Do hiện tượng xâm nhập mặn, chất lượng nước của nhiều hồ chứa tại cửa sông Dương Tử ở Thượng Hải đã vượt quá tiêu chuẩn về nồng độ clorua. Việc này khiến người dân Thượng Hải hoảng sợ, nhiều người dân bắt đầu tích trữ nước. 

shutterstock 1699291645
(Ảnh minh họa: hareluya/ Shutterstock)

Trước đó, cư dân mạng đăng ảnh chụp màn hình đoạn chat với các quan chức chính quyền Thượng Hải cho biết nguồn nước của 3 hồ chứa lớn tại đây đang cạn kiệt. Hạn hán ở thượng nguồn khiến nguồn nước không được bổ sung, chất lượng nước máy dân dụng đã vượt tiêu chuẩn 4 lần. Vì Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 (Đại hội 20) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sắp diễn ra, tin tức chưa được công bố, cho nên có lời kêu gọi mọi người hãy tích trữ nước tinh khiết. Một cư dân mạng khác tiết lộ: “Trong khoảng thời gian từ ngày 1/10 đến nay, nước máy của chúng tôi có màu hơi vàng, có mùi rỉ sét”.

Hồ chứa Qingcaosha (Thanh Thảo Sa) và Hồ chứa Chenhang (Trần Hàng) lần lượt là hồ chứa lớn nhất và lớn thứ ba ở Thượng Hải, đồng thời cũng là nguồn nước chính tại đây. Theo giám sát trước đó của cơ quan cấp nước Thượng Hải, lượng nước của hồ chứa Qingcaosha đã trải qua một số đợt xâm nhập của thủy triều kể từ 10h tối ngày 5/9, và của hồ chứa Chenhang kể từ 4h chiều ngày 14/9. Trang Caixin đưa tin vào ngày 11/10, do ảnh hưởng của việc xâm nhập mặn, cả hồ chứa Qingcaosha và hồ chứa Chenhang đã chọn đóng cửa lấy nước.

Vào tối ngày 11/10, tài khoản chính thức của Cục các vấn đề nước Thượng Hải thông báo rằng cửa sông Dương Tử đã bị xâm nhập mặn từ đầu tháng 9, nhưng bác tin đồn và cho rằng “việc sản xuất và cung cấp nước máy vẫn bình thường, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn”. Cùng ngày, Weibo chính thức của Thượng Hải cho biết việc cung cấp nước ở Thượng Hải diễn ra bình thường và có trật tự.

Xâm nhập thủy triều mặn diễn ra tại nơi tiếp giáp của sông và biển, khi dòng chảy sông nước ngọt ở thượng nguồn không đủ, nước biển sẽ đổ vào cửa sông, từ đó hình thành thủy triều mặn. Xâm nhập mặn có thể dẫn đến tăng nồng độ clorua trong nước.

Sau khi chính quyền bác tin đồn, người dân cho rằng vấn đề chất lượng nước là có thật:

“Ít nghe lời của chính quyền, nghe nhiều sẽ thành thảm họa, nên tích trữ thì hãy tích trữ đi.” 

“Mau tích trữ nước đi. Còn nhớ đại dịch Thượng Hải đã cắt đứt hậu cần ở Giang Tô, giá của rau quả tăng vọt trong một tháng.” 

“Chính quyền Thượng Hải bác tin đồn rồi, được rồi, lập tức đặt hàng mua nước.” 

“Hễ tin đồn bị phản bác, vậy thì đúng rồi, hãy nhanh tích trữ nước đi.” 

“Tôi vốn là người Thượng Hải không tích trữ nước, nhưng khi tôi thấy chính quyền bác tin đồn, tôi đã nhanh chóng đặt hàng để dự trữ nước.”

“Tự dưng tôi nghĩ đến câu nói của nửa đầu năm nay ‘Có thể lừa tôi, nhưng hãy chú ý số lần lừa được’. Mặc cho tin đồn là thật hay giả, dù sao thì tôi cũng đã mua nước để tích trữ rồi…”

Vào tháng 3 năm nay, các quan chức tuyên bố rằng thành phố Thượng Hải sẽ không bị phong tỏa và không cần phải tích trữ vật tư một cách mù quáng, nhưng ngay lập tức sau đó thành phố này đã bị phong tỏa. Việc thành phố bị đóng cửa đột ngột dẫn đến nhiều thảm họa thứ cấp: chết đói không có thức ăn, chết vì bệnh tật mà không được chữa trị, tự tử bằng cách nhảy lầu, phụ nữ mang thai bị đánh đập, v.v. “Tiếng nói tháng Tư” là chỉ về đoạn phim ngắn ghi lại nhiều thảm họa thứ cấp khác nhau khi Thượng Hải bị phong tỏa.

Nồng độ clorua trong chất lượng nước vượt quá tiêu chuẩn, người dân Thượng Hải tích trữ nước

Bà Mã, một công dân Thượng Hải, nói với phóng viên Epoch Times vào tối ngày 11/10 rằng tin tức về chất lượng nước được phỏng đoán là đúng sự thật. Nếu đúng như vậy thì vấn đề là rất nghiêm trọng.

Bà Mã nói: “Trong cuộc sống của chúng tôi, hồ Qingcao thực sự là một nguồn nước rất quan trọng, chiếm gần một nửa nguồn nước của Thượng Hải. Chỉ riêng điều này đã ảnh hưởng đến một nửa số người của Thượng Hải.”

Ông Hà, một cư dân ở Thượng Hải, nói với phóng viên Epoch Times vào tối ngày 11/10: “Nếu tin tức được lan truyền, nước sạch và nước khoáng có thể bị tranh nhau mua hết trong chốc lát.”

Hình ảnh trên Weibo tại Trung Quốc Đại Lục (ảnh 1, ảnh 2) cho thấy người dân Thượng Hải mua nước trong siêu thị hoặc mua nước trực tuyến. Cư dân mạng cho rằng “nhiều người ở Thượng Hải đang dự trữ nước” và chỉ ra rằng các siêu thị, sân ga và một số nhãn hiệu nước uống đã hết hàng.

Ông Phạm, một công dân Thượng Hải, nói với Epoch Times vào ngày 12/10: “Hiện tại nước từ sông Dương Tử đã ít hơn, và chúng tôi không biết lượng nước trong hồ chứa còn có thể dùng được sẽ tồn tại trong bao lâu”.

“Tôi chuẩn bị tiêu nhiều tiền hơn để mua cây lọc nước. Vì lượng nước tiêu thụ rất lớn, mua nước về thì lại chiếm dụng không gian, trong khi chỉ cần lọc nước nhiễm mặn một chút thì chất lượng tương tự như nước đóng chai.”

Vào ngày 12/10, người dân Thượng Hải đăng một đoạn video nói rằng nước trong nhà của họ đã bị cắt nước.

Phóng viên của Epoch Times phát hiện Weibo chính thức của Văn phòng Quản lý Cấp nước Thượng Hải bắt đầu đăng thông tin về tình trạng tạm ngưng cấp nước từ ngày 8/10 và kéo dài đến ngày 11/10.

Trang Caixin đưa tin, vào đầu tháng 8 năm nay, dữ liệu quan trắc thủy văn cho thấy nồng độ clorua ở các sông bên ngoài cửa cống như Sanjiagang (Tam Giáp Cảng) dọc theo cửa sông Dương Tử ở Phố Đông tiếp tục “vượt tiêu chuẩn”. Kể từ ngày 15/8, nồng độ clorua trong các cửa hút nước của một số cửa sông Dương Tử đã lần lượt vượt quá tiêu chuẩn. 

Báo cáo cho biết, đợt xâm nhập mặn năm nay đến sớm, kéo dài và ảnh hưởng lớn, nguyên nhân chính là do hạn hán liên tục ở lưu vực sông Dương Tử và thiếu nước ở thượng nguồn. Vào tháng 9, bị ảnh hưởng bởi các cơn bão như Hinnamnor, Muifa, Nanmadu, nước biển đã tràn vào cửa sông Dương Tử.