buchai1
Bức tranh cho thấy ĐCSTQ tiến hành tra tấn những người tập Pháp Luân Công (Ảnh: Minghui.org)

Vì sao bức hại Pháp Luân Công là cuộc bức hại nhân quyền lớn nhất hiện nay? (Phần 3)

>> Tiếp theo Phần 1Phần 2

“Trước năm tôi 7 tuổi chưa từng nhìn thấy cha, rốt cuộc cha là ai? Nhìn cha có hình dáng thế nào? Tại sao mẹ lại phải đi kêu oan cho cha? Vì sao mà cha lại bị bắt vào tù?” Từ Hâm Dương đã 16 tuổi, năm nay em đã cùng mẹ lưu vong từ Liêu Ninh, Trung Quốc đến Mỹ. Từ khi sinh ra em đã không được gặp cha, việc thiếu tình yêu thương của cha cũng khiến em luôn lo sợ sẽ mất đi tình yêu thương của mẹ. Trong ký ức của em, người cha chỉ để lại một vài ấn tượng.

“Khi tôi khoảng 7 tuổi, mẹ dẫn tôi tới nhà tù thăm cha lần đầu tiên, cha rất muốn ôm tôi… nhưng tôi lại không nhận ra cha, tôi cứ trốn vào trong lòng mẹ và không để cho cha ôm, sau này đây đã trở thành điều khiến tôi hối tiếc cả đời. Lần thứ hai gặp cha là khi tôi 8 tuổi, lúc đó cha đã hết hạn 8 năm tù và được trả tự do. Nhưng khi đó tôi lại không dám lại gần cha, bởi vì cha toàn thân bị thương, hô hấp khó khăn, hai mắt ngây dại, lúc tỉnh lúc mê, mẹ tôi vô cùng đau khổ lo lắng, không biết phải làm sao. Cha trở về nhà được 11 ngày thì phải vào bệnh viện cấp cứu, đến ngày thứ 13, cha đã vĩnh viễn rời xa mẹ con tôi.”

buchai2 tuDaivy
Từ Hâm Dương (mặc áo trắng) tham gia hoạt động thắp nến thỉnh nguyện tại Washington, DC., tay trái em cầm di ảnh của cha. Phía sau là mẹ em, bà Trì Lệ Hoa (Ảnh: Epoch Times)

Ông Từ Đại Vy, cha của Từ Hâm Dương là người tập Pháp Luân ông ở tỉnh Liêu Ninh, trong thời gian tù đày ông đã bị tra tấn và tiêm các thuốc không rõ nguồn gốc. Ông Từ Đại Vy về nhà không lâu thì phải vào bệnh viện cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán là các cơ quan đều suy kiệt. Ra tù chưa đầy 2 tuần, ông Từ Đại Vy đã qua đời vào ngày 16/2/2009 khi mới gần 34 tuổi, bỏ lại vợ dại con thơ vất vả mưu sinh.

Câu chuyện của gia đình Từ Hâm Dương chỉ là một hình ảnh thu nhỏ về cảnh ngộ mà hàng triệu người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc Đại Lục phải trải qua.

Pháp Luân Công là công pháp tu luyện cả thân lẫn tâm gọi là tính mệnh song tu, lấy đặc tính tối cao của vũ trụ chân, thiện, nhẫn làm nguyên lý chỉ đạo. Chính quyền ĐCSTQ do lo sợ và bất đồng hình thái ý thức mà đã không hoan nghênh pháp môn này, tháng 7/1999 đã chính thức đàn áp Pháp Luân Công, tiến hành chính sách hủy hoại triệt để về tinh thần, thể chất và kinh tế hòng tiêu diệt nhóm người theo học. Suốt 18 năm qua, không biết bao nhiêu người tập Pháp Luân Công đã bị bức hại vào cảnh sinh tử, vợ con ly tán.

Trẻ em bị cảnh sát sốc điện

Từ Điền Vinh, nữ, là người tập Pháp Luân Công tại khu Triều Dương, Bắc Kinh, năm 2001 bà đã bị cảnh sát bắt giữ, khi đó, con gái cô mới chỉ có 9 tuổi.

Ngày hôm đó, cảnh sát đã điều động hàng chục xe cảnh sát. Cổng nhà bà Từ Điền Vinh bị vây kín bởi cảnh sát và những người đứng xem. Vì bà Từ Điền Vinh từ chối không lên xe cảnh sát, đồng thời nói rõ cho những người dân tụ tập quanh đó sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Công, cảnh sát đã dùng dùi cui sốc điện bà, liên tục một giờ đồng hồ từ nhà ra ngoài, đến tận khi ra đường vẫn không dừng lại.

Con gái bà Từ thấy mẹ bị nhiều cảnh sát đánh đập, vừa khóc vừa kéo mẹ lại. Cảnh sát Lưu Diên Đình tiện tay liền lấy dùi cui điện sốc vào chân cô bé, trên quần lập tức cháy thủng hai lỗ như hai nắm tay. Cô bé bị sốc điện sợ đến điếng người, cũng không dám khóc nữa.

Chồng bà Từ Điền Vinh không tập Pháp Luân Công, ông nhìn thấy cảnh sát sốc điện con gái, liền cầm cái xẻng lên muốn liều mạng với cảnh sát. Nhưng vì cảnh sát quá đông, nên ông chưa kịp động thủ thì họ đã vây vào đánh đập ông. Sau đó, ông cũng bị cảnh sát đưa đi, bắt giam trái phép 15 ngày. Cùng ngày hôm đó, cha mẹ vợ chồng bà Điền cũng bị cảnh sát tìm đến, họ bị giam giữ và tra tấn trong trại giam hơn 2 tháng, sau khi bị tống tiền thì mới được trả tự do.

Sau hai tháng khi ông bà trở về nhà, đứa con của vợ chồng bà Từ Điền Vinh đã gầy đến mức chỉ còn da bọc xương, không có cách nào khác, ông bà liền đón đứa trẻ về nuôi, tình hình tài chính vô cùng khó khăn.

Hủy hoại về kinh tế

Hủy hoại kinh tế là một thủ đoạn chính yếu của ĐCSTQ khi bức hại những người tập Pháp Luân Công, tức là trực tiếp cắt đứt nguồn tiền tài vật chất để họ không thể sinh tồn.

Theo thông tin trên trang web Minghui.org, những người tập Pháp Luân Công, thậm chí người nhà của họ đã bị ĐCSTQ khai trừ công tác, bị đình chỉ hoặc thu hồi tiền lương hưu, thậm chí còn tịch thu tài sản và nhà ở.

buchai3 kinhte
(Ảnh: Minghui.org)

Tháng 8/2013, anh Vương Thăng Hoa, một người tập Pháp Luân Công, là nhân viên thuộc Ủy ban thành phố Duy Phường đã bị Cục Công an Duy Thành bắt giữ phi pháp, sau đó đưa đến Nhà tù Tư Thiết. Anh kiên trì đức tin với Pháp Luân Công và cự tuyệt “chuyển hóa”. Lý Đồng Khuê, trưởng Phòng 610 Duy Phường hòng dụ dỗ thuyết phục anh Vương đã hứa hẹn sẽ khôi phục lại mức lương vốn có của anh, thậm chí sẽ cấp lại cho anh toàn bộ những khoản tiền phúc lợi đã bị khấu trừ từ năm 2000, nhưng anh vẫn nhất mực từ chối.

Ông Vương Thụ Tường, nguyên là Trưởng nhóm tuần tra của Công viên Liễu Ấm tại Bắc Kinh, sau 27 năm công tác đến khi về hưu thì lại không được nhận tiền lương hưu chỉ bởi ông theo học Pháp Luân Công. Người nhà ông Vương Thụ Tường kể lại rằng, cảnh sát địa phương đã cưỡng bức ông từ bỏ Pháp Luân Công, còn đe dọa rằng nếu còn cố kiên trì tập luyện, thì nửa đời sau sẽ không được sống yên ổn. Hiện ông Vương Thụ Tường vẫn đang bị giam giữ trong tù.

Những người tập Pháp Luân Công còn phải đối mắt với những lần khám xét nhà và tịch thu tài sản của công an, mất đi toàn bộ tiền mặt cũng như đồ đạc giá trị. Tháng 8/2017, một bà lão họ Lưu tại thôn Báo Long, thị trấn Quan Khẩu, tỉnh Hồ Bắc đã bị công an địa phương đến khám nhà và lấy đi 36.000 nhân dân tệ. Đến nay, đồn công an vẫn chưa hoàn lại khoản tiền này cho bà.

Lý My Sơn, Đội Phó Đội An ninh Quốc gia tại Liêu Ninh kể từ khi nhậm chức năm 2011 đến nay đã không ngừng sử dụng các công cụ theo dõi và giám sát những người tập Pháp Luân Công. Ông ta đã bắt giữ phi pháp hơn 200 người, tịch thu khoảng hơn 1 triệu nhân dân tệ. Cảnh sát Khương Thành, đội trưởng Đội An ninh Quốc gia tại Liêu Ninh thẳng thừng không giấu giếm tuyên bố mục đích bắt giữ những người tập Pháp Luân Công của ông ta là để tống tiền. Ông ta từng khuyến khích cấp dưới: “Tịch thu tiền vật của những người tập Pháp Luân Công không chỉ được miễn tội, mà chúng ta sẽ có nhiều tiền ăn uống hơn.”

Theo báo cáo ngày 19/5/2015 trên Minghui.org, theo thống kê những người bị tịch thu và tống tiền tại huyện Nghĩa, có 183 người bị tống tiền lên tới tổng số 2.370.447 nhân dân tệ. Trong số đó có 43 người bị tống tiền ở mức 10.000 nhân dân tệ, 24 người bị tống tiền ở mức 20.000 nhân dân tệ, 11 người bị tống tiền ở mức 30.000 nhân dân tệ, 7 người bị tống tiền ở mức 50.000 nhân dân tệ, 4 người bị tống tiền ở mức 100.000 nhân dân tệ. Số tiền bị tịch thu cao nhất cá biệt lên tới hơn 400.000 nhân dân tệ.

Luật sư Cao Trí Thịnh: Trái tim run rẩy, ngòi bút run rẩy

Luật sư nhân quyền nổi tiếng Trung Quốc Cao Trí Thịnh trong năm 2004, 2005 đã 3 lần công khai viết thư cho chính quyền của ông Hồ Cẩm Đào, kêu gọi đình chỉ ngay lập tức hành vi bức hại tàn nhẫn vô nhân đạo đối với những người tập Pháp Luân Công và vạch trần tình trạng cực hình ngược đãi phổ biến trên toàn quốc. Ông nói:

“Trong lịch sử nhân loại chưa từng có nhân dân một quốc gia nào, vì tín ngưỡng trong tâm, ngay tại thời kỳ hoà bình của chính phủ mà phải trải qua tai nạn với quy mô lớn, dài lâu và tàn khốc như thế này.”

buchai4 caotrithinh
Luật sư Cao Trí Thịnh – luật sư nhân quyền nổi tiếng được cho là “lương tâm của Trung Quốc” (Ảnh: Epochtimes)

Luật sư Cao “dùng trái tim run rẩy, ngòi bút run rẩy ghi lại cảnh ngộ thê thảm trong vòng sáu năm trở lại đây của những người tập Pháp Luân Công bị bức hại, đã tiết lộ chân tướng cuộc bức hại thảm khốc khiến người khác khó tin”, đó là “ghi lại sự tàn bạo vô nhân tính của chính phủ đối với nhân dân của chính mình”.

Trong phong thư công khai đầu tiên của luật sư Cao Trí Thịnh gửi tới chế độ Hồ Cẩm Đào có đưa ra ví dụ này:

Từ Thừa Bản ở thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông vào ngày 15/10 khi vừa nhìn thấy tôi đã nói: “Thi thể của vợ tôi, Hạ Tú Linh, đã bị làm đông lạnh hai năm rồi, đến nay vẫn chưa được xử lý. Họ có năng lực tra tấn bà ấy trong thời gian dài khiến bà ấy tử vong, nhưng trong hai năm sau cái chết của bà ấy họ lại không có năng lực xử lý chuyện này. Khi bà ấy sắp bị tra tấn đến chết thì tôi mới được phép nhìn bà ấy một chút. Khi đó tôi thấy bà ấy thần trí đã không còn tỉnh táo nữa, nhưng vẫn bị còng ở trên giường, hơn nữa phần thân dưới không mặc y phục, khi nhìn thấy người thân của mình ở tình trạng thảm hại như vậy, trái tim tôi như tan nát! Họ thật sự không có nhân tính, mới có vài phút đã đuổi tôi ra ngoài. Lúc đó bà ấy mới hơn 40 tuổi!”

“Vì yêu cầu quyết liệt của chúng tôi, sau khi vợ tôi chết họ đã tiến hành khám nghiệm tử thi, báo cáo cho đến nay vẫn không đưa cho tôi, trong tình huống nhiều lần bị chúng tôi truy hỏi, họ chỉ nói với tôi là ‘vì luyện Pháp Luân Công mà chết’.”

buchai5 mct
Bà Hạ Tú Linh (Ảnh: EpochTimes)

Theo báo cáo, Hạ Tú Linh vì theo học Pháp Luân Công gặp phải bức hại bị giam giữ phi pháp, bị trại tạm giam lấy danh nghĩa “viêm màng não” để đưa đến bệnh viện, khi người vẫn còn đang thở đã bị đưa vào nhà xác. Người nhà phát hiện phần eo phía sau có quấn vải băng, quả thận đã bị trộm mất.

Sau sự việc đó, chồng của Hạ Tú Linh là Từ Thừa Bản đã vì vợ mình mà bày tỏ sự bất bình muốn kháng cáo, cảnh sát lại muốn dùng 10 vạn nhân dân tệ để mua chuộc ông, không muốn ông kháng cáo lên trên nữa. Sau khi Từ Thừa Bản tiết lộ trên mạng Internet việc vợ mình bị mổ cướp nội tạng thì ngay ngày hôm sau ông đã bị bắt. Hai năm sau ông qua đời, làn da bị lở loét. Người biết tình hình cho rằng triệu chứng bệnh đó giống như việc bị trúng phải độc tố có tác dụng chậm.

Luật sư Lưu Liên Hạ: Bị án oan 11 năm mà không hề có chút oán giận

Luật sư nhân quyền Trung Quốc Lưu Liên Hạ từng đại diện cho một người tập Pháp Luân Công là anh Trương Hồng Nho trong một vụ án vào năm 2015.

Trương Hồng Nho,  hơn 40 tuổi, tốt nghiệp Khoa Điện tự động hoá thuộc Đại học Công nghiệp Vũ Hán. Anh Từng làm ở bộ phận hành chính Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Chế tạo Sản phẩm Phần mềm Thịnh Hoa Thực, Bắc Kinh. Vì kiên định theo tập Pháp Luân Công mà năm 2002 đã bị kết án phi pháp 12 năm tù; năm 2015 lại bị bắt cóc một lần nữa và bị giam giữ phi pháp cho đến nay.

buchai6 truong
Trương Hồng Nho (Ảnh: Minghui.org)

Theo bài viết trên website Minghui.org ngày 16/11/2015, phòng xử án 20 thuộc Toà án quận Xương Bình, Bắc Kinh đã bắt đầu phiên toà xét xử phi pháp đối với Trương Hồng Nho. Tại phòng xử án, Trương Hồng Nho đã thuật lại quá trình bản thân theo học Pháp Luân Công và sau khi tập luyện đã khiến cảnh giới tư tưởng và chuẩn mực đạo đức được đề cao, khiến anh ấy thực sự trở thành một người tốt.

Anh nói: “Tội do các ông phán xét tôi không thừa nhận, tu luyện Pháp Luân Công là hợp pháp, không lâu nữa lịch sử sẽ trả lại sự trong sạch cho chúng tôi, thời khắc này cũng sẽ được ghi lại trong lịch sử.” Anh còn nói: “Trước đây tôi đã bị cầm tù phi pháp 11 năm, tôi không oán hận bất cứ ai. Tôi hy vọng thẩm phán cùng những người đang ngồi ở đây có thể giữ vững lương tri và tiêu chuẩn làm người cơ bản.”

Từng biện hộ vô tội cho Trương Hồng Nho, luật sư Liêu Liên Hạ cho biết, khi đó Trương Hồng Nho trần thuật tại phòng xử án đã làm ông xúc động sâu sắc, ông hồi tưởng lại khung cảnh trong phiên điều trần:

Mới đầu có người khuyên Trương Hồng Nho: “Anh xem anh đã ba mươi mấy tuổi rồi, còn chưa lập gia đình, người mẹ hơn 70 tuổi cần anh chăm sóc, nếu như anh không luyện nữa thì có thể chăm sóc mẹ của mình rồi.”

Trương Hồng Nho trình bày: “Con người không thể không có tín ngưỡng, tôi đặc biệt tán thành một câu nói của Phạm Trọng Yêm, ‘Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ’, vì tín ngưỡng, tôi không oán giận không hối tiếc.”

Luật sư Lưu Liên Hạ nói: “Khi đó tôi nghe xong rất chấn động, đến phiên tôi biện hộ thì đột nhiên tôi trở nên nghẹn ngào nói không nên lời, phải bình tĩnh vài phút tôi mới tiếp tục được… lúc đầu lý giải của tôi về những người tập Pháp Luân Công vẫn còn rất nông cạn, cho rằng họ chỉ vì sức khoẻ, cứu người, không nghĩ được rằng họ lại có cảnh giới tư tưởng cao như vậy. Hơn nữa, Trương Hồng Nho rất bình hoà, trong lời nói không có chút phẫn nộ, rất bình tĩnh, không có một chút oán hận nào. Trường hợp này làm tôi rất xúc động.”

Luật sư Quách Quốc Đinh: “Làm sao lại có năng lực chịu đựng khổ nạn siêu phàm như vậy?”

“Cảm giác bị 5 sợi dây thừng cột vào người trên giường là cực kỳ thống khổ, toàn thân khó chịu không nói nên lời, từng phút từng giây đều rất khó chịu đựng. Tôi nghĩ một ngày chẳng phải có 24 giờ sao?! Một giờ chẳng phải có 60 phút sao?! Một phút chẳng phải có 60 giây sao?! Tôi tự hỏi, kiên trì từng giây một liệu có được không? Khẳng định là được! Như vậy tôi liền kiên trì từng chút từng chút đến cái ngày mà bức hại kết thúc!” Đây là lời tự thuật của anh Cù Duyên Lai trong đơn kiện Giang Trạch Dân.

buchai7 lai
Cù Duyên Lai (Ảnh: Minghui.org)

Anh Cù Duyên Lai, sinh năm 1977, tốt nghiệp kỹ sư Khoa Năng lượng thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, từng giành giải nhất toán học, giải đặc biệt trong cuộc thi Olympic hóa học tỉnh Hắc Long Giang.

Tối muộn ngày 30/9/2002, anh Cù Duyên Lai bị cảnh sát Thượng Hải bắt cóc, bị giam cầm phi pháp 5 năm. Từ khi bị bắt cóc, anh một mực tuyệt thực để phản đối việc bắt giữ phi pháp đối với mình. Trong thời gian đó anh nhiều lần bị đánh đập tàn nhẫn, bị bức thực dã man đến độ đã 4 lần bị xuất huyết dạ dày nghiêm trọng, vài lần mạng sống bị đe dọa. Vốn là một thanh niên cường tráng cao 1m8, nặng hơn 70 kg, anh đã bị tra tấn đến mức chỉ có thể nằm trên giường hoặc ngồi trên xe lăn, không tự chăm lo cho sinh hoạt được.

Luật sư Quách Quốc Đinh biện hộ thay cho Cù Duyên Lai nói: “Lúc đầu tôi một mực không tin rằng một người có thể liên tục không ăn không uống hơn hai năm! Tuy nhiên, sự thật là trong quãng thời gian tuyệt thực, anh ấy đã bốn lần bị nguy hiểm tới sinh mệnh, được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện 4 tháng. Trong thời gian tuyệt thực, anh ấy một mực không ăn uống gì và bị bức thực trong thời gian dài. Trên thực tế bức thực là một kiểu tra tấn rất khó chịu đựng.” Theo một điều tra tháng 12/2013 trên Minghui.org, trong 442 người tập Pháp Luân Công tuyệt thực kháng nghị được thống kê thì có 154 người bị bức thực đến chết, tỷ lệ bức thực đến chết lên tới 35%.

Ông Quách Quốc Đinh nói: “Đối diện với Cù Duyên Lai như vậy, tôi không thể không thăm dò xem nguyên nhân là gì, khiến cho Cù Duyên Lai có được năng lực chịu đựng khổ nạn siêu phàm thoát tục như vậy? Cái giải thích duy nhất chính là lực lượng vĩ đại của tín ngưỡng.”

buchai8 quocdinh
Luật sư Quách Quốc Đinh (Ảnh: Epochtimes)

Luật sư Dư Văn Sinh: Pháp Luân Công thiên cổ kỳ oan

Ngày 13/9/2016, tại toà án, luật sư nhân quyền Trung Quốc Dư Văn Sinh đã biện hộ vô tội cho người tập Pháp Luân Công là anh Chu Hướng Dương ở Thiên Tân.

Chu Hướng Dương là một trong 60 kỹ sư định giá dự án đầu tiên của Trung Quốc. Ngày 20/7/1999, ĐCSTQ phát động bức hại Pháp Luân Công. Chu Hướng Dương vì đến quảng trường Thiên An Môn thỉnh nguyện hoà bình hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, mà bị bắt giam một năm rưỡi. Trong thời gian chịu tra tấn, máu của anh đã vương khắp nơi trên tường nhà tù. Ngày 31/5/2003, Chu Hướng Dương bị kết án phi pháp 9 năm tù; tháng 11 năm 2016, lại bị kết án phi pháp 7 năm tù. Tại trại lao động cưỡng bức Song Khẩu ở Thiên Tân (hiện đã đóng cửa) và nhà tù Tân Hải ở Thiên Tân (ban đầu là nhà tù Cảng Bắc), anh chịu đủ các loại hình thức tra tấn: bị còng xuống nền nhà, bị sốc điện thâu đêm, bị cấm ngủ 30 ngày liền, biệt giam, bức thực…, nhưng vẫn kiên cường bất khuất.

buchai9 chuhuongduong
Chu Hướng Dương (Ảnh: Minghui.org)

Luật sư Dư Văn Sinh trong lời biện hộ có nói: “Tự do tư tưởng tín ngưỡng là quyền cơ bản bẩm sinh của con người, là thứ không thể bị tước đoạt.”

Điều 36 Hiến Pháp Trung Quốc quy định: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng.

Trung Quốc đối với cuộc bức hại Pháp Luân Công từ năm 1999 đến nay giống như hạo kiếp 10 năm thời “Đại Cách mạng Văn hoá“, có thể vận động chính trị bức hại mà không màng đến pháp luật và sự thật, ông Giang Trạch Dân đã dùng mệnh lệnh và ý chí phi pháp của cá nhân mà gán tội cho người khác.

buchai10 sinh
Luật sư Dư Văn Sinh

Ông nói: “Tại Trung Quốc, không một bộ luật nào trao cho nguyên thủ quốc gia và tòa án tối cao quyền được nhận định một tổ chức nào đó có phải là tà giáo hay không. Bởi vậy, bất luận là lời nói của Giang Trạch Dân hay là thông báo của toà án tối cao, đều không được trao quyền hợp pháp.”

“Sai lầm đã rõ ràng, nghiêm trọng, gây hoạ lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, thời gian lâu dài, số lượng người vô tội bị liên lụy rất lớn, chỉ e là tội lớn nhất từ trước đến nay!”

Năm 2017, ông Dư Văn Sinh từng nói: “Trong cuộc bức hại này, những người tập Pháp Luân Công lại thực sự hành được chân, thiện, nhẫn. Trong suốt 17 năm bị vu khống và đàn áp đã hướng đến nhân loại mà thể hiện chân thực bản thân họ, đã nhận được sự tiếp nhận và tán dương ở nhiều quốc gia. Trong 17 năm tới nay chưa từng lấy hung bạo chống hung bạo, lấy oán báo oán. Toàn quốc không phát sinh sự kiện nào liên quan đến việc người tập Pháp Luân Công vì chịu bức hại và bất công mà sử dụng bạo lực hoặc thủ đoạn phi pháp để kêu oan rửa nhục.”

Ông nói, bức hại Pháp Luân Công là “Thiên cổ kỳ oan của dân tộc Trung Hoa”.

(Hết)

Minh Ngọc

Xem thêm: