Candice, làm nghề săn nhân sự, đã biết dịch bệnh virus viêm phổi Vũ Hán đang nhấn chìm Bắc Kinh cùng phần lớn Trung Quốc, và sẽ sớm ập đến thành phố Thẩm Quyến quê hương cô. Nhưng cô thà đối mặt với nó mà không dùng vắc-xin tăng cường, vì cô sợ tác dụng phụ có thể xảy ra của thuốc hơn là sợ virus, theo bài báo của Reuters 19/12.

IMG 6250 600x400 1
Cảnh tiêm vắc-xin ở Hà Nam Trung Quốc năm 2021. (Ảnh chụp màn hình video)

Người phụ nữ 28 tuổi này đã dùng hai liều CoronaVac của Sinovac vào năm ngoái, với hy vọng nó sẽ giúp việc đi lại dễ dàng hơn, nhưng kể từ đó, cô ngày càng hoài nghi hơn, và cô dẫn chứng qua các câu chuyện từ bạn bè về ảnh hưởng sức khỏe, và từ những cảnh báo tương tự trên các mạng xã hội.

“Tôi không tin nó,” cô nói, với điều kiện bài báo về cô chỉ được sử dụng tên Candice này. Cô cho biết cô đã từ chối tham gia các đợt triển khai vắc-xin gần đây do cộng đồng địa phương tổ chức.

Các học giả cho biết, có rất nhiều người ở khắp Trung Quốc cũng giống cô Candice đang do dự và không muốn dùng vắc-xin, điều này khiến Bắc Kinh ngày càng đau đầu khi cố gắng thuyết phục nhiều người hơn nữa dùng vắc-xin trong tình hình gia tăng đột biến các ca nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán trong những ngày qua.

Theo các công bố chính thức của chính phủ, tỷ lệ đã dùng vắc-xin của Trung Quốc là trên 90%, nhưng tỷ lệ dùng vắc-xin tăng cường chỉ còn 57,9% ở người lớn, và 42,3% đối với người từ 80 tuổi trở lên, dẫn đến Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IHME) của Mỹ dự đoán rằng nước này có khả rằng chứng kiến ​thêm hơn 1 triệu ca tử vong sau khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế như phong tỏa và xét nghiệm hàng loạt.

Vào tháng 9, một bài báo của một ấn phẩm thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) thừa nhận mức độ bao phủ của vắc-xin ở người lớn tuổi còn kém, và thiếu bác sĩ địa phương trong các đợt triển khai vắc-xin, cùng với hiểu biết y tế kém và thiếu bảo hiểm cho phản ứng phụ có thể xảy ra của vắc-xin.

“Đây là tình huống rất đặc biệt ở Trung Quốc, vì từng có một thời gian khá dài mọi người đã cảm thấy rất an toàn,” theo Stephanie Jean-Tsang, phó giáo sư tại Đại học Baptist Hồng Kông, người thường xuyên có các thông tin về sức khỏe.

“Mọi người nên hiểu đúng về rủi ro và lợi ích của vắc-xin. Người dân Hồng Kông, gồm cả người cao tuổi cũng cần thời gian để nhận thức điều này.”

Các nhà chức trách đã không bắt buộc dùng vắc-xin trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy công chúng sẽ phản đối bất kỳ động thái nào như vậy. Tuần trước, Trung Quốc cho biết sẽ bắt đầu triển khai vắc-xin lặp lại thứ hai, hoặc thứ tư, cho nhóm có nguy cơ cao và nhóm người trên 60 tuổi.

Các loại vắc-xin của nước ngoài không có mặt ở Trung Quốc Đại Lục cho công chúng. Hiện vẫn dựa vào các loại vắc-xin bất hoạt của Sinopharm, Coronavac của Sinovac, cùng các lựa chọn vắc-xin khác được phát triển trong nước để triển khai. Cũng chưa có phiên bản vắc-xin mRNA của riêng mình.

Kelly Lei, một bác sĩ ở thành phố Thẩm Quyến, miền nam Trung Quốc, cho biết rằng mặc dù cộng đồng y tế Trung Quốc nói chung không nghi ngờ về độ an toàn của vắc-xin Trung Quốc, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về hiệu quả của chúng so với các vắc-xin tương tự mRNA do nước ngoài sản xuất.

Vào cuối tháng 11, thẻ chủ đề #‘vắc-xin Sinovac giả’ đã tăng lên 5 triệu lượt xem trên nền tảng Weibo, với nhiều bài thảo luận về chứng nổi u cục và rụng tóc được cho là do vắc-xin sản xuất trong nước gây ra.

Cô Lei nói: “Ít nhất một nửa số bác sĩ và những người có học muốn dùng mRNA, và từ chối dùng vắc-xin của Trung Quốc.”

“Nhưng sau một thời gian, mọi người mất dần hy vọng, và thấy buộc phải dùng của Trung Quốc nên đành phải chấp nhận. Có bác sĩ bảo tôi, nói rằng đó cũng vô dụng thôi, phí tiền làm gì.”

Cô Lei cho biết nhiều bạn bè của mình đang muốn du lịch Ma Cao phần lãnh thổ của Trung Quốc gần nơi cô ở, và là nơi người Hoa Lục có thể nhận vắc-xin mRNA.

Du khách đến Ma Cao cho biết, nhu cầu đã tăng vọt trong những tuần gần đây khi nền tảng đặt lịch qua Internet nhận dùng vắc-xin cho thấy đầy hết lịch đặt trước cho đến ngày 21/1.

Hiện nay sau khi dỡ bỏ zero-COVID nghiêm ngặt nhất thế giới vào tuần trước, Trung Quốc hiện đang trải qua một làn sóng lây nhiễm trên khắp đất nước, khiến một số người cảm thấy tuyệt vọng khi không thể đến Ma Cao hoặc nước ngoài để tìm giải pháp thay thế vắc-xin Trung Quốc.

“Ở Quảng Châu… mọi thứ bắt đầu trở nên có phần bất ổn. Ít nhất mọi người cũng muốn có thứ gì đó để bảo vệ,” cô Lei nói.

Thiên Đức, theo Reuters.