Một ngày sau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra lời chỉ trích công khai hiếm hoi đối với Hoa Kỳ tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) tuyên bố, chiến lược của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc có thể dẫn đến sự tách rời giữa 2 nước, làm nổi bật sự rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

shutterstock 2175684997
Ông Tập Cận Bình tại một cuộc họp ở Bắc Kinh vào tháng 4/2022 (Ảnh: Shag 7799 / Shutterstock)

Các kênh truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa tin, ông Tập Cận Bình chỉ ra rằng các nước phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn, bao vây và đàn áp toàn diện đối với Trung Quốc, và Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.

Những lời này dường như trái ngược với phong cách trước đây của ông Tập là tránh chỉ trích công khai đối với Hoa Kỳ.

Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập nói với các quan chức rằng “trước những thay đổi sâu sắc và phức tạp trong môi trường quốc tế và trong nước,” mọi người phải “dám chiến đấu”.

Những năm gần đây, giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn không ngừng xảy ra tranh chấp, như vấn đề Đài Loan, tình hình Biển Đông, thương mại, công nghệ, nhân quyền… Hai nước cũng giữ quan điểm đối lập về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, và sự cố khinh khí cầu.

Gần đây, lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ đã cùng nhau thông qua nhiều dự luật cứng rắn đối với ĐCSTQ. Chính quyền Biden cũng gia tăng các lệnh trừng phạt đối với các nhà sản xuất chip Trung Quốc.

Ngày 16/2, truyền thông Trung Quốc Đại Lục “TMTPOST” đã đăng bài viết chỉ ra, theo dữ liệu của nền tảng truy vấn thông tin doanh nghiệp Trung Quốc “Qichacha” (qcc.com), tổng cộng 5.746 công ty liên quan đến chip ở Trung Quốc đã bị thu hồi hoặc hủy đăng ký giấy phép vào năm ngoái, tăng mạnh 68% từ 3.420 vào năm 2021.

Bắc Kinh cũng lo ngại chiến lược an ninh quốc gia của ông Biden đã phát đi tín hiệu rằng Washington đang tìm cách thay đổi chế độ ở Trung Quốc.

Bà Shirley Martey Hargis, thành viên không thường trú tại Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn ở Washington, đã trả lời phỏng vấn của Wall Street Journal. Bà nói rằng ở một mức độ nhất định, cuộc tấn công của ông Tập Cận Bình vào Hoa Kỳ dường như đang nhằm chuyển hướng khỏi chính sách zero-COVID và việc họ đàn áp các công ty công nghệ.

Vào thời điểm đó, Alibaba phải chịu mức phạt ngất ngưởng 18,23 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,8 tỷ USD). Các công ty như Tencent và Didi cũng bị thẩm tra và bị phạt. Alibaba và Tencent đã bốc hơi hơn 1.000 tỷ đô la giá trị thị trường.

Sau đó, những “gã khổng lồ” công nghệ bị đàn áp đã tuyên bố rằng họ sẽ chấp nhận điều bình thường mới là tăng trưởng chậm lại. Họ tìm cách giảm chi phí vận hành, bắt đầu sa thải quy mô lớn và đóng băng tuyển dụng.

ĐCSTQ cũng tiến hành đàn áp các doanh nghiệp tư nhân trong ngành giáo dục và đào tạo và bất động sản.

Kể từ tháng 12/2022, các nhà ngoại giao hàng đầu của ĐCSTQ đã sử dụng cụm từ “đàn áp và ngăn chặn” để mô tả các biện pháp bao vây của Hoa Kỳ, như ông Tần Cương và ông Vương Nghị – Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương.

Ông Tần Cương hiện nguyên hình là một ‘chiến binh sói’

Tan Cuong
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Tần Cương được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 30/12. (Ảnh chụp màn hình video)

Hôm thứ Ba (7/3), Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ Tần Cương đã tổ chức một cuộc họp báo bên lề kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc tại Bắc Kinh.

Ông Tần Cương nói rằng việc chính quyền Biden tuyên bố muốn duy trì mối quan hệ giữa 2 nước là đạo đức giả, đồng thời cảnh báo Hoa Kỳ không nên tham gia vào cái gọi là Chủ nghĩa McCarthy mới. (Chủ nghĩa McCarthy là thuật ngữ nói về việc cáo buộc một ai đó tội lật đổ hoặc phản quốc mà không cần đến bằng chứng, đặc biệt khi người đó có liên quan đến chủ nghĩa cộng sản.)

“Nếu Hoa Kỳ không đạp phanh và tiếp tục tăng tốc trên con đường sai lầm này, thì không một lan can nào có thể ngăn chặn việc trật bánh, xung đột chắc chắn sẽ xảy ra.” Ông Tần Cương nói rằng sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tương đương với “một canh bạc liều lĩnh”.

Ông cũng bày tỏ sự không hài lòng với cách xử lý của Hoa Kỳ đối với sự cố khinh khí cầu, đồng thời đặt câu hỏi về chức danh phát ngôn viên ngoại giao “chiến binh sói” của mình.

Về vấn đề Đài Loan, ông Tần Cương đã so sánh việc cung cấp vũ khí của Hoa Kỳ cho Đài Loan với cảnh báo gần đây của Washington về việc Bắc Kinh nên kiềm chế cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, đồng thời ám chỉ rằng không loại trừ khả năng ĐCSTQ sẽ tấn công Đài Loan bằng vũ lực.

Sự ủng hộ của ông Tập dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã phát động cuộc xâm lược Ukraine vào năm ngoái, cũng làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington. Trong vài tháng tới, ông Tập Cận Bình sẽ có kế hoạch tới Moscow để gặp ông Putin.

Trung Quốc cũng đưa ra những lời kêu gọi chung nhằm chấm dứt xung đột, nhưng vẫn duy trì quan hệ hữu nghị với Moscow, và giúp Nga giảm bớt tác động của các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu thông qua các mối quan hệ thương mại vững chắc.

Sau các báo cáo rằng tình báo Hoa Kỳ cho biết Bắc Kinh đang xem xét viện trợ cho Nga, Washington đã cảnh báo, nếu Trung Quốc cung cấp viện trợ quân sự cho Nga, điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ giữa hai nước.

Hôm thứ Ba (7/3), ông Tần Cương nhấn mạnh rằng vào thời điểm “thế giới ngày càng trở nên bất ổn”, sự tin tưởng chiến lược giữa Trung Quốc và Nga là đặc biệt quan trọng.

Tại một hội nghị chính sách đối ngoại vào ngày 6/3, bà Jessica Chen Weiss, cựu cố vấn Quốc Vụ Viện, kiêm Giáo sư tại Đại học Cornell, phát biểu rằng những diễn biến gần đây đã làm gia tăng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và hai bên hiện đang gây chiến với nhau.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của chính quyền Biden đối với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực và nỗ lực chống lại ĐCSTQ đã khiến Bắc Kinh lo sợ rằng Hoa Kỳ đang tìm cách thay thế chế độ độc tài của ĐCSTQ.

Bình Minh (t/h)