Nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô Mikhail Gorbachev đã qua đời hôm thứ Ba (ngày 30/8), và các nhà lãnh đạo trên thế giới đã bày tỏ sự thương tiếc, khen ngợi những đóng góp của ông trong việc chấm dứt Chiến tranh Lạnh và thúc đẩy tự do. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tỏ ra thờ ơ trước sự kiện này.

Embed from Getty Images

Trước sự kiện Lục Tứ (ngày 4/6/1989), đương nhiệm Tổng Bí thư ĐCSTQ Triệu Tử Dương đã có cuộc gặp với ông Gorbachev và phu nhân tại Bắc Kinh. (Ảnh: Getty Images).

CNN phân tích rằng ở Trung Quốc Đại Lục, ĐCSTQ đã sử dụng góc nhìn đối lập với xã hội dân chủ và những từ ngữ mang nghĩa xấu để đánh giá di sản chính trị của ông Gorbachev, bởi vì những cải cách của ông đã gây ra điều đáng sợ nhất đối với ĐCSTQ – sự tan rã của Liên Xô và các đảng cộng sản ở Đông Âu, từ lâu ĐCSTQ lấy đây là “bài học cảnh giác”.

Phản ứng chính thức của Bắc Kinh về sự kiện ông Gorbachev qua đời rất ngắn gọn. Hôm thứ Tư (ngày 31/8), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ nói rằng ông Gorbachev “đã có những đóng góp tích cực vào việc bình thường hóa quan hệ Trung – Xô”, “bày tỏ thương tiếc vì sự ra đi của ông, và chia buồn cùng gia đình ông.”

Đồng thời, ông Hồ Tích Tiến, người được coi là người phát ngôn của ĐCSTQ, đã cố gắng làm nhầm lẫn giữa các khái niệm “Liên Xô”“Đảng Cộng sản Liên Xô”. Ông ta thổi phồng trên Twitter rằng ông Gorbachev “đã bán rẻ lợi ích của tổ quốc, để giành được nhiều lời khen ngợi ở phương Tây”.

Một bài viết bằng tiếng Anh do Thời báo Hoàn cầu (Global Times) của ĐCSTQ đăng hôm thứ Tư (ngày 31/8) cũng tiến hành đánh giá với nghĩa xấu tương tự như ông Hồ Tích Tiến, trong đó đổ lỗi cho sự sụp đổ của Liên Xô là do “sự dân chủ hóa một phần xã hội Liên Xô dưới thời Gorbachev”. Còn “Con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” mà ĐCSTQ đang đi được gọi là “sự trưởng thành và tỉnh táo về chính trị”.

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của ông Gorbachev với ĐCSTQ

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow rạn nứt vào những năm 1950. Sau đó, không có trao đổi các chuyến thăm qua lại giữa Trung Quốc và Liên Xô trong một thời gian dài. Sau khi mối quan hệ Trung – Xô bớt căng thẳng, ông Gorbachev là nhà lãnh đạo cao nhất của Liên Xô đầu tiên đến thăm Trung Quốc vào tháng 5/1989.

Chuyến thăm của ông tới Trung Quốc diễn ra ngay trước vụ thảm sát đẫm máu ngày 4/6/1989 tại Quảng trường Thiên An Môn. Ông Gorbachev đến Bắc Kinh khi những người biểu tình sinh viên chiếm Quảng trường Thiên An Môn và kêu gọi cải cách dân chủ ở Trung Quốc. Các sinh viên gọi ông Gorbachev là “Đại sứ của Dân chủ”.

Phát biểu tại Bắc Kinh, ông Gorbachev đã vạch ra tầm nhìn của mình về phương hướng của chủ nghĩa xã hội, theo tác giả cuốn “Cuộc đấu tranh để cứu nền kinh tế Liên Xô: Mikhail Gorbachev và sự sụp đổ của Liên Xô”, tác giả Chris Miller nói rằng ông Gorbachev đề cập “Cải cách kinh tế sẽ không thể nào đạt được hiệu quả trừ khi có được sự hỗ trợ bởi một sự thay đổi triệt để trong hệ thống chính trị.”

“Chúng ta đang ở một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của chủ nghĩa xã hội trên thế giới”, ông Gorbachev nói vào thời điểm đó, đồng thời cho biết thêm rằng nhiều nước xã hội chủ nghĩa đang thực hiện quyền tự do ngôn luận, bảo vệ các quyền và dân chủ.

Tác giả Chris Miller viết rằng ĐCSTQ đã không phát sóng bài phát biểu của ông.

Ông Gorbachev sau đó tiết lộ trong hồi ký của mình rằng Bí thư ĐCSTQ Triệu Tử Dương khi xưa đã nói chuyện thẳng thắn với ông về việc liệu các nước xã hội chủ nghĩa có thể từ bỏ ý tưởng về hệ thống độc đảng và thực hiện hệ thống đa đảng hay không. Tuy nhiên, ngay sau khi ông Gorbachev kết thúc chuyến thăm và trở về nước, phong trào sinh viên tại Trung Quốc đã bị ông Đặng Tiểu Bình đàn áp, và ông Triệu Tử Dương bị cách chức và giam lỏng vì đồng tình với sinh viên.

Sau khi ông Triệu Tử Dương qua đời vào tháng 1/2005, ông Gorbachev đã bình luận trong tuyên bố của mình rằng: “Theo tôi, trong giới lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ, ông Triệu Tử Dương là người đồng tình với những người biểu tình và chấp nhận dân chủ nhất.”

“Không ai nghiên cứu sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô nghiêm túc như ĐCSTQ”

Mặc cho nguyện vọng chủ quan của ông Gorbachev như thế nào, sự tan rã của Liên Xô dưới sự cai trị của ông và sự sụp đổ của sự kiểm soát của Đảng Cộng sản đối với Đông Âu và Liên Xô đã khiến ông Gorbachev và cả thời kỳ đó trở thành một chủ đề được ĐCSTQ nghiên cứu kỹ lưỡng trong vài thập kỷ sau đó.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người được cho là sắp bước vào nhiệm kỳ thứ ba, vẫn luôn quan sát chặt chẽ nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô.

Vài tháng sau khi nhậm chức, khi ông Tập Cận Bình có chuyến công du xuống phía nam Trung Quốc vào cuối năm 2012, trong các trường hợp không công khai, ông đã yêu cầu các quan ghi nhớ sâu sắc học của Liên Xô cũ. Vì sao Liên Xô và Đảng Cộng sản cầm quyền của nó sụp đổ, đáp án của ông Tập Cận Bình rất rõ ràng: “sự hỗn loạn ý thức hệ”, bởi vì đấu tranh chính trị trong nước đã phủ nhận lịch sử của Liên Xô, phủ nhận đảng của nó và các cựu lãnh đạo như Lenin và Stalin.

Ông Tập nói: “Các tổ chức đảng ở tất cả các cấp (ở Liên Xô) có rất ít tác dụng, thậm chí quân đội cũng không còn nằm dưới sự lãnh đạo của đảng. Cuối cùng, một chính đảng khổng lồ như Liên Xô đã sụp đổ, tan rã.”

“Cuối cùng, ông Gorbachev đã tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô với một câu nói nhẹ nhàng, và một đảng lớn như thế đã không còn nữa.”

Trong những ngày đầu của nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập Cận Bình, các phim tài liệu do ĐCSTQ sản xuất về sự sụp đổ của Liên Xô, đã đổ lỗi cho ông Gorbachev vì đã đưa ra các cải cách dân chủ theo kiểu phương Tây, không bảo vệ và duy trì được chế độ hiện hành khi đó.

Ông Dương Đại Lợi (Dali Yang), giáo sư nghiên cứu về chính trị Trung Quốc tại Đại học Chicago, nói rằng ông Tập “đương nhiên không muốn ĐCSTQ bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của Liên Xô, nhiều chính sách của ông trong những năm gần đây là nhằm vào điểm này”.

Nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất (Li Linyi) cho rằng ông Tập thực sự không muốn giải tán ĐCSTQ lúc này. Vấn đề là cách làm của ĐCSTQ hiện nay, ở nước ngoài người ta cho rằng nó đang chạy điên cuồng trên con đường giải thể. Có thể ông Tập cho rằng mình có quyền lực quân sự trong tay và đã học được bài học từ sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô nên không sợ hãi. Nhưng một khi xu thế chung đã qua đi và lòng dân bị phân tán, tầng cao nhất của ĐCSTQ dù có quyền lực lớn đến đâu cũng vô ích. Trong tương lai, ĐCSTQ sẽ gặp phải nhiều khủng hoảng hơn nữa.