Số liệu mới nhất cho thấy, thị trường hàng xa xỉ của Trung Quốc đã tăng 2 con số, có triển vọng trở thành thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới trong 3 năm tới. Theo đó, hệ số Gini, đo khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc đạt 0,468, vượt mức cảnh báo.

Vali Vuitton
(Ảnh: Sorbis/Shutterstock)

Vào ngày 20/1, Bain & Company đã phát hành “Báo cáo thị trường xa xỉ Trung Quốc năm 2021”. Báo cáo cho biết: “Bất chấp những thách thức kinh tế và xã hội toàn cầu ngày càng gia tăng”, thị trường hàng xa xỉ của Trung Quốc đã đi ngược xu hướng và tăng trưởng mạnh mẽ trong hai năm qua. Mức tăng 48% vào năm 2020 và tăng thêm 36% nữa vào năm 2021 đã đưa tổng doanh thu năm 2021 lên 471 tỷ nhân dân tệ (khoảng 74 tỷ đô la Mỹ), tăng gấp đôi chỉ trong hai năm. Báo cáo phân tích rằng một trong những nguyên nhân khiến thị trường hàng xa xỉ của Trung Quốc tăng vọt là do dịch bệnh khiến người Trung Quốc khó đi du lịch nước ngoài và phải mua sắm ở nhà.

Báo cáo dự kiến, sự tăng trưởng này sẽ tiếp tục, đưa Trung Quốc trở thành thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm 2025.

Theo báo cáo của Bain & Company, trong số các ngành hàng khác nhau, các sản phẩm đồ da tăng trưởng nhanh nhất, với tốc độ tăng trưởng khoảng 60%, tiếp theo là thời trang, với tốc độ tăng trưởng khoảng 40%. Đồ trang sức tăng 35%, trong khi đồng hồ cao cấp tăng khoảng 30%; chi tiêu cho sản phẩm trang điểm xa xỉ tăng khoảng 20%.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường hàng xa xỉ của Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên. Trước các cửa hàng sang trọng ở các thành phố lớn ở Trung Quốc, chẳng hạn như cửa hàng của Cartier, LV, Prada, Gucci, và thậm chí cả cửa hàng Hermès, thường có nhiều người xếp hàng dài. Giá của những mặt hàng xa xỉ này có thể dễ dàng lên tới hàng trăm nghìn tệ. Trên trang web JD.com, một chiếc túi da cá sấu HERMES Kelly28 đã qua sử dụng được bán với giá lên tới 280.000 nhân dân tệ (khoảng 44.000 USD).

Sự phóng khoáng của người tiêu dùng khi tiêu nhiều tiền vào các cửa hàng sang trọng hoàn toàn trái ngược với Ngô Hoa Yến, một cô gái đến từ Quý Châu với khuôn mặt vàng và gầy. Ngô Hoa Yến, 24 tuổi, là sinh viên đại học nhưng chỉ nặng chưa đầy 23 kg và chỉ cao 135 cm. Để tiết kiệm tiền chữa bệnh cho em trai, Ngô Hoa Yến thường chỉ ăn cơm, ớt hoặc bánh màn thầu. Suy dinh dưỡng mãn tính khiến cô mắc chứng già sớm (progeria) và qua đời vào tháng 1/2020.

Theo một báo cáo tháng 9/2020 trên trang web chính thức của Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ bằng khoảng 1/4 mức trung bình của các nước có thu nhập cao. Khoảng 373 triệu người Trung Quốc vẫn sống dưới mức nghèo có thu nhập trung bình khoảng 5,5 đô la Mỹ một ngày.

Theo số liệu được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiết lộ tại cuộc họp báo kỳ họp thứ ba của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 13 vào tháng 5/2020, có 600 triệu người có thu nhập thấp và trung bình ở Trung Quốc. Thu nhập bình quân hàng tháng của họ chỉ khoảng 1.000 nhân dân tệ (khoảng 157 đô la Mỹ, hay khoảng 3,6 triệu đồng).

Người nghèo ở Trung Quốc nhiều như thế, nhưng tại sao thị trường hàng xa xỉ của nước này vẫn nằm trong top đầu thế giới? Ông Vương Quân (Wang Jun), cựu Chủ nhiệm Phòng Quốc tế của Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc tại Bắc Kinh (Unirule Institute of Economics), nói với Epoch Times rằng điều này là do cơ sở dân số của Trung Quốc quá lớn.

Ông nói: “Ngay cả khi tỷ lệ người giàu ở Trung Quốc rất thấp, chẳng hạn như 0 phẩy mấy phần trăm, 0 phẩy 0 mấy phần trăm, nhưng cơ sở dân số của Trung Quốc quá lớn. Tôi cảm thấy rằng người giàu của Trung Quốc có thể đông hơn so với tổng dân số của nhiều nước Châu Âu rất nhiều.”

Theo Báo cáo về sự giàu có của Hurun năm 2020, số lượng “gia đình giàu” với tài sản 6 triệu nhân dân tệ (khoảng 940.000 đô la Mỹ) ở Trung Quốc đạt 5 triệu; số “gia đình có giá trị tài sản ròng cao” với 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,57 triệu đô la Mỹ) đạt 2,02 triệu hộ; “hộ gia đình có tài sản có giá trị ròng cực cao” 100 triệu nhân dân tệ lên đến 130.000 hộ.

Trong số “những gia đình có tài sản có giá trị ròng cực cao” lên đến 100 triệu nhân dân tệ, có 75% là chủ doanh nghiệp; 15% là nhà đầu cơ bất động sản; 10% là nhà đầu tư cổ phiếu chuyên nghiệp.

Trong số “những gia đình có giá trị tài sản ròng cao” với tài sản hàng chục triệu nhân dân tệ, 60% là chủ doanh nghiệp, 20% là cổ đông vàng (các cổ đông vàng chủ yếu bao gồm các giám đốc điều hành cấp cao của các doanh nghiệp lớn như các tập đoàn và công ty đa quốc gia), 10% là người đầu cơ kinh doanh bất động sản, và 10% là những người đầu tư cổ phiếu chuyên nghiệp.

Qua số liệu này có thể thấy, trong số những người giàu có, giới đầu tư và đầu cơ bất động sản chiếm tỷ trọng lớn. Trong khi một số người giàu lên chỉ sau một đêm nhờ đầu cơ cổ phiếu và bất động sản, thì những người khác lại kêu trời vì đầu tư cổ phiếu không hiệu quả và làm nô lệ bất động sản (người dành hơn 70% thu nhập khả dụng của họ để trả các khoản vay thế chấp). Trong khi những người giàu đầu cơ này thường thích phô trương sự giàu có của mình.

Ông Vương Quân, từng sống ở Đức, phát hiện ra rằng những chiếc xe Đức mới nhất lại không phải xuất hiện nhiều nhất ở Đức, mà là ở Trung Quốc.

Ông nói rằng: “Chiếc xe có dung tích xilanh lớn nhất không phải ở Đức, mà là ở Trung Quốc.” Ông nói thêm, “Có rất nhiều người lái Audi Q7 trong sân của cộng đồng nơi tôi sống. Q7 rất hiếm ở Đức. Người Đức có khổ người lớn và theo lý thì họ nên lái xe lớn, nhưng họ không để ý đến điều này. Nhưng ở Trung Quốc, nhiều người lái xe sang, tiền của họ đến như thế nào? Ngay cả khi đó là của riêng bản thân, nhưng cũng có phần khoe khoang trong đó.”

Ông Vương Quân gọi việc theo đuổi hàng xa xỉ của người Trung Quốc là một “văn hóa” hay “tâm lý xã hội” của những nhà giàu mới nổi, trong khi châu Âu hay Mỹ không có loại “văn hóa này”.

Ở Trung Quốc, tham ô hủ bại cũng là một nguyên nhân chính thúc đẩy sinh ra thị trường hàng xa xỉ.

Những quan chức tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lộ diện trong những năm gần đây về cơ bản đều là những người xa xỉ và ham muốn vật chất cực độ. Ví dụ, Cốc Tuấn Sơn, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần Quân Giải phóng Nhân dân, sở hữu hơn 30 căn hộ ở khu vực chính của Đường vành đai 2 ở Bắc Kinh. Tại Thượng Hải, Cốc Tuấn Sơn đã bán một mảnh đất quân sự với giá hơn 2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 320 triệu đô la Mỹ) và bòn rút 6%. Tại quê nhà của Cốc Tuấn Sơn ở Bộc Dương, tỉnh Hà Nam, chính quyền Bắc Kinh đã thu giữ các vật phẩm có giá trị như hàng trăm thùng hàng rượu Mao Đài, vàng, v.v, và chất đầy 4 xe tải.

Ngày 18/3/2012, Hình Lợi Bân (Xing Libin), người giàu nhất ở Liễu Lâm tỉnh Sơn Tây, kiêm chủ tịch Tập đoàn Liên Thịnh (Lian Sheng Group), đã chi 70 triệu (khoảng 11 triệu đô la Mỹ) để tổ chức đám cưới quy mô lớn cho con gái mình ở thành Tam Á. Ông ta đã chi hàng chục triệu nhân dân tệ để thuê công ty tổ chức tiệc cưới chuyên nghiệp nhất Bắc Kinh lên kế hoạch, mời nhiều ngôi sao đến biểu diễn, thuê khách sạn 5 sao như Hilton và Marriott, thuê 3 máy bay đưa đón khách.

Theo báo chí tại Đại Lục, sự giàu có đột ngột của Hình Lợi Bân đến từ sự cấu kết quan – thương. Ông ta đã mua toàn bộ cổ phần của mỏ than Hưng Vô ở huyện Liễu Lâm từ một doanh nghiệp nhà nước với giá rẻ 80 triệu nhân dân tệ, mỏ than này có trữ lượng 150 triệu tấn. Nhờ đó mà trở thành người giàu nhất ở Liễu Lâm, tỉnh Sơn Tây, với tài sản vượt 10 tỷ nhân dân tệ. .

Vào tháng 9/2020, ông Ninh Cát Triết (Ning Jizhe), Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, đã tiết lộ rằng hệ số Gini của Trung Quốc Đại Lục vào năm 2020 sẽ là 0,468. Theo tiêu chuẩn do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc đưa ra, hệ số Gini 0,4 là “lằn ranh đỏ” của khoảng cách phân phối thu nhập, và hơn 0,4 tức là có sự phân cực giữa người giàu và người nghèo.

Theo Liên Thư Hoa, Epoch Times

Xem thêm: