Một bức thư ngỏ đăng trên WeChat đã bị kiểm duyệt chỉ một ngày sau khi được lan truyền rộng rãi với hơn 100.000 lượt xem, chỉ vì bức thư dám tỏ thái độ hoài nghi về chính sách COVID của chính quyền –  một dấu hiệu cho thấy sự thất vọng của người dân.

shutterstock 1416929018
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Với tựa đề “10 câu hỏi” được đăng vào ngày 22/11, chia sẻ những cảm xúc của tác giả nói riêng và phản ánh cảm nhận của người dân Trung Quốc nói chung, nhất là khi họ cảm thấy bị cô lập thái quá – phải ngồi nhà xem những cảnh tưng bừng của giải FIFA World Cup; trong khi vô số người dân thế giới đang nô nức với cách hoạt động giải trí chứ không bị phong tỏa hay đeo khẩu trang.

Bức thư nhanh chóng được lưu truyền rộng rãi, với hơn 100.000 lượt xem. Nhưng chỉ sau một ngày nó liền bị chính quyền kiểm duyệt.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất vẫn phải vất vả chống đỡ đại dịch COVID, vốn xuất phát từ chính Trung Quốc ba năm trước đây tại Vũ Hán. ĐCSTQ hiện đang theo đuổi chính sách zero-COVID, mà giờ đổi sang tên mới là “zero-COVID linh hoạt” (Dynamic zero COVID).

Những báo cáo thời gian qua cho thấy, mặc dù chính sách zero-COVID được triển khai rất hà khắc, nhưng đại dịch vẫn hoành hành, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và an sinh của người dân.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã báo cáo 31.444 ca nhiễm mới trên cả nước vào ngày 23/11, đạt mức cao kỷ lục đối với chính quyền Trung Quốc. Ngoài ra còn có báo cáo về các trường hợp nghiêm trọng và một số ca tử vong.

Tính đến tuần này, các bệnh viện dã chiến mới và các cơ sở kiểm dịch tập trung lớn vẫn đang được xây dựng tại các thành phố lớn bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh, trong khi khoảng 1/4 trong số 1,4 tỷ người Trung Quốc đang sống dưới phong tỏa ở các cấp độ khác nhau.

Bức thư ngỏ nói trên hiện có bản copy trên freewechat.com, được viết bởi một người tự nhận là “một công dân bình thường”, đã thắc mắc về những vấn đề như tiêu tốn tài nguyên xã hội có tỷ lệ thế nào giữa chi phí dành cho theo dõi giám sát người bị nhiễm và chi phí dành cho điều trị.

Tác giả cũng nêu vấn đề, tại sao Trung Quốc không theo chính sách mở cửa như Hồng Kông hồi tháng 9, mặc dù cũng tồn tại những quan ngại tương tự về rủi ro đối với người già.

“Hồng Kông không có người già và trẻ em sao?” bức thư viết.

Mặc dù đã bị kiểm duyệt chỉ trong vòng 24 giờ, nhưng bức thư vẫn tiếp tục được quần chúng thảo luận rộng rãi trên các trang web khác như Weibo.

Đội tuyển bóng đá quốc gia Trung Quốc đã không đủ điều kiện tham dự FIFA World Cup trong giải năm nay. Như vậy Trung Quốc đã không tham dự giải đấu này trong hai thập kỷ kể từ khi xuất hiện trong giải đấu do Hàn Quốc và Nhật Bản đồng tổ chức vào năm 2002.

Lễ Khai mạc World Cup hôm 20/11 có lẽ đã chạm trúng dây thần kinh nhạy cảm của công chúng ở Trung Quốc, khiến họ phẫn nộ khi mà chính đài truyền hình CCTV vốn thường xuyên liên tục báo cáo về những cái chết hàng loạt ở phương Tây do đại dịch Vũ Hán và thường xuyên liên tục cổ động cho chính sách zero-COVID của ĐCSTQ, giờ lại chiếu hàng loạt những cảnh dân chúng tưng bừng khắp nơi trên thế giới.

CCTV là đài truyền hình của nhà nước Trung Quốc, chuyên đưa tin một chiều do ĐCSTQ kiểm soát, và cũng là kênh duy nhất có bản quyền phát sóng cho mùa giải FIFA World Cup năm nay.

Người dùng Weibo đã so sánh cảnh cổ vũ của những người hâm mộ bóng đá ở Qatar với đám đông nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ ở Trung Quốc. Còn có một số hình ảnh ông Tập không đeo khẩu trang gần đây đã xuất hiện cùng với Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo thế giới khác ở Đông Nam Á trong chuyến công du nước ngoài thứ hai sau ba tháng.

Nhiều người trên Weibo đã chia sẻ cảm xúc về bức thư WeChat, trong đó đặt câu hỏi: “World Cup Qatar đã khai mạc. Tôi không thấy bất kỳ người hâm mộ nào đeo khẩu trang hay được yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Chúng ta có đang sống trên cùng một hành tinh không? COVID không làm hại họ chứ?”

Thiên Đức (Theo Newsweek)