Thị trường giáo dục ngoài giờ học ở Trung Quốc đã bị tác động lớn sau khi lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình chỉ trích các cơ sở đào tạo ngoài giờ học vì lợi nhuận ở Trung Quốc trong kỳ họp “Lưỡng hội” vừa qua.

Embed from Getty Images

ĐCSTQ muốn tiến đến “tẩy não hoàn toàn” học sinh sinh viên (Ảnh: Getty Images)

Hai cuộc họp chính trị thường niên quan trọng trong năm của Trung Quốc, thường được gọi là “Lưỡng hội” đã diễn ra từ ngày 4/3 đến ngày 10/3, đó là các cuộc họp của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) và Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC). 

Theo Tân Hoa xã, tại phiên họp thứ tư của Ủy ban Quốc gia khóa 13 của CPPCC ở Bắc Kinh vào ngày 6/3 năm 2021, ông Tập Cận Bình cho biết cần có một hệ thống dịch vụ giáo dục công cơ bản đảm bảo cân bằng và chất lượng cao 

Ngày 8/3, ông Ni Minjing, Phó giám đốc Ủy ban Giáo dục Thành phố Thượng Hải, đã tham gia một cuộc thảo luận về “lệnh cấm hoàn toàn đối với các cơ sở đào tạo ngoài giờ học” trong một chương trình truyền hình trực tiếp của “Lưỡng hội”.

Ngay sau đó, các tài liệu chính thức được phát hành trên mạng, do chính quyền của quận Triều Dương, quận Trường Bình và quận Hải Điến tại thủ đô Bắc Kinh ban hành, cho thấy việc giám sát kỹ lưỡng và cấm các cơ sở giáo dục ngoài giờ học, nhằm vào các học viện dạy ngoại ngữ, các môn học tiểu học và các khóa thi tuyển sinh đại học.

Và điều này không chỉ giới hạn tại Bắc Kinh.

Bà Zhang, một người điều hành một trường tư thục ở Thượng Hải, nói với RFA rằng hầu hết tất cả các cơ sở đào tạo ngoài giờ học ở Bắc Kinh, Thượng Hải và thậm chí trên toàn quốc gần đây đã bị buộc ngừng hoạt động.

“Điều này trước đây chưa từng diễn ra,” bà cho biết.

Khi thị trường chứng khoán NYSE đóng cửa lúc 4:00 chiều ngày 10/3, cổ phiếu của các cơ sở đào tạo ngoài giờ học tại Trung Quốc như TAL Education Group, GSX Techedu Inc và New Oriental Education & Techno đã giảm lần lượt 11,64%, 8,59% và 14,08%.

Ủy ban Giáo dục thành phố Bắc Kinh đã bác bỏ lệnh cấm hoàn toàn đối với các cơ sở đào tạo ngoài giờ học hôm 12/3 thông qua một bài đăng công khai trên kênh WeChat chính thức của họ, biện minh rằng quy định đóng cửa để kiểm soát tình hình đại dịch, thêm vào đó là tình trạng quảng cáo sai sự thật và chất lượng giảng dạy thấp kém.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc cấm các chương trình đào tạo ngoài giờ học này là một trong những điểm chính yếu nhằm thúc đẩy nỗ lực tẩy não giới học sinh, sinh viên của chính quyền cộng sản.

Một chuyên gia về Trung Quốc, ông Xue Chi nói với The Epoch Times rằng mặc dù có rất nhiều thay đổi trong ngành giáo dục ngoài giờ học của Trung Quốc, nhưng việc đóng cửa toàn bộ như vậy là rất hiếm. Động thái này cho thấy một động cơ chính trị tiềm ẩn, rất có thể là nhằm “tẩy não hoàn toàn” giới học sinh sinh viên.

“ĐCSTQ coi hệ tư tưởng và giáo dục là một ‘chiến trường về hệ tư tưởng’ mang tính chiến lược.… Việc đào tạo ngoài giờ học thường có một số điểm đặc biệt, chẳng hạn như hướng đến mong muốn của sinh viên trong việc trau dồi kiến thức và nêu cao ý thức công lý. Mà ĐCSTQ đặc biệt cảnh giác với những điều này,” ông Xue nhận định.

Ông còn đề cập đến thuật ngữ “Bảy điều không được nói” trong hệ thống giáo dục của ĐCSTQ. “Không ai được phép nói về các giá trị phổ quát, tự do báo chí, xã hội dân sự, quyền công dân, những sai lầm trong quá khứ của đảng cộng sản, giai cấp tư bản đặc quyền và độc lập tư pháp.”

Năm 2019, Bộ Giáo dục của ĐCSTQ đã yêu cầu ngừng bốn kỳ thi chương trình nâng cao ở Trung Quốc Đại lục bắt đầu từ năm 2020, bao gồm các môn Lịch sử Hoa Kỳ, Lịch sử Thế giới, Lịch sử Châu Âu và Địa lý Nhân văn. Các khóa học này vốn được thiết kế để giúp học sinh trung học giảm bớt khối lượng bài tập và thích ứng tốt hơn với các trường đại học Hoa Kỳ.

Năm 2018, Bộ Giáo dục yêu cầu các sở và ban ngành địa phương rà soát kỹ sách giáo khoa của các trường tiểu học, trung học cơ sở và cấm sách giáo khoa/giáo trình do nhà trường tự tuyển chọn cũng như sách giáo khoa nước ngoài.

Ông Xue cho biết, động cơ này của ĐCSTQ về cơ bản bắt nguồn từ sự cảnh giác và từ chối các giá trị phương Tây, đặc biệt là của Hoa Kỳ. Ông mô tả những người điều hành các cơ sở đào tạo ngoài giờ học mà không chịu sự giám sát của chính quyền là “không khác gì tấn công vào bức tường lửa ý thức hệ của ĐCSTQ”.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: