Cơ quan giám sát Internet của Trung Quốc đã công bố danh sách cập nhật về các hãng tin tức được chính phủ phê duyệt, cung cấp cho các nền tảng Internet của quốc gia này một danh mục đầy đủ các nguồn tin mà họ được phép đăng tải lại. Đây là một động thái mới nhất trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách tăng cường kiểm soát nội dung trực tuyến.

Embed from Getty Images

Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết, các nhà cung cấp tin tức trực tuyến phải bám sát các nguồn tin được phê duyệt chính thức, nếu không sẽ “bị phạt theo luật và quy định”.

Hiện tại danh sách các nguồn tin được phê duyệt đã lên đến con số 1.358, dài hơn gần 4 lần so với phiên bản trước đó được công bố vào năm 2016, theo CAC.

Thông báo nêu rõ, các hãng tin tức được chấp thuận đều là những hãng “tuân thủ các chỉ dẫn chính trị, ý kiến ​​công chúng và định hướng giá trị đúng đắn”, được quản lý chặt chẽ, mang tính đại diện và có tầm ảnh hưởng.

CAC còn cho hay, để “thích ứng với hoàn cảnh mới, những thay đổi mới và nhu cầu mới” về cách thức thông tin được lan truyền trực tuyến, danh sách này đã được cập nhật để “làm phong phú thêm nguồn cung cấp thông tin tin tức trực tuyến”. Thông qua việc quản lý các nguồn đã được phê duyệt, CAC khẳng định mục đích của họ là nhằm đảm bảo Internet “tràn đầy năng lượng tích cực” và cùng theo một “giai điệu chính”.

Danh sách này bao gồm một loạt các phương tiện truyền thông thuộc sở hữu nhà nước, các cơ quan truyền thông quốc gia như Tân Hoa Xã, Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhân dân Nhật báo, trang web của các cơ quan chính phủ, cùng nhiều hãng tin tức địa phương khác. Trang web chính thức và tài khoản mạng xã hội của họ đều được liệt kê.

Hình phạt cho việc xuất bản lại các nguồn trái phép vẫn được giữ nguyên. Theo quy định của CAC ban hành năm 2017, các trường hợp vi phạm quy định có thể bị cảnh cáo, phạt tiền lên đến 30.000 nhân dân tệ (4.690 USD) hoặc bị phạt hình sự.

Bắc Kinh vẫn luôn kiểm soát chặt chẽ các hãng truyền thông tin tức, thường xuyên điều chỉnh các quy tắc kiểm duyệt nghiêm ngặt cho phù hợp với sự gia tăng của các phương tiện truyền thông trực tuyến. Đáng chú ý, chính quyền trung ương gần đây đã tăng cường các chiến dịch nhằm truy quét nội dung bị coi là gây hại trên Internet, ngay trước kỳ Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ.

Tháng trước, ĐCSTQ và Quốc vụ viện đã công bố một bộ hướng dẫn nội bộ nhằm xây dựng “văn minh không gian mạng”, kêu gọi các cấp chính quyền đưa tư tưởng, văn hóa, chuẩn mực đạo đức và hành vi trực tuyến vào tầm kiểm soát, theo một bản tóm tắt do Tân Hoa xã công bố.

Bắc Kinh cũng đã tăng cường gây sức ép lên các nhà báo trong năm nay, nổi bật nhất là chiến dịch hồi tháng 2 nhằm vào các tài khoản công khai trên mạng xã hội và chiến dịch dẹp “tin tức giả” liên quan đến chính sách tài chính và kinh tế hồi tháng 8.

Đầu tháng này, một văn bản dự thảo từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, đã nhắc lại lệnh cấm doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư các hãng tin tức. Tài liệu nhấn mạnh: Nguồn vốn tư nhân “sẽ không được dùng để đầu tư, thành lập hoặc vận hành các cơ quan thông tấn, báo chí, nhà xuất bản hoặc đài phát thanh hoặc truyền hình”.

Minh Ngọc (Theo SCMP)

Xem thêm: