Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết vào ngày 5/3 rằng chi tiêu quốc phòng năm nay tăng lên mức 7,2% với khoảng 1.550 tỷ nhân dân tệ (khoảng 224 tỷ USD) – động thái trong bối cảnh thế giới bất ổn vì chiến tranh Nga xâm lược Ukraine, căng thẳng Mỹ – Trung và eo biển Đài Loan leo thang.

Tap Can Binh
Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc duyệt binh lớn nhất nhân lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh của ĐCSTQ. (Ảnh cắt từ video CNA)

Theo một báo cáo do Bộ Tài chính Trung Quốc công bố, chi tiêu quốc phòng của ĐCSTQ vào năm 2023 tăng lên mức 7,2% GDP với khoảng 1.550 tỷ nhân dân tệ, lập kỷ lục cao thứ hai kể từ năm 2019. Nhìn vào mức tăng trưởng hàng năm của chi tiêu quân sự của ĐCSTQ trong 3 năm qua cho thấy mức tăng chậm là 0,2% – 0,3%/năm: 6,6% vào năm 2020, năm 2021 tăng nhẹ lên 6,8%, và năm 2022 là 7,1%.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, chi tiêu quân sự của Trung Quốc năm ngoái chiếm 1,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi ngân sách quân sự của Mỹ vốn đảm nhận nhiều nghĩa vụ an ninh trên khắp thế giới chiếm 3,5% GDP. Nếu kéo dài thời gian thống kê, theo Viện Quốc phòng Đài Loan, mức tăng chi tiêu quân sự hàng năm của ĐCSTQ từ năm 2005 – 2015 năm nào cũng tăng trên 10% (trừ năm 2010 là 7,5%). Cho đến từ năm 2016 thì mức chi tiêu quân sự của Trung Quốc giảm đều trong khoảng từ 6% – 8% mỗi năm.

Quá trình hiện đại hóa quân sự liên tục của ĐCSTQ trong nhiều năm đã làm dấy lên mối lo ngại của Mỹ, Nhật Bản và các nước khác, đặc biệt việc ĐCSTQ uy hiếp quân sự Đài Loan càng khiến các nước láng giềng lo lắng hơn.

Đài VOA Mỹ đưa tin, nhiều nước từ Âu sang Á đã tăng chi tiêu quân sự trong khoảng một năm qua. Tháng 12 năm ngoái, lưỡng viện Mỹ đã thông qua ngân sách quốc phòng năm 2023 với khoản tiền kỷ lục 858 tỷ USD, tăng gần 14% so với năm trước [740 tỷ USD]. Chi tiêu quân sự của Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái đã tăng cao nhất trong 15 năm, nhưng tổng chi tiêu quân sự của năm nay thậm chí tăng gần 14% so với năm trước.

Với Nhật Bản, ngân sách hàng năm năm 2023 được Hạ viện Nhật Bản thông qua ngày 28/2 cũng nâng chi tiêu quốc phòng lên xấp xỉ 6.800 tỷ yên, gấp 1,26 lần so với ngân sách ban đầu năm 2022. Nhật Bản từ lâu đã khẳng định rằng chi tiêu quốc phòng không được vượt quá 1% GDP, nhưng vào tháng 12 năm ngoái, Nhật Bản đã cập nhật 3 tài liệu quốc phòng quan trọng theo đó trong 5 năm tới sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP.

Theo tờ Liberty Times Đài Loan đưa tin, Giáo sư Chen Shimin tại Khoa Chính trị của Đại học Quốc gia Đài Loan từ lâu đã quan tâm đến quân đội của ĐCSTQ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng ngay cả thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 thì tốc độ tăng trưởng hàng năm của chi tiêu quân đội ĐCSTQ vẫn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đó là ngòi nổ khiến cuộc chạy đua vũ trang Đông Á ngày càng xấu đi. Ông cho hay, do vấn đề ĐCSTQ tăng cường hiện đại hóa quân đội trong vài thập niên qua (đặc biệt trong 10 năm thời ông Tập Cận Bình), khiến Mỹ đã nhiều lần cảnh báo ĐCSTQ đang nỗ lực thay đổi trật tự quốc tế – xu thế đang không ngừng khiến cục diện thế giới bất ổn.

Trước đe dọa quân sự của ĐCSTQ, ông Chen Shimin nói rằng cho dù Đài Loan chuẩn bị ngân sách đặc biệt để tăng cường “sức mạnh chiến đấu bất đối xứng” khiến khoảng cách về chi tiêu quân sự giữa hai bên eo biển giảm được từ 16,7 lần xuống còn khoảng 11 lần, nhưng khoảng cách đó vẫn còn khá lớn. Phương hướng chính sách hiện nay của quân đội Đài Loan nhằm tăng cường “sức mạnh tác chiến bất đối xứng” vẫn cần tiếp tục nỗ lực, cách Đài Loan tăng cường khả năng “răn đe chiến tranh” trước chiến tranh đang khiến ĐCSTQ có những lo ngại có thể chịu tổn thất to lớn nếu tấn công quân sự vào Đài Loan, vì thế không dám manh động khai chiến – vấn đề rất đáng để Đài Loan đánh giá cẩn thận.

Nói với tờ Epoch Times, cựu Trung tá Hải quân của ĐCSTQ là Yao Cheng (Diêu Thành) cho rằng hãy xem các đầu tư quân sự của ĐCSTQ, (không chỉ nhìn vào số liệu về việc tăng chi tiêu quốc phòng), cho thấy chi tiêu quân sự của Trung Quốc được chia thành 2 phần: Một là chi tiêu quốc phòng bình thường, và phần còn lại chủ yếu được sử dụng để phát triển vũ khí và thiết bị không được ĐCSTQ đưa vào kinh phí quốc phòng và không được thông qua tại Quốc hội, vì Trung Quốc có một ngân sách riêng về chi phí thiết bị quân sự – đây là mặt tối nhưng thực sự là rất lớn. Vì vậy, khi nói đến việc tăng chi tiêu quốc phòng và quân sự, giới quan sát bên ngoài không thể tin vào con số của ĐCSTQ do cách tính khác với phương Tây. Tuy nhiên cựu chuyên gia quân sự của ĐCSTQ này chỉ ra kinh tế hiện tại của Trung Quốc đang không tốt, họ đang phù chứ không phải béo: “Họ hiện đang khấu trừ quỹ bảo hiểm y tế và quỹ hưu trí cho người già, [bộ máy công quyền] không có tiền mà là cái hố chôn tiền [của người dân], bao nhiêu tiền ném cho các nước châu Phi thực ra là hữu danh vô thực”.

Viện trưởng Su Ziyun của Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Chiến lược Quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu Đài Loan, cho biết: “Đầu tư quân sự của ĐCSTQ là để phù hợp với chiến lược bành trướng của nhà cầm quyền toàn trị này, eo biển Đài Loan chỉ là một một phần trong chiến lược của họ – động thái chắc chắn sẽ gây đe dọa cho thế giới”. Nhưng ông Su Ziyun cho rằng đe dọa của ĐCSTQ đã khiến các nước phải cảnh giác hơn, giờ đây các nước trên thế giới đã hình thành thế bao vây tích cực hơn chống lại chủ nghĩa bành trướng quân sự của ĐCSTQ.