Ngày 20/8, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng bài viết nói rằng chỗ đứng của các doanh nhân tư nhân trong ‘sự thịnh vượng chung’ cần phải cao. Tencent đã nhanh chóng hồi đáp, tuyên bố sẽ đầu tư 100 tỷ nhân dân tệ trong 4 tháng để thúc đẩy ‘sự thịnh vượng chung’. 

tencent shutterstock 1775180234
Tòa nhà trụ sở của Tencent tại Thâm Quyến, Trung Quốc. (Ảnh: katjen/Shuttersock).

Nhân Dân Chính Hiệp báo”, một tờ báo của Ủy ban Hiệp thương Chính trị toàn quốc Trung Quốc, hôm 20/8 đã có bài viết “Tinh thần doanh nhân nở rộ trong ‘sự thịnh vượng chung’”, và nêu câu hỏi: “Các doanh nhân của công ty tư nhân trong thời đại mới nên hiểu và thực hiện trách nhiệm lịch sử của ‘sự thịnh vượng chung’ như thế nào?”

Bài viết nói với các doanh nghiệp tư nhân: “Đầu tiên, chỗ đứng cần cao, cần phải hiểu rõ xu thế to lớn của lịch sử phục hưng dân tộc Trung Hoa và yêu cầu thiết yếu của chủ nghĩa xã hội. Thứ hai là phải có kiến giải sâu sắc, cần nhận thức đầy đủ được ‘sự thịnh vượng chung’ là một tiến trình lịch sử, một tiến trình không ngừng hoàn thiện và nâng cao. Cuối cùng, cần thực hiện chi tiết, trong 3 cấp phân phối, cần phải tìm hiểu mô hình phát triển bền vững phù hợp với doanh nghiệp của mình.”

Ngày 17/8, ông Tập Cận Bình chủ trì tổ chức hội nghị lần thứ 10 của Ủy ban Tài chính Kinh tế Trung ương, nghiên cứu thúc đẩy vấn đề ‘sự thịnh vượng chung’. Đồng thời, hội nghị còn đưa ra trọng điểm công tác bao gồm xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa hiệu quả và công bằng, xây dựng hệ thống mang tính cơ sở để điều phối đồng bộ nhịp nhàng từ phân phối chính, tái phân phối (phân phối lại) và phân phối cấp 3, tăng thuế, an sinh xã hội, thanh toán chuyển nhượng và điều chỉnh lực độ cũng như cải thiện tính chính xác, mở rộng tỷ trọng nhóm người thu nhập trung bình, tăng thu nhập của nhóm người thu nhập thấp, điều tiết hợp lý thu nhập cao, triệt tiêu thu nhập phi pháp, hình thành kết cấu phân phối mô hình ‘quả ô liu’, tức là ở giữa thì to, hai đầu nhỏ. 

Lời của ông Tập Cận Bình nói ra không lâu, Tencent đã nhanh chóng có phản hồi. Quản lý cấp cao của Tencent công bố thông tin trên Weibo chính thức của công ty, nói rằng để thúc đẩy ‘sự thịnh vượng chung’, sau khi đầu tư 50 tỷ nhân dân tệ để khởi động “sáng tạo giá trị xã hội bền vững”, công ty sẽ tiếp tục rót thêm 50 tỷ nhân dân tệ để khởi động “kế hoạch sự thịnh vượng chung”.

Điều này có nghĩa là trong vòng 4 tháng, Tencent đã liên tiếp khởi động kế hoạch lớn với vốn đầu tư lên đến 100 tỷ nhân dân tệ. Phản hồi nhanh chóng của Tencent được cho là biểu thị lòng trung thành với ông Tập Cận Bình, bỏ tiền để mua sự bình yên [cho doanh nghiệp].

Bình luận viên Đường Tân Nguyên, khách mời đặc biệt của Vision Times, đã chỉ ra trong bài viết “Mật mã tài phú của Tập Cận Bình”. Bài viết nói rằng từ góc độ kinh tế, “phân phối chính” là phân phối trong đó tổng thu nhập quốc dân được liên kết trực tiếp với các yếu tố sản xuất. Bất kỳ hoạt động sản xuất nào cũng không thể tách rời các yếu tố sản xuất như lao động, vốn, đất đai, công nghệ, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, để có được các yếu tố này phải trả một số tiền nhất định. Khoản tiền này chính là thu nhập lần đầu của những nhà cung cấp các yếu tố đó.

“Tái phân phối” bao gồm phân phối lại thu nhập và phân phối lại của cải. Chủ yếu đề cập đến việc chính phủ thông qua các biện pháp như thu nhập thuế, từ thiện, phúc lợi xã hội, dịch vụ công, cải cách ruộng đất để chuyển dịch thu nhập và của cải (bao gồm cả tài sản thực thể). Đối với ĐCSTQ, tái phân phối cũng thường gắn liền với đấu tranh giai cấp, chẳng hạn như phong trào “tam phản”, “ngũ phản” và “hợp tác doanh nghiệp công – tư” từ năm 1951 đến năm 1956, đã tiêu diệt chế độ tư hữu tài sản và giai cấp tư sản.

Nhà bình luận Đường Tân Nguyên chỉ ra, 3 lần phân phối của ĐCSTQ chính là để cho các công ty, tập đoàn và cá nhân giàu có “tự nguyện” cống hiến tài sản, nếu không sẵn sàng cống hiến, thì chính quyền sẽ động thủ để doanh nghiệp phải “đồng ý”. Thực ra, khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc Đại Lục rất lớn, có tái phân phối thế nào đi nữa thì cũng không thể làm tốt được, vậy mà hiện giờ họ lại còn vọng tưởng 3 lần phân phối. Năm 2020, khi “Lưỡng hội” vừa mới bế mạc, ông Lý Khắc Cường đã nói Trung Quốc còn có 600 triệu người có thu nhập khoảng 1.000 nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng 3,5 triệu VNĐ), thông tin này khiến các giới kinh ngạc. 

Ngoài ra, hiện tượng “quốc tiến, dân lùi” (có nghĩa là trong nền kinh tế quốc dân, doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ càng lớn thì doanh nghiệp tư nhân lại càng chiếm tỷ lệ nhỏ) tại Trung Quốc trong mấy năm gần đây cũng khiến cho các doanh nghiệp tư nhân rơi vào cảnh khó khăn. Doanh nghiệp tư nhân tạo ra trên 50% thu nhập tài chính; trên 60% thu nhập từ thuế; trên 70% sáng tạo khoa học kỹ thuật mới; trên 80% việc làm, doanh nghiệp tư nhân chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp. 

Ông Thịnh Hồng (Sheng Hong), người có thời gian dài quan sát hiện tượng “quốc tiến, dân lùi” và là Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc, một viện nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết môi trường sinh tồn của doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc rất đáng lo ngại. Trung Quốc thiếu hệ thống vận hành hiệu quả trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ nhân quyền, động một cái là bắt bớ hoặc doanh nghiệp bị tiếp quản, cho nên chủ các doanh nghiệp chắc chắn lo lắng cho an toàn của bản thân. 

Văn Long, Vision Times

Xem thêm: