Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu bật vai trò của nước này trong việc “đảm bảo sự ổn định trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời kỳ đại dịch COVID-19” và hứa sẽ thúc đẩy việc nối liền các nước với nhau, tờ SCMP đưa tin hôm 15/10.

Embed from Getty Images

Những bình luận của ông Tập hôm thứ Năm được đưa ra khi bắt đầu Hội nghị Giao thông Bền vững Toàn cầu kéo dài ba ngày của Liên Hợp Quốc mà Trung Quốc đang đăng cai tổ chức.

Ông Tập nói: “Giao thông vận tải là chìa khóa cho sự hiện đại hóa của Trung Quốc. Chúng tôi đã trở thành một quốc gia được kết nối tốt nhất với mạng lưới vận tải toàn cầu và ghi nhận khối lượng thương mại hàng hóa cao nhất thế giới”.

“Xuyên suốt đại dịch virus corona, tuyến đường sắt Trung Quốc – Châu Âu liên tục chạy cả ngày lẫn đêm để đảm bảo sự ổn định trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm của Trung Quốc trong cộng đồng toàn cầu,” ông Tập cho biết, theo SCMP.

Ông nói thêm rằng Trung Quốc cũng đang “dẫn đầu” trong đổi mới giao thông, trích dẫn những “đột phá” mới trong công nghệ máy bay và đường sắt tốc độ cao và cho biết “các phương tiện [sử dụng] năng lượng mới của chúng tôi cũng chiếm khoảng một nửa trên tổng số toàn cầu.”

Trong khi mạng lưới đường sắt giữa châu Âu và Trung Quốc chứng kiến ​​số lượng chuyến tàu chở hàng kỷ lục trong sáu tháng đầu năm nay do phí vận chuyển đường biển cũng như nhu cầu về đồ bảo hộ cá nhân tăng cao trong đại dịch COVID-19, giao thông phần lớn là một chiều từ Trung Quốc đến Châu Âu.

Trong hội nghị trực tuyến với các nhà lãnh đạo từ Nga, Turkmenistan, Ethiopia, Panama và Hà Lan, ông Tập đã cho thấy Trung Quốc là “một người chơi toàn cầu có trách nhiệm và là người bảo vệ chủ nghĩa đa phương thông qua cam kết thúc đẩy kết nối thế giới.”

“Chúng ta nên thúc đẩy mở cửa hơn nữa nền kinh tế thế giới, chống lại các quy tắc và thể chế phân biệt, độc quyền, thúc đẩy sự cân bằng có lợi, cởi mở hơn, bao trùm hơn”, ông Tập nói.

“Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển các dự án chất lượng cao trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường và tăng cường kết nối với cơ sở hạ tầng cơ bản của các nước khác.”

Ông Tập đã tìm cách mở rộng vai trò của Trung Quốc trong mạng lưới giao thông toàn cầu thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, liên quan đến việc xây dựng một loạt mạng lưới để kết nối châu Phi, châu Á và châu Âu.

Tuy vậy, năm 2019 Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) đã công bố báo cáo chỉ ra rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường không chỉ khởi xướng về kinh tế, mà nó còn là công cụ quan trọng thúc đẩy dã tâm địa chính trị của Trung Quốc.

Báo cáo chỉ ra, Trung Quốc thông qua “Một vành đai, Một con đường” đem đến rủi ro đầu tiên cho các nước nhận đầu tư, đó là chủ quyền quốc gia bị xâm chiếm. Báo cáo nói, công ty Trung Quốc thông qua tài trợ vốn và các hợp đồng kinh doanh cho thuê dài hạn lên đến hàng thập kỷ, từ đó có được quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng thuộc “Một vành đai, Một con đường”.

Công ty Trung Quốc có được các cơ sở hạ tầng này, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng quan trọng, ví dụ như quyền vận hành kinh doanh đập thủy điện, không chỉ khiến cho các cuộc đàm phán liên quan biến thành phức tạp, mà cũng sẽ dẫn đến sức ảnh hưởng chính trị và dựa dẫm lâu dài vào họ. Trong một số tình huống, công ty Trung Quốc vận hành kinh doanh và kiểm soát dự án thuộc “Một vành đai, Một con đường” lên đến 99 năm. Cảng Hambantota của Sri Lanka là một ví dụ điển hình, công ty Trung Quốc có quyền kiểm soát cảng này lên đến 99 năm.

Một bản báo cáo hồi tháng 3 năm ngoái của Trung tâm Phát triển toàn cầu (Center for Global Development) tại Mỹ có nói, 8 nước tham gia vào “Một vành đai, Một con đường” bao gồm Djibouti, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mông Cổ, Montenegro, Pakistan và Tajikistan đều đang đối mặt với rủi ro khủng hoảng nợ, trong đó có một số nước nợ trung Quốc với khoản nợ chiếm đến một nửa hoặc hơn một nửa tổng số nợ nước ngoài.

Báo cáo còn nói, nếu bất cứ một nước nào trong số các nước này không thể quản lý nợ một cách hiệu quả, thì Trung Quốc sẽ có được địa vị mạnh mẽ, ảnh hưởng đến các quyết sách của họ, thậm chí là có quyền kiểm soát các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Do vấn đề nợ, Thái Lan, Malaysia, Sri Lanka, Nepal, Pakistan, Myanmar và Bangladesh đều đã hủy bỏ hoặc thu nhỏ các dự án có vốn đầu tư cao từ Trung Quốc.

Lê Xuân (t/h)

Xem thêm: