Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), hôm thứ Hai (25/3), Tổng thống Pháp Macron đã mở một bữa tiệc tối thịnh soạn tại khu vực gần thành phố Nice để chiêu đãi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm châu Âu. Tại Khải Hoàn Môn của Thủ đô Paris, ông Macron cũng đã chính thức tiếp đón ông Tập đến thăm nước Pháp.

Embed from Getty Images

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 25/3 (Ảnh từ Getty Images)

Điểm dừng chân thứ 3 của ông Tập Cận Bình trong chuyến công du châu Âu là nước Pháp, đối với ông Tập Cận Bình và ông Macron mà nói thì đây đều là một thử thách. Ông Macron nếu muốn định hình mình trở thành một trong những người lãnh đạo mạnh nhất châu Âu, điều này có nghĩa là ông cần phải khiến cho Liên minh châu Âu (EU) có cùng chung một tiếng nói khi qua lại với Trung Quốc. Còn đối với ông Tập Cận Bình mà nói, mục tiêu của ông không chỉ là mở rộng mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc, mà khi đối mặt với những đối thủ cạnh tranh chính trên toàn cầu, cũng đồng thời cần mở rộng sức ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc tại châu Âu.

Đối mặt với Trung Quốc, châu Âu có thể thống nhất chăng?

Trong cuộc đàm phán được tổ chức vào thứ 3 (26/3), Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker sẽ cùng Tổng thống Pháp Macron tiến hành hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Paris.

Tổng thống Pháp Macron đã xác định giọng điệu cho lần hội đàm này, hôm thứ Sáu (22/3) ông tuyên bố “thời kỳ ngây thơ của châu Âu đã kết thúc”. Cùng với đó, nước Đức cũng biểu đạt cách nhìn nhận tương tự với Pháp.

Thủ tướng Đức Makel nói, “Tôi hy vọng xây dựng một mối quan hệ ngang hàng”, “nếu một bên có sự tiếp cận thị trường, thì đối phương cũng cần phải như vậy”.

Tuy nhiên, giữa Trung Quốc và các nước thành viên của Liên minh châu Âu như Ba Lan, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Cộng hòa Séc, đã ký kết hơn 10 hiệp định thương mại và đầu tư, và điều này có thể sẽ phá hoại sự đoàn kết của châu Âu.

Tờ Le Monde tại Pháp nhận định, “Nếu Paris, Bruxelles, Berlin đứng trên cùng một lập trường, thì không phải tất cả các nước khác sẽ đi theo họ”, “các nước ở vùng Scandinavie (Bắc Âu) giữ sự im lặng, … còn các nước phía Nam như Ý, Bồ Đào Nha, Hy Lạp lại cần sự đầu tư từ Trung Quốc.”

Cam kết đôi bên cùng thắng lợi là thật lòng?

Trung Quốc nói rằng “Một vành đai, Một con đường” là một cam kết “đôi bên cùng thắng”. Nhưng nhiều nhà phê bình chỉ ra, những dự án cơ sở hạ tầng thuộc “Một vành đai, Một con đường” khiến cho một số nước châu Phi và Đông Nam Á phải gánh vác khoản nợ lớn, đồng thời khiến cho các tài sản chiến lược gồm cả các cảng biển của Djibouti và Hy Lạp về cơ bản điều thuộc sự kiểm soát của Trung Quốc.

Việc Anh đang rút khỏi EU và sự chia rẽ chính trị nội bộ của nước này cũng đã làm suy yếu năng lực ứng phó với Trung Quốc bằng phương thức thống nhất của châu Âu. Điều này có thể sẽ đối mặt với thử thách tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung – Âu diễn ra vào tháng 4 tới.

EU đã soạn thảo một chiến lược, kêu gọi các nước thành viên gây áp lực với chính phủ Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc nâng cao trách nhiệm và độ minh bạch trong giao dịch thương mại. Tuy nhiên, ông Winnie King – chuyên gia về vấn đề Đông Nam Á thuộc Đại học Bristol (Anh Quốc) cho biết, điều này có thể bị phá vỡ bởi một hiện thực khác, đó chính là Trung Quốc có thể có biện pháp hữu hiệu “bằng cách đối phó riêng lẻ với các nước thành viên EU để chia rẽ và chinh phục họ”.

Chuyên gia về vấn đề châu Á Francois Godement thuộc Trung tâm nghiên cứu Montaigne (Pháp) cho rằng, nhiệm vụ hàng đầu của ông Tập Cận Bình trong chuyến công du lần này không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn bao gồm cả việc “xóa bỏ” những nghi ngờ của châu Âu, và làm lạnh nhạt thêm quan hệ giữa Mỹ và châu Âu trước khi các cuộc đàm phán thương mại Trung – Mỹ được tổ chức vào tháng sau.

Nhà phân tích Kaufman tại Pháp lại cho rằng, chuyến công du của ông Tập nổi lên mối đe dọa lớn hơn, trong đó có cả các nước lớn khác gồm Nga và Mỹ cũng đang muốn phá hoại sự đoàn kết của châu Âu.

“Điều mà người châu Âu cần không chỉ là một hồi chuông cảnh báo”, Kaufman có bài viết trên New York Times nói rằng, “họ cần phải quyết định xem họ muốn thấy lục địa châu Âu bị chia rẽ bởi những đối thủ mạnh hơn, hay là hy vọng lấy lại sức mạnh tập thể để tự nắm bắt vận mệnh của mình”.

Trí Đạt (Theo VOA)

Xem thêm: