Hai bài học từ đại dịch COVID-19 khi khởi phát ở Vũ Hán và thảm họa lũ lụt ở Trịnh Châu minh chứng hệ thống toàn trị và mô hình quản trị hiện đại của Trung Quốc rất yếu trong ứng phó thảm họa bất ngờ. Từ mô thức ứng phó của cơ quan chức năng có thể nhận ra những tương đồng góp phần làm cho bi kịch của thảm họa tăng theo cấp số nhân.

(Bài viết của Trương Kiệt, thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.)

p2976901a708006689
Đường hầm thuộc tuyến cao tốc Bắc Kinh – Quảng Đông bị lũ nhán chìm. (Ảnh cắt từ video)

Tại Trung Quốc, trận lụt ở Trịnh Châu vừa qua chắc chắn đã tô lên thành phố một màu đen tối. Theo giới truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin cho hay đã có 50 người chết, nhưng người ta tin rằng sau khi xử lý dọn dẹp đường hầm Bắc Kinh-Quảng Châu thì con số sẽ tăng nhanh chóng. Đường hầm Bắc Kinh – Quảng Châu dài 6 km, có 6 làn xe lưu thông, ước tính từ hàng trăm cho đến cả ngàn chiếc xe bị kẹt trong đường hầm. Lũ lụt hiện đang chuyển sang khu phía bắc Trịnh Châu khiến vùng Tiêu Tác đang đối mặt với nguy cơ thiên tai nghiêm trọng. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, mực nước tại 30 con đập ở Hà Nam đang vượt mức cảnh báo, trong số đó có hơn chục con đập đang phải đối mặt với tình trạng vỡ đập. Chính phủ không ngừng truyền cho người dân ​​rằng trận lũ này hoàn toàn không phải do con người, vì là trận lũ 1000 năm mới thấy, thậm chí là 5000 năm mới thấy. Nhưng nhiều người dân và chuyên gia đã tố cáo rằng trận lũ bất ngờ này chủ yếu là do con người. Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi so sánh lũ lụt ở Trịnh Châu với đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) khi khởi phát ở Vũ Hán: chỉ là diễn lại thảm kịch ở Vũ Hán.

Thứ nhất: Che đậy thông tin trước khi thảm họa xảy ra

Theo thông tin, vào ngày 20/7, cơ quan khí tượng địa phương đã liên tiếp đưa ra 7 cảnh báo đỏ về mưa lớn, như vậy chính quyền Trịnh Châu nên cảnh giác trước thảm họa lũ lụt, nhưng cho đến đêm ngày 20 chỉ thấy truyền thông của Đảng hả hê đưa tin lũ lụt ở châu Âu, còn tin liên quan lũ Trịnh Châu chỉ thấy rải rác từ cộng đồng mạng Weibo. Điều khó hiểu hơn nữa là đã có ít nhất 2 hồ chứa xả lũ mà không có cảnh báo trước.

Cộng đồng mạng chia sẻ một phần “công điện nội bộ” của “Trụ sở cứu trợ hạn hán và kiểm soát lũ lụt thành phố Trịnh Châu” nêu rõ: Ngày 20/7, do có vấn đề tại độ cao 125 đường ống mặt sau đập hồ chứa Thường Trang nên hồ chứa đã xả lũ. Đồng thời, để đảm bảo an toàn cho công trình chuyển nước nam – bắc nên cũng bắt đầu phải xả lũ mức độ lớn tại con đập sông Sách. Điều không bình thường là lúc 1:00 sáng ngày 21/7, Weibo của Ban Tuyên truyền Ủy ban Trịnh Châu có thông báo đã mở các cửa xả lũ tại hồ chứa nước Thường Trang từ 10:30 sáng ngày 20/7 để giải tỏa áp lực kiểm soát lũ lụt. Cho đến 21:34 đêm hôm đó, mực nước của hồ chứa Thường Trang đã giảm 70 cm. Người ta đặt câu hỏi rằng từ 10:30 sáng [ngày 20] bắt đầu xả lũ mà đến hơn 14 tiếng sau khi thảm họa đã diễn ra trên diện rộng chính quyền mới công bố thông báo! Vấn đề tắc trách nữa là Nhân dân Nhật báo còn đợi đến 10:30 tối 20/7 mới dẫn tin thông báo từ Ban Chỉ huy cứu trợ hạn hán và lũ lụt Trịnh Châu, cho biết rằng người dân và cán bộ các địa phương liên quan hãy chuẩn bị vì sẽ xả lũ vào tối ngày 20.

Liệu trận lũ Trịnh Châu có liên quan trực tiếp đến việc xả lũ của hồ chứa Thường Trang? Có phân tích chỉ ra: Dù Trịnh Châu nằm trên một vùng đồng bằng nhưng địa hình tổng thể lại cao ở phía tây nam và thấp ở phía đông bắc. Từ bản đồ có thể thấy rằng một khi lũ của hồ chứa Thường Trang được xả sẽ chảy xuôi theo sông Khổng hướng ra sông Cổ Lỗ, là một nhánh phụ của sông Hoài bắt nguồn từ trấn Tân Mật chảy hướng đông bắc về Trịnh Châu, chảy đến tận vùng ngoại ô phía bắc của thành phố rồi chảy về phía đông vào huyện Trung Mâu.

Tóm lại, chính quyền Trịnh Châu biết rằng xả lũ từ Thường Trang và các hồ chứa khác sẽ gây thảm họa lũ ở Trịnh Châu, tuy nhiên họ đã không cảnh báo người dân và không đưa ra bất kỳ phương án phòng ngừa nào, thay vào đó mặc nhiên để thảm họa xảy ra. Cảnh tượng khó hiểu này cũng từng xảy ra ở Vũ Hán trong dịch COVID-19 giai đoạn đầu.

Vào ngày 8/12/2019, ca bệnh COVID-19 Vũ Hán đầu tiên được phát hiện tại Vũ Hán; ngày 30/12 tình hình được phơi bày và cộng đồng mạng internet chia sẻ tài liệu nội bộ liên quan; vào ngày 1/1/2020 cơ quan an ninh Vũ Hán truy cứu 8 bác sĩ bao gồm bác sĩ Lý Văn Lượng vì cái gọi là tin đồn về dịch bệnh COVID-19; trước đó ngày 9/12/2019, một nhóm chuyên gia từ Bộ Y tế Trung Quốc đã đến Vũ Hán, sau đó họ tuyên bố virus gây viêm phổi Vũ Hán là một loại virus corona mới, không độc lắm, và chưa phát hiện có trường hợp lây truyền từ người sang người, chỉ phát hiện có 45 ca nhiễm; ngày 19/1, viện sĩ Chung Nam Sơn cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CCTV rằng chắc chắn virus gây viêm phổi Vũ Hán có nhiễm từ người sang người; vào ngày 21/1 [năm 2020], truyền thông nhà nước tại Vũ Hán tập trung tuyên truyền Vũ Hán hân hoan chào đón Tết Nguyên đán, cộng đồng khu dân cư Bách Bộ Đình (Baibuting) Vũ Hán đã tổ chức một bữa tiệc vui cho 40.000 hộ gia đình với 13986 món ăn. Cùng ngày, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc là Tưởng Siêu Lương (Jiang Chaoliang) và Tỉnh trưởng Hồ Bắc là Vương Hiểu Đông (Wang Xiaodong) đã đi xem một buổi biểu diễn của đoàn kịch Lễ hội mùa xuân Hồ Bắc.

Trước ngày 20/1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cũng như Ủy ban Y tế Hồ Bắc và Vũ Hán đã che giấu dịch bệnh và cố tình lan truyền thông tin sai lệch. Họ biết rằng bệnh nhân viêm phổi do dịch ở các bệnh viện Vũ Hán đã quá đông, nhiều nhân viên y tế được tuyển dụng đã bị nhiễm virus và tình hình dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng qua đường từ người sang người, nhưng họ đã vô lương tâm khi tung tin rằng “không có ca bệnh mới”, “không có trường hợp lây từ người sang người”, “không có lây nhiễm trong nhân viên y tế”, “dịch bệnh có thể phòng ngừa và kiểm soát được”.

Thứ hai: Vấn đề tập quyền trong quyết định

Tại sao chính quyền thành phố Trịnh Châu biết xả lũ là thảm họa sẽ xảy ra nhưng không cảnh báo sớm? Điều này liên quan đến những hạn chế trong việc ra quyết định của hệ thống toàn trị. Các thảm họa xã hội lớn ở Trung Quốc phải trải qua một quy trình báo cáo nhiều cấp, chính quyền địa phương không có quyền đưa ra quyết định. Có thể đoán rằng chính quyền Trịnh Châu đã báo cáo tình hình thiên tai và các phương án xử lý cho chính quyền tỉnh, chính quyền tỉnh báo cáo Quốc vụ viện, và Thủ tướng Lý Khắc Cường báo cáo cho Tổng bí thư Tập Cận Bình. Nhưng ông Tập Cận Bình không thể quyết định được ngay, đã chuyển lại ông Lý Khắc Cường để nhờ ý kiến từ chuyên gia thủy lợi. Khi đang chờ ý kiến từ chuyên gia thì lũ lụt có thể đã ngập tuyến tàu điện ngầm số 5 và đường hầm Bắc Kinh-Quảng Châu. Chẳng phải bi kịch này cũng từng diễn khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán sao?

Vào ngày 26/1 năm ngoái, sau khi Vũ Hán bị phong tỏa vì dịch bệnh, một phóng viên CCTV đã phỏng vấn ông Thị trưởng Chu Tiên Vượng (Zhou Xianwang). Ông cho biết: Với tư cách là chính quyền địa phương, sau khi nắm được thông tin này, tôi phải có ủy quyền thì mới được tiết lộ. Ý của Thị trưởng Chu rất rõ ràng, đó là theo “Luật phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm” thì vấn đề quyết định có nên công khai dịch hay không là do Quốc vụ viện. Nhưng chuyện này quá lớn, Quốc vụ viện muốn xin ý kiến ​​chỉ đạo của Trung ương Đảng, Trung ương Đảng chưa có ý kiến, tức là chưa có lệnh của ông Tập Cận Bình, nên không thể công bố tình hình dịch bệnh và thực hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả. Vào ngày 20/1 khi có mệnh lệnh cao nhất từ ông Tập Cận Bình thì Chính quyền thành phố Vũ Hán mới được triển khai công việc liên quan. Như vậy có thể nói ông Tập đã bỏ lỡ “thời gian vàng” ngăn đại dịch.

Thứ ba: Ứng phó rối loạn

Khi chính quyền Trịnh Châu không thể cảnh báo cho người dân và cũng không thể kịp thời hành động với thảm họa, thì thể chế tập trung quyền lực thần kỳ của Trung Quốc và khả năng quản trị hiện đại có thể xoay chuyển tình thế?

Thực tế chứng minh rõ ràng khả năng đối phó với thảm họa của chính phủ Trung Quốc đã hổng nặng, thậm chí còn làm thảm họa tồi tệ hơn. Hãy nói về tuyến tàu điện ngầm Trịnh Châu số 5, ​​tại sao nó không thể dừng và sơ tán hành khách kịp thời? Nước không phải là động đất, không thể ngay lập tức làm ngập đường tàu điện ngầm.

Vào lúc 3:00 chiều tại thành phố Trịnh Châu đã xảy ra cảnh số lượng lớn xe buýt và ô tô cá nhân bị tê liệt vì nước lũ. Có phân tích chỉ ra, lựa chọn tốt nhất trong trường hợp này là cho tàu điện ngầm ngừng hoạt động, thực hiện kiểm soát giao thông đối với các tuyến đường ở những vùng trũng thấp và khẩn cấp sơ tán những người trong vùng nguy hiểm. Nhưng điều kỳ lạ là các bộ phận liên quan không hề động đậy, thậm chí sau đó vào lúc 5:00 xuất hiện trận mưa lớn đến 201mm nhưng tàu điện ngầm Trịnh Châu vẫn hoạt động. Phải đến một tiếng đồng hồ nữa trôi qua, khi hành khách trên tuyến số 5 liên tục gửi đi những thông điệp gặp nạn khi mắc kẹt thì nhà chức trách mới chính thức ra lệnh tạm dừng tàu điện ngầm.

Tại sao bộ phận vận hành tàu điện ngầm Trịnh Châu lại ngồi chờ đợi cho thảm họa xảy ra? Quan điểm của tôi là không có cán bộ nào muốn phải chịu trách nhiệm, không ai muốn gánh trách nhiệm việc đình chỉ hoạt động. Hiện tượng này cũng đã thể hiện rõ ở dịch bệnh COVID-19 khi khởi phát tại Vũ Hán. Khi đại dịch COVID-19 tại Vũ Hán không thể che giấu được nữa, hàng ngàn người dân Vũ Hán đang khóc thét trong kinh hoàng, hệ thống y tế sụp đổ, cả thành phố ngập trong chết chóc, thì những “thủ lĩnh nhân dân” và “người cầm lái vĩ đại” mới hoảng hốt ra lệnh phong tỏa Vũ Hán. Đến nay bao cảnh tượng thê thảm vẫn còn hiện ra trước mắt tôi: những người phụ nữ ngồi ngoài ban công khóc than xin chiếc giường nằm cho mẹ, những cô gái khóc kêu “mẹ ơi” đuổi theo chiếc xe rời đi trong đêm khuya, những bệnh nhân 70 tuổi vì nhiễm COVID-19 đã nhảy khỏi tòa nhà, những gia đình cả 4 người lần lượt qua đời…

Hai bài học từ đại dịch COVID-19 khi khởi phát ở Vũ Hán và thảm họa lũ lụt ở Trịnh Châu cho thấy tính ưu việt vô địch của hệ thống toàn trị và mô hình quản trị hiện đại của Trung Quốc mong manh thế nào.

Thứ tư: Tuyên truyền tẩy não

Đối mặt với lũ lụt thảm khốc, chính quyền Trịnh Châu đã huy động bộ máy tuyên truyền để tẩy não người dân. Các chuyên gia khí hậu ở Trịnh Châu tuyên bố rằng Trịnh Châu đã trải qua trận mưa lớn “1000 năm mới thấy”, các chuyên gia từ Sở Tài nguyên nước tỉnh Hà Nam thì thậm chí còn gọi là “trận mưa 5000 năm mới thấy”. Thế nhưng chuyên gia dự báo cao nhất của Đài Khí tượng trung ương Trung Quốc là Trần Đào (Chen Tao) đã cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Tin tức Bắc Kinh rằng sau năm 1951, Trung Quốc mới bắt đầu hoàn thiện hệ thống lưu dữ liệu thời tiết, tính đến nay lịch sử ghi chép dữ liệu này chỉ có 70 năm.

Có nhà phân tích chỉ ra trận lũ lụt ở Trịnh Châu không dữ dội như trận mưa xối xả cách đây 46 năm vào tháng 8/1975: Từ ngày 4 – 8/8 /1975, lượng mưa ở tâm trận mưa lớn đạt 1631 mm, lượng mưa lớn nhất trong ba ngày từ ngày 5 – 7 là 1605,3 mm. So sánh hai trận hồng thủy này cho thấy: lượng mưa trong 24 giờ (từ 8 giờ tối ngày 19/7 đến 8 giờ tối ngày 20/7) là 552,5mm, chỉ bằng một nửa trận mưa tháng 8/1975; lượng mưa trong 3 ngày (từ 8 giờ tối ngày 17/7 đến 8 giờ tối 20/7) là 617,1mm, chỉ hơn một phần ba trận mưa tháng 8/1975.

Trong thời gian xảy ra dịch bệnh ở Vũ Hán, phóng viên Liêu Quân (Liao Jun) của Tân Hoa xã Trung Quốc chi nhánh Hồ Bắc cho biết: “Chiến đấu chống lại dịch bệnh là chiến trường không khói thuốc súng, tôi chỉ là một trong những phóng viên bình thường. Trong cuộc chiến không có thuốc súng này, chúng tôi luôn kiên định sử dụng bút và ống kính trong tay như vũ khí, kể cho thế giới câu chuyện về Trung Quốc, tinh thần của Trung Quốc và sức mạnh của Trung Quốc, đây là lý tưởng và sứ mệnh của chúng tôi”. Cô này kể rằng cô đã viết 200 báo cáo trong đợt dịch, trung bình 5 bài báo một ngày.

Nhưng lao động cần cù của cô Liêu Quân không được người dân Vũ Hán khen ngợi, trái lại họ rất tức giận. Tại sao? Cô Liêu Quân được người ta nhớ đến với 3 bài báo “nặng ký”: ngày 31/12/2019 với bài “Đến thăm thực địa chợ tươi sống Hoa Nam, hầu hết các cửa hàng đều mở cửa bình thường”; vào ngày 1/1/2020 là bài “Xử lý 8 người phát tán trực tuyến thông tin sai sự thật về COVID-19”; ngày 3/1 là bài “Không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người của COVID-19”. Ba bài báo này sau đó đã được chứng minh là tin sai sự thật, gây hiểu lầm nghiêm trọng cho công chúng và khiến xã hội lơ là trong việc ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19.

Tóm lại, trận lụt Trịnh Châu là diễn lại thảm kịch của đại dịch COVID-19 khi khởi phát ở Vũ Hán. Còn màn diễn thực tế nào hơn? Ngày 26/4/1986, tai nạn tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Ukraina của Liên Xô cũ chẳng phải cũng vậy? Mãi đến một tuần sau vụ tai nạn, Chính phủ Liên Xô khi đó mới hiểu rằng không thể tiếp tục che đậy và bắt đầu sơ tán người dân trên diện rộng. Do che giấu và dối trá của cơ quan chức năng khiến hàng trăm ngàn người đã nằm trong vùng bức xạ tương đương 400 quả bom nguyên tử do Mỹ ném xuống Hiroshima, đã bị phơi nhiễm dưới bức xạ đó trong suốt một tuần. Do đó, thảm kịch lũ lụt ở Trịnh Châu và dịch bệnh COVID-19 không chỉ là sự bất lực và vô cảm của chính quyền địa phương, mà là của hệ thống toàn trị ở Trung Quốc. Chuyên gia nghiên cứu nạn đói từng được giải Nobel kinh tế là Amartya Sen có một luận điểm nổi tiếng:

Một thực tế quan trọng trong lịch sử nạn đói của nhân loại là không có nạn đói lớn nào xảy ra ở một quốc gia có chính phủ dân chủ và báo chí tự do. Và không chỉ nạn đói, còn những thảm họa lớn bất ngờ như lũ lụt, động đất, sóng thần và bệnh dịch. Mặc dù các nền dân chủ cũng không thể tránh được các thảm họa, nhưng khả năng chúng phát triển thành thảm họa do yếu tố con người là rất nhỏ, đây là một thực tế rất rõ ràng.

Bài viết của Trương Kiệt thể hiện quan điểm của ​​cá nhân tác giả – Nguồn: Mùa xuân Bắc Kinh – Được đăng lại trên Vision Times.

Xem thêm: