Gần đây, một bài viết cũ từ tháng 6/2014 bỗng dưng được lan truyền rộng rãi trên mạng internet ở Trung Quốc. Có nhận xét cho rằng, bài viết này được chú ý lần nữa vì nội dung của nó rất gần với thực tế tình hình chính trị của Trung Quốc hiện nay.

chinh bien Tap Can Binh

Bài viết được đăng làm nhiều kỳ. Bài đầu phân tích việc ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn từ sau Đại hội 18, tiến hành chống tham nhũng đã tấn công vào các quan chức cao cấp. Việc này làm cho tập đoàn tham nhũng vô cùng bất an và luôn tìm thời cơ để phản công.

Các hình thức chính biến cũng được liệt kê trong bài viết như:

  1. Tập đoàn tham nhũng sử dụng danh nghĩa của chính phủ lập hiến phát động chính biến và rửa sạch các tài sản tham nhũng;
  2. Lợi dụng chủ nghĩa ly khai tiến hành một cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn tại các thành phố trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc, làm cho ông Tập Cận Bình bị tấn công sau lưng;
  3. Tập đoàn tham nhũng trong một số cuộc họp chính trị quan trọng, đột nhiên tiến hành “nổi loạn”;
  4. Lặp lại sự kiện 20/7 ở Vũ Hán năm 1967 khi quân đội phát động quần chúng bao vây Mao Trạch Đông.

Bài viết cũng đưa ra một số sách lược chống chính biến bao gồm:

  1. Trừ ác tận gốc, đối với kẻ ác, để tránh bị làm hại không cần phải khách khí;
  2. Diệt trừ thân tín của tập đoàn tham nhũng, gia tăng sức mạnh của dân ý, trọng dụng quan viên và dân chúng bị tập đoàn tham nhũng bức hại;
  3. Sử dụng nhiều cách khác nhau để thu thập thông tin tình báo, ngăn chặn hệ thống tình báo tham gia chính biến.

Có nhận xét cho rằng nội dung của bài viết này đã dự báo vô cùng sát với thực tế Trung Quốc. Vì từ sau Đại hội 18, ông Tập Cận Bình sử dụng danh nghĩa chống tham nhũng, nhưng thực tế cho thấy các quan chức bị bắt đa phần đều thuộc phe cánh của ông Giang Trạch Dân. Bên cạnh đó cũng xuất hiện liên tục các vụ liên quan đến “quân sự, kinh tế và tuyên truyền” nhằm chống lại ông Tập Cận Bình.

Kịch bản phát động chính biến bị sụp đổ

Trong cuộc đời làm chính trị của cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân, có hai món nợ máu lớn mà ông không thể phủi tay phủ nhận: Một là cuộc thảm sát học sinh sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và hai là cuộc đàn áp Pháp Luân Công được phát động từ tháng 7/1999 và vẫn còn kéo dài sau hơn 17 năm.

Việc ông Hồ Cẩm Đào không ủng hộ đàn áp Pháp Luân Công khiến ông Giang cảm thấy không được yên tâm. Do đó, ông đã tìm người tâm phúc để thay thế ông Hồ Cẩm Đào. Ông Giang muốn đề bạt ‘thái tử Đảng’ Bạc Hy Lai, người vô cùng tích cực trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, do đó ra sức ngăn cản đề bạt ông Lý Khắc Cường, là người được Hồ Cẩm Đào ưu ái. Cuối cùng, vì cả hai bên đều không tìm được người phù hợp nên ông Giang đã ngăn cản việc thay đổi lãnh đạo vào năm 2007 nhằm thực hiện kế hoãn binh. Cũng chính nhờ vậy mà ông Tập Cận Bình vốn không thuộc phe nào lại được cả hai ông Hồ và Giang chấp nhận, được đề bạt làm người kế thừa.

Hai ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng dự định sau Đại hội 18 khoảng 2 năm thì hỗ trợ Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai thực hiện mô hình Trùng Khánh trên cả nước, thông qua kế hoạch “xướng hồng đả hắc” để nắm lấy quyền lực, khống chế hệ thống chính pháp và cảnh sát vũ trang trên toàn quốc. Bạc Hy Lai nắm lực lượng vũ trang lớn, ông Giang lại có nội ứng trong quân đội, kết hợp lại có thể phế bỏ ông Tập Cận Bình. Đây chính là kịch bản chính biến của phe cánh ông Giang Trạch Dân. Tuy nhiên, kế hoạch còn chưa diễn ra thì tháng 2/2012, ông Vương Lập Quân chạy đến Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, cung cấp các tài liệu bí mật chính trị khiến kế hoạch bại lộ. Từ đây mở ra nhiều cuộc nỗ lực chính biến khác sau đó.

Tập đoàn Giang Trạch Dân liên tục chính biến

Ngày 15/9/2012, 52 thành phố tại Trung Quốc bùng nổ “có tổ chức” các hoạt động phản đối Nhật Bản, dẫn đến việc người dân trong nước tấn công lẫn nhau, đốt phá ô tô do Nhật sản xuất và các cửa hàng bị cướp bóc. Cơ quan truyền thông nhà nước đồng loạt im lặng về  sự kiện này. Các bài viết trên mạng cũng nhanh chóng bị xóa bỏ. Đây thực chất là việc làm có chủ ý của thế lực muốn ngăn cản việc đem Bạc Hy Lai ra xét xử. Họ lợi dụng sự kiện đảo Điếu Ngư, điều động hệ thống chính pháp kích động nhân dân tiến hành đốt phá nhằm đưa Trung Quốc vào tình trạng không kiểm soát. Bằng cách này, quyền lực vẫn nằm trong tay phe cánh ông Giang Trạch Dân và ông Chu Vĩnh Khang cũng không bị ảnh hưởng.

Ngày 1/3/2014, đêm trước Lưỡng hội, tại ga đường sắt Côn Minh diễn ra vụ khủng bố đẫm máu. Một nhóm người đeo mặt nạ, mặc đồng phục, được huấn luyện tốt, trang bị dao dài đã tấn công tàn sát thường dân: 32 người thiệt mạng và 140 người bị thương.

Sau đó ngày 26/2, tại Hồng Kông xảy ra việc đâm chết cựu Tổng biên tập “Minh báo” Lưu Tiến Đồ. Vì vậy ngày diễn ra Lưỡng hội 2/3, Hồng Kông đã có diễu hành quy mô lớn. Nhiều người tin rằng, 2 sự kiện trên là do tập đoàn phái Giang đứng sau chủ mưu, nhằm gây ra nỗi hoảng sợ trong dân chúng, dẫn đến chính biến và buộc Tập Cận Bình phải từ chức.

Năm 2014 Hồng Kông diễn ra cuộc “Cách mạng Dù”. Ngày 10/6, phe cánh ông Giang ban hành Sách Trắng về việc thi hành chính sách “1 quốc gia, 2 chế độ” tại đặc khu hành chính Hồng Kông gây ra nhiều chia rẽ. Ngày 17/8, tại Hồng Kông đã ra đời tổ chức “Liên minh vì Hoà bình và Dân chủ”. Ngày 31/8, Thường ủy viên Bộ chính trị Trương Đức Giang thuộc phái Giang đã thao túng Đại hội đại biểu nhân dân, ngăn chặn việc cho phép Hồng Kông thực hiện phổ thông đầu phiếu. Ngày 28/9, cảnh sát Hồng Kông đã sử dụng bình xịt hơi cay để đàn áp sinh viên và người dân không vũ trang, gây ra phẫn nộ trong dân chúng. Theo nguồn tin quân sự cao cấp, Trưởng đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh, cũng thuộc phái Giang, đã chuẩn bị triển khai huy động vũ khí bằng đạn thật để trấn áp. Chỉ đến khi ông Tập Cận Bình gọi điện khẩn cấp sự việc này mới được dừng lại. Chính quyền ông Lương Chấn Anh sau đó sử dụng cách “hắc bạch lưỡng đạo” để đàn áp cuộc “cách mạng Dù”. Đằng sau sự việc này luôn có bóng dáng của ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng cầm trịch chỉ đạo nhằm khiến Hồng Kông rơi vào hỗn loạn, đồng thời đề xuất Đại hội đại biểu cho phép đưa quân đội tiến vào đồn trú tại Hồng Kông, nhằm tái hiện sự kiện Lục Tứ. Tập Cận Bình rơi vào bẫy sẽ phải tạ lỗi vì sai lầm mà thoái vị, phe cánh ông Giang sẽ dành lại được quyền lực tối cao.

Năm 2015, khủng hoảng chứng khoán tại Trung Quốc cũng chính là “chính biến kinh tế” nhắm vào ông Tập Cận Bình. Cha con Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Lưu Vân Sơn đều có nhúng tay vào. Một mặt, ông Lưu thao túng Tân Hoa Xã tuyền tin tức và lời bình của các nhà đầu tư về việc thị trường là “không thể cứu nổi”, “đổ vỡ thị trường”. Mặt khác, thông qua quan hệ của Lưu Lạc Phi tại CITIC Securities, sử dụng tin tức nội bộ về các chính sách giải cứu thị trường, cố ý thao túng làm loạn thị trường chứng khoán. Sau vụ việc đó, băng nhóm của Lưu Lạc Phi, Tổng giám đốc là Trình Bác Minh cùng 11 cán bộ cấp cao bị bắt điều tra. Chủ tịch CITIC Securities là Vương Đông Minh cũng bị ép từ chức, bản thân Lưu Lạc Phi thì tự từ chức.

Tháng 3/2015, khi Lệnh Kế Hoạch bị bắt, ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng định bí mật thuyết phục ông Hồ Cẩm Đào cũng một số nhân vật nguyên lão cao cấp liên thủ với phe Giang để trong hội nghị Bộ chính trị phế bỏ ông Tập Cận Bình. Ông Giang định bắt chước cách “Tám đại nguyên lão” lợi dụng “Hội sinh hoạt chính trị” cấp cao tấn công ông Hồ Diệu Bang, buộc ông này từ chức. Nhưng ông Hồ Cẩm Đào và Lý Thụy Hoàn từ chối nên kế hoạch lại thất bại.

Nhà báo hải ngoại Khương Duy Bình tiết lộ, Bí thư tỉnh Hà Bắc Chu Bản Thuận liên kết với ông Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng lên kế hoạch bí mật tại hội nghị Bắc Đới Hà tiến hành nổi loạn chống ông Tập Cận Bình, gọi là kế hoạch “đầu đạn hạt nhân chính trị”. Nhưng Chu Bản Thuận cũng đã bị bắt nhanh chóng vào ngày 24/7.

Ngày 12/8/2015, vụ nổ lớn ở Thiên Tân khiến cả thế giới rúng động. Có thông tin cho rằng đây là hành động cố ý  hủy bỏ chứng cứ sau khi thất bại trong việc ám sát ông Tập Cận Bình.

Đảo chính của phe Giang vẫn đang tiếp diễn

Ngày 28, 29/12/2015, trong “Hội sinh hoạt dân chủ” chuyên đề Bộ chính trị, ông Tập Cận Bình đã đưa vụ việc của Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy lai, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Lệnh Kế Hoạch v.v… ra làm ví dụ. Ông Tập nói rằng cần “nghiêm túc điều tra”, “có trách nhiệm với nhân dân, cũng có trạch nhiệm với lịch sử”. 

Ngày 12/1/2016, trong Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban kỷ luật Trung ương, ông Vương Kỳ Sơn cũng lại nhắc lại “Nghiêm túc điều tra Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch”, trừ đi “hiểm họa trọng đại trong đảng”, sẽ “kiên quyết điều tra việc lẫn lộn chính trị với kinh tế, kéo bè kết phái, trao đổi lợi ích, đối kháng tổ chức” v.v. Yêu cầu phân tích kỹ Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Lệnh Kế Hoạch, Tô Vinh, Chu Bản Thuận v.v. vi phạm “kỷ luật chính trị và chuẩn tắc sinh hoạt chính trị”.

Từ năm 2016, chính quyền ông Tập Cận Bình không ngừng tăng cường chống tham nhũng tấn công vào phe cánh ông Giang Trạch Dân. Vào thời điểm nhạy cảm ngày 20/7 (ngày ông Giang phát động đàn áp Pháp Luân Công), người tu Pháp Luân Công tại nhiều nơi trên thế giới tổ chức kỷ niệm phản bức hại 17 năm. Cũng trong dịp này, ông Tập phủ nhận chính sách bức hại tôn giáo, mở ra một loạt hội nghị liên quan đến hệ thống chính pháp, nhấn mạnh việc “sửa án oan sai”. Trong thời kỳ diễn ra Hội nghị Bắc Đới Hà, ông Tập đã thăng chức 78 vị tướng, điều động gần 100 chức vụ trong quân đội vũ trang, thể hiện quyết tâm “chiến đấu đến chết”. Ngoài việc ông Giang không xuất hiện trong Hội nghị Bắc Đới Hà, còn xuất hiện thông tin khác bất lợi liên quan đến hai tâm phúc của ông là cựu Chủ nhiệm Bộ chính trị Lý Kế Nại và cựu Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần Liệu Tích Long.

Chính biến có thể còn tiếp tục chừng nào ông Tập Cận Bình chưa xử lý triệt để nguồn gốc của vấn đề. Trước thềm hội nghị Bắc Đới Hà, ông La Vũ, con trai của thượng tướng lão thành La Thụy Khanh phát biểu trên truyền thông hải ngoại rằng, ông Tập Cận Bình muốn tiến hành cải cách thì chỉ có bắt ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng, đồng thời công bố những tội ác chống lại nhân loại của họ.

Cao Nghĩa (Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân)

Xem thêm: