giúp Bí thư Trùng Khánh khi đó là Bạc Hy Lai nổi lên, cách nói khác nặng hơn được nhiều người đề cập là đảo chính.

Theo phân tích, đại khái có khoảng một nửa số Đảng viên ĐCSTQ nhận thấy dân chủ là cách  giải quyết vấn đề hỗn loạn quyền lực, trong khi nửa còn lại muốn tiếp tục duy trì tình trạng hỗn loạn này, bởi vì họ có thể được lợi ích nhờ thực trạng này. Như vậy vấn đề rắc rối vẫn hiện hữu: Ai là người lãnh đạo Nhà nước, ai lãnh đạo Đảng, và ai lãnh đạo quân đội? Ai có khả năng cho vị trí nào? Mọi thứ đều không ổn định, mỗi vấn đề phụ thuộc vào khả năng hoạt động chính trị của cá nhân. Vì vậy mà xuất hiện một người như Bạc Hy Lai.

Bài viết cho rằng, trong 5 năm qua, về cơ bản ông Tập Cận Bình muốn giải quyết tình hình hỗn loạn này, cách thực hiện là loại bỏ sự phân biệt giữa Nhà nước, Đảng và quân đội, qua đó xây dựng ra một hệ thống chỉ huy rõ ràng. Hệ quả rõ ràng là Trung Quốc hiện nay lãnh đạo Đảng đã bao trùm tất cả, là lãnh đạo của cả Chính phủ và quân đội. Tuy nhiên liệu ông Tập Cận Bình có thể vì vậy mà thúc đẩy cải cách không?

Theo bài viết, trước đây cộng đồng quốc tế tràn trề hy vọng vào cải cách của ông Triệu Tử Dương, tuy nhiên sau 30 năm, hiện nay dường như phương Tây không còn nhìn nhận tích cực và lạc quan về cải cách của ĐCSTQ. Ông Tập Cận Bình hiện nay hành động mạnh mẽ hơn ông Triệu Tử Dương trước đây và đã loại bỏ được mọi trở ngại, nhưng liệu ông Tập có noi theo ông Triệu thúc đẩy cải cách không, thế giới bên ngoài nghi ngờ nhiều hơn hy vọng.

Tuyết Mai

Xem thêm: