Ngày 30/11 vừa qua, hơn 3.000 người đã tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật và Hội Nhà văn Trung Quốc. Tại Đại hội, ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu gần 10 ngàn chữ, theo đó lãnh đạo Trung Quốc không chỉ ca ngợi văn hóa truyền thống mà còn đưa ra 4 yêu cầu đối với giới văn nghệ.

Sau khi ông Tập Cận Bình sang Mỹ gặp tổng thống Obama trở về đã đẩy mạnh hơn hoạt động cải cách bộ máy tuyên truyền và văn nghệ (Ảnh: Theglobalpanorama/Flickr)
Sau khi ông Tập Cận Bình sang Mỹ gặp tổng thống Obama trở về đã đẩy mạnh hơn hoạt động cải cách bộ máy tuyên truyền và văn nghệ (Ảnh: Theglobalpanorama/Flickr)

Tập Cận Bình và văn hóa truyền thống

Ngày 30/11, khoảng 3.300 người đã tham dự Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Trung Quốc lần thứ 10 và Đại hội Đại biểu Hội Nhà văn Trung Quốc lần thứ 9 tổ chức tại Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình đã dẫn đầu toàn bộ Ban Thường vụ Bộ Chính trị tham gia hội nghị và có bài phát biểu dài khoảng 9.500 chữ.

Trong nội dung bài phát biểu, ông Tập nhận định, văn đàn có liên quan chặt chẽ đến vận nước, mạch văn tương thông với mạch nước. Thế giới đang trong thời kỳ của sự điều chỉnh lớn, thay đổi lớn, phát triển mạnh mẽ, còn Trung Quốc đương đại đang trải qua thời kỳ biến động xã hội sâu rộng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Hiện dân tộc Trung Hoa thực hiện cuộc phục hưng vĩ đại, không chỉ cần phát triển mạnh về văn minh vật chất mà còn cần phát triển về sức mạnh tinh thần tương xứng.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, văn hóa là linh hồn của một quốc gia, một dân tộc. Lịch sử và thực tiễn chứng minh, một dân tộc vứt bỏ hoặc quay lưng với lịch sử văn hóa của mình thì không chỉ không thể phát triển được mà rất có thể còn thường xuyên hứng chịu bi kịch lịch sử.

Theo ông Tập, giới văn nghệ tuyệt đối không thể khinh nhờn tổ tiên, xem nhẹ kinh điển, không tôn trọng các bậc anh hùng; cho dù trí thức giới văn học và nghệ thuật không thể hoàn nguyên được toàn bộ sự thật lịch sử, nhưng cần có trách nhiệm phổ biến sự thật lịch sử cho mọi người, phổ biến những giá trị tinh túy của lịch sử.

Yêu cầu giới văn nghệ trọng đức để nâng tầm nghệ thuật

Ông Tập Cận Bình cho rằng, mỗi thời kỳ lịch sử, dân tộc Trung Hoa đều để lại những tác phẩm bất hủ. Từ Kinh thi, Sở từ, Hán phú đến Đường thi, Tống từ, Nguyên khúc, tiểu thuyết Minh – Thanh… đã dựng nên dòng sông lịch sử văn nghệ Trung Quốc lấp lánh. Dân tộc Trung Hoa là dân tộc có phong thái tự tôn văn hóa.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, “ngòi bút nhà văn trừ ác khuyến thiện”, đồng thời đưa ra 4 yêu cầu đối với giới văn nghệ, bao gồm khả năng chắt lọc tinh hoa trong kho báu văn hóa Trung Hoa, từ đó xây dựng nên những tác phẩm xuất sắc; tác phẩm cần thể hiện được tâm nguyện, tình cảm, tâm thức của quần chúng nhân dân, phản chiếu tâm tình, vận mệnh, cuộc sống của người dân; xem việc sáng tạo ra những tác phẩm ưu việt là trọng điểm; tôn đức thượng nghệ là chuẩn mực của cuộc đời trí thức văn nghệ.

Ông Tập nhấn mạnh, giới văn nghệ phải có thực học, trọng đức, phẩm cách cao thượng, từ đó mới có thể đưa xã hội hướng đến giá trị cao thượng.

Trong đó, đoạn phát ngôn đặc biệt nhất, khiến người ta chú ý nhất là: “Dân tộc Trung Hoa không ngừng phát triển, có khi gặp trở ngại nhưng không ngừng làm mới lại được là nhờ sức mạnh bệ đỡ của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Thần vận, phong thái, trí tuệ, quan niệm giá trị độc nhất vô nhị trong văn hóa Trung Hoa giúp tăng thêm niềm tự tin và tự hào trong lòng nhân dân Trung Quốc và dân tộc Trung Hoa”.

Theo nhà bình luận chính trị độc lập Lý Thiên tiếu (Li Tianxiao), sự thẳng thắn trong lời khen ngợi của ông Tập về văn hóa truyền thống, và một số từ ngữ cụ thể mà ông sử dụng, tỏ ra là “một sự đột phá trong khuôn khổ của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Trong khi từ trước đến nay ĐCSTQ vô thần đã hợp thức hoá một số kỹ thuật như thư pháp hoặc múa dân gian bằng cách “luôn khước từ khía cạnh lấy cảm hứng từ thần phật trong văn hóa truyền thống Trung Quốc,” ông Lý nói. “Việc ông Tập thừa nhận “thần vận” trong văn hoá Trung Quốc chính là sự chối bỏ định nghĩa về văn hóa của ĐCSTQ.”

Ông Lý nói thêm rằng sự lựa chọn từ “thần vận” (shen yun) để mô tả văn hoá truyền thống của ông Tập Cận Bình là một chi tiết đáng giá. Bởi ông ta “không thể nào không biết, hoặc không nghe nói về đoàn nghệ thuật Shen Yun Performing Arts tại Mỹ”. Có trụ sở tại tại New York, Shen Yun Performing Arts là một công ty vũ múa cổ điển Trung Quốc mà đã tuyên bố sứ mệnh của họ là hồi sinh của nền văn minh 5.000 năm Trung Hoa, theo trang web của Shen Yun. Trong thập kỷ qua, Shen Yun biểu diễn tại hàng trăm thành phố, thường xuyên tại các nhà hát danh tiếng trên khắp thế giới, và đã nhận được vô số khen ngợi từ những người nổi tiếng và có địa vị cao trên toàn thế giới.

Nhà bình luận Lý Thiên Tiếu cho rằng những từ ngữ được lựa chọn trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình là một “tín hiệu đồng ý” đúng thời điểm dành cho Đoàn Nghệ thuật Shen Yun. Trong tháng 11 vừa qua, chi nhánh Hồng Kông của đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV), đã khuyến khích chính quyền thành phố mời Shen Yun đến biểu diễn tại đây trong năm 2017.

Tôn sùng văn hóa truyền thống Trung Quốc

Đã nhiều lần ông Tập Cận Bình thể hiện lòng ngưỡng mộ văn hóa truyền thống Trung Quốc sau khi lên nắm quyền lực.

Ngày 10/6, giới truyền thông nhà nước đã đăng bài “Giải mã tình cảm đối với văn hóa truyền thống của lãnh đạo Tập Cận Bình”, bài viết nhấn mạnh ông Tập rất xem trọng văn hóa truyền thống Trung Quốc. Theo bài viết, văn hóa truyền thống Trung Hoa là “nguồn dinh dưỡng tư tưởng” cho ông Tập Cận Bình, giúp ông Tập có “phong cách trị nước mang bản sắc Trung Quốc”.

Ngày 13/10, trang weixin “Tổ học tập” công bố bài viết “Tập Cận Bình tự thuật: Tình duyên văn học của tôi”, nhắc lại quá khứ thông thạo văn học kinh điển của ông Tập, từ nhỏ đã chịu ảnh hưởng của «Nhạc Phi truyện».

Ngày 18/11, khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Bắc Kinh giới truyền thông hai bờ lần thứ hai. Ông Ủy viên Thường vụ Trung ương Du Chính Thanh, thân tín của ông Tập, đã phát biểu nhấn mạnh “cần đẩy mạnh giao lưu hợp tác giới truyền thông hai bờ, phát dương truyền thống văn hóa Trung Hoa, phát huy vai trò của sợi dây gắn kết là chung bản sắc dân tộc”.

Tại Hội nghị, ông Phú Hoa (Fuhoa), Tổng biên tập Nhật báo Bắc Kinh đã phát biểu cho rằng, cần thay đổi cách làm truyền thông xưa nay của Đảng, cần phát dương văn hóa truyền thống Trung Hoa, đồng thời đưa dẫn chứng về những giá trị của văn hóa truyền thống.

Đa số giới truyền thông Trung Quốc độc lập cho rằng, sự tôn sùng văn hóa truyền thống Trung Quốc của ông Tập Cận Bình từng bị hệ thống tuyên truyền thuộc phe ông Lưu Vân Sơn biến ông Tập thành biểu tượng của tư tưởng cực tả (quá khuôn khổ, cứng nhắc, đưa mọi người dân nằm trong khống chế của cỗ máy nhà nước…).

Năm 2013, một quan chức cấp cao giấu tên tiết lộ với truyền thông ngoài Đại Lục rằng trong “Trung Quốc mộng” của ông Tập có ba điểm nhấn: mộng văn hóa truyền thống Trung Quốc, mộng chính trị dân chủ Trung Quốc và mộng tôn giáo Trung Quốc. Việc phe cánh ông Lưu Vân Sơn tuyên truyền xuyên tạc Trung Quốc mộng của ông Tập Cận Bình đã làm ông rất tức giận.

Tín hiệu cải tổ giới văn nghệ

Trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình yêu cầu Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật và Hội Nhà văn Trung Quốc phải cải cách triệt để, cởi bỏ khuynh hướng hành chính hóa, cơ quan hóa, chọn được những lãnh đạo cơ quan văn nghệ xứng tâm và tầm.

Ông Tập đề nghị những người làm công tác văn nghệ phải khắc phục cố tật gàn bướng “nông cạn”, ngăn chặn thứ tâm lý vụ lợi, tự giác cởi bỏ tham vọng thấp hèn dung tục, tự giác chống chủ nghĩa sùng bái kim tiền, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa cá nhân cực đoan.

Ông Tập cũng nhắc đến buổi Tọa đàm Công tác văn nghệ vào hồi tháng 10/2014.

Vào ngày 15/10/2014, ông Tập Cận Bình đã triệu tập khẩn cấp 72 người làm công tác văn nghệ để tổ chức Tọa đàm Công tác Văn nghệ. Tại đây, ông Tập lên án mạnh mẽ 8 hiện tượng quái dị trong giới văn nghệ Trung Quốc, bao gồm nạn đạo văn, tô vẽ hình ảnh xấu xí của người dân, dung tục tầm thường… Có bình luận cho rằng, nét mặt ông Lưu Vân Sơn tỏ rõ đặc biệt khó chịu về những “giáo huấn” của cấp trên. Một năm sau, ngày 14/10/2015, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc đã rầm rộ đăng lại toàn văn bài phát biểu nhấn mạnh ông Tập Cận Bình lên án 8 hiện tượng kỳ dị trong giới văn nghệ Trung Quốc này.

Cùng thời điểm, hoạt động thanh trừng hệ thống tuyên truyền đã được đẩy lên cao độ.

Ngày 2/11/2014, ông Vương Kỳ Sơn đã đi tuần tra 27 tổ chức, trong đó có 14 tổ chức thuộc hệ thống tuyên truyền, bao gồm cả Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Trung Quốc.

Từ 30/10 – 29/12/2015, Tổ đảng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật và Hội Nhà văn Trung Quốc bị tuần tra. Vào ngày 4/2 năm nay, trả lời về công tác tuần tra, Tổ Tuần tra đã nhấn mạnh về tác phong làm việc bê bối của bộ máy văn nghệ, có nhiều cán bộ dùng quyền lực công mưu lợi riêng…

Trước Hội nghị toàn thể Trung ương lần 6, ngày 19/10, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc giơ “bảo kiếm đả hổ”, cử ông Phó Bí thư Thường trực Ban Kiểm tra Kỷ luật Sơn Tây là Trì Diệu Vân (Chi Yaoyun) nhậm chức Tổ trưởng Tổ Kiểm tra Kỷ luật Bộ Văn hóa.

Bộ Văn hóa là cơ quan chủ quản của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật và Hội Nhà văn Trung Quốc, được cho là một thời gian dài trước đây nằm trong khống chế của phái Giang, cuối tháng 11/2014 ông Tập đã ra lệnh tuần tra đối với Bộ Văn hóa.

Phe tuyên truyền của ông Lưu Vân Sơn được cho là thường hay gọt giũa lại những phát biểu của ông Tập Cận Bình, luôn chống lại ông Tập.

Ông Tạ Thiên Kỳ (Xie Tianji), chuyên gia bình luận thời sự chính trị Trung Quốc Đại lục có phân tích cho rằng, hệ thống tuyên truyền Trung Quốc là cái lô-cốt mà phái Giang dùng để trói ông Tập vào thể chế chính trị Trung Quốc hiện hành. Những năm qua, phe ông Tập thường xuyên phát tín hiệu xây dựng nền chính trị dân chủ, đi ra ngoài khuôn khổ của ý thức hệ Đảng Cộng sản Trung Quốc. ông Tập muốn thay đổi thể chế thì mấu chốt hàng đầu là cần phải kiểm soát triệt để bộ máy tuyên truyền của nó.

Mộc Vệ (T/H)

Xem thêm: