Thượng Hải vừa thoát ra khỏi cái bóng của sự phong tỏa thành phố, gần đây báo cáo rằng hơn 5.000 nghiên cứu sinh sau tiến sĩ đã được tuyển dụng trên toàn cầu và đây là năm thứ hai liên tiếp.

thuong hai 1
Thượng Hải (Ảnh: Peng LIU/Pexcels)

Mức lương tối đa hàng năm có thể đạt 700.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 103 nghìn USD), và có thể có căn hộ riêng hoặc trợ cấp nhà ở. Đây chắc chắn là điều rất hấp dẫn trong thị trường nhân tài Trung Quốc hiện tại, nơi tình hình việc làm vô cùng eo hẹp.

Theo trang truyền thông chính thức Guangming Daily của Trung Quốc, mức lương trung bình hàng năm cho các vị trí nghiên cứu sinh sau tiến sĩ được tuyển dụng ở Thượng Hải lần này là 300.000 nhân dân tệ. Tổng số vị trí được tuyển dụng lần này là 5157, liên quan đến 259 vị trí sau tiến sĩ của 123 doanh nghiệp và cơ sở, bao gồm một số lượng lớn các cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu trong nước, các trường đại học và các công ty hàng đầu toàn cầu như Viện Vật lý Kỹ thuật Thượng Hải, Học viện Khoa học Trung Quốc, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Phúc Đán, Công ty TNHH Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC), v.v.

Vấn đề sử dụng nhân tài và phân bổ nhân tài

Ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), giám đốc Viện Thông tin và Chiến lược, một tổ chức phi chính phủ ở Washington, người tốt nghiệp Khoa Hóa học của Đại học Thanh Hoa, tin rằng việc thu hút nhân tài toàn cầu quay trở lại Trung Quốc để chấn hưng nền kinh tế địa phương là điều không cần nói cũng rõ, nhưng phương thức hành chính tuyển dụng tập trung có thể không có lợi cho nhân tài. Điều quan trọng nhất là phải dựa vào thị trường, “tức là người sử dụng lao động thông báo thông qua thị trường rằng chúng tôi thực sự cần một vị trí hoặc nhà lãnh đạo như vậy, và sau đó đảm nhận vị trí thông qua cạnh tranh. Bằng cách này, nó có thể có lợi hơn trong việc thu hút nhân tài và cho phép nhân tài phát huy vai trò của họ trong tương lai.”

Nhiều bạn học và bạn bè của ông Lý Hằng Thanh làm việc trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ của Mỹ và Trung Quốc, ông cũng giữ liên lạc với họ quanh năm, vì vậy ông đã quen thuộc với việc trao đổi nhân tài giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Hạ Minh (Xia Ming), giáo sư tại Trung tâm Sau đại học của Đại học Thành phố New York, người tốt nghiệp Đại học Phúc Đán, tin rằng việc tuyển dụng quy mô lớn các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Thượng Hải là một hiện tượng hút nhân tài, không có lợi cho việc phân bổ nhân tài. “Nhân tài không chỉ sẽ trực tiếp cống hiến cho xã hội, mà còn nên có hiệu ứng phát tán, có thể thúc đẩy sự phát triển của công nghệ, giáo dục và kinh tế ở những nơi khác nhau.”

Ông lấy ví dụ, bất kỳ quận nào ở Mỹ đều có trường đại học của mình, trong khi Trung Quốc hầu như không có trường đại học nào ở cấp quận, và những nơi này rất khó để ươm mầm những tài năng chất lượng cao của riêng họ, “đặc biệt là chi tiêu cho việc tranh giành nhân tài trên toàn quốc ở các đô thị lớn, đối với sự phát triển lâu dài của công nghệ Trung Quốc thực sự là một sự hiểu lầm chết người.”

Trong những năm gần đây, các nơi trên khắp Trung Quốc, đặc biệt là các khu vực kinh tế phát triển, đang cạnh tranh để tìm kiếm các tài năng công nghệ cao với tiêu chí là tiến sĩ và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ. Theo báo cáo năm 2017 của tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc, tỉnh Quảng Đông có kế hoạch tuyển dụng 50.000 tiến sĩ và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ từ năm 2018 đến năm 2022, tăng gấp đôi so với nguồn cung trước đó, và dự kiến sẽ đầu tư 6,3 tỷ nhân dân tệ nguồn tiền cấp tỉnh.

Theo báo cáo của Qingdao Daily, thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, đã đề xuất một kế hoạch nhân tài vào tháng Năm năm nay, cung cấp trợ cấp sinh hoạt 7.000 nhân dân tệ mỗi tháng cho các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ đến khu vực này; đối với những thanh niên trẻ rời trạm để làm việc được cấp 250.000 nhân dân tệ để ổn định cuộc sống, đến xí nghiệp công tác được nâng lên tối đa 400.000 nhân dân tệ. Có thể thấy, những kế hoạch tuyển dụng nhân tài như vậy chủ yếu diễn ra ở các vùng kinh tế phát triển.

Vị trí C có thực sự là vị trí C?

Khi Guangming Daily đưa tin về việc Thượng Hải tuyển dụng nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, tờ báo này đã sử dụng tiêu đề “Vị trí C đang chờ đợi”  (vị trí cốt lõi, Carry, Center) và nhấn mạnh rằng những đơn vị tuyển dụng này là những nền tảng nghiên cứu khoa học cao cấp với trình độ hàng đầu trong nước và quốc tế.

Ông Hạ Minh chỉ ra rằng việc tập trung vào tuyển dụng các tài năng công nghệ cao với các vị trí “sau tiến sĩ” có thể không có lợi cho sự phát triển tiếp theo của các tài năng. Ông phân tích rằng nghiên cứu sinh sau tiến sĩ nói chung, có thể được coi là một nguồn nhân tài. Các nhà tuyển dụng sử dụng mức giá tương đối thấp, cho phép các tiến sĩ trẻ có cơ hội tạo ra một số kết quả trong giai đoạn này, để chuẩn bị cho họ bước vào một chuỗi sự nghiệp chính thức. Hiện nay, Thượng Hải đang tuyển dụng một lượng lớn nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, và những nhân tài này nhận được sự hồi báo và hỗ trợ từ các nhà tuyển dụng ít hơn nhiều so với các vị trí chính thức. “Nếu là tuyển dụng trợ lý giáo sư, bạn cần thiết lập quan hệ lâu dài với anh ta, bạn sẽ bồi dưỡng anh ta, đầu tư cho anh ta; nhưng nếu chỉ là nghiên cứu sau tiến sĩ, thì sẽ không có hệ thống đào tạo hỗ trợ lâu dài như vậy, mà chỉ là hiện giờ anh có trí thức, tôi sử dụng anh.” Ông Hạ Minh gọi việc lạm dụng hệ thống hậu tiến sĩ này là sự sử dụng nhân tài theo kiểu cướp đoạt.

Việc tuyển dụng ở Thượng Hải lần này còn nhấn mạnh các đặc điểm “toàn cầu”; trong số đó, hướng tới nhân tài tại Mỹ, Anh và Đức là ba vị trí hàng đầu. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc liệu Trung Quốc có phải đang tiếp tục “Chương trình Ngàn Nhân tài” hay không.

Bắc Kinh đã tuyển dụng những nhân tài cấp cao ở nước ngoài thông qua “Chương trình Ngàn nhân tài” trong nhiều năm. Ngoại giới cho rằng nó có thể liên quan đến việc chuyển giao công nghệ bất hợp pháp, điều này đã làm dấy lên sự cảnh giác ở các nước phương Tây như Mỹ. Trước sự phản kháng và áp lực từ các nước phương Tây, hiện giờ chính quyền Bắc Kinh ít khi nhắc đến “Chương trình Ngàn nhân tài” này.

Ông Lý Hằng Thanh cho rằng lối tư duy đằng sau “Chương trình Ngàn nhân tài” này vẫn còn, “Một trong những ý tưởng mà Trung Quốc đã sử dụng trong những năm qua là cái gọi là lợi thế đi muộn, biểu hiện ra chính là một khẩu hiệu như vượt xe đường cong. Những lối tư duy này đã cắm rễ vào hệ thống của Chính phủ Trung Quốc và nhiều bộ phận của nền kinh tế tư nhân.” Ông phân tích rằng ảnh hưởng của kiểu suy nghĩ này có thể cảm nhận được từ thực tiễn của Thượng Hải lần này và tương tự ở nhiều nơi. “Thực tế, chính là một dạng mới của ‘Chương trình Ngàn Nhân tài’. Quan điểm của tôi là, nói về lâu dài thì nó không phải là nền tảng của một quốc gia.”

Ông Lý Hằng Thanh nói thêm rằng sau khi những nhân tài này được tuyển dụng về nước, họ cũng sẽ thấy rằng môi trường trong nước không có lợi cho sự phát triển của chính họ. Ông Tập Cận Bình đã từng nói về việc giáo dục những con người cho đảng và cho đất nước, tiêu chuẩn nhân tài này không khuyến khích tư duy độc lập và khó tạo ra một sân chơi bình đẳng.

Theo Vương Doãn, RFA