Mặc dù Luật Quốc tịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quy định rõ ràng không thừa nhận hai quốc tịch, nhưng một số vụ việc liên quan gần đây cho thấy tiêu chuẩn kép trong vấn đề này.

shutterstock 1630080733
Vận động viên trượt tuyết Cốc Ái Lăng (Ảnh: Svend S. Nielsen / Shutterstock)

Ngày 8/2, Chính phủ Úc xác nhận thông tin chính quyền Hồng Kông bắt giữ người Hồng Kông có quốc tịch Úc vào tháng Một năm ngoái. Chính quyền Hồng Kông nhấn mạnh không công nhận hai quốc tịch, nên phía Úc không thể cung cấp dịch vụ hỗ trợ lãnh sự. Cùng ngày, Eileen Gu (Cốc Ái Lăng), một vận động viên trượt tuyết người Mỹ gốc Hoa, đã lảng tránh câu hỏi của phóng viên về quốc tịch của mình sau khi giành huy chương vàng cho Trung Quốc tại Thế vận hội Mùa đông. Ngoài ra, cựu vận động viên người Mỹ Jeremy Smith, người từng chơi cho đội khúc côn cầu trên băng nam quốc gia của Trung Quốc, đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng anh vẫn giữ quốc tịch Mỹ.

Không công nhận “hai quốc tịch” cho người Hồng Kông quốc tịch Úc

Truyền thông Úc ngày 8/2 tiết lộ một công dân Hồng Kông mang hai quốc tịch Úc và Trung Quốc đã bị bắt tại Hồng Kông với cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền nhà nước”. Chính quyền Hồng Kông lấy lý do “Trung Quốc không thừa nhận 2 quốc tịch” để từ chối việc quan chức ngoại giao Úc yêu cầu hỗ cung cấp hỗ trợ lãnh sự cho người đàn ông này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Úc nói với Đài ABC rằng: Chính quyền Hồng Kông đã thông báo cho Tổng Lãnh sự quán Úc tại Hồng Kông vào tháng 1/2021 rằng một người đàn ông mang hai quốc tịch Úc và Trung Quốc đã bị bắt theo Luật An ninh Quốc gia. Quan chức ngoại giao Úc thuộc lãnh sự quán Úc tại Hồng Kông đã tham dự một phiên tòa sau đó. Phía Úc đã nhiều lần đề nghị đến thăm nhưng chính quyền Hồng Kông đều từ chối với lý do người này là công dân Trung Quốc theo Luật Quốc tịch của Trung Quốc (ĐCSTQ).

Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết, những người Hồng Kông có 2 quốc tịch không được hưởng hỗ trợ lãnh sự nước ngoài vì theo cách giải thích luật của Trung Quốc (ĐCSTQ), trừ phi người có quốc tịch nước ngoài đăng ký từ bỏ quốc tịch Trung Quốc và được chấp thuận, nếu không họ ở Hồng Kông thì vẫn được coi là công dân Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Úc không tiết lộ thân phận của công dân Úc này, nhưng cho biết các quan chức Úc liên lạc định kỳ với luật sư của người bị bắt. Ngày 8/2, tờ Minh Báo (Ming Pao) tại Hồng Kông đưa tin, có thông tin cho biết bị cáo Ngô Chính Hanh (Ng Gordon Ching Hang) trong “vụ 47 người liên quan đến bầu cử sơ bộ (năm 2020)” ở Hồng Kông mang hai quốc tịch Úc và Trung Quốc.

Ông Lý Nguyên Hoa, cựu phó giáo sư tại Học viện Khoa học giáo dục thuộc Đại học Sư phạm Thủ đô tại Bắc kinh, nói với Epoch Times: “ĐCSTQ đã đặt ra các quy tắc để trừng phạt người khác, chẳng hạn như đối xử với người Hồng Kông có quốc tịch Úc – chỉ khi họ (ĐCSTQ) chấp thuận cho bạn từ bỏ quốc tịch Trung Quốc, nếu không thì bạn vẫn sẽ bị coi là công dân Trung Quốc, khi đó thì luật tà ác của ĐCSTQ vẫn có thể được áp dụng cho bạn.”

Ông cho rằng đây là ĐCSTQ trả thù việc Úc và đồng minh Mỹ, Nhật tẩy chay ĐCSTQ.

Thế giới chú ý đến vấn đề 2 quốc tịch của Eileen Gu

Vào ngày truyền thông Úc tiết lộ vụ việc liên quan đến người Úc ở Hồng Kông, Eileen Gu cũng đã giành huy chương vàng cho đội Trung Quốc trong trận chung kết nhảy trượt tuyết tự do nữ tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh. Eileen Gu, 18 tuổi, sinh ra ở California, mẹ cô là Cốc Yến (người Mỹ gốc Hoa) và bố cô là người Mỹ, nhưng ngoại giới biết rất ít về thân phận của cô.

Hiện tại, thế giới quan tâm đến việc Eileen Gu liệu có mang 2 quốc tịch hay không, liệu có vi phạm “Luật Quốc tịch” của Trung Quốc theo sự chỉ thị của ĐCSTQ hay không.

Trang web inkstone thuộc tờ Nam Hoa Tảo Báo (SCMP) đã đưa tin về quyết định của Eileen Gu khi đại diện cho Trung Quốc tham dự Thế vận hội Mùa đông vào tháng 6/2019, đồng thời đăng bài đăng của Eileen Gu trên mạng xã hội. Trong bài đăng, Eileen Gu không chỉ đề cập rằng đó là một “quyết định khó khăn” khi đại diện cho Trung Quốc tham dự Thế vận hội, mà còn nói rằng “tham gia Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 là cơ hội ‘chỉ có một lần trong đời'”, nhưng đã không nói về sự lựa chọn quốc tịch.

Theo thông tin công khai, Eileen Gu sinh ngày 3/9/2003. Vào tháng 6/2019, Eileen Gu chưa đủ 16 tuổi. Luật pháp Mỹ quy định rằng chỉ bản thân mới có thể quyết định xem liệu có từ bỏ quốc tịch Mỹ hay không và cha mẹ không thể từ bỏ thay cho con cái vị thành niên. Những người dưới 16 tuổi chưa đủ trưởng thành và nhận thức chưa đầy đủ về việc từ bỏ quốc tịch của mình, nên cần phải thông qua cơ quan liên quan đánh giá thì mới có thể từ bỏ. Trừ những trường hợp khẩn cấp, trẻ vị thành niên phải đợi đến đủ 18 tuổi mới được từ bỏ thân phận công dân.

Theo luật của Mỹ, quốc tịch liên quan đến các vấn đề thuế. Cơ quan Đăng ký Liên bang (Federal Register) chuyển tiếp danh sách hàng quý của Sở Thuế vụ về những cá nhân từ bỏ quốc tịch Mỹ vì mục đích thuế. Tìm kiếm trên mạng không thấy có hồ sơ nào về việc Eileen Gu từ bỏ quốc tịch Mỹ vào năm 2019 hoặc sau đó do Cơ quan Đăng ký Liên bang cung cấp. Hiện tại, các cơ quan chức năng của Mỹ vẫn chưa bình luận về vấn đề quốc tịch của Eileen Gu, bởi vì phía Mỹ thường coi các quyết định như vậy là riêng tư.

Điều 3 Luật Quốc tịch Trung Quốc quy định rõ: “Không thừa nhận công dân Trung Quốc có 2 quốc tịch”; Điều 8 quy định công dân nước ngoài được chấp thuận trở thành công dân Trung Quốc sẽ “không được giữ lại quốc tịch nước ngoài”. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Trung Quốc quy định rõ ràng trong “Hướng dẫn xin Quốc tịch Trung Quốc”: “Sau khi được chấp thuận nhập quốc tịch Trung Quốc, quốc tịch nước ngoài sẽ không được giữ lại.”

Eileen Gu phải có quốc tịch Trung Quốc thì mới có thể đại diện cho đội tuyển Trung Quốc tham dự Thế vận hội, điều này được quy định tại Điều 41 của “Hiến chương Olympic” – một vận động viên tham gia Olympic phải là công dân của quốc gia mà Ủy ban Olympic Quốc gia đã lựa chọn để tham gia. Nếu có hai quốc tịch hoặc nhiều quốc tịch, thì chỉ có thể chọn một trong số đó để tham gia. Đối với vận động viên đã đại diện cho một quốc gia tại Olympic, tại một cuộc thi cấp châu lục hoặc khu vực, hoặc tại giải vô địch thế giới hoặc khu vực được liên đoàn quốc tế có liên quan công nhận, nếu thay đổi quốc tịch hoặc nhập quốc tịch mới, thì 3 năm sau kể từ khi thay đổi quốc tịch mới được đại diện cho quốc gia mới tham gia Olympic. Nhưng thời hạn này có thể được rút ngắn hoặc thậm chí bị hủy bỏ nếu được sự đồng ý của Ủy ban Olympic quốc gia liên quan và Liên đoàn thể thao quốc tế và sự chấp thuận của Ủy ban Olympic Quốc tế.

Eileen Gu không trực tiếp trả lời câu hỏi của phóng viên về quốc tịch trong cuộc họp báo sau khi giành huy chương vàng Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Cô cho biết: Là một cô gái 18 tuổi, tôi không muốn lấy lòng mỗi một cá nhân, tự mình sống vui vẻ, làm những gì mình cho là ý nghĩa và tận hưởng cả quá trình, người khác liệu có vui vẻ hay không thực ra không quan trọng.

Eileen Gu nói, “Tôi chắc chắn cảm thấy mình là người Mỹ, giống như tôi là người Trung Quốc. Tôi là người Mỹ khi ở Mỹ và là người Trung Quốc khi ở Trung Quốc.” Cô cũng cho rằng “thể thao không cần gắn với quốc tịch”.

Trang tiếng Đức của trang web Olympic.com thuộc Ủy ban Olympic Quốc tế, đã đề cập đến “Eileen Gu có 2 quốc tịch” ở cuối bài viết “5 điều bạn chưa biết về Eileen Gu”. Bài báo được đăng tải lên vào ngày 21/1/2021, bởi tác giả Von Andrew Binner. Tài khoản Twitter của Binner cho thấy anh là nhà sản xuất kỹ thuật số cho Olympics.com.

Vào ngày 12/2, Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) tiết lộ rằng trong bản lý lịch tiếng Anh của Eileen Gu trên trang web Beijing2020.cn của Ban tổ chức Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, có một đoạn gốc bằng tiếng Anh: “Sau khi cô lần đầu tiên giành huy chương vàng cúp thế giới tại Ý vào năm 2019, cô đã từ bỏ quốc tịch Mỹ của mình, nhập quốc tịch Trung Quốc để đại diện cho Trung Quốc tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.”

Khi một phóng viên VOA truy cập trang web vào ngày 9/2, thì thấy rằng thông tin về việc Eileen Gu từ bỏ quốc tịch Mỹ vẫn nằm trong phần giới thiệu của cô. Nhưng ngày hôm sau, ngày 10/2, đoạn thông tin liên quan đã được viết lại thành: “Vào năm 2019, sau khi giành huy chương vàng thế giới đầu tiên ở Ý, cô đã quyết định đại diện cho Trung Quốc tham gia thi đấu.”

“Luật Quốc tịch” của ĐCSTQ thực thi theo nhu cầu

Jeremy Smith hiện đang chơi cho đội tuyển khúc côn cầu trên băng nam quốc gia Trung Quốc, với tư cách là một cầu thủ nhập tịch, anh đã tham gia Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh giống như Eileen Gu.

Smith gần đây đã trả lời phỏng vấn ESPN, ngày 9/2, ESPN đưa tin về cuộc phỏng vấn này. Trong mùa giải khúc côn cầu 2018 – 2019, Smith là một thủ môn cho đội Bridgeport Sound Tigers thuộc New York Islanders, và sự phát triển sự nghiệp của anh ấy không mấy suôn sẻ – đã 32 tuổi, nhưng vẫn ở một đội bóng hạng nhỏ, và bước vào Liên đoàn Khúc côn cầu Quốc gia (NHL) là một điều xa vời.

Một cuộc gọi từ người đại diện của anh đã làm anh thay đổi suy nghĩ về bản thân. Người đại diện cho biết, nếu muốn anh có thể thi đấu chuyên nghiệp tại Liên đoàn khúc côn cầu KHL của Nga, đồng thời anh cũng có thể có cơ hội tham gia Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022. Theo báo cáo, Kunlun Red Stars của Liên đoàn khúc côn cầu trên băng KHL là vườn ươm của đội khúc côn cầu trên băng nam quốc gia của Trung Quốc.

Smith đã nói rõ ràng với đối phương rằng “Tôi không thể từ bỏ thân phận công dân Mỹ của mình”, bởi vì Smith, người sinh ra ở Mỹ, đã rất bất ngờ vào thời điểm đó, tức bản thân anh không có dòng máu Trung Quốc.

Câu trả lời của đối phương là: “Đừng lo lắng. Chúng tôi sẽ không hỏi anh. Điều đó không quan trọng đối với những gì chúng tôi đang cần làm, tất cả những gì chúng tôi muốn là anh đủ điều kiện tham dự Thế vận hội.”

Vấn đề về hai quốc tịch của Eileen Gu vẫn chưa lắng xuống qua những lời thẳng thắn của Smith, trái lại, vấn đề này của cô vẫn đang thu hút sự chú ý. Mặt khác, chính quyền ĐCSTQ đã làm rất nhiều tuyên truyền sau khi Eileen Gu giành được huy chương vàng.

Vào ngày 8/2, Weibo chính thức “Băng tuyết Trung Quốc” của Trung tâm Thể thao Mùa đông thuộc Tổng cục Thể thao Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gửi thư chúc mừng đến đội kỹ năng nhảy trượt tuyết tự do và vượt chướng ngại vật của Trung Quốc, hy vọng rằng các các thành viên trong đội sẽ “kiên trì nỗ lực” “để cống hiến nhiều hơn nữa cho việc thực hiện ước mơ trở thành một cường quốc thể thao.”

Trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia ĐCSTQ đã thực hiện một cuộc phỏng vấn độc quyền với Eileen Gu vào ngày 8/2, cuộc phỏng vấn sau đó được đăng tải với tiêu đề “Cảm giác thi đấu ở quê hương thực sự khác biệt”.

Tài khoản WeChat chính thức của Cục cán bộ hưu trí thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc cũng đăng một bài viết vào ngày 8/2. Bài viết có tiêu đề “Nhiệt liệt chúc mừng Eileen Gu, hậu duệ của lão cán bộ giao thông, đã giành được huy chương vàng tại Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh”. Bài báo tiết lộ rằng bà của Eileen Gu là Phùng Quốc Trân (Feng Guozhen), là một cán bộ nghỉ hưu của Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, và là cựu kỹ sư cao cấp của Vụ Cải cách thể chế của Bộ Giao thông Vận tải. Sau khi Eileen Gu chào đời, bà Phùng Quốc Trân đã sang Mỹ để lo cho cuộc sống của cháu.

Về vấn đề quốc tịch của Eileen Gu, ông Lý Nguyên Hoa, cựu phó giáo sư tại Học viện Khoa học giáo dục thuộc Đại học Sư phạm Thủ đô tại Bắc kinh nói rằng, ĐCSTQ muốn sử dụng thể thao đóng gói ra một cường quốc, vì vậy đã chọn Eileen Gu, một người sinh ra, lớn lên và được giáo dục ở Mỹ, nhưng sẽ chỉ sống ở Trung Quốc một khoảng thời gian trong những ngày lễ.

Ông nói: “Nếu Eileen Gu thực sự từ bỏ quốc tịch Mỹ của mình để trở thành công dân Trung Quốc, thì chính quyền ĐCSTQ đã sớm thổi phồng nó lên từ lâu. Ngoài ra, Eileen Gu là sinh viên của Đại học Stanford. Học phí của cô ấy có được trả theo tiêu chuẩn của du học sinh nước ngoài không?”

Ông còn cho biết: “Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương là một cơ quan đặc vụ, việc đặc biệt phỏng vấn một vận động viên là điều rất hiếm gặp.”

Ông Lý Nguyên Hoa nói thêm: “Khi hai quốc tịch có lợi đối với họ (ĐCSTQ), thì họ có thể nhìn mà không thấy; khi không có lợi thì họ sẽ dùng ‘Luật Quốc tịch’ để hạn chế.” 

Theo Liên Thư Hoa, Epoch Times

Xem thêm: