Tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành đã im lặng trong suốt thời gian dài sau khi người Hồng Kông biểu tình phản đối Dự luật dẫn độ. Tuy nhiên hôm 16/8 ông đã lần đầu tiên lên tiếng bằng cách đăng quảng cáo trên một số tờ báo Hồng Kông. Lời quảng cáo “Dưa trên giàn vàng, cớ sao hái tận” (Hoàng đài chi qua, hà kham tái trích) của Lý Gia Thành đã khiến cộng đồng người Hoa đặc biệt quan tâm, người ta băn khoăn không biết ý câu thơ nhắm vào ai? Ai mới là “kẻ hái dưa”? Giới khảo cứu văn hóa Trung Quốc đã làm rõ qua câu chuyện lịch sử hy hữu liên quan.

Lý Gia Thành, Hồng Kông
Tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành khá kín tiếng trong suốt thời gian dài người Hồng Kông biểu tình phản đối dự luật dẫn độ, nhưng hôm thứ Sáu ông đã quảng cáo trên nhiều tờ báo Hồng Kông bằng câu đầy ẩn ý: “Dưa trên giàn vàng, cớ sao hái tận”. (Ảnh từ CNA)

Trong tranh luận về vấn đề này, nhiều người cho rằng câu thơ mà Lý Gia Thành dùng cả hai phe đều có thể giải thích theo ý phe mình, vừa có thể hiểu rằng Lý Gia Thành ám chỉ người biểu tình, cảm thấy hoạt động đã đủ thì nên dừng lại. Cũng có thể hiểu rằng câu thơ khuyên nhủ bà Đặc khu Trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) chớ nên thách thức người Hồng Kông sẽ chuốc tai họa nhiều hơn… Nhưng có chuyên gia văn hóa Trung Quốc chỉ ra, nếu muốn hiểu ý đồ thực sự của Lý Gia Thành thì phải hiểu ngọn nguồn xuất xứ câu “Dưa trên giàn vàng” (Hoàng đài chi qua).

Câu chuyện lịch sử có một không hai trong lịch sử Trung Quốc

Câu thơ “Dưa trên giàn vàng, cớ sao hái tận” (Hoàng đài chi qua, hà kham tái trích) xuất phát từ bài thơ tuyệt mệnh “Hoàng đài qua từ” của Thái tử Lý Hiền (665 – 684) thời nhà Đường Trung Quốc, bài thơ như sau:

“Xung qua hoàng đài hạ, qua thục tử li li.

Nhất trích sử qua hảo, tái trích lệnh qua hi,

Tam trích thượng tự khả, trích tuyệt bão man quy.”

Dịch nghĩa:

“Dưa trồng giàn vàng, trái chín sung túc.

Mới hái còn tốt, càng hái càng thưa.

Hái sao cho còn, hái tận ôm dây.”

Lý Hiền (Chương Hoài), tự là Minh Doãn, là con trai thứ sáu của Đường Cao Tông Lý Trị, con trai thứ hai của Võ Tắc Thiên. Ông là người thiên tư thông minh, phẩm cách đoan chính và tài hoa, rất được Cao Tông yêu quý. Sau khi Lý Hiền được lập làm Thái tử, ông đã xử lý việc chính trị sáng suốt công bằng, được triều thần và Cao Tông ca ngợi. Dù Lý Hiền tuổi trẻ nhưng đã cùng nhiều học giả chú giải “Hậu Hán thư”, danh hiệu “Chương Hoài chú giải” của ông đã lưu danh sử xanh, khiến hậu thế bội phục.

Nhưng dù Chương Hoài thái tử ưu tú mà  vận mệnh hẩm hiu.

Võ Tắc Thiên có bốn người con trai là Lý Hoằng, Lý Hiền, Lý Hiển và Lý Đán. Sau khi Võ Tắc Thiên lên ngôi Hoàng hậu đã liên kết với đại thần Hứa Kính Tông phế bỏ ngôi vị Thái tử của Lý Trung (con trưởng của Cao Tông), đưa con trưởng của mình là Lý Hoằng lên thay. Sau đó lại vu khống Lý Trung mưu tạo phản và ép vào tội chết.

Nhưng Võ Tắc Thiên vẫn chưa thỏa mãn, vì bà ta muốn nắm được toàn bộ quyền lực. Bà ta cảm thấy Lý Hoằng bản tính nhân ái, cũng có tài năng, sợ rằng sau khi Lý Hoằng lên ngôi Hoàng đế thì bản thân bà ta sẽ không thể khống chế được. Vậy là đã ép tội chết cho Lý Hoằng (vào năm 675) khi chỉ mới 23 tuổi. Sau đó Võ Tắc Thiên lại lập con trai thứ hai của mình là Lý Hiền lên làm Thái tử.

Như vậy, Lý Hiền đã là Thái tử thứ ba. Ông biết âm mưu giành quyền lực của mẹ mình, cảm thấy bản thân cũng khó có kết thúc tốt đẹp khi nghĩ về kết cục của hai người anh. Vậy là ông đã viết bài “Hoàng đài qua từ” để cho các nhạc công trong cung biểu diễn, hy vọng người mẹ sẽ thức tỉnh sau khi nghe được.

Bài “Hoàng đài qua từ” dù nghe có vẻ đơn giản, nhưng mang ý nghĩa sâu sắc. Lý Hiền ví von người mẹ Võ Tắc Thiên của mình với người hái dưa, cũng ví tính mạng bốn anh em mong manh như bốn quả dưa, xin chớ hái hết, qua đó khuyên răn Võ Tắc Thiên chú ý để lại đường hậu, không nên truy cùng diệt tận con cái. Nếu không thì cũng như chuyện hái dưa, hái hến lần này đến lần khác không buông tay thì sẽ đến lúc không còn dưa nữa, chỉ còn bó dây ôm mang về.

Nhưng cuối cùng Lý Hiền vẫn không thoát khỏi số phận bi thảm.

Để thực hiện ước mơ làm Hoàng đế của mình, Võ Tắc Thiên cũng không buông tha cho Lý Hiền, người con nhân từ và tài hoa. Năm 680, Võ Tắc Thiên đã cho một kẻ tố cáo Thái tử mưu phản, dùng tội danh này phế bỏ ngôi vị Thái tử của Lý Hiền. Dù Cao Tông luôn yêu quý Lý Hiền, muốn bỏ qua cho con, nhưng Võ Tắc Thiên cương quyết nói: “Lý Hiền lòng muốn làm phản, nên vì đại nghĩa mà bỏ qua tình thân, không thể xá tội cho nó.” Vậy là Lý Hiền bị phế làm thường dân, sau đó bị đi đày ở Ba Châu  (nay là huyện Ba Trung tỉnh Tứ Xuyên).

Năm 684 Đường Cao Tông qua đời, Trung Tông Lý Hiển kế vị ngai vàng, nhưng chỉ sau hơn một tháng đã bị Võ Tắc Thiên bãi chức, đưa Lý Đán lên thay, khi đó Võ Tắc Thiên mới thao túng toàn bộ quyền lực.

Nhưng dù đã thao túng hết quyền lực, Võ Tắc Thiên vẫn bất an về Lý Hiền, bà ta đã phái người đến Ba Châu để theo dõi Lý Hiền, cuối cùng ép Lý Hiền phải tự sát, năm chỉ 29 tuổi.

Năm 711 Đường Duệ Tông Lý Đán đã truy phong Lý Hiền ngôi vị Hoàng thái tử và cho chôn cất cùng vợ.

Ám chỉ trong chơi chữ của Lý Gia Thành

Sau khi hiểu được ngọn nguồn chuyện “Dưa trên giàn vàng” thì không khó để hiểu ẩn ý của Lý Gia Thành khi dùng điển tích này. Có lẽ Lý Hiền cũng không thể ngờ bài thơ tuyệt vọng của mình vẫn còn ảnh hưởng đến tận ngày nay.

Trong bài thơ Lý Hiền dùng hình ảnh người hái dưa để ví với người mẹ Võ Tắc Thiên, điều thú vị là Đặc khu Trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga từng có biệt danh là “mẹ của Hồng Kông”. Như vậy ý thơ mà Lý Gia Thành dùng đặt vào ám chỉ ĐCSTQ rất hợp lý. Đặc biệt là chính quyền mà Võ Tắc Thiên xây dựng và chiếm giữ đã tan thành mây khói chỉ sau 23 năm. Do đó câu thơ “Dưa trên giàn vàng, cớ sao hái tận” rõ ràng là cảnh báo đối với ĐCSTQ và bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chớ quá tham lam, cũng nhằm ám chỉ chính quyền độc tài tàn bạo được dựng lên phi pháp không thể tồn tại lâu dài.

Tuyết Mai

Xem thêm: