Thanh niên thế hệ Z của Trung Quốc vốn là thế hệ có trình độ học vấn cao nhất trong lịch sử Trung Quốc, nhưng dưới tác động của nhiều yếu tố, 15 triệu thanh niên đang thất nghiệp. Đối mặt với con đường tìm việc làm đầy gập ghềnh, họ bắt đầu chấp nhận những công việc được trả lương thấp từ chính phủ, một xu hướng có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế về lâu dài.

shutterstock 481250335
Sinh viên Trung Quốc tìm hiểu việc làm năm 2014. (Ảnh: humphery/ Shutterstock)

Những thanh niên có trình độ học vấn cao này lẽ ra phải đi tiên phong trên con đường kinh tế sáng tạo hơn và vận dụng công nghệ tiên tiến hơn. Tuy nhiên, chính sách “zero COVID” của ĐCSTQ đã dẫn đến việc sa thải quy mô lớn trong khu vực tư nhân. Việc đàn áp và quản lý các ngành bất động sản, giáo dục tư nhân và công nghệ kể từ năm ngoái đã ảnh hưởng đến lượng lớn các doanh nghiệp tư nhân.

Mùa hè năm nay, kỷ lục 11 triệu sinh viên mới tốt nghiệp đại học tham gia vào thị trường việc làm Trung Quốc, khiến việc tìm kiếm việc làm trở nên khó khăn hơn và khiến thế hệ thanh niên Trung Quốc không biết làm thế nào hơn. Tuy nhiên, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học hàng năm dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Theo số liệu chính thức, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 đến 24 tuổi ở Trung Quốc cao tới 19,3%, cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi tương tự ở Mỹ.

Giáo sư kinh tế Lu Feng tại Viện Phát triển Quốc gia của Đại học Bắc Kinh từng chỉ ra tại một cuộc hội thảo do viện ông tổ chức vào ngày 18/5 rằng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Trung Quốc hiện vượt xa so với châu Âu và Mỹ. Ông than thở rằng cách đây vài năm khi thấy tình trạng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở châu Âu và một số nền kinh tế mới nổi lên tới 20% đã cảm giác ngoài sức tưởng tượng, vậy mà chuyện này bây giờ lại có thể xảy ra đối với chính Trung Quốc.

Theo Bloomberg, số người thất nghiệp dưới 25 tuổi tương đương với lực lượng lao động của Trung Quốc giảm từ 2% đến 3%, và ít lao động hơn đồng nghĩa với việc giảm GDP.

Theo một nghiên cứu năm 2020, những người lao động tham gia thị trường lao động trong thời kỳ kinh tế suy thoái có thể trải qua một khoảng thời gian thất nghiệp, hoặc buộc phải chấp nhận một công việc được trả lương thấp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiền lương của họ trong nhiều năm tới.

Báo cáo chỉ ra, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng trung bình 5% sẽ làm giảm thu nhập hàng năm khoảng 8% khi gia nhập thị trường và sẽ giảm 3,5% sau 5 năm. Nói cách khác, tình trạng thất nghiệp hàng loạt của thanh niên có nghĩa là nó có thể ảnh hưởng đến mức lương ở Trung Quốc trong nhiều năm tới.

Loại ảnh hưởng này được gọi là “Hiệu ứng sẹo” (Scarring Effect). Những thanh niên này sẽ phải đối mặt với mức lương thấp hơn, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và giảm cơ hội sống. Cũng có bằng chứng cho thấy họ có thể xuất hiện các vấn đề sức khỏe tâm thần lớn hơn ở độ tuổi 40 hoặc 50. 

Hiện nay, ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc mất niềm tin vào các doanh nghiệp và chuyển sang làm những công việc được chính phủ trả lương thấp, điều này cũng khiến ngày càng ít nhân tài tham gia vào các doanh nghiệp để thúc đẩy đổi mới và chuyển biến.

Ông Tăng Tương Tuyền (Zeng Xiangquan), Giám đốc Viện Nghiên cứu Việc làm Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết: “Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với sự điều chỉnh cơ cấu, điều này thực sự đòi hỏi nhiều người trở thành doanh nhân, và nỗ lực phấn đấu.” Ông nói thêm, tình hình hiện tại “đối với nền kinh tế mà nói không phải là điều tốt”.

Bloomberg trích dẫn dữ liệu từ công ty tuyển dụng “51job” của Trung Quốc cho biết, khoảng 39% sinh viên tốt nghiệp năm ngoái đã coi các doanh nghiệp nhà nước là lựa chọn đầu tiên của họ. Đây là mức tăng đáng kể so với mức 25% của năm 2017. Còn có 28% người cho biết công việc của chính phủ là ưu tiên của họ.

Vào ngày 30/5, trang tin “Tài chính kinh tế số 1” (Yicai.com) của truyền thông Đại Lục đã đăng một báo cáo cho biết: “30 người vào biên chế nhưng có đến 4.000 người ứng tuyển, và vấn đề việc làm của hơn 10 triệu sinh viên tốt nghiệp giáo dục bậc cao rất khó giải quyết”.

Một phần nguyên nhân là do các công ty tư nhân có nhiều khả năng buộc phải sa thải nhân viên khi đối mặt với các biện pháp phong tỏa phòng chống dịch nghiêm ngặt.

Theo một cuộc khảo sát vào tháng Tư của nền tảng tuyển dụng Zhaopin, kỳ vọng của sinh viên tốt nghiệp về mức lương khởi điểm đã giảm hơn 6% so với năm ngoái xuống còn 6.295 nhân dân tệ (khoảng 932 USD) một tháng. Công ty tuyển dụng này cho biết, sức hấp dẫn của các doanh nghiệp nhà nước đã tăng lên so với cùng kỳ.

Cùng với tình trạng thất nghiệp tiếp tục gia tăng, nhiều người trẻ từ bỏ lý tưởng của mình, họ dùng các từ ngữ khác như “nằm im” đến “để thối” để bày tỏ thái độ thất vọng và thái độ với cuộc sống.

Hu Xiaoyue, 24 tuổi, có bằng thạc sĩ tâm lý học, cho biết đây là “một kiểu thư giãn tâm lý”. Cô cho biết, làm như thế này, ngay cả khi bạn thất bại, thì cũng sẽ không cảm thấy thất vọng.

Hu Xiaoyue nói rằng khi cô bắt đầu tìm việc vào tháng Tám năm ngoái, cô rất dễ dàng có được cơ hội được phỏng vấn, “nhưng vào mùa xuân năm nay, chỉ có 1/10 công ty mời phỏng vấn”.

Nhiều bằng chứng kinh tế cho thấy về tổng thể, hiệu quả và năng lực sáng tạo đổi mới của các doanh nghiệp nhà nước kém so với các doanh nghiệp tư nhân. Việc làm tại các doanh nghiệp nhà nước đã giảm trong vài thập kỷ qua, từ 40% năm 1996 xuống dưới 10% trước đại dịch. Tuy nhiên, xu hướng này hiện có thể bị đảo ngược.

Phân tích chỉ ra rằng ngay cả khi Trung Quốc có thể tăng trưởng mạnh trở lại trong nửa cuối năm nay, vấn đề thất nghiệp ở thanh niên vẫn sẽ tiếp tục tồn tại. Bởi vì tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã gia tăng kể từ năm 2017, và đạt 12% trước đại dịch.

Các nhà kinh tế cho rằng có 2 lý do cho điều này. Thứ nhất, trước đây hàng trăm triệu công nhân đã chuyển từ nông thôn lên thành phố, khi thị trường lao động sụt giảm, họ có thể quay trở về nông thôn làm việc. Hiện nay, khi nhiều người trẻ thất nghiệp, thì họ vẫn ở lại đó, khiến tình trạng thất nghiệp ở thành thị ngày càng gia tăng. Mới tháng Sáu đây, Bộ Dân sự, Bộ Giáo dục, Bộ Tài chính, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc đã cùng ban hành “Thông báo về việc định hướng tốt cho sinh viên tốt nghiệp đại học phổ thông đến các cộng đồng thành thị và nông thôn tìm việc vào năm 2022”, hướng dẫn sinh viên tốt nghiệp đại học năm nay đến các cộng đồng thành thị và nông thôn tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp.

Thứ hai, trong 20 năm qua, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần, điều này khiến số lượng sinh viên tốt nghiệp vượt xa nhu cầu thị trường.

Báo cáo chỉ ra rằng gần 60% thanh niên Trung Quốc hiện đang đi học đại học và những thanh niên có trình độ học vấn cao hơn này đang từ chối làm việc trong các nhà máy, điều này khiến các nhà sản xuất phàn nàn về tình trạng thiếu nhân lực có tay nghề cao.

Tuy nhiên, đối với nhiều ngành khác, nhân lực vượt xa nhu cầu.

Theo một nghiên cứu của nền tảng việc làm Zhaopin đối với hơn 20.000 người tìm việc ngẫu nhiên vào năm 2021, khoảng 43% người tìm việc muốn làm việc trong ngành IT, nhưng ngành này chỉ chiếm 16% trong số các tin tuyển dụng. Một nửa số người tìm việc có bằng cử nhân, nhưng chỉ 20% công việc yêu cầu bằng cử nhân.

Trí Đạt (t/h)