Tại Trung Quốc, dịch bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’ do virus corona chủng mới (COVID-19) đang tiếp tục lây lan rộng. Tuy nhiên, để nền kinh tế không bị suy thoái sụp đổ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn cả nước phải trở lại công việc khiến gần đây lại xảy ra những trường hợp nhiễm bệnh tập thể. Chỉ đạo của ông Tập Cận Bình đang gặp nhiều khó khăn vì giới quan viên vẫn chưa hết lo ngại dịch bệnh và toàn xã hội vẫn đang trong trạng thái “ngủ đông”.

Quan chuc TQ
Bí thư đương nhiệm Lưu Kỳ của tỉnh Giang Tây, từng là thuộc cấp trực tiếp của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình (Nguồn: internet).

Dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán vẫn ngoài tầm kiểm soát, nhưng dưới áp lực kinh tế khiến chính quyền ĐCSTQ đã yêu cầu các nơi phải trở lại công việc bình thường. Tuy nhiên sau khi nối lại công việc, đã xảy ra tình trạng nhiễm COVID-19 theo cụm tại một số doanh nghiệp trên các địa bàn khác nhau. Trường hợp mới nhất là tại Công ty TNHH Công nghiệp Titan thép Trùng Khánh (Công nghiệp Titan Trùng Khánh) của Tập đoàn Gang thép nhà nước Trung Quốc đã chẩn đoán ít nhất 3 người bị nhiễm COVID-19, lập tức công ty đã buộc phải ngừng sản xuất hoàn toàn, phong tỏa toàn bộ tòa nhà và cách ly hơn 100 nhân viên.

Theo báo mạng Caixin của nhà nước Trung Quốc, sau khi bùng phát nhiễm COVID-19 tập thể, Công nghiệp Titan Trùng Khánh hiện đã ngừng hoạt động, tòa nhà đã bị phong tỏa và cho cách ly hơn 100 nhân viên. Một khách sạn ở quận Ba Nam thành phố Trùng Khánh cho biết nhân viên của Công nghiệp Titan Trùng Khánh đã bị cho cách ly tại khách sạn.

Nhưng đây không phải trường hợp cá biệt. Có nguồn tin cho biết đã xảy ra hiện tượng tương tự tại một số công ty ở Quảng Châu, Trùng Khánh, Bắc Kinh, Tô Châu… sau khi trở lại công việc,  khiến hàng ngàn người phải cách ly. Trong đó, có nhân viên bị chẩn đoán mắc COVID-19 tại tòa tháp phía đông quảng trường Thiên Doanh (Tianying Square) thuộc khu tòa nhà thương mại nổi tiếng ở Quảng Châu, khiến hai công ty liên quan phải ngừng hoạt động và bị cách ly.

Không lâu trước đó, với sự gia tăng của dịch COVID-19 khiến hơn 80 thành phố trên toàn Trung Quốc bị “phong tỏa”, làm giới doanh nghiệp Trung Quốc Đại Lục về cơ bản rơi vào tình trạng ngừng hoạt động.

Reuters từng đưa tin, vào ngày 3/2, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã cảnh báo trước Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ rằng không nên vì kiểm soát dịch bệnh mà áp dụng các biện pháp quá mức làm thiệt hại cho nền kinh tế. Ông Tập cũng chỉ ra một số biện pháp bế quan tỏa cảng là không thực tế, cũng gieo rắc nỗi sợ hãi trong xã hội.

Sau đó, vào ngày 12/2, ĐCSTQ đã chính thức yêu cầu các địa phương phải trở lại công việc bình thường để thúc đẩy hoạt động sản xuất. Nhưng bất chấp yêu cầu của ông Tập, vì lo ngại trước tình trạng dịch bệnh vẫn hoành hành nên không ai chịu lắng nghe. Nhiều quan chức đặt câu hỏi làm thế nào để trở lại công việc khi xe khách không chạy, cửa hàng buôn bán đóng cửa, các khu phố còn phong tỏa, và các biện pháp kiểm soát vẫn đang thực thi?

Công tác tuyên truyền kêu gọi từng bước trở lại công việc thường ngày cũng được đẩy mạnh tại Bắc Kinh trong những ngày gần đây. Trong bản tin thời sự tối 30 phút của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) vào tối ngày 16/2,  đã dành 15 phút để thông tin về hoạt động trở lại làm việc ở nhiều nơi khác nhau.

Các tổ chức truyền thông ĐCSTQ đã tuyên bố phải làm sao giành được chiến thắng “phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh” mà vẫn đảm bảo “phát triển kinh tế”. Đồng thời, Chính phủ ĐCSTQ cũng tuyên bố các địa bàn phải giải phóng dần các nút giao thông bị phong tỏa, và bắt đầu từ 12 giờ khuya ngày 17/2  sẽ tạm ngừng thu phí lưu thông xe cộ trên toàn Trung Quốc. Động thái này rõ ràng là cách để khôi phục công việc trên cả nước. Nhưng sau đó đã xuất hiện nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 tập thể.

Trong lúc lời kêu gọi của ông Tập rơi vào thế bặt vô âm tín, các quan chức ở nhiều nơi đang đau đầu nghĩ cách làm sao để cân đối giữa phòng ngừa dịch bệnh và duy trì tăng trưởng kinh tế. Theo The Paper của nhà nước Trung Quốc, tỉnh Giang Tây là tỉnh đi đầu đáp lại lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình, ngay đêm muộn ngày 16 đã ban lệnh cho phép mọi người trở lại làm việc bình thường mà không cần phải cung cấp giấy chứng nhận sức khỏe.

Bí thư của tỉnh Giang Tây là Lưu Kỳ, từng là cán bộ của ông Tập trong thời gian ông Tập làm Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang, họ đã có thời gian 5 năm phối hợp công tác. Năm 2016, ông Lưu Kỳ trở thành Phó Bí thư Tỉnh ủy Giang Tây, tháng 3/2018 được thăng chức Bí thư kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Giang Tây.

Từng có tin lưu truyền vào thời điểm năm 2018 khi ông Tập bị “ép cung” tại Hội nghị Bắc Đới Hà, lãnh đạo Lưu Kỳ của tỉnh Giang Tây đã tuyên bố trong Hội nghị Ban Thường vụ của tỉnh vào ngày 23/7/2018 rằng phải kiên quyết duy trì quyền lực “hạt nhân” của Tập Cận Bình. Đây là trường hợp quan chức cấp tỉnh đầu tiên tuyên bố như vậy, trước đó người có tuyên bố này là ông Lật Chiến Thư trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ.

Tuyết Mai

Xem thêm: