Ngôi sao Hồng Kông Trương Học Hữu khi trả lời phỏng vấn của CCTV nhân dịp 1/7 đã đề cập đến cụm từ “Hồng Kông cố lên!“. Sau đó, ông đã bị các ‘tiểu phấn hồng’ (những thanh niên yêu Đảng Cộng sản Trung Quốc mù quáng) chụp mũ rằng “không yêu nước.”

Truong Hoc Huu
Một đoạn video ngôi sao Trương Học Hữu trả lời phỏng vấn  CCTV gần đây đã lan truyền trên mạng. Nội dung nói về việc Hồng Kông bàn giao chủ quyền về Trung Quốc sau 25 năm, nhưng bị nghi ngờ là từ ngữ không đủ biết ơn, không nhắc đến những từ như “tổ quốc”, “quay về“, ngoài ra ông còn nhắc đến câu “Hồng Kông cố lên!” đã bị ‘tiểu phấn hồng’ chỉ trích là “không yêu nước“. (Ảnh: Song Bilong / Epoch Times)

Cách đây vài ngày, ngoài những ngôi sao Hồng Kông như Châu Tinh Trì, Lưu Đức Hoa, Tạ Đình Phong, truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là CCTV cũng tìm đến Trương Học Hữu để quay video tuyên truyền “Hồng Kông quay về Trung Quốc”. Trong video, Trương Học Hữu nói bằng tiếng Quảng Đông: “25 năm qua, Hồng Kông đã trải qua rất nhiều thăng trầm, cao cao thấp thấp, lên lên xuống xuống, nhưng vì tôi đã lớn lên cùng thành phố này, tôi sinh ra ở đây và lớn lên ở đây, tôi vẫn tin tưởng vào thành phố này, vẫn hy vọng thành phố này sẽ trở thành một thành phố tốt hơn trước đây. Hồng Kông cố lên!”

Sự biểu đạt thái độ ngắn gọn của Trương Học Hữu đã bị ‘tiểu phấn hồng’ của ĐCSTQ công kích. Ông bị cáo buộc “không yêu nước”, trong đó, bị nghi ngờ nhiều nhất là 4 chữ “Hồng Kông cố lên!”. Trong phong trào “chống dẫn độ” vào năm 2019, “Hồng Kông cố lên!” đã được những người biểu tình sử dụng rộng rãi và kể từ đó 4 chữ này bị ĐCSTQ và chính quyền Hồng Kông coi là cấm kỵ.

Ngoài ra, trong suốt quá trình phỏng vấn, ông Trương Học Hữu đã không nhắc đến những từ như “Trung Quốc”“tổ quốc”, nên đã bị ‘tiểu phấn hồng’ giải thích là có dụng tâm khác, chất vấn Trương Học Hữu “Hồng Kông thuộc về tổ quốc hay (thuộc) Hồng Kông?”“nghi ngờ rằng ông cố tình không nhắc đến hai chữ tổ quốc và trở về”. Còn có người nói, Trương Học Hữu nói đến sự thăng trầm “cao cao thấp thấp, lên lên xuống xuống” của Hồng Kông trong 25 năm qua, dường như có vẻ “không hài lòng” với những thay đổi của Hồng Kông trong 25 năm này, thậm chí có người nói thẳng rằng sẽ “tẩy chay ông”.

Vào ngày 3/7, Trương Học Hữu đã đưa ra một tuyên bố trên Weibo. Tự xưng là “một kiến dân“, ông nhấn mạnh ngay từ đầu rằng: “Tôi (Trương Học Hữu) cảm thấy rằng tôi là một người Trung Quốc yêu đất nước và Hồng Kông. Là một nghệ sĩ, nguyên tắc cơ bản của tôi là không tham gia vào chính trị. Tôi sinh ra ở Hồng Kông và lớn lên ở Hồng Kông. Tôi cũng mong được chết già ở Hồng Kông.” Ông cho biết không cách nào hiểu được vì sao 4 chữ “Hồng Kông cố lên!” trở thành “từ cấm”, hy vọng rằng người Trung Quốc có thể “dùng đạo lý để thuyết phục người khác”.

Môi trường ngôn luận ở Hồng Kông xấu đi nhanh chóng

Người Hồng Kông nhìn nhận hiện tượng này như thế nào? A Trí, một người Hồng Kông ở New York, nói với Epoch Times rằng việc các nghệ sĩ Hồng Kông “đi về phía bắc” để tồn tại là điều dễ hiểu. Sự việc của Trương Học Hữu đã cho mọi người thấy ‘chiến lang’ của ĐCSTQ đã trở nên cường điệu như thế nào. Những từ ngữ đối với người Hồng Kông mà nói hoàn toàn bình thường, nhưng đối với ĐCSTQ mà nói thì lại hoàn toàn ngược lại.

Một số cư dân mạng xã hội ở nước ngoài bình luận rằng lòng yêu nước đã trở thành “một ngành kinh doanh” ở Trung Quốc, chế nhạo Trương Học Hữu “bởi vì tư thế quỳ gối của ông không đủ tiêu chuẩn để bị các tiểu phấn hồng trên mạng công kích”, “ca tụng không ra sức đủ nên bị chụp lên các loại mũ khác nhau”.

Nghệ sĩ Hồng Kông tại Đại Lục không chỉ phải thường xuyên tham gia các diễn đàn văn học nghệ thuật mà còn phải luôn thận trọng trong lời nói và việc làm. A Trí cho biết, ở Hồng Kông hiện nay rất vất vả để thích nghi với những thay đổi này, một số người có thể thích nghi nhanh chóng, nhưng lằn ranh đỏ mới cuối cùng sẽ buộc bạn không thể lui bước. “Trước đây những câu như ‘Quang phục Hồng Kông’, ‘Cách mạng thời đại’ không thể nói, hiện giờ là ‘Hồng Kông cố lên’ cũng không thể nói, sau này bạn không ủng hộ ĐCSTQ thì bạn là chống đảng. Người Hồng Kông chỉ cần không phản kháng, thì lằn ranh đỏ này chắc chắn sẽ đẩy lùi lại hết lần này đến lần khác.”

A Trí lấy ví dụ về việc Lý Hồng Trung, Bí thư thành ủy Thiên Tân, người đã hô khẩu hiệu “Trung thành không tuyệt đối thì chính là tuyệt đối không trung thành”. Ông nói có thể “Hồng Kông sẽ sớm như thế này, đây là một tương lai sẽ chắc chắn sẽ xảy ra dưới sự cai trị của ĐCSTQ, đương nhiên tôi mong rằng trước khi điều này xảy ra, có thể nhìn thấy hy vọng.” 

Giới giải trí Hồng Kông lấy lòng ĐCSTQ là điều không có gì lạ

A Phát, một người Hồng Kông, nói với Epoch Times rằng trong giới giải trí Hồng Kông, các ngôi sao ca nhạc lấy lòng ĐCSTQ không còn là điều lạ nữa, ngược lại, có thể lên tiếng phản đối chính quyền Hồng Kông, ĐCSTQ thì mới là hiếm có. Anh bình luận về việc Trương Học Hữu bị chụp mũ “không yêu nước” rằng “toàn bộ sự việc rất buồn cười, ông ấy nói những lời trung lập như thế mà vẫn bị cấm, rất đáng buồn.”