Charles Lieber, một giáo sư của Đại học Harvard, đã bị bắt hôm thứ Ba (28/1) và bị Tòa án Liên bang Mỹ truy tố với cáo buộc nhận tiền tài trợ từ Đại học Công nghệ Vũ Hán (WUT) nhưng lại phủ nhận mối quan hệ với phía Trung Quốc. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ còn cáo buộc ông tham gia “Kế hoạch ngàn nhân tài” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Embed from Getty Images

Charles Lieber, trưởng khoa Hóa và Sinh hóa của Đại học Harvard (Đầu tiên bên phải) (Ảnh: Getty Images)

Trong buổi họp báo hôm 28/1, đại diện cho cơ quan công tố bang Massachussetts, công tố viên Andrew Lelling cho biết, giáo sư Charles Lieber, 60 tuổi, trưởng khoa Hóa và Sinh hóa của Đại học Harvard, đã không khai báo trung thực về việc tham gia “Kế hoạch ngàn nhân tài” của Trung Quốc.

Nhóm nghiên cứu của giáo sư Lieber tại Harvard mong muốn nhận được khoản tài trợ hơn 15 triệu USD cho các dự án từ Viện Y tế Quốc gia và Bộ Quốc phòng Mỹ. Để nhận khoản tiền này, ông Lieber phải khai báo công khai về nguồn tài trợ tài chính khác từ nước ngoài. Tuy nhiên, ông Lieber đã nói dối về mối liên hệ với WUT và hợp đồng bí mật với “Kế hoạch ngàn nhân tài” của Trung Quốc.

Lieber nói với các nhà điều tra của Bộ Quốc phòng Mỹ vào năm 2018 và 2019 rằng, mặc dù đã nghe nói đến “Kế hoạch ngàn nhân tài” của Trung Quốc, song ông chưa bao giờ nhận được lời mời tham gia. Thế nhưng, thư điện tử của Lieber lại tiết lộ rằng ông đã ký hiệp nghị ba năm và hợp đồng lao động với Đại học Công nghệ Vũ Hán từ năm 2012.

NPR

Theo NPR, trong giai đoạn “quan trọng” 2012-2017, “Kế hoạch ngàn nhân tài” đã trả cho Lieber 50.000 đô la hàng tháng, cộng thêm “chi phí sinh hoạt và cá nhân” mỗi năm là hơn 150.000 đô la. Chính phủ Trung Quốc và WUT cũng tài trợ cho Lieber hơn 1,5 triệu đô la để thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu công nghệ nano tại WUT.

Trường hợp của ông Lieber đã nêu bật “mối đe dọa nghiêm trọng” về vấn nạn đánh cắp sở hữu trí tuệ cũng như các công trình khoa học và công nghệ của Mỹ. Hầu hết các cuộc điều tra về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ đều liên quan đến ĐCSTQ. Tháng 11 năm ngoái, Thời báo New York đưa tin, có ít nhất 180 cuộc điều tra về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ ở 71 tổ chức của Mỹ. “Kế hoạch ngàn nhân tài” nhằm thu hút các nhà khoa học và nghiên cứu nước ngoài phục vụ cho Trung Quốc chính là trọng tâm của cuộc điều tra.

Phản ứng trước vụ việc trên, Đại học Harvard nhấn mạnh trong một tuyên bố: “Những cáo buộc của chính phủ Hoa Kỳ đối với Giáo sư Lieber là cực kỳ nghiêm trọng. Harvard đang hợp tác cùng các cơ quan liên bang, bao gồm Viện Y tế Quốc gia, và đang tiến hành đánh giá riêng về hành vi sai trái nói trên. Giáo sư Lieber đã bị đình chỉ công tác vô thời hạn”. Dự kiến, phiên tòa xét xử giáo sư Lieber sẽ diễn ra vào chiều 4/2 tại Boston, Mỹ.

Trước đó, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng công bố hai vụ việc đánh cắp sở hữu trí tuệ Mỹ liên quan đến người Trung Quốc.

Trường hợp thứ nhất là nhà nghiên cứu y khoa 30 tuổi Trịnh Tảo Tùng bị bắt tại sân bay ở Boston vì bị tình nghi đánh cắp 21 mẫu tế bào ung thư từ phòng thí nghiệm của Bệnh viện Deacon Beth Israel mang về nước.

Ông Trịnh bị phát hiện mang theo 21 ống nghiệm, bên trong chứa “chất lỏng màu nâu” được cho là “vật liệu sinh học”, giấu trong tất để trong hành lý ký gửi. Sau khi bị bắt, Trịnh Tảo Tùng đã thừa nhận rằng ông có kế hoạch công bố kết quả nghiên cứu ở Trung Quốc dưới tên riêng của mình khi về nước. Ông Trịnh đã bị tòa án liên bang truy tố về hành vi tìm cách mang các mẫu sinh học không khai báo từ Mỹ về Trung Quốc và đưa ra các “kê khai giả mạo, bịa đặt và lừa đảo”cho hải quan Mỹ.

Trường hợp thứ hai là Diệp Diễm Khanh, một nghiên cứu sinh 29 tuổi tại Đại học Boston, bị cáo buộc nói dối với chính quyền về cấp bậc trung úy trong quân đội ĐCSTQ của cô. Diệp Diễm Khanh bị buộc tội gian lận thị thực, nói sai sự thật và hoạt động như một gián điệp ở nước ngoài. Hiện tại Diệp vẫn đang ở Trung Quốc nên tạm thời chưa bị chính phủ Mỹ bắt giữ.

Minh Ngọc

Xem thêm: