Kể từ đầu năm đến nay đã hơn 60 lần Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đề cập đến khẩu hiệu “thịnh vượng chung”. Tờ Epoch Times dẫn chia sẻ của chuyên gia cho biết các ông chủ doanh nghiệp tư nhân quyên góp vì sợ ĐCSTQ đàn áp, nhưng việc quyên góp hào phóng sẽ không mang lại lợi ích cho người dân mà sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp tư nhân và kéo theo cả nền kinh tế Trung Quốc.

shutterstock 1404202352
Ông Jack Ma trong hội nghị VIVA Technology (Vivatech) ngày 16/5/2019 tại Paris, Pháp (Ảnh: shutterstock)

Nhiều tập đoàn hàng đầu và tỷ phú thay nhau dâng hiến

Ngày 17/8 năm nay, buổi họp của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương ĐCSTQ một lần nữa đề cập đến “sự thịnh vượng chung” cho xã hội Trung Quốc với việc nhấn mạnh cơ chế để điều phối phân phối lại tài sản xã hội.

Ngay sau động thái của nhà cầm quyền, vào tối ngày hôm sau ‘gã khổng lồ’ Tencent của Trung Quốc lập tức thông báo rằng họ sẽ đầu tư thêm 50 tỷ nhân dân tệ (NDT) để khởi động “Kế hoạch đặc biệt thịnh vượng chung”. Sau đó một tuần, vào ngày 24/8, khi nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo công bố báo cáo tài chính quý II, đã tuyên bố họ sẽ đầu tư 10 tỷ NDT vào quỹ đặc biệt dành cho nghiên cứu nông nghiệp, ưu tiên phân chia lợi nhuận trong các quý tiếp theo cho các chương trình nông nghiệp và nông thôn của ĐCSTQ.

Thực tế một năm qua, các công ty công nghệ tại Trung Quốc Đại Lục liên tục bị chính quyền gây áp lực, hệ quả là nhiều thế lực giàu có đã phải quyên góp tiền để tránh thảm họa có thể xảy ra. Đáng kể như Tencent đã đầu tư 50 tỷ NDT vào quỹ “đổi mới giá trị xã hội bền vững”, còn tháng Tư năm nay người sáng lập Mã Hóa Đằng (Ma Huateng) của công ty này cam kết quyên góp 7,7 tỷ USD để giúp các vùng nông thôn thoát khỏi đói nghèo; Pinduoduo đã từng tặng 100 triệu USD cho Đại học Chiết Giang.

Năm 2020 tỷ phú Jack Ma (Mã Vân) đã quyên góp 3,23 tỷ NDT, đứng đầu trong Danh sách từ thiện của Forbes Trung Quốc; đầu tháng Sáu năm nay người sáng lập Meituan là Vương Hưng (Wang Xing) đã quyên góp cổ phiếu công ty giá trị hơn 2 tỷ USD; giữa tháng Bảy năm nay, Chủ tịch Xiaomi là Lôi Quân (Lei Jun) cũng đã quyên góp cổ phiếu của công ty giá trị hơn 2 tỷ USD; còn Trương Nhất Minh (Zhang Yiming), người sáng lập ByteDance, cũng đã quyên góp 500 triệu NDT cho quỹ giáo dục ở quê nhà Long Nham tỉnh Phúc Kiến.

 

Phân tích: Giới giàu có phải quyên góp vì bất khả  kháng

Ngày 27/8, nhà bình luận thời sự Hồ Bình (Hu Ping) biên tập viên danh dự của tạp chí Mùa xuân Bắc Kinh (Beijing Spring) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times rằng những người giàu Trung Quốc kia quyên góp tiền vì sợ hãi, hy vọng tránh được sự đàn áp của chính phủ.

Ông nói: “Họ không muốn thảm họa phá sản. Nếu họ không quyên góp, liệu họ có gặp rắc rối với chính quyền không? Nếu [bị chính quyền] làm khó dễ trong nhiều chuyện khác thì thiệt hại kinh tế sẽ còn lớn hơn. Trên danh nghĩa, (ĐCSTQ) đang kêu gọi mọi người quyên góp tự nguyện, thực tế là ép buộc”.

Kể từ năm ngoái khi Alibaba bị nhà chức trách “điều tra chống độc quyền” thì áp lực lên các công ty công nghệ tại Đại Lục đã tăng lên đáng kể, những công ty tham gia quyên góp kia đều từng bị nhà cầm quyền hẹn gặp hoặc phạt nặng. Ví dụ, vào tháng Tư năm nay Alibaba đã bị phạt nặng 18,2 tỷ NDT; các ‘gã khổng lồ’ khác như Tencent, Meituan, Xiaomi và Bytedance cũng nhiều lần bị phạt vì lý do “độc quyền”“vấn đề bảo mật thông tin”.

“Họ (những người giàu ở Trung Quốc Đại Lục) rất lo ngại, nhà cầm quyền (ĐCSTQ) luôn có cách khiến bạn phải trả giá cao hơn, như thế tốt nhất nên quyên góp nhiều tiền, nhưng thực ra là bị ép buộc”, ông Hồ Bình nói.

Nhà bình luận này cũng cho biết rằng tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay không tốt do thiên tai nhân họa, [vì vậy] Chính phủ (ĐCSTQ) đang làm việc tích cực đối với các doanh nghiệp tư nhân và yêu cầu họ quyên góp thêm tiền.

 

Không thể mang lại lợi ích cho đông đảo người dân

Đối với cơ chế “tái phân phối của cải” mà ĐCSTQ thúc đẩy với lý do “thịnh vượng chung”, tờ Epoch Times dẫn lời ông Vương, một công dân Thượng Hải, nói rằng mục đích cuối cùng của các khoản quyên góp của những người giàu này là điều đáng nghi ngờ. Ông Vương cũng cho biết, ông nghi ngờ về khả năng tiền có thể đến được tay người nghèo. ĐCSTQ tuyên bố “xóa đói giảm nghèo” không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và rất khác với hoàn cảnh thực tế của những người dân thường, những người già ở nông thôn với mức lương hưu vài chục đến hơn trăm đồng thì vô cùng khốn khó.

Trả lời tờ Epoch Times vào ngày 27/8, tổng biên tập tờ Mùa xuân Bắc Kinh là ông Trần Duy Kiến (Chen Weijian) nói rằng trong lịch sử ĐCSTQ cũng đã sử dụng khẩu hiệu “thịnh vượng chung” để giật tài sản của người giàu, chẳng hạn như “đánh cường hào chia ruộng đất”, “hợp tác công tư”, nhưng người nghèo thì vẫn không có gì, vì tài sản ĐCSTQ cướp được không được dùng cho sự thịnh vượng chung, mà chui vào túi của chính quyền và những kẻ có thế lực trong đó.

Ông nói: “Nếu theo như ‘thịnh vượng chung’ thì khi có được những tài sản chiếm đoạt được kia phải giải quyết được những vấn đề về giáo dục và y tế cho người dân, nhưng chúng ta thấy trong nhiều năm qua mọi thứ vẫn như cũ… Bây giờ các đại gia như Jack Ma và Tencent quyên góp nhiều tiền như vậy, tôi tin rằng lần này không khác mấy lần trước, đông đảo dân chúng không được hưởng lợi gì từ số tiền đó”.

 

“Tái phân phối” ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân doanh

Ông Hồ Bình cho rằng chính sách “tái phân phối” lần này của ĐCSTQ về lâu dài sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp tư nhân và gây tổn hại cho nền kinh tế chung.

Cùng quan điểm, ông Trần Duy Kiến cũng chỉ ra việc ĐCSTQ đi tước đoạt từ các doanh nghiệp tư nhân là cách làm “giết gà lấy trứng”. Ông nói: “Nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa vào doanh nghiệp tư nhân. Bây giờ sau khi doanh nghiệp tư nhân phát triển, ĐCSTQ lại cướp lấy tài sản của họ, vậy tiền sau này sẽ từ đâu mà ra?

“Lấy nhiều tiền của doanh nghiệp như vậy chắc chắn không tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp. Nguồn vốn của doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận thông qua đầu tư, từ đó vừa tạo ra lợi nhuận đồng thời tạo ra việc làm và giúp cho xã hội vận hành năng động. Nếu doanh nghiệp ngoài việc đóng thuế lại phải đóng góp nhiều tiền như vậy thì viêc phát triển sẽ rất khó khăn [gây ảnh hưởng chung cho xã hội]”, ông nói.

Epoch Times dẫn số liệu từ Mạng Chính phủ Trung Quốc (Gov.cn) vào tháng 9/2020 cho biết, các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc Đại Lục đã giải quyết được 80% việc làm và 90% việc làm mới của cả nước Trung Quốc.

Ông Trần Duy Kiến suy tính rằng hệ quả mà hành động của ĐCSTQ gây ra là phá hủy toàn bộ khu vực tư nhân ở Trung Quốc và đưa nước Trung Quốc trở lại thời đại của Mao Trạch Đông: suy sụp kinh tế và người dân rơi vào tình trạng cực kỳ nghèo đói.

Ông nói: “Không chỉ sẽ không phải là ‘thịnh vượng chung’, mà người giàu sẽ trở nên nghèo, còn người nghèo thì lại không thể trở nên giàu có, khiến số người nghèo ngày càng nhiều hơn, cuối cùng làm toàn nền kinh tế Trung Quốc suy sụp. Đông đảo người dân thường sẽ ngày càng nghèo khổ hơn, vì nếu các doanh nghiệp tư nhân này sụp đổ (sẽ ảnh hưởng) đến việc làm của rất nhiều người, các doanh nghiệp tư nhân không muốn và cũng không có tiền để tái đầu tư và phát triển nữa”.

Lý Cung, Epoch Times

Xem thêm: