Theo Tiếng nói nước Mỹ (VOA), tại hơn 10 tỉnh ở Trung Quốc đang diễn ra tình trạng thiếu điện và cắt điện ở mức độ ngày càng nghiêm trọng, không chỉ khiến nhiều nhà máy phải tạm ngừng sản xuất mà nhiều khu nhà chung cư cũng không thể dùng thang máy, mọi người đổ xô đi mua nến dự trữ. Ngoài ra, một số vùng cũng báo động đối với hệ thống nước, vì nguồn cung nước của thành phố cũng sẽ gặp vấn đề khi nguồn điện bị cắt.

Thiếu diện ở Trung Quốc
Các tòa nhà bị cắt điện tại Trung Quốc. (Nguồn: Chụp màn hình video)

Tình trạng thiếu điện vẫn tiếp diễn

Nguyên nhân chính của đợt thiếu điện này ở Trung Quốc là do nguồn cung than thiếu thốn làm giá than tăng vọt, các nhà máy điện bị nhà nước kiểm soát về giá cung cấp điện nên không thể tăng giá, trong khi chi phí phát điện gia tăng, thực trạng giá điện không thể đồng bộ với giá than đã khiến các nhà máy điện ngày càng thua lỗ. Để khắc phục, một số nhà máy điện thậm chí còn lấy cớ bảo trì thiết bị để giảm phát điện; mặt khác, một số tỉnh trong nửa đầu năm đã không thực hiện được mục tiêu kép về tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải nên gần đây đã tập trung hạn chế sản xuất để hoàn thành kế hoạch quý III, do đó đã gây tác động vào hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp ở nhiều tỉnh của Trung Quốc phải chịu áp lực kép là vấn đề thiếu điện nghiêm trọng và tiêu chuẩn giảm phát thải, buộc phải hạn chế sản xuất, như vậy sẽ làm giảm sút nghiêm trọng triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay.

Tại Đông Bắc Trung Quốc nơi tình trạng thiếu điện bị ảnh hưởng nặng nhất, ngày 27/9, ông Tỉnh trưởng Hàn Tuấn (Han Jun) của tỉnh Cát Lâm đã đến một số công ty sản xuất điện và sưởi ấm để thảo luận về vấn đề ổn định cung cấp than và cung cấp điện. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin ông Hàn Tuấn yêu cầu các công ty sản xuất điện và sưởi ấm thực hiện trách nhiệm xã hội, vượt qua những khó khăn như giá than tăng, nỗ lực hết sức để đạt được mức tải điện đầy đủ và an toàn hoạt động. Ông Hàn Tuấn cũng đề nghị các ngân hàng kết nối với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp thu mua than, đảm bảo đủ lượng than dự trữ.

Lệnh cấm nhập khẩu than của Úc sẽ thất bại?

Than đã từng là mặt hàng chính mà Úc xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng sau khi quan hệ Trung-Úc xấu đi, Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Úc và ngừng nhập khẩu than của Úc. Không biết sức ép mạnh mẽ từ tình trạng thiếu điện hiện nay có khiến nhà cầm quyền Trung Quốc thay đổi?

Trước đây, VOA Mỹ cũng từng đưa tin một số thành phố ở Đông Bắc của Trung Quốc bị mất điện nhiều lần trong ngày mà không có cảnh báo, có lần mất kéo dài hơn 12 tiếng. Tại một số nơi ở thành phố Thẩm Dương, ngay cả tín hiệu giao thông và đèn tín hiệu giao thông cũng bị mất làm tắc đường. Cư dân nhiều thành phố ở Đông Bắc Trung Quốc, trong đó có Trường Xuân, phàn nàn rằng thời gian mất điện ngày càng dài, trong khi khoảng thời gian giữa hai lần mất điện ngày càng ngắn.

Nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã lên mạng xã hội chia sẻ bất bình gay gắt về vấn đề cắt điện.

Chúng tôi như đang sống ở Bắc Triều Tiên

Hãng tin AFP (Pháp) dẫn lời một cư dân mạng Trung Quốc cho biết: “Trong 4 ngày liên tiếp mỗi ngày 8 lần mất điện, tôi không còn gì để nói”.

Một cư dân mạng khác phàn nàn rằng trung tâm mua sắm đóng cửa sớm, trong khi cửa hàng tiện lợi phải dùng nến thắp sáng. “Chúng tôi giống như đang sống ở Bắc Triều Tiên”, một người nói.

Do thường xuyên bị cắt điện, người dân ở Đông Bắc Trung Quốc buộc phải thắp nến, theo thời gian kéo theo tình trạng hoảng loạn tranh mua và tích trữ nến. Một số nhà sản xuất nến cho biết trong một tuần lượng đơn đặt hàng nến tăng hơn 10 lần. Tuy nhiên do các nhà sản xuất nến cũng bị cắt điện nên nhiều lúc hoạt động sản xuất nến cũng bị ngưng trệ.

Reuters dẫn tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết việc thiếu hụt nguồn cung cấp điện không chỉ gây mất đèn giao thông mà cũng khiến cả thang máy trong các tòa nhà chung cư bị ngưng hoạt động, thậm chí ảnh hưởng cả vùng phủ sóng của điện thoại di động. Vấn đề phổ biến hơn là nhà máy ngừng hoạt động. Một nhà máy nước ở tỉnh Cát Lâm thậm chí còn cảnh báo việc cúp điện có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước bất cứ lúc nào, sau đó nhà máy nước đã thanh minh xin lỗi vì gây lo lắng.

Tin đồn mất điện ở Bắc Kinh

VOA cho biết, gần đây Công ty Điện lực Bắc Kinh của Trung Quốc cũng đã đưa ra thông báo rằng một số khu vực ở Bắc Kinh sẽ mất điện từ ngày 27/9 – 8/10 do “bảo trì theo kế hoạch”, bao gồm các khu vực ở quận Triều Dương, Hải Định, Đồng Châu, Môn Đầu Câu, và Phòng Sơn. Thông báo này khiến người dân Bắc Kinh lo ngại tình trạng thiếu điện hoặc thậm chí cắt điện sẽ diễn ra ở cả Bắc Kinh.

Để trấn an dư luận, vào ngày 28//9 Công ty Điện lực Bắc Kinh đã ra tuyên bố khẩn nhấn mạnh rằng việc bảo trì thiết bị là công việc thường xuyên, nhu cầu điện của Bắc Kinh luôn được đáp ứng đầy đủ.

Liên lụy các nhà cung ứng của Apple và Tesla

Các thành phố lớn của Đông Bắc Trung Quốc có 13 triệu cư dân như Thẩm Dương và Đại Liên đã phải chịu nỗi khổ từ vấn đề cắt điện. Một số nhà cung ứng trong chuỗi dây chuyền của Apple và Tesla đặt tại hai thành phố này cũng phàn nàn họ bị ảnh hưởng bởi việc cắt điện. Cát Lâm là một trong hơn 10 tỉnh ở Trung Quốc đã phải thực hiện vấn đề cung cấp điện theo hạn ngạch.

Theo thông tin, trong những tháng gần đây ít nhất 17 tỉnh của Trung Quốc đã công bố một số biện pháp hạn chế dùng điện chủ yếu đối với ngành công nghiệp nặng, GDP của các khu vực phải chịu hạn chế điện này chiếm tới 66% của cả nước. Mức phụ thuộc của nền kinh tế Trung Quốc vào than đá để cung cấp năng lượng chiếm gần 60%.

Ông tỉnh trưởng tỉnh Cát Lâm cho biết vào ngày 27/9 rằng nguồn cung cấp than nên được đảm bảo thông qua nhiều kênh.

Thiếu điện nghiêm trọng gây ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế

Một báo cáo do ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đưa ra ngày 28/9, ước tính tình trạng thiếu điện hiện nay của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến 44% hoạt động công nghiệp và có thể khiến GDP trong quý III năm nay giảm 1 điểm phần trăm so với hàng năm, còn GDP quý IV năm nay giảm 2 điểm phần trăm so với hàng năm.

Goldman Sachs cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Trung Quốc từ mức trước đó dự tính là 8,2% xuống còn 7,8%.

Sau khi Nomura Securities hạ dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc trong năm nay từ mức 8,2% xuống 7,7%, hôm 27/9 đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc cho quý III và IV từ ban đầu là 5,1% và 4,4%, lần lượt giảm thành 4,7% và 3,0%.

Nomura Securities đã chỉ ra trong một báo cáo được công bố vào thứ Sáu tuần trước rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nhà sản xuất lớn nhất thế giới [Trung Quốc] sẽ chịu cơn bão thiếu điện lan rộng gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu; có thể ảnh hưởng nguồn cung hàng dệt may, đồ chơi và phụ tùng cơ khí toàn cầu.

Báo cáo mới nhất do Nomura Securities công bố ngày 27/9 chỉ ra rằng các biện pháp cắt giảm điện nghiêm ngặt được các thành phố kinh tế lớn như Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông áp dụng có thể khiến chỉ số quản lý mua hàng (PMI) được công bố gần đây giảm xuống dưới mức 50.

Kỷ lục mới về giá than

Theo một báo cáo do Morgan Stanley đưa ra ngày 27/9, các ngành công nghiệp của Trung Quốc gồm thép, nhôm và xi măng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ ​​các biện pháp cắt giảm nguồn điện. Năng lực sản xuất của ngành nhôm đã giảm 7%, trong khi ngành xi măng giảm sản lượng tới 29%. Báo cáo dự đoán rằng ngành công nghiệp giấy và thủy tinh cũng có thể bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến nguồn cung bị thắt chặt. Việc sản xuất hóa chất, thuốc nhuộm, đồ nội thất và khô dầu đậu nành cũng bị ảnh hưởng.

Reuters dẫn lời chuyên gia phân tích của Morgan Stanley cho rằng nếu vấn đề cung điện khiến việc cắt giảm sản xuất tiếp tục thì có thể khiến tăng trưởng GDP quý IV của Trung Quốc bị giảm 1 điểm phần trăm.

Thực trạng thiếu hụt nguồn cung than của Trung Quốc và sự gia tăng đơn đặt hàng của các nhà máy đã đẩy giá than của Trung Quốc lên mức cao mới. Ngày 28/9 giá than động lực (ZCM) của Trung Quốc khi giao hàng đã tăng 7%, đạt mức 1324 nhân dân tệ/tấn.

Phải mua than bằng mọi giá

Hôm 27/9, cơ quan đại diện cho các công ty cung cấp điện của Trung Quốc là Ủy ban Doanh nghiệp Điện lực Trung Quốc ra thông báo nêu rõ, để đảm bảo cung cấp điện và sưởi ấm vào mùa đông, các công ty cung cấp điện hiện đang “bằng mọi giá mở rộng kênh mua sắm”.

Ủy ban chỉ ra Trung Quốc cần tăng cường khai thác và cung cấp than trong khuôn khổ đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường, họ kêu gọi các công ty sưởi ấm và phát điện ký thêm các hợp đồng trung và dài hạn trong vấn đề mua than trước khi mùa đông đến để tăng lượng than dự trự trong các nhà máy điện.

Tuy nhiên Reuters dẫn lời chuyên gia cho rằng vấn đề tăng nhập khẩu than hiện nay đối với Trung Quốc là vấn đề không đơn giản.

Nhập khẩu than không dễ

“Trước tiên, Nga phải đáp ứng nhu cầu của châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc”, một thương nhân ở Đông Bắc Trung Quốc nói với Reuters. “Xuất khẩu than của Indonesia đã bị hạn chế bởi thời tiết mưa trong hai tháng qua, trong khi xuất khẩu than của Mông Cổ chủ yếu được vận chuyển bằng xe tải và khối lượng vận chuyển quá nhỏ”.

Còn nhà nghiên cứu chính sách năng lượng Trung Quốc tại công ty tư vấn chuyên về chiến lược năng lượng The Lantau Group, ông David Fishman nói với Reuters rằng tình trạng thiếu điện hiện nay chủ yếu là do hệ thống giá cả của Trung Quốc.

“Trong ngắn hạn, biện pháp giải cứu hợp lý duy nhất là đào thêm than từ lòng đất, nhưng đây chắc chắn là ý tưởng không được ưa chuộng; nếu không, người dùng đầu cuối buộc phải trả giá cao hơn cho lượng điện mà họ sử dụng”, David Fishman cho biết.

Vấn đề chính là thiếu nhiệt huyết phát điện?

Trước đó giới hoạch định chính sách đã cảnh báo, để đối phó với tình trạng thiếu điện thì từ năm 2021 – 2025 Trung Quốc cần xây dựng thêm các nhà máy điện than, nhưng vấn đề là thực tế hiện nay phụ tải hoạt động của các nhà máy điện không phải cao.

tuy nhiên trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, nhà nghiên cứu Lauri Myllyvirta tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch ở Helsinki (Phần Lan), cho biết rằng Đông Bắc Trung Quốc hiện có công suất điện than 100.000 megawatt, nếu nhà máy điện có thể được tự do mua thêm than thì sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện.

“Không một mạng lưới điện nào báo cáo rằng phụ tải đã đạt đến đỉnh điểm, vì vậy công suất phát điện hiện nay còn xa mới được tận dụng hết”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo VOA

Xem thêm: