Gần đây, phần mềm liên lạc được mã hóa đã trở thành mục tiêu trấn áp mới của cảnh sát ĐCSTQ. Vài ngày trước, cảnh sát nhiều nơi ở Trung Quốc đã phát thông báo yêu cầu phụ huynh kiểm tra xem có cài “phần mềm trò chuyện bí mật” như Telegram trong điện thoại di động của con cái họ hay không.

shutterstock 1338120284
(Ảnh minh họa: Rawpixel.com/ Shutterstock)

Theo The Paper, cảnh sát nhiều nơi như Nam Kinh, Giang Tô, Phúc Châu, Phúc Kiến, Lan Châu, Cam Túc, Quảng Tây, Sơn Tây, mới đây đã đưa ra thông báo yêu cầu các phụ huynh kiểm tra xem điện thoại di động của con cái họ có cài phần mềm trò chuyện bí mật MCat, Telegram, BatChat, Shimida và Haiouchat, v.v. Nếu phát hiện thấy những ứng dụng này, thì nên lập tức gỡ cài đặt. Một số địa phương còn liệt kê “danh sách đen” bao gồm cả WhatsApp, Twitter, v.v.

Các phần mềm được điểm tên này đã đóng một vai trò lớn trong “phong trào sách trắng” vào cuối năm ngoái.

Trước đó, tài khoản WeChat chính thức của Cục Công an thành phố Nam Kinh đưa ra một thông báo hôm 16/5, tuyên bố rằng phần mềm trò chuyện bí mật “tạo sự thuận tiện cho tội phạm tiêu hủy bằng chứng tội phạm” vì tính riêng tư mạnh mẽ của giao tiếp được mã hóa, đặc biệt là “chức năng tự xóa ngay sau đọc”, từ đó khiến cho các phần mềm trò chuyện bí mật này trở thành “vùng xám” kiểm soát.

Cục Công an thành phố Nam Kinh cũng tuyên bố rằng, hiện nay “các phần tử tội phạm” hiện đang chuyển máy chủ từ trong nước ra nước ngoài, thay đổi công cụ liên lạc từ phần mềm phổ biến sang phần mềm trò chuyện bí mật ở nước ngoài hoặc phần mềm trò chuyện không phổ biến ở trong nước, thay đổi thiết bị tội phạm từ “trạm cơ sở giả” truyền thống sang sử dụng Modem pool, GOIP, SIMBOX, VoIP, v.v., loại “tội phạm lừa đảo mạng viễn thông” sử dụng không gian mới và thiết bị mới này có tính kỹ thuật rất mạnh, điều này “làm tăng khó khăn cho việc điều tra và xử lý các vụ án”.

Cục Công an thành phố Nam Kinh cũng cảnh báo rằng “phần tử tội phạm” đã lừa trẻ vị thành niên cung cấp thông tin cá nhân và các nội dung khác trên phần mềm trò chuyện bí mật, khiến họ trở thành đồng phạm của các hành vi phạm pháp, phạm tội, thậm chí vô tình “giúp đỡ hoạt động phạm tội viễn thông”. Người vi phạm nghiêm trọng có thể bị phạt tù có thời hạn không quá 3 năm, hoặc giam giữ ngắn hạn và phạt tiền.

Luật pháp Trung Quốc quy định về tội “giúp đỡ hoạt động phạm tội viễn thông”: Bất cứ ai cố ý cung cấp hỗ trợ kỹ thuật như truy cập Internet, lưu trữ máy chủ, lưu trữ mạng và truyền thông tin liên lạc hoặc hỗ trợ quảng cáo, thanh toán, v.v, tình tiết nghiêm trọng, sẽ bị phạt từ từ 3 năm tù trở xuống. Sau đó, hình phạt tù có thời hạn hoặc tạm giam, áp dụng phạt tiền đồng thời hoặc chỉ áp dụng riêng phạt tiền.

Cho đến nay, cảnh sát nhiều nơi như thành phố Phúc Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến, thành phố Đạt Châu thuộc tỉnh Tứ Xuyên, quận Hải Nam thuộc tỉnh Thanh Hải, thành phố Hà Châu thuộc tỉnh Quảng Tây, thành phố Thông Liêu thuộc Nội Mông và thành phố Lan Châu thuộc tỉnh Cam Túc, đã đưa ra các thông báo tương tự. Thông báo ở một số nơi còn khuyến cáo các bậc phụ huynh nếu phát hiện con mình cài đặt các phần mềm nêu trên thì phải đưa trẻ đến cơ quan công an nơi gần nhất để điều tra xem trẻ có phạm tội hay không.

Cư dân mạng Trung Quốc cho rằng sở dĩ cảnh sát có động thái này là do phần mềm chat ở nước ngoài khó theo dõi, kỳ thực mục đích chính là kiểm soát ngôn luận. Cũng có cư dân mạng nói, “Có thể hiểu và sử dụng những thứ này, bạn không cần phải lo lắng việc bị tẩy não”; “Nên hỏi là trấn áp tội phạm chính xác khó lắm sao? Không bắt được tội phạm, nên lấy phần mềm liên lạc vô tội để khai đao?”