Có nhận định, uy thế của phe lãnh đạo đương nhiệm Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đang lung lay tại Thượng Hải vì bê bối trong công tác chống dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), khiến ông Tập khó khăn trong kế hoạch tại nhiệm vào Đại hội 20.

Vladimir Putin and Xi Jinping 2019 06 05 42
Ngày 5/5 ông Tập Cận Bình tuyên bố sẽ kiên quyết “đấu tranh” với những ai phủ nhận chính sách ‘Zero COVID’, ngay sau đó Bí thư Lý Cường của Thượng Hải ban hành “quân lệnh”. (Nguồn ảnh: kremlin.ru)

Tiền đồ chính trị của Bí thư thành ủy Thượng Hải Lý Cường

Ngày 8/5, Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) dẫn tin theo Financial Times (Anh) chỉ ra, việc Thượng Hải kiên quyết áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ‘Zero COVID’ trong chống dịch COVID-19 không chỉ gây ra lo lắng về việc nhiều gia đình ly tán, mà còn có nhiều biện pháp hành chính sai lầm khiến dư luận bất bình: trường hợp tiêu biểu như chuyện người sống bị bỏ nhầm vào túi đựng thi thể, thực phẩm phân phát cho người dân bị hư hỏng… Hệ quả nhiều người dân phản đối bằng cách ra ban công nhà đập thau chậu và những vụ việc hiếm thấy ở Trung Quốc như người dân xung đột với cảnh sát cũng đã nổ ra.

Có không ít người trong số 25 triệu cư dân Thượng Hải đổ lỗi cho ông Tập Cận Bình và chính sách ‘Zero COVID’ của ông, qua đó gia tăng áp lực buộc Bắc Kinh thay người lãnh đạo Thượng Hải mới giúp cải biến thực trạng hỗn loạn. Điều này khiến cho sự nghiệp của Bí thư Thượng Hải Lý Cường như chỉ mành treo chuông.

Vấn đề đặt ra cho ông Tập là phải ứng xử thế nào với các đồng minh thân thiết ở Thượng Hải như Bí thư Lý Cường và Thị trưởng Cung Chính đã gắn bó cùng ông 20 năm qua, thực trạng khiến cuộc chiến tranh giành quyền lực trong ĐCSTQ trước thềm Đại hội 20 trở nên khó lường hơn vì ưu thế của ông Tập suy giảm.

CEO Alex Payette của công ty tư vấn chính trị Trung Quốc Cercius Group cho biết: “Ngày càng có nhiều tiếng nói ở Thượng Hải và trong ĐCSTQ, đặc biệt là từ (Phó Thủ tướng) Hàn Chính, yêu cầu ông Tập Cận Bình buộc ông Lý Cường từ chức”. Ông Hàn Chính là thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, được coi là đối thủ cạnh tranh của ông Lý Cường trong chức vụ Thủ tướng thay ông Lý Khắc Cường tại nhiệm kỳ mới sau Đại hội 20.

CEO Payette cho rằng nếu ông Lý Cường mất chức, có thể gây “cú chấn động” trong nội bộ ĐCSTQ trước Đại hội 20 diễn ra vào tháng 11 khiến ưu thế của phe ông Tập ảnh hưởng nặng. Ông nói: “Nếu ông Tập Cận Bình hy sinh ông Lý Cường thì không khác gì thông điệp cho các thân tín khác là không ai được an toàn mà không thể chạm tới. Vì vậy chúng tôi nghĩ ông Tập sẽ đàm phán để ngay cả khi hỗn loạn ở Thượng Hải thì ông Lý Cường vẫn sẽ tiếp tục tại vị. Còn vị trí của Thị trưởng của ông Cung Chính có được đảm bảo hay không là một vấn đề khác”.

Mặc dù vậy, Payette cho rằng với những yêu cầu ngày càng tăng về trách nhiệm giải trình, áp lực chính trị có thể khiến ông Lý Cường khó có thể đi theo được con đường như những người tiền nhiệm, từ Thượng Hải mà vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị, như vậy sẽ mở ra khả năng người của phe Giang chiếm chỗ.

Thất thế của ông Lý Cường là đòn giáng mạnh vào ông Tập

Dịch bệnh ở Thượng Hải nhanh chóng trầm trọng cùng chính sách đột xuất phong tỏa thành phố đã gây ra những thảm họa thứ cấp khiến Thượng Hải rơi vào cảnh khủng hoảng. Phẫn nộ của người dân đã ảnh hưởng đến triển vọng chính trị của 2 lãnh đạo cao nhất tại Thượng Hải: Lý Cường và Cung Chính.

Ông Lý Cường là cán bộ cũ của ông Tập Cận Bình hồi ở Chiết Giang, được xem là thân tín của ông Tập; còn ông Cung Chính đã làm việc với ông Lý Cường ở Chiết Giang trong nhiều nhiều năm, thuộc “quân dự bị” của phe Tập.

Nhà bình luận Vương Hữu Quần chỉ ra, trong bối cảnh ông Tập Cận Bình đang tham vọng duy trì quyền lực tại Đại hội 20, nếu việc chống dịch ở Thượng Hải quá tồi tệ sẽ gây ảnh hưởng nặng đối với thế lực Tập cũng như khả năng tại nhiệm của ông trong nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp. Đối với ông Lý Cường, người đang có triển vọng cao vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ và đảm nhiệm chức Thủ tướng, vấn đề phòng chống dịch bệnh của Thượng Hải trở nên quá tồi tệ cũng có thể khiến con đường vào được Ban Thường vụ Bộ Chính trị còn khó khăn chứ đừng nói đến việc trở thành Thủ tướng.

Ông cho biết, Thượng Hải là địa bàn của “băng Thượng Hải” do các cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đứng đầu. Ông Phó Thủ tướng Hàn Chính hiện nay chính là đại diện tiêu biểu của phe Giang – Tăng, trước đây khi ông Hàn Chính còn là Thị trưởng kiêm Bí thư Thành ủy ở Thượng Hải đã cài cắm vào Thượng Hải nhiều thân tín, chẳng hạn như Gia Cát Vũ Kiệt. Giờ đây, Gia Cát Vũ Kiệt đã được thăng chức Phó Bí thư Thành ủy trong khi tiếp tục giữ chức Tổng thư ký Thành ủy. Nếu vì vấn đề bê bối trong công tác chống dịch mà phái Giang lấy lại thế lực tại Thượng Hải thì sẽ là đòn giáng mạnh đối với ông Tập.

Nhà bình luận Hạo Bình cũng viết trong một bài báo rằng ông Lý Cường đã nhiều lần công khai chỉ trích các quan chức Thượng Hải làm việc tắc trách trong công tác chống dịch COVID-19, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Thượng Hải cũng đã bắt giữ một số quan chức nhưng không có tác dụng cải thiện gì, vấn đề này dĩ nhiên liên quan đến nội đấu hai phe Giang – Tập. Hiện nay phe Giang nắm bắt được tình thế tiến thoái lưỡng nan của phe Tập: không thực hiện ‘Zero COVID’ sẽ bị coi là thỏa hiệp với phương Tây và không thể hiện được tính ưu việt của hệ thống xã hội chủ nghĩa, trong khi nếu thực hiện chính sách ‘Zero COVID’ sẽ gây bất ổn xã hội và kinh tế khốn đốn. Dưới tình thế tiến thoái lưỡng nan khiến ông Tập càng phải thể hiện cứng rắn nhằm đảm bảo tái nhiệm, trong bối cảnh này thì khó tránh khỏi sinh kế của người dân phải đứng sau lợi ích chính trị.

Xem thêm các bài về dịch bệnh tại Thượng Hải tại đây.