Internet Đại Lục lan truyền thông tin, nghệ sĩ vĩ cầm Trần Thuận Bình (Chen Shunping) do không được bệnh viện nhận khám chữa bệnh đã nhảy lầu tự tử hôm 14/4 tại Thượng Hải. Dưới chính sách chống dịch hà khắc ‘zero COVID’ của chính quyền Trung Quốc, ngoài ông Trần, các trường hợp không được khám chữa bệnh hoặc tự vẫn qua đời khác không ngừng tiếp diễn.

Các quan chức Thượng Hải hôm 15/4 thông báo rằng họ sẽ đảm bảo mở cửa phòng cấp cứu và không được từ chối, khước từ, hoặc trì hoãn điều trị với lý do bệnh nhân đang chờ kết quả xét nghiệm axit nucleic. Tuy nhiên tuyên bố này đã bị dư luận đảo ngược.

Nghệ sĩ vĩ cầm ở Thượng Hải nhảy lầu tự sát vì bị bệnh viện từ chối

Hôm 15/4, Weibo tại Trung Quốc Đại Lục và Twitter lan truyền thông tin, nghệ sĩ vĩ cầm Trần Thuận Bình không thể đi khám chữa bệnh khi thấy đau bụng, đã nhảy từ tầng cao nhất xuống đất tử vong vào ngày 14/4.

Theo ảnh chụp màn hình một cuộc trò chuyện nhóm được chia sẻ lên Twitter, một người tự xưng là chị của ông Trần Thuận Bình đã đăng thông tin nói rằng em trai của bà đã gọi số 120 (cấp cứu) vì đau bụng vào ngày hôm qua (13/4) và đã được đưa đến 2 bệnh viện nhưng đều bị từ chối tiếp nhận. Trải qua cả đêm đau đớn và tuyệt vọng, ông đã để lại thư tuyệt mệnh rồi nhảy lầu tự tử vào sáng sớm hôm nay (ngày 14/4).

Người kể nói rằng ông Trần Thuận Bình đang chơi vĩ cầm cho dàn nhạc giao hưởng và vừa trải qua sinh nhật lần thứ 71 vào ngày 8/4, không ngờ một trận đau bụng lại lấy đi tính mạng của ông. Bà chất vấn xảy ra sự việc này là “lỗi tại ai?”

id13712501 2 49 600x1263 600x1263 1
Trên Twitter lan truyền thông tin nghệ sĩ vĩ cầm Trần Thuận Bình tự vẫn tại Thượng Hải. (Ảnh chụp màn hình).

Tài khoản Weibo “Shanghai Chen Zishan” đăng bài viết nói: “Là một người yêu nhạc cổ điển, tôi rất thương tiếc ông Trần Thuận Bình, một nghệ sĩ vĩ cầm Thượng Hải mà tôi không quen biết. Ông ấy năm nay vừa tròn 71 tuổi (ảnh được chụp khi còn trẻ). Ngày 13/4, ông đột ngột đổ bệnh và đến 2 bệnh viện ở Thượng Hải nhưng đều bị từ chối. Đêm hôm đó cơn đau khiến không chịu đựng được, trong lúc quá đau và phẫn nộ, ngày 14/4 ông đã từ biệt thế giới này trong tuyệt vọng!”

id13712502 d8903226960a53ee74b74ac69b2c7944
Tài khoản Weibo “Shanghai Chen Zishan” đăng thông tin về nghệ sĩ Trần Thuận Bình ở Thượng Hải qua đời. (Ảnh chụp màn hình).

Một cư dân mạng Weibo khác nói: “Ở Thượng Hải ngày nào cũng có tin buồn, nghệ sĩ vĩ cầm Trần Thuận Bình đã rời bỏ chúng ta như thế này.”

Danh sách dài những người “tử vong” do phong tỏa thành phố

ĐCSTQ kiên trì chính sách phòng chống dịch ‘zero COVID’. Thành phố Thượng Hải đã bị phong tỏa trong hơn 2 tuần và các thảm họa thứ cấp thường xuyên xảy ra. Nhiều người dân từ nhiều tầng lớp đã chết vì không thể đi khám chữa bệnh, và một số đã tự tử.

Hôm 12/4, có thông tin ông Vĩ Quế Quốc (Wei Guiguo), phó chủ tịch của Netcom Securities, đã chết tại nhà do xuất huyết não và trong thời gian phong tỏa đã không thể liên lạc với cơ quan y tế để điều trị.

Hôm 12/4, ông Tiền Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Thông tin của Ủy ban Y tế và Sức khỏe quận Hồng Khẩu, Thượng Hải, không chịu nổi áp lực và đã treo cổ tự tử trong văn phòng làm việc của mình. Chính quyền đã xác nhận vụ việc.

Hôm 11/4, nhà kinh tế học Lang Hàm Bình (Lang Xianping) xác nhận rằng người mẹ 98 tuổi của ông hơi bị suy thận, và theo các chẩn đoán trước đây, chỉ cần tiêm một mũi. Nhưng chỉ vì Thượng Hải quy định nghiêm ngặt rằng phải có xét nghiệm axit nucleic trước khi đi khám chữa bệnh, nên bà cụ đã qua đời sau 4 tiếng đồng hồ chờ đợi ở cửa phòng cấp cứu.

Hôm 10/4, Thái Vân Đào (Cai Yuntao), một người đàn ông ở quận Bảo Sơn, Thượng Hải, đã rơi xuống đất tử vong. Cảnh sát đã loại trừ khả năng án mạng.

Hôm 8/4, một người đàn ông 55 tuổi  ở Thượng Hải, tên là Trần Vĩ (Chen Wei) đã chết vì cơ thể khó chịu nhưng không thể đến bác sĩ kịp thời vì không có giấy phép ra ngoài.

Hôm 7/4, một đoạn video được đăng tải trên mạng cho thấy một người đàn ông lớn tuổi, trên người đang có ống tiếp nước và nằm trên đệm ngoài cổng ủy ban khu phố, người đàn ông này không có dấu hiệu của sự sống. Cổng sắt của ủy ban khu phố đóng chặt, bên trong không có ai.

Trong đoạn video, một nam thanh niên nói giọng địa phương tố cáo: “Đây là cư dân số 2805, tòa nhà 2, ngõ 77, Tân khu Phố Đông, Thượng Hải. Đây là bố tôi. Lúc 8h sáng nay, xe cấp cứu 120 qua lại 2 lần, không có bệnh viện nhận. Nói chuyện với ủy ban khu phố thì họ nói bệnh viện nhất định sẽ nhận, giờ thì thành như thế này đây, không ai cứu, cũng không ai xử lý việc này.”

Chia sẻ với Epoch Times hôm 3/4, nhà hoạt động nhân quyền tại Thượng Hải Quý Hiếu Long (Ji Xiaolong) cho biết, một phụ nữ họ Triệu, sống ở quận Dương Phố, đã gọi điện cho ông và khóc kể rằng người cha 81 tuổi của bà, từng là một thành viên của Tân Tứ quân của ĐCSTQ. Ngày 21/3, ông cụ bị ủy ban khu phố cưỡng chế lôi đi xét nghiệm axit nucleic, ông bị ngã xuống đất trong lúc bị kéo đi và bị đột quỵ. Do bệnh viện dừng nhận cấp cứu nên ông cụ không được chữa trị kịp thời và tử vong khi đang trên xe cấp cứu. Bà Triệu đã gọi điện đến Bắc Kinh để khiếu nại, nhưng không ai tiếp nhận, và địa phương cũng không cho phép bà lên tiếng.

Hôm 4/4, trên WeChat lan truyền thông tin về Lý Sướng (Li Chang), một phụ nữ tài năng từ Đại học Thanh Hoa và là một người trở về từ Thung lũng Silicon, đã chết trong một bệnh viện phục hồi chức năng ở Thượng Hải trong tình huống không được chăm sóc điều dưỡng do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt. Các nhân viên y tế chăm sóc cho cô đã bị cưỡng chế cách ly. 

Hôm 30/3, một bệnh nhân hen suyễn đã chết trên đường Hàng Xương, quận Phố Đông, do không được kịp thời đưa đến bệnh viện để điều trị.

Hôm 26/3, Internet lan truyền tin rằng có một người đã nhảy khỏi một tòa nhà trong khu dân cư ở Gia Định, Thượng Hải. Hôm 1/4, một người dùng Weibo kể rằng người thuê nhà của ông, một cô gái sinh sau 1990 có bằng thạc sĩ, đã nhảy khỏi tòa nhà do áp lực tài chính trong thời gian phong tỏa.

Hôm 23/3, cô Chu Thịnh Ni (Zhou Shengni), một y tá tại Bệnh viện Phương Đông Thượng Hải bị lên cơn hen suyễn tại nhà, người nhà đã chở cô đi khám nhưng bệnh viện từ chối tiếp nhận. Sau đó, cô được đưa đến Bệnh viện Nhân Tế, và cuối cùng qua đời do điều trị chậm trễ.

(Nội dung tweet: Người Thượng Hải lại nhảy lầu, những việc này xảy ra trong thời gian dịch bùng phát ở Thượng Hải, liệu có khiến những người kia suy nghĩ lại không, phá vỡ ảo tưởng! Những kẻ coi các bạn không phải là người đều là những kẻ như thế nào?)

Sẽ còn nhiều cái chết hơn nữa do các thảm họa thứ cấp gây ra bởi việc phong tỏa thành phố, bao gồm cả những trường hợp lan truyền trên Internet và những trường hợp chưa được phơi bày trên Internet.

Ngày 13/4, một đoạn video của ông Trương Văn Hồng, một chuyên gia phòng chống dịch bệnh ở Thượng Hải, được lan truyền trên mạng Internet. Ông nói rằng “nếu bệnh viện không hoạt động trở lại, số người chết vì các bệnh khác sẽ cao hơn nhiều so với số ca tử vong do virus corona.”

Ông Miêu Hiểu Huy (Miao Xiaohui), phó giám đốc đã nghỉ hưu của Bệnh viện Trường Chinh trực thuộc Đại học Quân y số 2 ở Thượng Hải, đã đăng bài viết trên nền tảng xã hội hôm 14/2 nói rằng, theo dữ liệu chính thức, trong số 170.000 người bị nhiễm bệnh thì chỉ có 1 người tử vong. Không ít người triệu chứng nặng là những người lớn tuổi, số người tử vong sẽ liên tục tăng, nhưng sẽ không bao giờ vượt quá một 1/1000 người lây nhiễm. Nhưng gần đây liên tiếp có thông tin về các ca tử vong đang gia tăng.

Chính quyền Thượng Hải tuyên bố “đảm bảo mở cửa cấp cứu”

Theo tin tức từ ứng dụng tin tức CCTV tại Đại Lục hôm 15/4, người có liên quan phụ trách cuộc họp báo về công tác phòng chống dịch tại Thượng Hải đã nói rằng trong thời gian phòng chống dịch, các cơ sở y tế công lập các cấp, về nguyên tắc không được ngừng khám ngoại trú, nhất là các phòng khám cấp cứu, sốt. Các khoa trọng điểm này phải đảm bảo toàn lực mở cửa, thực hiện nghiêm túc chế độ trách nhiệm chẩn đoán ngay từ đầu, chế độ cấp cứu người bệnh nặng, bảo đảm dịch vụ y tế. Trong toàn bộ quá trình người bệnh thăm khám, không được lấy lý do chờ đợi kết quả xét nghiệm axit nucleic để từ chối, thoái thác, làm lỡ thời gian điều trị của người bệnh. 

Tuy nhiên bên dưới tại khu vực bình luận, nhiều cư dân mạng đặt câu hỏi liệu các cơ quan chức năng có thể thực hiện được hay không: “Điều quan trọng nhất là thực hiện các nguyên tắc nghiêm túc”. Một số cư dân mạng cho rằng: “Không chỉ Thượng Hải mà cả nước đều cần như thế, liệu có thực hiện được không?”

id13712497 5a1525a15af0feaf534d24c001ef59a9 600x544 1
Ngày 15/4, chính quyền Thượng Hải tuyên bố, các cơ sở khám điều trị bệnh công lập không được lấy lý do chờ kết quả xét nghiệm axit nucleic để từ chối, thoái thác, làm lỡ thời gian điều trị bệnh của bệnh nhân. (Ảnh chụp màn hình).

 

Theo Ninh Hải Chung, Epoch Times