Để bảo đảm việc nhồi nhét tư tưởng cho học sinh “đúng cách”, chính quyền Trung Quốc đã điều tra và trừng phạt các giáo viên có đức tin để không một từ ngữ nào liên quan tới tín ngưỡng lọt vào trong lớp học, tạp chí nhân quyền tại Ý với nguồn tin sơ cấp tại Trung Quốc, tờ Bitter Winter đưa tin.

Một giáo viên mẫu giáo, là một giáo dân thuộc nhà thờ Công giáo do nhà nước quản lý, đã kể với Bitter Winter rằng từ lâu cô không dám đến nhà thờ vì áp lực từ ban quản lý trường mầm non nơi cô làm việc. Kể từ tháng 10/2019, họ bắt đầu đe dọa và ép cô từ bỏ đức tin, đồng thời liên tục chỉ trích cô trong các cuộc họp, ví dụ họ sẽ nói “một số giáo viên vẫn tiếp tục tin vào tôn giáo trong khi chính Đảng cộng sản đang cho họ miếng ăn.”

“Nhà nước trở nên khắt khe và chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát hệ tư tưởng của người dân, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục”, cô giáo này chia sẻ, “Nếu giáo viên có đức tin, thay vì chỉ đi theo Đảng, thì việc này sẽ trở thành một vấn đề chính trị đối với chính quyền.”

TQ: Giáo viên tín ngưỡng Kitô giáo bị đe dọa và trở thành con tốt chính trị
Giáo viên và học sinh ở thành phố Hòa Điền tại Tân Cương cam kết trung thành với Đảng Cộng sản.

Hiệu trưởng trường mầm non cũng cảnh báo cô rằng, bởi vì đức tin của cô mà chính quyền có thể sẽ rút lại số tiền thưởng vài triệu nhân dân tệ vốn đã được trao cho chính quyền quận nơi quản lý ngôi trường cô công tác. Những phần thưởng như vậy thường liên quan đến những ưu đãi tài chính đáng kể, được trao tặng cho cái gọi là các cộng đồng “văn minh” – nơi kinh tế phát triển và không có tôn giáo. Vị giáo viên này nói thêm: “Tôi được biết rằng một quận khác đã bị thu hồi các giải thưởng ‘văn minh’ vì một nhóm kiểm tra đã phát hiện hai học sinh tiểu học hát những bài Thánh ca Công giáo.”

“Giáo viên được yêu cầu dạy cho trẻ em tư tưởng yêu nước, làm cho các em tin tưởng và ca ngợi Đảng. Cả đất nước phải thấm nhuần lòng yêu nước. Hơn nữa, các trường đã phân công nhân viên đặc biệt để theo dõi và báo cáo về giáo viên và học sinh có tín ngưỡng. Họ bị yêu cầu phải từ bỏ đức tin, và một số trở thành mục tiêu theo dõi, vì chính quyền lo ngại rằng họ sẽ phát triển ‘ảnh hưởng phản cách mạng’, thông đồng với thế lực ngoại quốc, và gây rối loạn.”

Sau khi ông Tập Cận Bình nhấn mạnh trong một hội nghị giáo dục quốc gia vào ngày 10/9/2018, rằng nhiệm vụ cơ bản của giáo dục là đào tạo những người xây dựng và kế thừa chủ nghĩa xã hội, thì áp lực đối với giáo viên về truyền bá tư tưởng cho học sinh tăng lên đáng kể.

TQ: Giáo viên tín ngưỡng Kitô giáo bị đe dọa và trở thành con tốt chính trị
Giáo viên mẫu giáo đang học bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Vào tháng 6/2019, một trường tiểu học ở tỉnh Hắc Long Giang đã đe dọa sa thải một giáo viên sau khi phát hiện ra rằng cô đã thuyết giảng trong một nhà thờ Kitô giáo tại gia. Cô bị yêu cầu ngừng thuyết giảng, nếu không chính quyền sẽ trừng trị toàn bộ trường học.

Vào tháng 8/2019, nhà chức trách đã điều tra một giáo viên mẫu giáo ở Thẩm Dươn, bởi vì cô là một người theo đạo Tin lành. Cô đã bị buộc thôi việc.

Vào tháng 11/2019, Chen Qiufa, Bí thư Đảng ủy tỉnh Liêu Ninh, đã yêu cầu trấn áp “những ảnh hưởng tôn giáo” của Hồi giáo đối với giáo viên và học sinh tại một cuộc họp cho các đảng viên và các quan chức chính quyền tỉnh.

Vào tháng 12, tại một buổi huấn luyện các Đảng viên địa phương ở thành phố An Sơn tỉnh Liêu Ninh, những người tham gia được yêu cầu thực hiện ‘bốn điều tra’ – xem xét kỹ lưỡng các trường học, giáo viên, học sinh và hành động của họ – để đảm bảo rằng không có Đảng viên, giáo viên và học sinh nào của trường mẫu giáo, tiểu học hoặc trung học có tín ngưỡng.

Các biện pháp tương tự đã được thực hiện vào cuối năm ngoái tại nhiều quận và thành phố thuộc tỉnh Hắc Long Giang và khu tự trị Nội Mông.

Một giáo viên tại một tỉnh phía đông Sơn Đông nói với Bitter Winter rằng tháng 7 năm ngoái, các sở giáo dục địa phương đã thực hiện những cuộc điều tra nhằm vào các giáo viên trung học mới được tuyển dụng. Trọng tâm chính là tìm hiểu xem họ có tín ngưỡng hay không và có ủng hộ Đảng Cộng sản hay không. Việc thu thập thông tin về các giáo viên và các thành viên trong gia đình họ được thực hiện bí mật, không trực tiếp trao đổi với các giáo viên, mà bằng cách nói chuyện với không dưới 5 người ở nơi làm việc, cộng đồng cư dân và trường học nơi các giáo viên công tác.

Để đảm bảo rằng trẻ em không tiếp xúc với tôn giáo, ĐCSTQ thay đổi các tác phẩm văn học kinh điển, ngôn ngữ và sách giáo khoa lịch sử. Nó cũng cấm giáo viên sử dụng bất kỳ thuật ngữ tôn giáo hoặc đeo biểu tượng tôn giáo trong lớp học.

Một phụ huynh học sinh từ thành phố Hắc Long Giang ở Mẫu Đơn Giang tiết lộ với Bitter Winter rằng vào tháng 11/2019, trường đã phân phát phiếu khảo sát cho học sinh để xác định xem giáo viên có sử dụng thuật ngữ tôn giáo trong khi giảng dạy hay không.

Theo một giáo viên trung học từ Sơn Đông, tại một cuộc họp nhân viên tổ chức vào tháng 10/2019, hiệu trưởng trường trung học đã cấm tất cả các giáo viên được phép có tín ngưỡng, đeo trang sức có biểu tượng tôn giáo và giữ các vật phẩm liên quan đến tôn giáo trên bàn của họ. Các giáo viên cũng bị áp lực phải thúc giục các thành viên gia đình có tôn giáo phải từ bỏ đức tin, nếu không công việc của họ tại trường sẽ bị ảnh hưởng.

Han Sheng, tạp chí nhân quyền Bitter Winter (Bitterwinter.org)
Minh Nhật biên dịch

Xem thêm: