Ngày 25/12, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông báo ông Trần Toàn Quốc sẽ không còn giữ chức Bí thư khu tự trị Tân Cương. Thông tin gây chú ý vì quan chức này vừa tái nhiệm Bí thư Tân Cương trước đó 2 tháng.

Embed from Getty Images

Tuyên bố của ĐCSTQ hôm 25/12 gây chú ý về việc ông Trần Toàn Quốc không còn giữ chức Bí thư khu tự trị Tân Cương (Ảnh: Getty).

Hôm 23/12 “Dự luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur)” được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua đã chính thức được ký thành luật. Các cơ quan chức năng của ĐCSTQ gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, Nhân đại (Quốc hội), Chính hiệp, Ban Thường vụ Nhân đại Tân Cương cùng tuyên bố “kiên quyết phản đối” động thái của Mỹ. Phải chăng ĐCSTQ muốn thông qua vấn đề Trần Toàn Quốc từ chức nhằm làm giảm áp lực và khiến thế giới bên ngoài nghĩ rằng tình hình ở Tân Cương sẽ thay đổi?

Thực tế bản chất bức hại người dân của ĐCSTQ sẽ không thay đổi.

Ông Trần Toàn Quốc đã là Bí thư Khu tự trị Tân Cương trong 5 năm 4 tháng, giới quan sát chỉ ra rằng “kinh nghiệm cai quản Tân Cương” của ông Trần đã được mở rộng trên toàn Trung Quốc. Ngay sau khi nhậm chức, ông này đã đưa ra khẩu hiệu “Ở Tân Cương, mọi thứ đều vô nghĩa nếu không có ổn định”, và đẩy mạnh các “trung tâm giáo dục và đào tạo kỹ năng nghề”, tức là “trại cải tạo” hay “trại tập trung” bị cộng đồng quốc tế lên án. Ngày 25/10/2017, ông Trần Toàn Quốc được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ.

Ngày 9/7/2020, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính của Mỹ lần lượt ra tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhiều quan chức của ĐCSTQ ở Tân Cương, trong đó đứng đầu là ông Trần Toàn Quốc. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Mỹ hạn chế thị thực đối với thành viên của Bộ Chính trị ĐCSTQ. Như vậy, ông Trần trở thành quan chức cấp cao nhất của ĐCSTQ chịu lệnh trừng phạt của nước ngoài.

Ngày 7/4/2019, tờ WSJ (Wall Street Journal) đã công bố bài bình luận về thủ đoạn giám sát của ông Trần Toàn Quốc ở Tân Cương bằng công nghệ: “Trần đã thiết lập hệ thống công an trị [ở Tân Cương] với quy mô và độ phức tạp chưa từng thấy. Trước đây, công nghệ đó đã được ông ta áp dụng ở các tỉnh khác (gồm cả Tây Tạng), và bây giờ đưa đến (Tân Cương) đã bổ sung thêm các công nghệ và chiến lược mới, đồng thời mở rộng thêm phạm vi thực hiện”. “Ông ta đã thiết lập hàng ngàn đồn cảnh sát công nghệ cao trên khắp Tân Cương và sử dụng dữ liệu lớn để theo dõi công dân. Để tìm ra những tài liệu nhạy cảm, cảnh sát đã sử dụng các thiết bị điện tử cầm tay để quét dữ liệu như ảnh và thông tin trên điện thoại di động của cư dân”.

Trước đó ngày 9/10/2018, tờ Epoch Times có bài “Cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Tân Cương trong hai năm qua”, nêu rõ cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công của chính quyền Tân Cương kể từ khi ông Trần Toàn Quốc được chuyển giao đến phụ trách vào cuối tháng 8/2016.

Tác giả Tiết Trì (Xue Chi) chỉ ra: “Việc Tân Cương trở thành nhà tù lớn nhất thế giới là mở rộng cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ sang tất cả các tín đồ tôn giáo khác cũng như người dân ở Tân Cương”. “Tân Cương luôn là khu vực bị ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ nhất bằng cả hệ thống giám sát truyền thống và công nghệ cao khác nhau, chẳng hạn như camera giám sát, dữ liệu lớn, thu thập sinh trắc học cá nhân, trạm kiểm soát… Đồng thời, các biện pháp duy trì sự ổn định này đang lan rộng ra các tỉnh khác ở Trung Quốc”.

Nói đến vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ ở Tân Cương và những nơi khác không thể bỏ qua tội ác mổ cướp nội tạng sống, tiêu biểu như vào tháng 7/1995, bác sĩ Enver Tohti người Duy Ngô Nhĩ làm việc tại Bệnh viện Trung tâm của Cục Đường sắt Urumqi ở Tân Cương đã được lệnh mổ lấy nội tạng sống một tù nhân bị kết án.

Sau khi sống lưu vong, bác sĩ Enver Tohti đã tham gia nhiều hội thảo về hoạt động mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ và xác nhận tính xác thực bằng trải nghiệm cá nhân của ông. Ông tuyên bố rằng các học viên Pháp Luân Công là nạn nhân chính của nạn mổ cướp nội tạng sống vì họ không hút thuốc hay uống rượu nên nội tạng họ rất tốt.

Kể từ tháng 6/2016, ĐCSTQ đã nhân danh “Kiểm tra sức khỏe toàn dân” để thực hiện trên quy mô lớn hoạt động kiểm tra sức khỏe và lấy mẫu máu người Duy Ngô Nhĩ. Bác sĩ Enver Tohti nghi ngờ ĐCSTQ xây dựng hệ thống dữ liệu đó vì nhu cầu quy mô cấy ghép nội tạng ngày càng nhiều.

Tóm lại, vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ ở Tân Cương không chỉ giới hạn ở người Duy Ngô Nhĩ, và cuộc bức hại hoàn toàn không chỉ giới hạn ở “trại cải tạo”. Ông Trần Toàn Quốc là công cụ duy trì sự ổn định cho ĐCSTQ, cái gọi là “kinh nghiệm quản lý Tân Cương” của ông ta phản ánh cuộc đàn áp nhân quyền thảm khốc của ĐCSTQ trên khắp đất nước Trung Quốc và cũng phản ánh bản chất tà ác của nhà cầm quyền toàn trị này.

Hiện nay cộng đồng quốc tế tập trung quan tâm về Tân Cương là một bước đột phá trong việc vạch trần tội ác của ĐCSTQ, giúp phơi bày thêm nhiều tội ác và khiến ngày càng nhiều kẻ vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ bị đưa ra công lý.

Điền Vân, Epoch Times

Xem thêm: