Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã lan sang nhiều lĩnh vực khác nhau như chính trị, kinh tế, quân sự, ý thức hình thái. Sau khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ điều tra toàn diện người Mỹ gốc Hoa trong kế hoạch “Ngàn nhân tài” của Trung Quốc”, thì hiện tại Mỹ tiếp tục cấm một bộ phận học giả Trung Quốc đến Mỹ để đảm bảo an ninh quốc gia.

Embed from Getty Images

Hình ảnh công dân Trung Quốc đang xếp hàng trước Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh để xin cấp Visa (Ảnh: Getty Images)

Tờ New York Times đưa tin hôm 14/4 cho biết, năm ngoái có ít nhất 30 Visa đến Mỹ của giáo sư nghiên cứu Khoa học xã hội, người phụ trách các cơ quan học thuật và chuyên gia nghiên cứu chính sách của chính phủ bị thu hồi, hoặc tiến hành thẩm tra lại, trong số đó có nhiều học giả nổi tiếng tại Trung Quốc.

Trong số đó có ông Ngô Bạch Ất (Wu Baiyi) – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc. Ông Bạch dự định đến Bang Georgia vào tháng 1/2019 để tham gia hoạt động do Trung tâm Carter tổ chức, tại sân bay ông đã bị đặc nhiệm của Cục Điều tra Liên bang (FBI) thu hồi visa đến Mỹ.

Ông Lư Vũ (Lu Xiang) – Chuyên gia Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cách đây vài năm, ông đã từng làm chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế Washington, năm ngoái Visa đến Mỹ của ông cũng bị thu hồi.

Ông Vương Văn (Wang Wen) – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, Visa tới Mỹ của ông cũng bị thu hồi khi ông tới Mỹ tham gia hội nghị.

Những người này đều được thông báo rằng, họ có thể xin Visa đến Mỹ 1 lần, nhưng cần phải cung cấp địa chỉ cư trú, số điện thoại và hồ sơ du lịch trong vòng 15 năm qua. Nhưng họ lại không muốn khai những thông tin này.

Ông Chu Phong (Zhou Feng) – Chủ nhiệm Trung tâm Hợp tác nghiên cứu đổi mới Nam Hải thuộc Đại học Nam Kinh Trung Quốc, năm 1999 từng là học giả thỉnh giảng tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury tại bang California, sau khi về nước ông làm về lĩnh vực nghiên cứu vấn đề Mỹ tại Đại học Bắc Kinh.

Mặc dù ông Chu Phong cho rằng hành vi của ông không làm tổn hại đến quan hệ Mỹ – Trung, nhưng ông cũng thừa nhận, yêu cầu của Bộ Quốc an Trung Quốc làm những nhà nghiên cứu của Trung Quốc rơi vào tình huống khó xử.

Tháng 1/2018, ông Chu Phong đến Bang San Diego tại Mỹ để tham dự hội nghị, tại Sân bay quốc tế Los Angeles ông đã bị hai đặc nhiệm của FBI ngăn chặn khi đang đợi chuyển máy bay, tại đây, ông đã bị hỏi về quan hệ giữa ông và quân đội Trung Quốc và Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhưng ông đã phủ nhận.

Sau khi kết thúc hội nghị tại San Diego, ông Chu Phong xuất hiện tại Sân bay Los Angeles để chuẩn bị trở về Bắc Kinh. Khi lên máy bay, hai đặc nhiệm FBI đã ngăn cản ông, sau đó dùng bút đen gạch chéo lên Visa mà ông dùng để đến Mỹ trong 10 năm qua.

Một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng nói về sự kiện này trên Facebook, cơ quan chấp pháp Mỹ cho rằng, cơ quan tình báo Trung Quốc ngày càng lợi dụng nhiều các học giả Trung Quốc đến Mỹ, để thu thập thông tin tình báo từ công dân Mỹ.

Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ khiến Mỹ cảnh giác

Năm ngoái, trong lúc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang nóng lên, một số “gián điệp học thuật” của Trung Quốc nằm trong danh sách “Ngàn nhân tài” của nước này đã đánh cắp nhiều sở hữu trí tuệ của Mỹ khiến Mỹ có hành động ngăn chặn.

Từ ngày 11/6 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thu ngắn thời gian có hiệu lực của Visa của một số nghiên cứu sinh Trung Quốc trong một số lĩnh vực nghiên cứu được cho là nhạy cảm xuống còn 1 năm, nghiên cứu sinh Trung Quốc tại Mỹ cần xin cấp lại Visa mỗi năm một lần. Lĩnh vực du học bị liệt vào danh sách thu ngắn thời hạn Visa đều thuộc các ngành công nghiệp quan trọng trong kế hoạch “Made in China 2025”.

Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ cũng thắt chặt việc cấp Visa cho một bộ phận học giả Trung Quốc.

Tháng 7 năm ngoái, ông Nhiêu Nghị (Rao Yi)- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học đời sống thuộc Đại học Bắc Kinh, đã bị từ chối cấp Visa đến Mỹ. Ông Nhiêu Nghị 57 tuổi, từng là thành viên trong kế hoạch “Ngàn nhân tài” của Trung Quốc, là Chủ nhiệm và đại điện pháp nhân của Trung tâm nghiên cứu khoa học não và nghiên cứu não bộ Bắc Kinh.

Tháng 2 năm nay, nhà Vật lý người Trung Quốc Phan Kiến Vĩ (Pan Jianwei), người đã thực hiện thành công vệ tinh thông tin lượng tử đầu tiên trên thế giới bằng cách sử dụng các nguyên lý của cơ học lượng tử, đã bị Mỹ từ chối cấp Visa nên không thể tham dự Hội nghị giao lưu học thuật tổ chức tại Washington.

Truyền thông ngoài Trung Quốc phân tích, Mỹ lo lắng học giả Trung Quốc thông qua các hoạt động học thuật để đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ, do đó đã tăng cường kiểm tra sàng lọc việc cấp Visa cho một số người Trung Quốc làm nghiên cứu trong các lĩnh vực nhạy cảm.

Hãng tin AP (Mỹ) từng dẫn lời của một quan chức Mỹ nói rằng, những lĩnh vực có mức độ nhạy cảm cao đều là những ngành quan trọng trong kế hoạch “Made in China 2015” mà Bắc Kinh từng tuyên truyền. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một trong những trọng điểm trong chính sách thương mại đối với Trung Quốc của Tổng thống Trump.

Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong số những người nước ngoài có được những thông tin nhạy cảm hoặc thông tin cơ mật của Mỹ, có khoảng ¼ số vụ là thông qua các cơ quan học thuật.

Nhà bình luận thời sự Chu Hiểu Huy nhận định, một bộ phận học giả Trung Quốc bị cấm nhập cảnh vào Mỹ, điều này cũng cho thấy Mỹ đang phát ra tín hiệu cảnh cáo đối với giới học thuật Trung Quốc cũng như cao tầng Bắc Kinh, tức cảnh cáo những người không có giới hạn đạo đức, không phải là nhà nghiên cứu chân chính đừng có lợi dụng sự tự do học thuật của Mỹ để phá hoại Mỹ.

Trí Đạt

Xem thêm: