Trong cuốn “Tiểu sử Hồ Diệu Bang” bị chính quyền Trung Quốc bắt phải ngừng ngang đã tiết lộ bí mật chuyện ông này bị bắt ép phải từ chức phi pháp.

Ông Hồ Diệu Bang
Ông Hồ Diệu Bang

Quyển tiểu sử này được một nhóm nguyên lão từng công tác tại trung ương, do ông Trương Lê Quần là trưởng nhóm, đã thu thập và chỉnh lý một lượng lớn tư liệu, phỏng vấn rất nhiều nhân vật có liên quan và tuyển chọn để viết lại. Quá trình thực hiện mất đến hơn 10 năm, toàn bộ nội dung khoảng 1 triệu chữ và được chia thành 3 quyển. Xuyên suốt nội dung, các tác giả đã kiên trì theo phong cách “Xuân Thu chi bút”, viết lại chân thực những việc đã xảy ra. Nguyên vì cuốn sách có liên quan đến nội tình việc ông Hồ Diệu Bang bị mất chức nên đã bị chính quyền hiện thời cắt ngang, chỉ cho phép xuất bản tập một, còn hai quyển sau thì bị cắt gọn.

Theo quyển Tiểu sử nói trên, nguyên nhân việc ông Hồ Diệu Bang bị mất chức mặc dù rất phức tạp nhưng có thể nói căn bản là vì ông này có ý kiến khác với ông Đặng Tiểu Bình về việc ông Đặng rút lui toàn bộ quyền lực. Vào tháng 5/1986, ông Đặng Tiểu Bình hẹn ông Hồ Diệu Bang đến nhà để thảo luận chuyện nhân sự của Đại hội 13 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Hồ Diệu Bang lúc đó đã nói rằng: “Tôi đã quá 70 rồi, đến Đại hội 13 muốn xuống”. Ông Đặng Tiểu Bình trả lời: “Tôi, Trần Vân, những người cũ đều sẽ xuống hết. Nếu cậu muốn nghỉ thì hãy nghỉ một nửa thôi, không cần phải làm tổng bí thư, hãy làm chủ tịch quân ủy hoặc là chủ tịch quốc gia một kỳ, xong rồi sẽ nói tiếp”.

Ngày 22/8/1986, tại sinh nhật 81 tuổi ở Bắc Đới Hà bày mấy bàn tiệc rượu, ông Đặng Tiểu Bình đã biểu thị ý muốn hai năm sau tại Đại hội 13 sẽ rút lui toàn diện. Ông Hồ Diệu Bang tin rằng chuyện này là thật nên đến tháng 10 năm đó tại cuộc họp của Bộ Chính trị, ông Hồ Diệu Bang đã công khai nói rằng, “Ngày hôm nay tôi muốn nói chuyện 10 phần cụ thể và chân thành. Tôi tán thành việc đồng chí Đặng Tiểu Bình đi đầu trong việc thoái lui, là một sự dẫn đầu vô cùng tốt. Chỉ cần đồng chí Đặng Tiểu Bình thoái lui thì các đồng chí lão thành khác càng làm công tác được tốt. Sau khi tôi hết nhiệm kỳ tổng bí thư thì cũng sẽ bước xuống, toàn phần để cho các đồng chí còn trẻ đảm đương”.

Sau khi ông Hồ Diệu Bang nói xong thì ông Đặng Tiểu Bình không biểu thị bất cứ điều gì, chỉ biểu cảm trầm ngâm. Tán thành ý kiến của ông Hồ Diệu Bang lúc đó có Ủy viên Cục Chính trị Trung ương ĐCSTQ, Phó Thủ tướng Chính phủ (Phó Tổng lý Quốc vụ viện) Vạn Lý, Thành viên Tổ Thư ký Trung ương Dương Đắc Chí, Phó ủy viên trưởng Đại hội Đại biểu Nhân dân Nhiếp Dung Chân, Nghê Chí Phúc và Phó chủ tịch Quốc Gia Ô Lan Phu. Thành viên Tổ Thư ký Trung ương Tập Trọng Huân tại hội nghị còn phát biểu ủng hộ ý kiến của ông Hồ Diệu Bang.

Tại buổi họp, ông Vương Chấn bị kích động đã nói rằng “Các anh rõ ràng đang đề đạt chuyện là muốn hay không muốn quyền lực, thừa nhận hay không thừa nhận rằng Tiểu Bình là quyền lực tối cao trong đảng chúng ta”. Ông Vạn Lý lúc này ngắt lời nói: “Anh Vương, anh không phải kích động. Đối với việc đồng chí Tiểu Bình là người cầm lái, tôi hoàn toàn không có ý kiến gì. Nhưng tôi chỉ muốn đính chính một chút, chúng ta xác lập quyền lực, không phải là cá nhân, mà là tập thể. Dân chủ mới là quyền lực tối cao của chúng ta”.

Ông Đặng Tiểu Bình sau đó từng hỏi ông Vạn Lý: “Có phải ông Hồ Diệu Bang muốn ép ta phải thoái lui?” Ông Vạn Lý đã trả lời rằng: “Có thể chỉ là lỡ miệng”. Ông Đặng Tiểu Bình nói tiếp: “Muốn tự mình nắm quyền”. Ông Vạn Lý cho rằng: “Hồ Diệu Bang không phải là người như vậy”.

Sau đó, ông Hồ Diệu Bang dần dần bị tước hết quyền lực, mất cả quyền chủ đạo nhân sự cho Đại hội 13 ĐCSTQ. Trong lúc ông còn chưa nắm rõ tình hình thì đã bị ông Đặng Tiểu Bình đem quyền nhân sự giao cho Phó chủ tịch Ủy viên Hội Cố vấn Trung ương Đảng là ông Bạc Nhất Ba. Ngoài ra, ông Đặng còn sắp xếp cho ông Bạc cùng 7 người thành một tiểu tổ, yêu cầu thay đổi nhiều sắp xếp nhân sự của Đại hội 13, đặc biệt là các ý kiến nhân sự của ông Hồ Diệu Bang.

Tháng 12 cùng năm, xuất hiện phong trào sinh viên tại trường Đại học Khoa học Trung Quốc ở An Huy rồi lan rộng đến tận Bắc Kinh. Ông Đặng Tiểu Bình dùng việc này để ép ông Hồ Diệu Bang phải hành động. Ngày 30/12, ông Hồ Diệu Bang định mở cuộc họp của Thường ủy viên Bộ Chính trị để thảo luận về việc xử lý phong trào sinh viên nhưng ông Đặng Tiểu Bình không đồng ý và yêu cầu ông Hồ đến địa điểm do mình chỉ định để nói chuyện. Ông Đặng Tiểu Bình đối với cuộc vận động của sinh viên đã nói rằng “Đây là kết quả của việc vài năm lại đây, lá cờ phản đối tư tưởng tự do hóa kiểu giai cấp tư sản không được giương cao, thái độ không được rõ ràng”, sau đó còn trách ông Hồ Diệu Bang “Cậu thật khó mà không có trách nhiệm”. Ông Hồ Diệu Bang lúc đó trả lời rằng: “Tôi bảo lưu ý kiến của mình”. Ông Đặng nói: “Không phải là bảo lưu, mà là muốn cậu phải nhanh chóng thể hiện rõ, kiên trì thực hiện bốn nguyên tắc cơ bản, nếu không sẽ rơi vào tự do hóa kiểu giai cấp tư sản“. Ông Đặng còn nói thêm rằng: “Nếu không dùng cách thức chuyên chính thì không thể được. Đối với cách thức chuyên chính, không phải chỉ có giảng giải mà lúc cần thì nhất định phải sử dụng”.

Ngày 10/01/1987, ông Bạc Nhất Ba chủ trì “Hội Sinh hoạt Bộ Chính trị” để công kích ông Hồ Diệu Bang. Ông Bạc mở đầu: “Hồ Diệu Bang suốt ngày chỉ đi khắp nơi. Cả nước có hơn 2000 huyện, cậu cứ chạy khắp mọi chỗ. Cậu là Chủ tịch của Đảng, là Tổng Bí thư có kỷ lục chạy cao nhất. Đây không phải gọi là chỉ đạo công tác mà gọi là du sơn ngoạn thủy”. Ông Dương Thượng Côn tiếp lời: “Hồ Diệu Bang, ông nói rằng muốn làm việc cho đảng cho nước, vậy mà lại định cùng với các phần tử tự do hóa giai cấp tư sản kết thành liên minh”. Ông Tống Nhiệm Cùng góp ý: “Tôi không thể nhẫn nại nổi với cách thức mà ông Hồ Diệu Bang đối đãi với đồng chí Đặng Tiểu Bình”. Tại Hội nghị, ông Đặng Lực Quần đã phê phán ông Hồ Diệu Bang đến 6, 7 giờ đồng hồ, ông Bạc Nhất Ba và Bàng Chân đã yêu cầu ông Hồ phải từ chức. Ông Vương Chấn nói rằng: “Bạc Nhất Ba, Bàng Chân đại biểu cho ý kiến của đa số chúng tôi”.

Trong tình cảnh căng thẳng như vậy, ông Tập Trọng Huân đập bàn đứng dậy chỉ vào mấy người Bạc Nhất Ba nói: “Các anh định làm cái gì? Đây không phải là đang bức vua thoái vị sao?”. Ông Hồ Diệu Bang không đợi Tập Trọng Huân nói xong mà đứng dậy nói rằng: “Đồng chí Trọng Huân, tôi đã nghĩ kỹ rồi, nếu không cho tôi làm thì tôi sẽ từ chức”.

Ngày 15/01, sau khi “Hội Sinh hoạt” kết thúc, ông Hồ Diệu Bang ra ngồi tại cửa khóc lớn. Ông Điền Ký Vân chỉ lặng yên đứng ở bên cạnh rất lâu không muốn rời đi. Ông Vạn Lý sau khi về nhà cảm thấy trong tâm vô cùng bất bình, nói rằng: “Hồ Diệu Bang không làm gì sai” sau đó cho đầu bếp làm một món ngon mà Hồ rất thích gửi đến nhà để an ủi ông Hồ. Sau khi bị ép phải từ chức tổng bí thư, ông Hồ Diệu Bang trở về nhà gặp vợ là bà Lý Chiêu và nói rằng: “Tôi không làm gì sai, vì đại cục, tôi chỉ có thể từ chức”.

Sau đó Đại hội 13 đã diễn ra, khi tuyển ủy viên trung ương, ông Hồ Diệu Bang nhận được hơn 1800 phiếu, chỉ thiếu chưa đến 10 phiếu là đủ 100% phiếu bầu. Lúc tuyển ủy viên Bộ Chính trị, ông Hồ Diệu Bang lại nhận được rất nhiều phiếu bầu, chỉ thiếu 7 phiếu là được 100%. Trong khi đó, những người bán đứng ông là Đặng Lực Quần và Hồ Kiều Mộc nhận được ít phiếu bầu nhất nên không trúng truyển. Sau đó, mặc dù bị cho ngồi không, không có quyền lực gì nhiều, nhưng ông Hồ Diệu Bang vẫn duy trì tiếng nói cải cách trong đảng, được các phần tử trí thức và sinh viên rất ủng hộ.

Mùa xuân năm 1989, ông Hồ Diệu Bang rời Bắc Kinh đến Hồ Nam nghỉ, bị cảm rồi bị phát bệnh tim. Đầu tháng 3 năm đó, vì tham gia Hội nghị Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc nên ông đã quay lại Bắc Kinh. Đến ngày 8/4, khi Tổng Bí thư ĐCSTQ lúc đó là ông Triệu Tử Dương đang thảo luận văn kiện “Quyết định của Trung ương ĐCSTQ về vấn đề giáo dục” thì ông Hồ Diệu Bang đột nhiên phát bệnh nhưng sau đó ổn định lại, được chẩn đoán là bị nhồi máu cơ tim. Đến ngày 15/4, ông bị một cơn nhồi máu cơ tim nặng và qua đời lúc 7 giờ 53 phút tại tuổi 74.

Sau khi ông Hồ Diệu Bang qua đời, giới sinh viên học sinh Trung Quốc đã tổ chức tưởng niệm quy mô lớn, được xem là mồi lửa của sự kiện thảm sát sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn năm đó.

Tự Minh

Xem thêm: