Ngày 11/3, thông báo “Đại học Sư phạm Hàng Châu hồi đáp về việc phá dỡ tượng Jack Ma trong khuôn viên trường” đã thu hút hơn 5 triệu người theo dõi trên Weibo.

p3113031a524071734
Tượng Jack Ma bị dỡ bỏ (Ảnh Weibo)

Theo trang “Công nghệ mạng Phượng Hoàng” (tech.ifeng.com) đưa tin, gần đây trên mạng xuất hiện thông tin Đại học Sư phạm Hàng Châu đã lật đổ bức tượng Jack Ma (Mã Vân), kèm theo bức ảnh tượng chân dung Jack Ma bị hư hỏng khiến dư luận chú ý. Một số cư dân mạng đặt câu hỏi rằng liệu Jack Ma có đắc tội ai hay không; một số khác lại cho rằng: “Những người đạp tàn nhẫn nhất khi ông thất thế, cũng chính là nhóm người gọi bố Mã khi ông vẻ vang“; nhưng một cư dân mạng tự nhận mình là sinh viên tại trường này nói “trong Đại học Sư phạm Hàng Châu không có bức tượng Jack Ma nào”.

p3113041a539073644
Chủ đề “Đại học Sư phạm Hàng Châu hồi đáp việc phá dỡ tượng Jack Ma trong khuôn viên trường” đã thu hút 5,073 triệu người theo dõi trên Weibo. (Nguồn ảnh: Weibo)

Tính đến 11h trưa ngày 12/3, chủ đề “Đại học Sư phạm Hàng Châu hồi đáp việc phá dỡ tượng Jack Ma trong khuôn viên trường” đã thu hút được 5,073 triệu người theo dõi trên Weibo.

Khi tin tức này tiếp tục nóng lên, người chụp bức ảnh liên quan đã lên tiếng làm rõ hôm 11/3, rằng “tác phẩm điêu khắc Jack Ma” trong ảnh là khuôn bị lỗi do sinh viên để lại, và đã được xử lý vì xưởng điêu khắc của trường tiến hành kiểm tra phòng cháy chữa cháy. Nhân viên Phòng Tuyên truyền của Đại học Sư phạm Hàng Châu cũng khẳng định, trong trường không có tác phẩm điêu khắc Jack Ma, bức ảnh tung lên mạng đúng là tác phẩm cũ của sinh viên.

Thông tin công khai cho biết, Jack Ma tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hàng Châu năm 1988. Tháng 4/2015, ông quyên góp 100 triệu nhân dân tệ cho trường cũ dưới danh nghĩa của mình để thành lập “Quỹ giáo dục Jack Ma của Đại học Sư phạm Hàng Châu”.

Kể từ tháng 10/2020, Jack Ma và công ty của ông đã gặp phải một loạt bất ổn.

Sau khi Jack Ma công khai chỉ trích ngành tài chính của Trung Quốc vào tháng 10/2020, các công ty dưới quyền Jack Ma liên tiếp bị phạt và bị chính quyền ĐCSTQ hẹn làm việc, thậm chí truyền thông tại Trung Quốc Đại Lục còn đưa tin rằng Jack Ma đã bị hạn chế xuất cảnh.

Vào đầu tháng 11/2020, bốn cơ quan quản lý tài chính gồm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương), Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc và Cục Quản lý Ngoại hối nhà nước đã cùng hẹn gặp Jack Ma, người sáng lập Ant Group. Trong cuộc gặp, Jack Ma chủ động đề xuất rằng “chỉ cần quốc gia cần, thì có thể lấy bất cứ nền tảng nào mà Ant Group có”.

Vào ngày 14/12 cùng năm, bốn cơ quan quản lý tài chính gồm cả Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thông báo rằng họ đã 2 lần làm việc với Ant Group vào ngày 26/12. Vào ngày 30/12, Tmall của Alibaba và 2 công ty thương mại điện tử khác đã bị Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường phạt lần lượt 500.000 nhân dân tệ.

Vào tháng 1/2021, Jack Ma “xuất hiện” qua video tại lễ trao giải của một quỹ. Nhưng đến tháng 4/2021, Alibaba của Jack Ma đã bị các cơ quan quản lý Trung Quốc phạt kỷ lục 18,2 tỷ nhân dân tệ. Đồng thời, “Đại học Hupan” Hàng Châu do Jack Ma thành lập cũng bị “gạch tên” (đổi thành tên khác) vào tháng Tư cùng năm.

Vào tháng 10/2021, Jack Ma rời Đại Lục, xuất hiện ở Hồng Kông và Tây Ban Nha. Đây là lần xuất hiện đầu tiên của ông bên ngoài Trung Quốc Đại Lục, kể từ sau khi có thông tin ông bị chính quyền ĐCSTQ hạn chế xuất cảnh.

Vào thời điểm đó, nhiều người nghĩ rằng rắc rối của Jack Ma về cơ bản đã kết thúc. Nhưng vào tháng Tám cùng năm, Chu Giang Dũng (Chu Jiangyong) cựu Bí thư thành ủy Hàng Châu, người được cho là có quan hệ mật thiết với Jack Ma, đã bị “ngã ngựa”. Điều này làm dấy lên tin đồn rằng vì Jack Ma có mối quan hệ phức tạp với quan trường ĐCSTQ nên chính quyền một lần nữa muốn chỉnh đốn ông.