Một blogger Trung Quốc tỏ ý nghi ngờ về bản thống kê số tử vong của chính phủ trong cuộc đụng độ chết người ở biên giới mùa hè năm ngoái với Ấn Độ đã bị kết án 8 tháng tù giam.

Screen Shot 2021 06 02 at 11.31.32 AM 1
Blogger Qiu Ziming (giữa) trong buổi tuyên án của mình tại Tòa án nhân dân quận Jianye ở Nam Kinh, Giang Tô, Trung Quốc, vào ngày 31 tháng 5 năm 2021. (Ảnh: Tòa án quận Jianye)

Qiu Ziming, 38 tuổi, trở thành người đầu tiên bị truy tố và kết án theo luật mới “cấm bôi nhọ các anh hùng và liệt sĩ Trung Quốc.” Bản án và hình phạt đã được Tòa án nhân dân quận Jianye ở Nam Kinh, Giang Tô, công bố hôm thứ Hai.

Qiu, một cựu nhà báo điều tra có lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội, đã bị bắt vào ngày 19/2 sau khi anh nêu lên những nghi ngờ về số người chết chính thức trong cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan vào tháng 6 năm ngoái. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết 4 binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân đã chết và người thứ năm bị thương nặng trong cuộc giao tranh dọc theo Ranh giới kiểm soát thực tế, nhưng Qiu cho rằng con số tổn thất phải nhiều hơn.

Anh đã bị bắt và chính thức bị truy tố vào ngày 1/3, cùng ngày một sửa đổi luật hình sự của Trung Quốc có hiệu lực, cho phép các tòa án tuyên phạt những ai phỉ báng các liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh của đất nước với bản án có thể lên tới ba năm tù giam.

Một tuyên bố của tòa án quận cho biết blogger này đã nhận tội và thừa nhận đã thực hiện hai bài đăng phỉ báng vào lúc 10:29 và 10:46 sáng theo giờ địa phương vào ngày xảy ra vụ việc.

Qiu đã “xuyên tạc những việc làm của những người lính biên cương anh hùng”“bôi nhọ tinh thần anh hùng, danh tiếng và danh dự của họ”, bản thông báo của Tòa viết. Tòa án nhận thấy các bài đăng của anh “kích động sự phẫn nộ của công chúng và có ảnh hưởng xấu đến xã hội.”

Theo tuyên bố trên, Qiu đã thú nhận tội trạng của mình và hứa sẽ không bao giờ tái phạm. Lời nhận tội của anh và việc anh chấp nhận hình phạt đã khiến anh nhận được khoan hồng. 

Anh bị tuyên án 8 tháng và phải xin lỗi công khai thông qua một trang web lớn hoặc các phương tiện truyền thông quốc gia trong vòng 10 ngày kể từ ngày tuyên án.

Sau cuộc đụng độ biên giới vào mùa hè năm ngoái trên dãy Himalaya, chính phủ Ấn Độ cho biết 20 binh sĩ của họ đã thiệt mạng và 76 người bị thương. Trung Quốc không công bố số thương vong mãi cho đến 8 tháng sau.

Qiu đã viết trên trang Weibo của mình có tên “Labixiaoqiu” rằng: “Tất cả bốn người lính thiệt mạng khi đang cố gắng giải cứu [người sĩ quan]. Nếu chính những người giải cứu này đã chết, thì chắc chắn phải có nhiều người khác không thể được cứu nữa.”

“Điều này cho thấy rằng phải có hơn bốn người chết”, anh nói thêm.

Qiu nằm trong số sáu người trên khắp Trung Quốc bị bắt vì nhận xét tương tự. Chính quyền địa phương cũng đang truy bắt một người thứ bảy, được xác định là một thiếu niên sống ở nước ngoài.

Trang Weibo có 2,5 triệu người theo dõi của Qiu đã khiến anh trở thành cá nhân bị tuyên án nặng nhất trong nhóm. Những người phạm tội khác chỉ bị tuyên các mức án nhẹ hơn, tính bằng ngày hoặc tuần.

Sau khi Qiu bị bắt, Weibo, mạng xã hội có hơn 550 triệu người dùng hàng tháng, cho biết họ sẽ tạm ngưng tài khoản chính của blogger trong một năm. Trang web cũng sẽ xóa tài khoản liên kết có tên “Qiuyexing” của anh trong cùng khoảng thời gian.

Cựu nhà báo đã xin lỗi công khai một lần khi bị giam giữ. Vào ngày công bố bản án, một đoạn video được phát sóng trên mục tin tức giờ chính của CCTV, Xinwen Lianbo, cho thấy Qiu nhận tội với hai công tố viên bên trong đồn cảnh sát.

“Tôi cảm thấy rất có lỗi và rất hối hận về hành động của mình”, người ta nghe thấy câu nói của anh từ sau song sắt.

Tiến Minh (theo Newsweek)

Xem thêm: