Tesla thông báo trung tâm Tesla đầu tiên của hãng tại Tân Cương đã bắt đầu hoạt động vào ngày 31/12. Động thái này liệu có khiến “thanh danh” của Tesla bị ảnh hưởng vì vấn đề nhân quyền?

Embed from Getty Images

Nhà máy của Tesla tại Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Ngày khai trương Trung tâm Tesla Urumqi tại Tân Cương, công ty này này đã đăng lên Weibo của mình hình ảnh lễ khai mạc: màn múa lân truyền thống của Trung Quốc với những người cầm hình ảnh biểu ngữ “Tesla + trái tim + Tân Cương”.

Các công ty nước ngoài đang lâm vào tình thế khó xử về vấn đề Tân Cương vì Chính phủ Mỹ đã xác định 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở Tân Cương bị giam trong các trại tập trung là tội ác diệt chủng. Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Biden đã ký một đạo luật mới, cấm nhập khẩu hầu hết hàng hóa từ Tân Cương vì lo ngại liên quan lao động cưỡng bức. Nhà Trắng cũng xử phạt một số công ty và cá nhân bị cáo buộc liên quan tội diệt chủng ở Tân Cương.

Các công ty nước ngoài tận dụng cơ hội tại Tân Cương sẽ đối mặt nguy cơ danh tiếng và quy định quản lý của Mỹ, trong khi tránh Tân Cương sẽ phải đối mặt với sự tức giận của chính quyền Bắc Kinh và những người tiêu dùng Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc. Tiền lệ tiêu biểu là 2 công ty lớn của Mỹ.

Nhà bán lẻ lớn nhất thế giới WalMart mới đây đã loại bỏ kinh doanh các sản phẩm sản xuất tại Tân Cương, đã thành công ty Mỹ mới nhất rơi vào sóng gió chính trị tại Trung Quốc vào cuối năm 2021: chuỗi cửa hàng Sam’s Club dành cho thành viên của hãng bị một số người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay. Cơ quan giám sát kỷ luật của Trung Quốc tố cáo WalMart là “ngu ngốc và thiển cận”.

Trường hợp khác là vào ngày 23/12, công ty bán dẫn Intel của Mỹ đã xin lỗi người tiêu dùng Trung Quốc, do trong bức thư gửi các nhà cung cấp trước đó, Intel yêu cầu không mua các sản phẩm từ Tân Cương. Động thái này đã kích dậy ‘làn sóng’ chỉ trích trực tuyến của cộng đồng mạng Trung Quốc đối với Intel.

Tương tự như Tesla, nhà sản xuất ô tô Volkswagen AG của Đức cũng đã vấp phải chỉ trích từ các nhà lập pháp nước ngoài và các nhà hoạt động nhân quyền do quyết định giữ lại một nhà máy ở Urumqi. Công ty lập luận rằng chuỗi cung ứng của họ không liên quan đến lao động cưỡng bức.

tesla
(Ảnh từ Shutterstock)

Tesla đã đạt được một loạt thành công nhờ bán xe điện Model S và Model 3 tại Trung Quốc, trong khi các công ty phương Tây khác đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn trong nước. Năm 2018, Tesla trở thành nhà sản xuất ô tô nước ngoài đầu tiên đặt nhà máy tại Trung Quốc (Thượng Hải). Vào năm ngoái doanh số bán hàng của Tesla ở Trung Quốc tiếp tục tăng vượt trội dù bị giới chức Trung Quốc thắt chặt kiểm soát và cho tuyên truyền tiêu cực về một số vấn đề về chất lượng.

Hôm Chủ nhật (2/12), Tesla cho biết vào năm 2021 họ đã giao hơn 930.000 xe trên toàn thế giới, tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ước tính của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse, hơn một nửa trong số này có thể được sản xuất tại Thượng Hải.

Theo trang web của Tesla, với việc khai trương cơ sở tại Urumqi, hệ thống cửa hàng của hãng đã trải rộng khắp 30 tỉnh và khu vực ở Trung Quốc Đại Lục, Hồng Kông và Ma Cao.

Người sáng lập Tesla là tỷ phú Elon Musk nổi tiếng ở Trung Quốc nhờ sự nhạy bén và tài giỏi kinh doanh, ông dự tính rằng Trung Quốc sẽ trở thành thị trường dài hạn lớn nhất của Tesla. Nhưng ông cũng gặp phải một số rắc rối ở Trung Quốc. Gần đây nhất là vụ nhà cầm quyền Trung Quốc đã đệ đơn lên Liên Hợp Quốc cáo buộc SpaceX do Musk phóng lên đã 2 lần trong năm 2021 suýt va chạm với Trạm Vũ trụ Trung Quốc.

Vào ngày Tesla công bố khai trương cơ sở trưng bày ở Tân Cương, cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc tuyên bố rằng Tesla sẽ thu hồi khoảng 200.000 xe bán ra tại Trung Quốc từ tháng 1/2015 đến tháng 12/2020. Cục Quản lý thị trường Quốc gia của Trung Quốc cho biết khoảng 3/4 số xe này được sản xuất tại Trung Quốc, số còn lại là Model S và Model 3 nhập khẩu. Nguyên nhân thu hồi là do khóa mui trước bị lỗi và có vấn đề với camera quan sát phía sau.

Theo tin từ trang tài chính của Sina (Sina Finance) Trung Quốc, người phụ trách khu vực Tây Bắc của Tesla là Xiao Lu cho biết, Trung tâm Tesla Urumqi là điểm khởi đầu quan trọng để Tesla phát triển mạng lưới dịch vụ tại Tân Cương. Ở Urumqi, Tesla đã xây dựng 2 trạm sạc nhanh (supercharger) và 14 trụ sạc nhanh, ở Tân Cương, Tesla đã xây dựng tổng cộng 7 trạm sạc nhanh và 36 trụ sạc nhanh, cùng với 6 trạm sạc và 12 trụ sạc destination charger (sạc đích tại các khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, v.v.).

Đường dây sạc “Con đường tơ lụa” của Tesla tại Trung Quốc đã được kết nối hoàn chỉnh vào cuối năm 2020, kéo dài 2.600 km từ Tây An về phía tây đến Urumqi với tổng cộng 11 trạm sạc Tesla. Vào tháng 8 năm ngoái, đường dây sạc “vành đai tây bắc lớn” của Tesla đã thông toàn tuyến này.

Câu trả lời cuối cùng của Tesla liên quan vấn đề nhân quyền ở Tân Cương sẽ thế nào, cũng là điều đáng được quan tâm.

Mộc Vệ, Vision Times

Xem thêm: