Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng nền kinh tế chính trị Mác-xít của Trung Quốc sẽ tiếp tục thay đổi để thích ứng với môi trường quốc tế và trong nước, nhưng nó vẫn phải là nền tảng cho việc xây dựng tương lai của đất nước, theo SCMP.

Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Pháp ngày 25/3/2018. (Ảnh: Frederic Legrand – COMEO / Shutterstock)

“Nền tảng của nền kinh tế chính trị Trung Quốc chỉ có thể là kinh tế chính trị Mác-xít, chứ không được dựa trên lý thuyết kinh tế nào khác,” ông Tập cho biết trong một bài báo đăng hôm 15/8 trên tạp chí Qiushi.

Trong bài báo, ông Tập nhấn mạnh mô hình kinh tế của nước này là trụ cột của hệ thống xã hội chủ nghĩa với đặc trưng Trung Quốc, không chỉ định hướng việc phát triển kinh tế mà còn củng cố vị trí cầm quyền của đảng.

Ông nói rằng sau 30 năm cải cách và mở cửa và trong tình hình trật tự toàn cầu đang thay đổi, việc lèo lái nền kinh tế trong tương lai sẽ là một bài kiểm tra quan trọng đối với đảng. 

Tuy vậy, Chủ tịch Trung Quốc bác bỏ những ý kiến cho rằng nền kinh tế chính trị Mác-xít của Trung Quốc đã lỗi thời, mà nhấn mạnh rằng hệ thống này cho phép thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ các nguồn lực nhưng đồng thời cũng nâng cao vai trò của chính phủ.

Ông nói rằng Trung Quốc phải ủng hộ và phát triển nền kinh tế sở hữu quốc doanh, đồng thời cũng ủng hộ các loại hình sở hữu khác.

“Vai trò chủ đạo của sở hữu quốc doanh không thể bị thay đổi, và vai trò dẫn đầu của kinh tế nhà nước cũng không thể bị lung lay.”

Bình luận của ông Tập được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đối đầu gay gắt với Hoa Kỳ về nhiều vấn đề từ thương mại và công nghệ đến ý thức hệ, nhân quyền và nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần trước đã nói rằng Hoa Kỳ xem mối đe dọa do Trung Quốc gây ra “còn khó đối phó hơn nhiều” so với mối đe dọa của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Hôm thứ Bảy (15/8), ông Tập nói rằng Trung Quốc không nên tìm cách sao chép hệ tư tưởng của phương Tây hoặc hệ thống tư bản của họ và chê trách nhiều nước tư bản đang gặp hàng loạt vấn đề như suy thoái kinh tế, thất nghiệp, phân cực gia tăng và mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc.

Một trong các lĩnh vực xung đột chính giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là cuộc chiến thương mại đã kéo dài kể từ tháng 7/2018.

Các nhà đàm phán của hai nước đã dự định gặp nhau vào thứ Bảy (15/8) để xem xét thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã được Bắc Kinh và Washington ký vào tháng 1/2020, nhưng các cuộc đàm phán đã bị đình chỉ mà không có lời giải thích từ cả hai phía.

Ông Michael Every, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tài chính châu Á – Thái Bình Dương của Rabobank, cho biết thỏa thuận có khả năng bị đình trệ vì các lý do chính trị khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang vận động cho việc tái tranh cử.

Gia Huy (theo SCMP)

Xem thêm: